Chu Vĩnh Khang có thể bị giam tại nhà tù sang trọng bậc nhất Trung Quốc
Nằm ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, nhà tù Qincheng là nơi giam giữ một số cựu lãnh đạo quyền lực bị “ngã ngựa” của Trung Quốc.
Một nhân viên bảo vệ ngăn cản trở chụp ảnh tại cổng nhà tù Qincheng ở ngoại ô Bắc Kinh.
Nhà tù Qincheng, nằm tại quận Xương Bình ở ngoại ô Bắc Kinh, được canh gác rất nhiêm ngặt, nơi vài cựu quan chức cấp cao đang thụ án. Tù nhân tiếng tăm nhất cùa nhà tù này cho tới nay là Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh từng bị kết án về tội tham nhũng.
Giờ đây, dường như ông Bạc sẽ sớm hối nghộ với Chu Vĩnh Khang, cựu giám đốc công an, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.
Hồi tuần trước, giới chức Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra ông Chu, 71 tuổi, vì các cáo buộc tham nhũng khi ông còn điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
CNPC đã trở thành “điểm nóng” tham nhũng sau khi cựu chủ tịch của tập đoàn này là Tưởng Khiết Mẫn bị khai trừ khỏi đảng hồi tháng trước vì các cáo buộc tham nhũng.
Các cáo buộc nhằm vào ông Chu, chính trị gia cấp cao nhất từng bị điều tra tại Trung Quốc, đã gây xôn xao báo chí thế giới. Vụ việc cũng gây bất ngờ cho nhiều người tại Trung Quốc, vốn nghi ngờ rằng liệu Chủ tịch Tập Cận Bình – người đã phát động cuộc truy quét tham nhũng khi lên năm quyền hồi tháng 3 năm ngoái – có đủ sự kiên cường chính trị để truy tố ông Chu hay không.
Ông Tập đã nhận được sự ủng hộ từ những người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân để điều tra ông Chu.
Bản chất ồn ào của vụ việc đồng nghĩa với việc nhiều khả năng ông Chu sẽ ngồi tù tại nhà tù Qincheng, nơi ông sẽ bị cách ly do thân thế và vị trí của ông.
Nhà tù Qincheng được cho là giống một nhà khách quốc gia sang trọng hơn là một nhà tù và hiện có ít nhất 100 quan chức bị kết án về tội tham nhũng đang thụ án tại đây.
Video đang HOT
Ông Chu Vĩnh Khang nhiều khả năng sẽ bị giam tại nhà tù Qincheng.
Người vợ cũ của lãnh đạo Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh, từng bị giam tại nhà tù Qincheng trước khi tự sát.
He Diankui, 80 tuổi, một cựu giám sát viên tại nhà tù, cho hay là nhà tù này rất sang trọng, đặc biệt khi so sánh với các điều kiện sống thông thường trên khắp Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa.
Cũng tại nhà tù Qincheng, ông He lần đầu tiên nhìn thấy và được thử món súp vây cá mập, một món ăn đắt đỏ thường xuất hiện tại các nhà hàng sang trọng ở Trung Quốc.
“Có các nhà vệ sinh riêng biệt được trải thảm và các giường sofa. Khi tôi còn làm việc ở đó, các bữa ăn tại nhà tù do một đầu bếp tại Khách sạn Bắc Kinh, chuẩn bị”, ông He cho biết.
“Các tù nhân được uống sữa, ăn súp và 2 món khác cho bữa trưa và tối. Họ cũng được phục vụ hoa quả tươi và cà phê. Thâm chí khi Trung Quốc trải qua những giai đoạn rất khó khăn, các điều kiện sống tại nhà tù không bao giờ thay đổi”, ông He nói thêm.
Nữ nhà văn Đới Tình, người từng tham gia biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn, đã thụ án 10 tháng tại nhà tù Qincheng sau vụ việc năm 1989, vốn làm hàng trăm người thiệt mạng.
“Khi vào nhà tù, tôi đã rất bất ngờ. Trần nhà rất cao, buồng tắm đẹp và thậm chí các nhân viên bảo vệ rất chu đáo và tử tế với chúng tôi”, bà Đới Tình cho hay.
Nhà nghiên cứu của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) Nicholas Bequelin cho hay các tù nhân tại nhà tù Qincheng sống trong điều kiện sang trọng so với các nhà tù nhà nước khác của Trung Quốc.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
"Đả" "hổ" lớn, vị thế ông Tập Cận Bình được nâng cao?
Giới phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nổi lên là nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước này trong nhiều thập niên qua, sau khi Bắc Kinh công bố điều tra cựu Bộ trưởng Công an, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang.
Ông Chu Vĩnh Khang (trái) ngồi cạnh ông Tập Cận Bình tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc năm 2012.
Việc công bố điều tra cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang đã được báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay ca ngợi là một bước ngoặt lớn.
Ông Chu Vĩnh Khang từng nắm kiểm soát lực lượng công an, tòa án, nhà tù và cơ quan tình báo trong nước cho đến khi ông về hưu, rút khỏi Ban thường vụ Bộ chính trị (PSC) Trung Quốc vào năm 2012.
Cơ quan kiểm tra Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng vào ngày hôm qua, 29/7, đã công bố về cuộc điều tra đối với ông, vốn đã được đồn đoán từ lâu.
Bằng việc "đả" "hổ lớn" Chu Vĩnh Khang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phá vỡ điều cấm kỵ có từ nhiều thập niên qua, đó là không "sờ" đến các thành viên hoặc cựu thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định động thái này cho thấy nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc thâu tóm được quyền lực lớn hơn tất cả những người tiền nhiệm suốt nhiều thập niên qua.
Chỉ chưa đầy 2 năm sau khi lên nắm quyền, vị thế của ông Tập đã "được củng cố vững chắc", Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông nhận định. "Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 8 năm của ông, tôi nghĩ ông sẽ trở thành một lãnh đạo quyền lực, chắc chắn mạnh hơn nhiều so với những người tiền nhiệm".
Vừa là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đứng đầu nhà nước, quân đội, ông Tập cũng đứng đầu nhiều ủy ban trước đây do những nhân vật khác nắm giữ, mà trong đó có Ủy ban an ninh quốc gia mới được thành lập.
Vụ điều tra ông Chu "chứng tỏ rằng ông Tập đã tìm cách vượt qua được nhiều trở ngại và đang tập trung được quyền lực", Joseph Cheng, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho hay. "Khác với ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm, ông đang dần nổi lên là lãnh đạo quyền lực nhất ở Trung Quốc".
Ngoài "hổ" Chu Vĩnh Khang, nhiều thuộc cấp thân tín của ông Chu, như Bạc Hy Lai, cũng bị cách chức, bị điều tra. Bạc Hy Lai, một chính trị gia tham vọng và cuốn hút, đã "ngã ngựa" 2 năm trước và đang phải ngồi tù vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực.
"Không còn là một đồng chí"
Các báo nhà nước Trung Quốc ngày hôm nay đều đăng tin về cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang trên trang nhất, với một tờ báo còn đăng tấm hình lớn về một con hổ. Điều này xuất phát từ cam kết trong chiến dịch chống tham nhũng đầy quyết tâm của ông Tập, theo đó sẽ nhổ tận gốc những "con hổ" cấp cao cũng như "ruồi" ở cấp thấp hơn.
"Đây là quan chức cấp cao nhất từng bị điều tra trong lịch sử Trung Quốc", tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin.
Tờ báo có nhiều ảnh hưởng này cũng cho biết thêm ông Chu Vĩnh khang "không còn là một đồng chí nữa".
Một số nhà phân tích cho rằng ông Tập có thể có quyền lực mạnh hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Đại học Hồng Kông đã chỉ ra rằng, ông Tập được nhắc tới rất nhiều trên báo chí nhà nước Trung Quốc, hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ Mao Trạch Đông.
Cụ thể, tờ Nhân dân Nhật báo đã đề cập tới tên ông Tập trên trang nhất 1.311 lần trong suốt 18 tháng đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức, so với con số 1.411 lần cũng trong 18 tháng đầu tiên nắm quyền sau đại hội Đảng lần 9 vào năm 1969 của lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Ông Tập "muốn trở thành một Mao Trạch Đông, nhưng tôi nghĩ điều đó tiềm ẩn nguy hiểm bởi ông không phải là Mao Trạch Đông", Perry Link, giáo sư tại Đại học California, Riverside, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc nhận định. Ông Link cũng cho rằng nếu cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập không thành công như mong đợi, khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Mao Trạch Đông Mật lệnh sau "bức tường đỏ" M ột đêm cuối năm 1966, thủ tướng Chu Ân Lai nhận điện thoại cầu cứu khẩn cấp từ Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) gọi về theo đường dây đặc biệt , báo tin nhóm Hồng vệ binh từ Bắc Kinh tới, đã trèo tường leo vào nơi nguyên soái Bành Đức Hoài đang ở bắt ông đi mất ... Thời hoàng kim:...