Chú trọng thực hành trong đào tạo
Quá trình thực tập đã giúp sinh viên (SV) có điều kiện trải nghiệm, hiểu biết công việc của mình trong tương lai.
Số liệu thực
Nguyễn Thị Minh Hiếu, SV ngành kế toán – kiểm toán Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Bắt đầu cuối năm thứ 3, tụi mình được học môn kế toán mô phỏng với chứng từ, số liệu thật của các doanh nghiệp ngay trong văn phòng mô phỏng của trường. Khi học lý thuyết thì mình không thể hình dung ra công việc cụ thể phải làm, nay tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm chứng từ, số liệu đúng là cũng rối. Tuy nhiên tụi mình đã được trải nghiệm quy trình làm việc của một kế toán viên, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Rồi thầy cô chỉ ra những tình huống sai sót thường gặp trong nghề, cách truy tìm nguyên nhân nằm ở khâu nào và cách xử lý, khắc phục ra sao… Cho nên nếu có một số liệu bị sai thì mình sẽ biết ngay là lỗi từ đâu”. Hiếu kết luận: “Mình tin là ra trường sẽ làm việc được ngay mà không cần doanh nghiệp phải chỉ dẫn hay đào tạo lại”.
Tiến sĩ Nguyễn Cửu Đỉnh, Trưởng khoa Kế toán – kiểm toán Trường ĐH Văn Lang, cho biết thêm: “SV sẽ được thực hành mô phỏng tổng cộng 150 tiết. Cái khó là chúng tôi phải đi xin những chứng từ, số liệu thực của doanh nghiệp, không phải nơi nào cũng sẵn sàng cung cấp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất khó khăn để mời trực tiếp những kế toán trưởng của doanh nghiệp để hướng dẫn cho SV làm việc ở các vai trò như kế toán công nợ, kế toán hàng tồn kho, kế toán tiền mặt, kế toán tài sản cố định, kế toán tiền lương…”.
Video đang HOT
SV ngành kế toán, tài chính ngân hàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng được “làm việc” tại phòng thí nghiệm mô phỏng tài chính – kế toán – quản trị với số liệu thực ( ảnh).
Làm đạo diễn, luật sư và… nông dân
SV đang theo học ngành đạo diễn điện ảnh của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM rất thích thú vì ngay từ năm nhất đã được xâm nhập thực tế làm phim. SV Trương Thị Tuyết Mai, K10 Đạo diễn điện ảnh, hào hứng: “Bọn em được học công tác đạo diễn, dựng phim, biên kịch. Cuối học kỳ, thầy chia nhóm cho SV làm phim tài liệu (3-5 phút). Mới đây, nhóm của em 6 người đã sản xuất bộ phim tài liệu về cây me ở TP.HCM. Mỗi người một việc, bạn thì viết kịch bản, bạn làm đạo diễn, bạn làm giám đốc sản xuất, bạn thì quay phim, bạn có nhiệm vụ dựng phim…”.
SV ngành luật Trường ĐH Luật TP.HCM tham gia những tòa án mô phỏng, phiên tòa giả định ở nhiều nơi như TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh… SV ngành quản trị bưu chính viễn thông của Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM được làm việc trong bưu điện mô phỏng của trường với nhiều công việc như đóng dấu bưu phẩm, fax, chuyển tiền, phát hành báo chí, giải đáp thắc mắc khách hàng. SV ngành nuôi trồng thủy sản của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân được tham gia sản xuất nghêu, tôm tít tại Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản đặt tại huyện Cần Giờ (TP.HCM)…
Theo TNO
Bất hợp lý đào tạo hướng dẫn viên
Có những bất hợp lý về việc cấp thẻ và công nhận sự chuyên nghiệp của một hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
Cần thay đổi quy định về việc cấp thẻ đối với HDV quốc tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học 3 tháng trở thành HDV
Theo Thông tư 89/2008 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, những người được cấp thẻ hành nghề HDV quốc tế cần phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành HDV và một trong các chứng chỉ về ngoại ngữ như: TOEFL 500, IELT 5.5 hoặc TOEIC 650 điểm trở lên. Nếu tốt nghiệp ĐH thuộc các ngành du lịch nhưng không phải chuyên ngành HDV thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ HDV du lịch học trong vòng 1 tháng do các trường mà Tổng cục Du lịch cho phép đào tạo. Người tốt nghiệp khối kinh tế, khoa học xã hội nhân văn học 2 tháng, khối ngành khoa học tự nhiên - kinh tế kỹ thuật - công nghệ học lớp 3 tháng.
Hiện tại chưa trường ĐH nào ở VN có ngành HDV mà chỉ là các ngành như VN học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Chỉ một vài trường đào tạo chuyên ngành HDV nhưng chương trình học chủ yếu giảng dạy lý thuyết và khi ra trường bằng tốt nghiệp không ghi tên chuyên ngành.
Vì quy định này nên dẫn đến thực trạng một kỹ sư tin học hoặc cử nhân cơ khí chỉ cần học nghiệp vụ 3 tháng cộng thêm chứng chỉ tiếng Anh theo tiêu chuẩn là được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế. Trong khi đó, một người học chuyên về nghiệp vụ HDV bậc CĐ có chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn, kinh nghiệm làm việc cả chục năm lại không được cấp thẻ vì thiếu bằng ĐH.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - cho biết: "Mỗi năm trường mở 4 khóa đào tạo chuyển đổi, mỗi khóa khoảng 50 người học, trong đó có nhiều người là kỹ sư cơ khí, tin học, thủy sản... Tôi nhận thấy việc chuyển đổi trong vòng 2, 3 tháng này không thể biến một cử nhân thành HDV, đặc biệt là HDV quốc tế được. Bởi đây là một nghề đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và sự trải nghiệm trong một quãng thời gian dài".
Được biết, sinh viên ngành HDV bậc CĐ được đi "tour" 5 lần trong vòng 3 năm học chưa kể kỳ thực tập vào năm cuối ở các doanh nghiệp lữ hành, thế nhưng nhiều người vẫn còn lúng túng, ngỡ ngàng khi giải quyết các tình huống thực tế. Trong khi đó, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành bậc ĐH, trong 4 năm chỉ đi khoảng 2-3 "tour". Ông Lê Văn Tuyên - phụ trách khoa Tiếng Anh Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nơi có đào tạo ngành này - nhận định: "HDV quốc tế cần kiến thức chuyên môn và kỹ năng, trong đó có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, truyền đạt... Một sinh viên bậc CĐ được học 3 năm liên tục chuyên về HDV sẽ hơn hẳn một cử nhân mà chỉ học có 3 tháng".
Bằng cấp hay nghiệp vụ?
Có thể nói HDV là người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với khách nước ngoài, giới thiệu với khách về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người VN, do đó rất cần nghiệp vụ giỏi. Ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM, chia sẻ: "Trong khi ngành du lịch VN còn nhiều sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thì HDV sẽ là người giúp khách nước ngoài đạt độ hài lòng đến mức tối đa. Nước ta có nhiều cảnh đẹp, nhiều di sản thế giới hơn hẳn các quốc gia khác nhưng họ lại không hài lòng do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do HDV quốc tế của ta chưa giỏi". Ông Chí nói thêm, HDV không cần học vị vì thế yêu cầu HDV quốc tế phải có bằng ĐH là một bất hợp lý, bởi thực tế nhiều người giỏi nghề, có kinh nghiệm thì lại không được cấp thẻ trong khi người không có kỹ năng nghiệp vụ, thiếu trải nghiệm lại dễ dàng có thẻ hành nghề. Điều này dẫn đến chất lượng nhân lực không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ông Phan Bửu Toàn cho biết có nhiều người học chuyển đổi nghiệp vụ trong vòng 2-3 tháng, sau đó lấy được thẻ hành nghề, tuy nhiên không thể trụ lại được, phải xin việc khác. "Tổng cục Du lịch muốn nâng cao chất lượng HDV quốc tế bằng cách đòi hỏi bằng ĐH, nhưng quy định này lại mang tính hình thức và không có trường ĐH nào ở VN dạy chuyên ngành HDV theo hướng đầu tư dạy nghề mà chỉ dạy chung chung, trong khi HDV là một nghề cần nhiều kỹ năng" - ông Toàn nói.
Theo TNO
Xử lý các trung tâm liên kết đào tạo trái phép: Đúng nhưng chưa đủ Dư luận ủng hộ việc Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm các đơn vị liên kết đào tạo với nước ngoài không phép. Tuy nhiên, qua sự việc này lại thấy còn nhiều vấn đề bất cập trong quản lý. Người học chịu thiệt Học phí các chương trình liên kết ERC Việt Nam: 24.000 USD/khóa. Trung tâm Raffles: 20.000 USD/khóa Chương trình Martin...