Chú trọng giáo dục toàn diện nhân cách, năng lực học sinh
Áp dụng mô hình VNEN, tăng cường trao đổi giữa giáo viên và học sinh trong dạy học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai).
Trong đổi mới giáo dục hiện nay, việc chuyển đổi từ phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp phát triển toàn diện nhân cách, năng lực học sinh được ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tích cực triển khai. Trong đó, mô hình trường tiểu học mới (VNEN) được coi là giải pháp hữu hiệu.
Theo Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD và ĐT) Phạm Ngọc Định, VNEN là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và khả năng triển khai phù hợp thực tiễn Việt Nam, Bộ GD và ĐT tổ chức thí điểm mô hình tại 1.500 trường tiểu học trên cả nước. Thành công của việc thí điểm đã khiến nhiều địa phương chủ động xin mở rộng thực hiện ở các trường khác, đến nay có thêm hơn 2.500 trường tiểu học tham gia mô hình VNEN. Mô hình VNEN thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng dân chủ hóa, hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết cho học sinh.
Đến các trường tiểu học triển khai mô hình VNEN, điều dễ nhận thấy là sự tự tin, chủ động trong học tập của học sinh; môi trường sư phạm gần gũi, thân thiện hơn. Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), sau khi triển khai mô hình VNEN đã có sự thay đổi rõ rệt. Ngay khi khách đến trường, “hội đồng tự quản” là các học sinh có thể tự tin giới thiệu về trường, về lớp và bản thân mà không hề rụt rè. Ngoài việc bố trí lớp học theo từng nhóm, xây dựng các chủ đề cho giờ học tập, lấy học sinh làm trung tâm, trường còn tổ chức cho học sinh nhận xét, bình bầu kết quả học tập của nhau, thúc đẩy học sinh thi đua học tập tốt. Theo cô giáo Phạm Thị Kim Oanh, dạy lớp 4A Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, việc tổ chức cho học sinh tự đánh giá, nhận xét lẫn nhau trong học tập tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi, tự tin; là kênh tham khảo quan trọng giúp giáo viên có thể phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để có phương pháp phù hợp, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong khi đó, tại Trường tiểu học Đông Hồ (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), các lớp học theo mô hình VNEN được chia thành từng nhóm nhỏ. Khi cô giáo đưa ra chủ đề kiến thức, lập tức các học sinh tự giác làm bài. Học sinh trong từng nhóm hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau dưới sự điều hành của “hội đồng tự quản”; học sinh có sự chủ động rất cao, tự tin khi giao tiếp, trả lời các vấn đề do cô giáo đưa ra.
Ở phần lớn các địa phương trên cả nước, sau khi thí điểm mô hình VNEN đều nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các trường tiểu học. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, từ một số trường thí điểm, đến nay đã có 154 trường áp dụng mô hình VNEN toàn phần và từng phần. Tại TP Cần Thơ, theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Võ Minh Lợi, năm học 2014-2015, toàn thành phố có 33 trường với 7.429 học sinh tự nguyện áp dụng triển khai mô hình VNEN. Đáng chú ý, ở những địa phương vùng núi khó khăn, mô hình VNEN cũng bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tại tỉnh Yên Bái, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm học 2014-2015, có 14 trường tiểu học tham gia xây dựng mô hình VNEN. Trong quá trình triển khai, cán bộ quản lý, giáo viên các trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học cho phù hợp đối tượng học sinh, kịp thời tháo gỡ và làm rõ nội dung, các hoạt động chưa phù hợp với vùng miền để thay thế các nội dung phù hợp hơn. Trong khi đó, tỉnh Sơn La có 77 trường tiểu học triển khai mô hình VNEN với hơn 33 nghìn học sinh tham gia học tập… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhiều trường chưa tự tin thí điểm mô hình này bởi một trong những khó khăn lớn nhất mà các trường gặp phải là vấn đề sĩ số.
Có thể nói, trong mô hình VNEN về cơ bản hoạt động dạy học theo kiểu truyền thụ một chiều từ thầy sang trò trước đây đã được thay thế bằng thầy hướng dẫn, tổ chức, khuyến khích học sinh tự học để chiếm lĩnh tri thức; quan hệ giữa các học sinh chuyển từ tình trạng lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, đánh giá các bạn trong lớp, trong tổ sang quan hệ hợp tác, học tập và sinh hoạt chủ yếu theo nhóm dưới sự hướng dẫn, tư vấn của giáo viên. Học sinh tự xây dựng kế hoạch hoạt động, được tự quản lý, điều hành sinh hoạt tập thể; quan hệ giữa các giáo viên là quan hệ hỗ trợ, góp ý lẫn nhau một cách thường xuyên… Vì vậy, các bài học và các hoạt động trải nghiệm của học sinh ở trường, ở nhà, ở cộng đồng là hài hòa, thống nhất, hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác. Phần lớn các nhà giáo, chuyên gia đều đánh giá tốt mô hình VNEN. Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh, Trường tiểu học số 1 xã Nà Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ: Từ trước đến nay học sinh khá rụt rè, nhút nhát nhưng từ khi trường áp dụng mô hình VNEN, các em mạnh dạn, tự tin lên rất nhiều. Trong các giờ học, các em sẵn sàng bày tỏ ý kiến của mình cũng như chia sẻ những khó khăn, thắc mắc mà mình đang gặp phải… Nhà giáo Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng dự án VNEN (Bộ GD và ĐT) đánh giá, đặc điểm chính của mô hình VNEN là lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, việc học tập mang tính hợp tác, tương tác đa chiều; hoạt động của hội đồng tự quản học sinh, các hoạt động hỗ trợ học tập khiến cho không khí hoạt động của nhà trường thay đổi…
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, một số chuyên gia giáo dục cho rằng nhiều trường chưa tự tin thí điểm mô hình VNEN, bởi một trong những khó khăn lớn nhất mà các trường gặp phải chính là sĩ số học sinh. Tại các thành phố lớn, hầu hết mỗi lớp đều có 50 đến 60 học sinh, bàn ghế được thiết kế liền nhau phục vụ việc học bán trú, cho nên không thích hợp sắp xếp từng nhóm. Do học sinh là trung tâm các hoạt động, cho nên khi thực hiện ở những lớp học quá đông mà giáo viên không theo dõi, quan sát được sẽ dẫn đến tình trạng tổ chức mang tính hình thức, chưa linh hoạt, hiệu quả phối hợp giữa học tập cá nhân và học tập tương tác trong nhóm chưa cao. Ngoài ra, trong những lớp học có đông học sinh, với những em có lực học không tốt, tiếp thu chậm thì việc để các em “tự bơi” mà giáo viên không hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến học sinh càng khó khăn trong tiếp thu. Trong khi đó, hoạt động tương tác giữa các học sinh, chỉ những em mạnh dạn mới hay giơ tay phát biểu, một số học sinh học lực yếu không tham gia thảo luận, thụ động và ỷ lại. Theo đánh giá của các giáo viên, để có thể thực hiện được đầy đủ các yêu cầu của phương pháp tổ chức lớp học VNEN là điều không dễ. Thực hiện mô hình này, vất vả hơn trước rất nhiều, việc quản lý, giữ trật tự trong lớp học rất khó giám sát bao quát hết các nhóm. Hơn nữa, theo yêu cầu, học sinh phải chuẩn bị bài trước ở nhà dưới sự hỗ trợ của phụ huynh thì việc thảo luận trên lớp sẽ mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng hỗ trợ học sinh trong việc chuẩn bị tốt bài trước khi đến lớp.
Theo ND