Chủ tịch Trung Quốc nói việc đầu tư vào châu Phi không liên quan tới chính trị
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố những khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi “không kèm theo ràng buộc chính trị”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi ngày 3/9 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP.
“Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia châu Phi và không áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi”, AFP hôm 3/9 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi kéo dài hai ngày ở thủ đô Bắc Kinh. “Việc Trung Quốc hợp tác với châu Phi rõ ràng nhằm khai thông các nút thắt cổ chai trong quá trình phát triển”.
Bất chấp những lo ngại về các khoản vay của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thông báo sẽ tiếp tục viện trợ tài chính cho các nước châu Phi. Tại diễn đàn gần đây nhất được tổ chức vào năm 2015, Trung Quốc cam kết viện trợ và cho các nước châu Phi vay 60 tỷ USD.
Mục tiêu của diễn đàn này là nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường và nguồn lực, đồng thời tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài.
Tại các quốc gia châu Phi, Trung Quốc đầu tư vào đường bộ, đường tàu, cầu cảng và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Giới phân tích cảnh báo các dự án này đang biến một số nước châu Phi thành con nợ lớn của Trung Quốc.
Dù đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, từ mức kỷ lục 3,4 tỷ USD năm 2013 xuống còn 3,1 tỷ USD năm 2017 theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Bắc Kinh là vẫn chủ nợ chính của nhiều quốc gia tại châu lục này. Trong đó, Trung Quốc nắm tới 77% tổng nợ của Djibouti tính đến cuối năm 2016 hoặc Zambia vay nợ ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu Mỹ chỉ ra “những mối quan ngại nghiêm trọng” liên quan đến các khoản nợ chính phủ ở 8 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi nhận vốn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, Tổng thống Rwandan, người đang giữ chức chủ tịch Hiệp hội châu Phi, phản bác mọi quan ngại về “bẫy nợ” và cho rằng đó là hành động phá hoại mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu lục này.
“Những kẻ chỉ trích Trung Quốc về các khoản vay là những kẻ cho đi quá ít”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với hãng Xinhua.
Theo AN HỒNG(VnExpress)
Vành đai và Con đường sẽ 'chôn lấp' các nước mắc nợ Trung Quốc?
Ngày 3.9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu đón tiếp lãnh đạo các nước châu Phi đến Bắc Kinh dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) với chủ đề chính về dự án Vành đai và Con đường (BRI) do ông Tập khởi xướng.
Video đang HOT
Ông Tập Cận Bình đón Tổng thống Nam Phi dự FOCA 2018 - Ảnh: Reuters
Dự án cơ sở hạ tầng BRI nhằm mở rộng các tuyến thương mại, cải thiện khả năng Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên và thị trường nước ngoài, đồng thời tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, duy trì quyền lợi kinh tế cho Trung Quốc ở châu Á, châu Phi, châu Âu và thậm chí ở châu Mỹ.
Thủ tướng Malaysia cảnh báo "chủ nghĩa thực dân đô hộ mới"
Trung Quốc đã cho các nước châu Á và châu Phi vay hàng tỉ USD để thực hiện các dự án xây dựng lớn, cảng, đường sắt và đường bộ, tuyến ống dẫn dầu.
Nhưng Bắc Kinh ngày càng bị chỉ trích về giải pháp cho các nước ngoài vay tiền thực hiện các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng này.
Trong khi sự đầu tư có Bắc Kinh ủng hộ đã giúp chính phủ các nước giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng vốn cần thiết, nó cũng gây ra sự phàn nàn rằng Trung Quốc ưa việc cho vay tiền và chỉ sử dụng nhân công của các công ty Trung Quốc vào các công trình lớn, thay vì thuê mướn nhân công của các nước nhận tiền vay của Bắc Kinh.
Theo hãng tin Bloomberg, những lo ngại này ngày càng lớn ở những quốc gia khác, nhất là ở Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 8, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia cũng cảnh báo "một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân đô hộ", sau khi ông quyết định dừng một dự án đường sắt trị giá 20 tỉ USD do Trung Quốc xây.
Các chỉ trích cảnh báo BRI của ông Tập "đang chôn lấp một số quốc gia dưới đống nợ khổng lồ".
Vài tháng qua, Bắc Kinh đối mặt với sự chỉ trích về việc cho nhiều chính phủ (từ Úc đến Ấn Độ) vay tiền, đến độ một số các học giả Trung Quốc phải lo ngại.
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi BRI là "phô trương cơ bắp kinh tế", và Trung Quốc có thể chiếm chủ quyền lãnh thổ của các nước ký tham gia BRI, thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Mỹ và phương tây còn mô tả sự trỗi dậy về chính trị, quân sự-kinh tế của Trung Quốc là "nham hiểm". Chính phủ Mỹ đang thảo luận với Úc và Nhật Bản về việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, dù chưa rõ lấy đâu ra kinh phí.
Hồi tháng 3, khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson nói khi thăm Ethiopia: "Nguồn đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng giải quyết vấn nạn cơ sở hạ tầng của châu Phi, nhưng cách làm của họ dẫn đến núi nợ cao, và rất ít việc làm cho người địa phương của nhiều nước".
Giáo sư Thời Ân Hoằng, khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói tại FOCAC, ông Tập sẽ "nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tư vấn, đề cập những nhu cầu cần thiết của các nước châu Phi. Nhưng sự trấn an của Chủ tịch Tập sẽ không thể lập tức xóa tan sự nghi ngờ của toàn thế giới".
"Không nước nào ở châu Phi phàn nàn bị nợ Trung Quốc"
Phản ứng lại, Trung Quốc tổ chức FOCAC nhằm quảng bá tầm nhìn của ông Tập về phát triển lục địa đen. Diễn văn khai mạc của ông cho ông cơ hội bảo vệ BRI.
Hôm 31.8, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Hiện không có quốc gia châu Phi nào phàn nàn bị mắc nợ từ sự hợp tác với Trung Quốc. Ngược lại, nhiều lãnh đạo châu Phi hoan nghênh nguồn đầu tư và hợp tác tài chính của Trung Quốc".
Ngày 1.9, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với các đồng nhiệm châu Phi: ông Tập sẽ mượn hội nghị thượng đỉnh này làm cơ hội "giới thiệu rõ tầm nhìn xây dựng một cộng đồngTrung Quốc-châu Phi về tương lai chia sẻ, tuyên bố các đề xuất và giải pháp... nhằm củng cố quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi".
Ngày 22.8, ông Vương Nghị nói ông Tập sẽ giới thiệu các sáng kiến mới, để tăng cường hợp tác với các nước châu Phi, nhưng ông không cho biết chi tiết.
Theo Reuters, tại FOCAC, ông Tập sẽ đề nghị một đợt cho vay khác, khi lãnh đạo Ethiopia và Zambia (vay tiền của Trung Quốc nhiều nhất) đã bày tỏ ý muốn được gia hạn nợ, trong khi giới ngân hàng cho rằng Angola và Cộng hòa Congo đã đạt ý muốn này, dù không có nhiều chi tiết về các khoản gia hạn nợ.
Châu Phi là mặt trận chính để ông Tập đối phó với các nghi ngờ, và là một trong những địa bàn mà Bắc Kinh muốn mở tầm ảnh hưởng, chú trọng lập quan hệ ngoại giao với châu lục đen. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào mảng năng lượng và an ninh ở châu Phi.
Tại FOCAC 2015 ở Nam Phi, ông Tập đã tuyên bố giúp châu Phi bằng cách cho vay 60 tỉ USD. Các nước châu Phi phấn khởi với nhiệt tình của Bắc Kinh sẽ giúp họ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ năm 2015, châu Phi đã nhận 12 tỉ USD tiền vay của Bắc Kinh, so với chỉ nhận 100 triệu USD hồi năm 2010, theo số liệu của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi (CARI) thuộc Đại học nghiên cứu quốc tế hiện đại Johns Hopkins (Mỹ).
CARI nêu từ năm 2000 đến 2016, Trung Quốc cho châu Phi vay khoảng 125 tỉ USD, góp phần đáng kể vào nguy cơ bị ngập nợ ở Cộng hòa Congo, Djibouti, Zambia. Tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc với các nước châu Phi tăng 14% năm 2017, đạt 170 tỉ USD, theo số liệu của Trung Quốc.
Một số quốc gia châu Phi vẫn cần tiền vay của Bắc Kinh
Ngày 28.8, tại một hội thảo nhân kỷ niệm 5 năm ngày phát động BRI, ông Tập khẳng định BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế, không phải là một liên minh địa-chính trị hoặc quân sự: "Đó là một tiến trình mở và toàn diện, không nhằm tạo ra những nhóm độc quyền hoặc một câu lạc bộ Trung Quốc", đồng thời kêu gọi cân bằng thương mại với các đối tác.
Hồi tháng 7, khi thăm Nam Phi, ông Tập nói BRI dựa trên nguyên tắc "cùng xây dựng và chia sẻ. Trung Quốc và các quốc gia châu Phi được xếp đặt để là bạn tốt, anh em tốt và đối tác tốt".
Vài năm gần đây, Trung Quốc tiến hành các bước xây dựng "quyền lực mềm" ở châu Phi, như tài trợ học bổng cho các học giả, cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan.
Theo tổ chức thăm dò Thái độ Toàn cầu PEW, châu Phi có cái nhìn về Trung Quốc tích cực hơn châu Âu, Nam Mỹ và các nước láng giềng Trung Quốc ở châu Á.
Trung Quốc giúp châu Phi từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này cũng tăng mạnh khi trở nên một thế lực thương mại cấp toàn cầu. Các công ty nhà nước Trung Quốc ồ ạt theo đuổi các khoản đầu tư lớn ở châu Phi vốn giàu tài nguyên, điều giúp Trung Quốc chuyển mình thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ).
Nhưng trong khi quan hệ giữa Trung Quốc với các nước châu Phi được ca ngợi tích cực, cũng có những lo ngại về tác động của vài thỏa thuận của Trung Quốc tại khu vực. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại Djibouti ở Mũi Sừng châu Phi, với lý do tham gia nỗ lực đa quốc gia chống hải tặc ở ngoài khơi Somalia. Từ đó, Djibouti lệ thuộc mạnh vào Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói Cameroon, Ghana và các nước khác đang đối mặt với nguy cơ bị ngập nợ, như Djibouti đã dựa hẳn vào Trung Quốc để vay tiền và Trung Quốc chính là "chủ nợ".
Dù vậy, đa số các nước châu Phi bị ngập nợ vẫn xem khoản tiền vay của Trung Quốc là "món cược tốt nhất" để phát triển kinh tế. Họ nói các nước châu Âu và Mỹ không thể bằng Trung Quốc về độ hào phóng, và ngân hàng phương tây thường khắt khe khi họ cần vay tiền.
Aboubakar Omar Hadi, lãnh đạo Ban quản lý Cảng Djibouti và Khu Tự do, để xây cảng container Doral, Djibouti vay 268 triệu USD của 7 ngân hàng, với lãi suất 9% trong 9 năm. Trong khi đó, Trung Quốc cho vay 620 triệu USD trong 20 năm, với lãi suất 2,85% và cho thời hạn gia hạn trả nợ vay 7 năm.
Ông hỏi: "Mỹ ở đâu, nguồn đầu tư từ châu Âu đâu, tại sao họ bỏ mặc toàn châu lục cho Trung Quốc? Chính họ phải tự trách mình vì đã bỏ sân chơi này".
Trung Quốc tiếp tục bào chữa việc cho châu Phi vay tiền, là vì châu lục đen vẫn cần phát triển cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh cũng đã phủ nhận rằng không tiến hành chính sách ngoại giao "bẫy nợ", và các quan chức "thề" sẽ cẩn trọng hơn để bảo đảm các dự án này bền vững.
Yang Baorong, một chuyên gia về nợ của châu Phi ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Reuters: "Việc Trung Quốc cắt giảm nợ trong nước, hạ nhiệt nền kinh tế, sẽ tác động đến các dự án không khẩn cấp. Đường hướng chung sẽ không thay đổi, nhưng chắc chắn tầm cỡ cho vay sẽ khác, theo tình hình hiện nay".
Vĩnh Thụy ( theo Reuters)
Theo motthegioi
Trung Quốc rót hàng tỷ USD vào châu Phi Trung Quốc dự kiến sẽ rót hàng tỷ USD vào các nước châu Phi dưới hình thức viện trợ và vay ưu đãi bất chấp nguy cơ các quốc gia này không đủ khả năng thanh toán cho Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2015 (Ảnh: Xinhua) Vào ngày...