Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng tại TPHCM
Sáng nay (5/9), hòa cùng không khí của cả nước, gần 1,7 triệu học sinh tại TPHCM hào hứng tham dự lễ khai giảng năm học 2018-2019. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự buổi lễ khai giảng và đánh trống khai giảng tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Trước đó, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM các trường học ở TPHCM đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2018 – 2019 vào ngày 5/9.
Tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn, do có sự chuẩn bị từ trước và đặc biệt các lớp 1 đã làm quen với trường lớp vào ngày 20/8 nên các học sinh không có nhiều bỡ ngỡ. Thay vào đó, nhiều em háo hức vì hôm nay ngôi trường của mình trở nên rực rỡ với cờ hoa.
Còn ở các trường THCS, THPT, các học sinh cũng náo nức với không khí phần lễ hội của chương trình khai giảng. Đặc biệt, sáng nay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đến chung vui trong lễ khai giảng năm học của thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự khai giảng với thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Tại lễ khai giảng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự vui mừng khi đến tham dự Lễ Khai giảng tại một ngôi trường có truyền thống, tiêu biểu của TPHCM và của cả miền Nam. Với bề dày lịch sử 90 năm, các thế hệ học sinh của trường luôn rất hăng hái trong các hoạt động đoàn thể, phong trào yêu nước, văn hóa – văn nghệ – thể dục thể thao.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao học sinh trường đã tiếp nối được truyền thống của các thế hệ trước, không chỉ học giỏi mà là giỏi toàn diện với nhiều hoạt động Đoàn và phong trào sôi động thu hút học sinh tham gia. Nhà trường cũng tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận các chương trình tiên tiến trên thế giới, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh đó, trường luôn là đơn vị đi đầu trong phong trào học sinh nghiên cứu khoa học.
“Chỉ tính riêng năm học vừa qua, các em học sinh trường đã đạt được đạt được 6 giải Quốc tế, 66 giải Quốc gia, 60 giải Khu vực và 411 giải Thành phố. Đó là những minh chứng rõ nét cho định hướng đào tạo con người toàn diện, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có kỹ năng làm việc, được trau dồi về lý tưởng, đạo đức lối sống để hoàn thiện nhân cách, trở thành những công dân có ích mà tập thể sư phạm nhà trường đang hướng tới”, bà Ngân nhấn mạnh.
Video đang HOT
Bà Ngân đánh giá cao những mạnh dạn đổi mới của TPHCM
Nhân dịp đầu năm học mới, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù, phá vỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, trong đó có các cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo nhằm mang lại hiệu quả tích cực, thực chất của TPHCM. Bà đề nghị Bộ GD-ĐT cần quan tâm, ủng hộ những chủ trương, giải pháp đột phá của thành phố này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng tại ngôi trường với bề dày 90 năm lịch sử.
Bên cạnh đó, bà cho rằng TPHCM còn nhiều thách thức nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực. Để giải quyết vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, mỗi người đều phải có trách nhiệm để nâng cao chất lượng của giáo dục.
Dịp này, người đứng đầu Quốc hội cũng dành nhiều lời khuyên cho học sinh TPHCM. “Các cháu hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò, vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè. Được học dưới một ngôi trường có bề dày thành tích trong đấu tranh, rèn luyện và học tập, các cháu hãy thắp tiếp ngọn lửa truyền thống học tập say mê, rèn luyện đạo đức và lối sống tốt để phục vụ nhu cầu của chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình, trang bị cho mình hành trang đầu đời để trở thành những công dân có ích cho thành phố, cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước làm cho Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhắn nhủ.
Năm 2018, TPHCM có 1,67 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT và giáo dục thường xuyên (tăng 67.000 em), trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000, tiểu học hơn 26.000. Tổng số giáo viên gần 80.000, công tác tại 2.260 trường học.
TPHCM đặt mục tiêu năm học mới là xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ thiết bị dạy học thiết yếu với nhiều phòng học thông minh, đa năng, nhà thể chất. Hệ thống thông tin, quản lý giáo dục theo mô hình quản trị trường học hiện đại.
Lê Phương
Ảnh: Nguyễn Quang
Theo Dân trí
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình
Chiều ngày 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM và dành hơn một tiếng đồng hồ nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên tiêu biểu của ĐH này về chủ đề "Vai trò của trường đại học đối với việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới".
Chia sẻ với các sinh viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với chủ trương xây dựng hai ĐH Quốc gia, Nhà nước đã một lần nữa xác nhận vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục với sự phát triển của đất nước, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM chiều ngày 4/8.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng, tự chủ đại học là một đặc tính và yêu cầu tât yếu của một trường đại học trên cả 3 lĩnh vực chính là: hoạt động chuyên môn, khoa học; tổ chức nhân sự, bộ máy và hoạt động tài chính của đơn vị. Tự chủ là yêu cầu của quản trị của một cơ sở giáo dục và cần có một hành lang pháp lý, quản lý nhà nước phù hợp với chính cơ sở đó.
"Tự chủ nhưng không đồng nghĩa là buông bỏ vai trò quản lý của nhà nước, tự chủ về tài chính không có nghĩa là nhà nước buông không đầu tư đối với cơ sở ĐH. Tự chủ để tạo ra các nguồn thu để nâng cao chất lượng trong giảng dạy đào tạo để thu hút sinh viên chứ không phải nhà nước giao cho tự chủ rồi thôi. Tất nhiên có những đơn vị tự chủ hoàn toàn, một phần và cũng có những đơn vị tự chủ một phần lớn, một phần nhỏ, thay vào đó nhà nước sẽ đầu tư gián tiếp", bà Ngân nói.
Bà Ngân cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nguồn lực tuy rất quan trọng, nhưng không thể phát huy được sức mạnh, tiềm năng của ĐH nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp. Ngân sách nhà nước có thể hạn chế, nhưng nguồn lực trong nhân dân là rất lớn, nếu chúng ta nhìn nhận tới nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đổ ra cho con em đi du học và chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam. Trong thực tế, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công. Doanh nghiệp khi đầu tư thì dù phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận ít thì trước hết phải có lợi nhuận. Vấn đề còn lại là đầu tư lợi nhuận đó vào đâu.
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh vấn đề cốt yếu nhất mà Nhà nước đóng vai trò quyết định chính là tạo ra một cơ chế quản trị, tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, hinh thanh một không gian đủ rộng cho các sáng kiến được thực hiện.
"Làm sao có thể tạo ra một môi trường giáo dục đại học phát triển, với các trường đại học đủ điều kiện theo những chuẩn mực quốc tế, thì vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy. Nhà nước giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy như thế nào chứ không phải chỉ đi vào kiểm soát. Phải tôn trọng những sáng kiến, sáng tạo của các trường ĐH và Nhà nước phải ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn và dựa vào đó xem các ĐH thực hiện đúng với chuẩn đó hay không", người đứng đầu Quốc hội nói.
Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để các trường đại học sáng tạo ở một mức độ tự chủ cần thiết, thì hoạt động của các trường sẽ hết sức khó khăn. Như vậy dù Nhà nước có đầu tư như thế nào, đầu tư thêm cho ĐHQG bao nhiêu đi nữa mà không tạo điều kiện để ĐHQG sáng tạo trong khuôn khổ thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường đại học đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý của nhà nước. Tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo ĐH phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của Nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo một môi trường giáo dục đại học hiện đại, phát triển với các đại học đỉnh cao, chất lượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Do các trường ĐH là nơi đào tạo, rèn luyện thế hệ trí thức trẻ cho đất nước, đội ngũ tương lai sẽ tham gia vào hệ thống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), triển khai, thực thi và góp phần hoàn chỉnh hệ thống này. Vì vậy, đòi hỏi các trường đại học phải có các biện pháp giáo dục, giới thiệu cho các em sinh viên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường để các em có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc về mô hình và nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền XHCN. Không chỉ là sinh viên các trường Luật, Kinh tế mới phải nắm khái niệm này, mà ngay cả trường khoa học, kỹ thuật hay sinh viên y khoa, quốc tế cũng cần phải nắm vững, vì ở vị trí nào, rồi thì các em đều tham gia vào hệ thống quản lý này, là người được tác động hoặc triển khai hoạt động của chính hệ thống nhà nước này.
Một góc độ khác về sự tham gia của các trường đại học vào xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là việc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa hoc, thưc tiễn về phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhân đây, tôi xin đặt hàng với ĐHQG TPHCM nghiên cứu về nội dung này, về vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của nhà nước.
Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nêu ý kiến.
Trong phần trao đổi với sinh viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn nhủ rằng: "Các cháu học tập không chỉ là học trong sách vở từ nhà trường, từ kiến thức thầy cô. Các cháu phải đọc sách, nghiên cứu khoa học, tất nhiên là tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực mình đang học. Nhưng kiến thức chung, tổng quát của đời sống kinh tế xã hội rất là quan trọng. Các cháu nhớ rằng các cháu là tương lai của đất nước, biết đâu sau này là đại biểu Quốc hội, người giỏi về luật, làm việc trong lĩnh vực Nhà nước hoặc ngoài Nhà nước. Nhưng bất cứ lĩnh vực nào các cháu cũng phải am hiểu pháp luật, Trước hết, các cháu phải sống, học tập và tuân thủ pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật. Có hai điều cô muốn nói với sinh viên là nhiệm vụ phải lo học tập, đừng làm gì trái với quy định của pháp luật".
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, đến sinh viên ĐHQG TPHCM. Cũng trong buổi chiều 4/9, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐHQG TPHCM để lắng nghe chia sẻ về phương hướng phát triển ĐH này trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng học bổng đến sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với thầy trò ĐH Quốc gia TPHCM.
Lê Phương
Theo Dân trí
Nơi dạy tiếng Anh theo tâm thế dẫn đầu Ngày 19/5, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động đồng loạt 5 trung tâm Anh ngữ mang thương hiệu Apax Leaders, tại TPHCM và Biên Hòa (Đồng Nai). Như tên gọi, đây là nơi dạy tiếng Anh theo tâm thế dẫn đầu. Nơi khác...