Chủ tịch Huawei chê Mỹ có ‘thái độ của kẻ thua cuộc’
Chủ tịch luân phiên Huawei Technologies Guo Ping vừa có bình luận rất thẳng thắn về chính phủ Mỹ và lập trường của họ đối với công ty.
Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping – Ảnh: Reuters
Theo CNBC, trong cuộc họp báo mới nhất, Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei chỉ trích Mỹ: “Chính phủ Mỹ có thái độ của kẻ thua cuộc. Họ muốn bôi nhọ Huawei vì không thể cạnh tranh với chúng tôi”, ông Guo nói trước báo giới ở trụ sở Huawei tại Thâm Quyến (Trung Quốc).
Washington cho hay thiết bị mạng của Huawei có thể gây rủi ro an ninh cho các nước vì có thể được chính phủ Trung Quốc dùng làm cửa hậu, thực hiện hoạt động gián điệp. Huawei nhiều lần bác bỏ quan điểm của Mỹ. Công ty này còn kiện Mỹ vi hiến khi ra luật cấm các cơ quan chính phủ mua hàng của hãng.
Guo nói rằng hành động của Mỹ có gây khó khăn phần nào cho doanh nghiệp, song khách hàng vẫn sẽ tự đưa ra quyết định về việc có nên dùng thiết bị của Huawei hay không. “Các nước chọn cách hợp tác với Huawei sẽ có được lợi thế trong làn sóng tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế kỹ thuật số”, ông Guo chia sẻ.
Video đang HOT
Trong buổi họp báo, chủ tịch luân phiên Huawei cũng trả lời nhiều câu hỏi về cáo buộc gián điệp. Ông cho rằng việc Huawei giúp Bắc Kinh thực hiện gián điệp thông qua thiết bị của chính mình chẳng khác nào là “tự tử”. “Chúng tôi không có ý định tự sát”, ông Guo tuyên bố. Hiện dù Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản cấm hàng 5G của Huawei, nhiều nước khác vẫn chưa chặn công ty Trung Quốc tham gia triển khai mạng di động thế hệ mới.
Không chỉ chính phủ Mỹ mà giới chuyên gia cũng hoài nghi về độ đảm bảo của thiết bị Huawei. Họ không chỉ lo về tính an toàn của thiết bị, mà còn lo về luật Trung Quốc, vốn quy định tất cả các hãng trong nước bị buộc phải hỗ trợ nhà nước thu thập thông tin tình báo nếu Bắc Kinh yêu cầu.
Đầu tuần này, Anh cảnh báo về rủi ro mà Huawei có thể gây ra cho các nhà mạng Anh, trong khi hai nước châu Âu khác là Đức và Ý thì chưa có động thái nào trong việc chặn công ty. 5G là thế hệ mạng không dây thứ năm, hứa hẹn đem đến tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn, tăng tốc độ tải xuống cho người dùng và mở cửa các ngành công nghiệp như internet vạn vật và xe tự hành.
Theo Thanh Niên
Chủ tịch Huawei ngầm chỉ trích Mỹ sau vụ Giám đốc bị bắt
Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken Hu Houkun, ngày 18/12 đã có những phát biểu công khai lần đầu tiên kể từ Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ.
Chủ tịch Huawei cảnh báo rằng việc đưa Huawei vào 'danh sách đen' mà không có bằng chứng xác thực sẽ chỉ gây tổn hại cho ngành công nghiệp...
Huawei được xem là công ty toàn cầu nhất của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Bloomberg, ông Hu cảnh báo rằng việc đưa Huawei vào "danh sách đen" mà không có bằng chứng xác thực sẽ chỉ gây tổn hại cho ngành công nghiệp và cản trở sự phát triển của công nghệ không dây tương lai trên toàn thế giới.
Đây là cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên của Huawei, công ty có trụ sở ở Thẩm Quyến, kể từ khi CFO Meng Wanzhou bị bắt ở Canada với cáo buộc của Mỹ cho rằng bà lừa dối nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Meng hiện đã được tòa án Canada cho tại ngoại, nhưng đối mặt khả năng bị dẫn độ về Mỹ.
Vụ bắt vị nữ doanh nhân đã thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ, đồng thời làm gia tăng mối lo ngại về vấn đề an ninh xung quanh các thiết bị Huawei - điều mà tập đoàn này luôn phủ nhận.
Sau vụ bắt bà Meng, một loạt nhà mạng lớn ở châu Âu, từ Orange tới BT Group và Deutsche Telecom đã bày tỏ mối lo về thiết bị Huawei. Trước đó, một loạt quốc gia gồm Australia, New Zealand và Mỹ đã ban lệnh cấm đối các thiết bị mạng viễn thông của Huawei.
Sự việc chưa từng có tiền lệ này diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng đối với Huawei - công ty với tham vọng đi đầu trong lĩnh vực mạng 5G trên toàn cầu. 5G là công nghệ không dây thế hệ mới được dự báo sẽ tạo sự kết nối sâu rộng giữa các thiết bị từ điện thoại thông minh (smartphone), nhà thông minh (smart home) tới xe hơi.
Trong cuộc họp báo nói trên, Huawei không đề cập trực tiếp đến vụ bà Meng, nhưng tái khẳng định rằng công ty tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ tin tưởng tòa án sẽ đưa ra phán quyết công bằng. Ngoài ra, Huawei cũng thách thức những bên có cáo buộc đối với công ty đưa ra những bằng chứng xác thực cho các cáo buộc đó.
"Một số quốc gia trong một số trường hợp hiếm hoi có phương pháp tiếp cận không bình thường", ông Hu phát biểu trước các nhà báo tại cơ sở sản xuất của Huawei ở Đông Quản.
"Họ đưa ra nỗi lo về công nghệ 5G, một vấn đề kỹ thuật của ngành, và biến đó thành những đồn đoán vô căn cứ nhằm vào một công ty cụ thể. Bất chấp những nỗ lực reo giắc nỗi sợ hãi về Huawei và sử dụng chính trị để can thiệp vào sự phát triển của ngành, chúng tôi tự hào nói rằng khách hàng tin tưởng chúng tôi", ông Hu nói.
Vụ bắt bà Meng bị xem là cuộc tấn công nhằm vào một trong những doanh nghiệp xuất sắc nhất Trung Quốc. Huawei, công ty được sáng lập bởi ông Nhiệm Chính Phi, cha bà Meng, được xem là công ty toàn cầu nhất của nước này.
Huawei có tham vọng trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất con chip và công nghệ 5G. Những bước tiến nhanh chóng của Huawei đã khiến Mỹ lo ngại.
Ông Hu nói vụ bà Meng chưa có ảnh hưởng trực tiếp gì đến hoạt động của Huawei, khẳng định dự báo công ty đạt doanh thu trên 100 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, Huawei cũng tuyên bố đầu tư ít nhất 2 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phần mềm toàn cầu của công ty.
Theo Báo Mới
Thiết bị Huawei tiềm ẩn nguy cơ an ninh 'nghiêm trọng' Chính phủ Anh vừa cảnh báo thiết bị viễn thông của Huawei đặt ra các quan ngại 'nghiêm trọng' về bảo mật. Trong báo cáo dài 46 trang đánh giá các nguy cơ an ninh từ Huawei, quan chức Anh không kêu gọi lệnh cấm đối với thiết bị viễn thông 5G của công ty này song nhắc đến các "thiếu sót cơ...