Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị truy tố trong vụ án xảy ra tại VNCERT
Ngày 20/11, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế – AIC) và 12 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) do bị can Nguyễn Trọng Đường làm Giám đốc (Sau đó giữ vị trí Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ TT&TT).
VNCERT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng theo phân công của Bộ trưởng; chủ trì điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng trên toàn quốc…
VNCERT được Bộ TT&TT giao cho lập kế hoạch và trình Bộ phê duyệt Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế. Tổng mức đầu tư của dự án là 95 tỷ đồng.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó có gói thầu số 8 đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm, theo hình thức đấu thầu rộng rãi, các bị can thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá, đơn vị tư vấn đã thực hiện các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định về đấu thầu, để Công ty AIC trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhân viên là Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban Kỹ thuật 7), Đỗ Văn Sơn (Trưởng ban 2) và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu.
Bị can Nguyễn Trọng Đường (thời điểm chưa phạm tội).
Bị can Nguyễn Trọng Đường là đại diện chủ đầu tư nhưng đã chỉ đạo cấp dưới trực tiếp là Ngô Quang Huy, Trần Nguyên Chung, Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện hành vi thông thầu.
Bị can Ngô Quang Huy phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty Khang Phát khảo sát lập dự án, trao đổi và sử dụng danh mục, dự toán của Công ty AIC, hợp thức các gói thầu tư vấn để Vụ Kế hoạch Tài chính thẩm định trình lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1 của dự án.
Bị can Nguyễn Thị Ánh Hồng thực hiện các thủ tục hợp thức tư vấn thẩm định giá để VNCERT phê duyệt dự toán, triển khai đấu thầu. Bị can Trần Nguyên Chung và các thành viên Ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu có lợi cho Công ty AIC, giúp doanh nghiệp này trúng gói thầu số 8.
Tại giai đoạn tư vấn lập dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Thế liên hệ với các hãng bán hàng hỏi giá các thiết bị theo danh mục của VNCERT, cộng thêm 40% để ra giá dự toán, đưa vào báo cáo.
Sau khi VNCERT phát hành hồ sơ mời thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn đề xuất phần tài chính tham gia gói thầu cho Công ty AIC là 70 tỷ đồng; chỉ định Công ty cổ phần Mopha (thuộc hệ sinh thái Công ty AIC) làm “quân xanh”.
Quá trình lập hồ sơ dự thầu, để đảm bảo hồ sơ năng lực của Công ty AIC đáp ứng các yêu cầu của gói thầu số 8, Công ty AIC đã làm khống các tài liệu về hợp đồng lao động với một số nhân sự nhằm thể hiện năng lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (tăng thời gian làm việc của nhân sự chủ chốt).
Mặc dù nhà thầu là Công ty AIC không đáp ứng yêu cầu đánh giá về năng lực hợp đồng và nhân sự chủ chốt, nhưng nhóm bị can chủ đầu tư vẫn lập báo cáo đánh giá Công ty AIC là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và được tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Ngày 22/11/2017, bị can Nguyễn Trọng Đường ký quyết định phê duyệt Công ty AIC là nhà thầu trúng thầu gói thầu số 8.
Sau khi đấu thầu, bị can Nguyễn Trọng Đường đã nhận của Công ty AIC số tiền 1 tỷ đồng, sau đó giao cho Dương Thị Minh (Kế toán trưởng VNCERT) chia cho các thành viên tham gia dự án vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Trong đó, bị can Đường nhận 200 triệu đồng, một số bị can khác nhận từ 20 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Số tiền còn lại, các bị can thuộc chủ đầu tư sử dụng vào mục đích phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.
Trước vụ án này, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị kết án hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử ở nhiều vụ án khác và đều liên quan đến các sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 'lũng đoạn' thầu từ Đồng Nai tới Quảng Ninh
Trong 2 vụ án xảy ra tại Đồng Nai và Quảng Ninh, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc sử dụng các chiêu trò tương tự nhau để "lũng đoạn" hoạt động đấu thầu.
Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), cùng 15 người khác, trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Quảng Ninh.
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh T.N
Chiêu thức gian lận quen thuộc
Tháng 1.2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù về 2 tội đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến những sai phạm tại dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bộ Công an tiếp tục kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm ra đầu thú
Theo cáo buộc, bà Nhàn lợi dụng quen biết với lãnh đạo địa phương để được ưu ái tham gia dự án. Cựu chủ tịch AIC còn sử dụng hàng loạt chiêu trò gian dối để trúng liên tiếp các gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 148 tỉ đồng.
Với thủ đoạn tương tự, tại dự án Bệnh viện Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bị can Nhàn chỉ đạo nhân viên liên hệ với cán bộ Ban Quản lý dự án thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế mua sắm.
Cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh số liệu Báo cáo tài chính các năm 2010 - 2013, để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tham gia dự thầu.
Chưa dừng lại, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao thuộc cấp mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu để Công ty AIC và Công ty Mopha (cũng thuộc quản lý của Nhàn) với vai trò "quân đỏ". Cùng đó là hàng loạt công ty khác đóng vai trò "quân xanh", hòng giúp "quân đỏ" dễ dàng trúng thầu.
Với hàng loạt thủ đoạn trên, Công ty AIC và Công ty Mopha đã trúng thầu 6/6 gói thầu của dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, với tổng giá trị hơn 232 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, số tiền quyết toán các gói thầu cho nhóm công ty của bị can Nhàn có giá trị cao hơn so với thực tế. Đến nay, các tài liệu và chứng cứ thu thập được đủ căn cứ chứng minh thiệt hại gây ra là hơn 50 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng thực hiện khám xét trụ sở Công ty AIC tháng 4.2022. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn 'lũng đoạn' thầu từ Đồng Nai tới Quảng Ninh
Vai trò của 2 người bỏ trốn vừa ra đầu thú
Trong số 16 bị can bị truy tố, ngoài Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn có Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC; và Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty AIC. Hai bị can này bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã và lần lượt ra đầu thú vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua.
Cáo trạng xác định, Đỗ Văn Sơn biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để dự thầu theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị can Sơn cung cấp số liệu và chỉ đạo nhân viên kế toán thực hiện điều chỉnh Báo cáo tài chính các năm 2010 - 2013, để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu.
Đỗ Văn Sơn còn ký 4 báo cáo tài chính đã chỉnh sửa, trình Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký xác nhận. Các báo cáo tài chính này được cung cấp cho công ty kiểm toán rồi đưa vào hồ sơ dự thầu.
Người còn lại là Nguyễn Thị Thu Phương. Bị can này được cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao quyền quản lý, điều hành một số công ty trong hệ sinh thái AIC.
Theo yêu cầu của bị can Nhàn, bị can Phương chỉ đạo thực hiện việc lập hồ sơ dự thầu cho các công ty đóng vai trò "quân xanh", nhằm giúp Công ty AIC và Công ty Mopha thâu tóm các gói thầu.
Quá trình điều tra, bị can Đỗ Văn Sơn thừa nhận sai phạm, trong khi đó bị can Nguyễn Thị Thu Phương không thừa nhận hành vi phạm tội.
Tiếp tục kêu gọi đầu thú
Vụ án có 4 bị can đang bỏ trốn, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Trương Thị Xuân Loan, cựu Trưởng ban quản lý dự án 3 Công ty AIC và Nguyễn Thị Tích, cựu Tổng giám đốc Công ty Mopha.
Bộ Công an cũng vừa phát đi thông báo tiếp tục kêu gọi nhóm bị can nêu trên và các bị can, bị án khác trong vụ án AIC đang lẩn trốn đến cơ quan công an, viện kiểm sát nơi gần nhất hoặc các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để đầu thú.
Nếu tiếp tục bỏ trốn, các cơ quan tiến hành tố tụng coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Vụ án AIC ở TP.HCM: Cách ăn chia khoản hối lộ hơn 14 tỷ Ngày 10/7, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm đấu thầu, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM và Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM. Vụ án này có 14 bị cáo bị đưa ra ra...