Chủ nợ cùng quẫn ôm mìn định phá sập nhà con nợ
Tìm gặp vợ của thủ phạm, người ta mới hiểu ra nguyên nhân vụ án đến từ chuỗi áp lực hung thủ – người xấu số vừa là chủ nợ của người này, nhưng lại vừa là con nợ của người khác.
Ngôi nhà là hiện trường vụ án. Ảnh: Văn Phong
Mang theo mìn và súng tự chế đến nhà con nợ, bắn em trai con nợ và giật mìn đòi chết chung vào đêm 24.11 vừa qua, có lẽ Hà Thanh Lương (SN 1962, ngụ tổ 40 phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) không mong muốn đòi được tiền.
Tìm đến nhà người xấu số, bên ban thờ chồng với gương mặt thẫn thờ, chị Đặng Thị Phượng (SN 1966) tâm sự: “Bị dồn đến đường cùng, quẫn bách quá nên anh ấy mới có ý nghĩ tiêu cực như vậy”.
Video đang HOT
Theo xác định của cơ quan công an, đêm 24.11, Hà Thanh Lương đã mang súng, mìn tự chế đến nhà mẹ con nợ trên phố Yên Phụ. Đến nơi không gặp Lan mà chỉ gặp em trai người này, Lương rút súng bắn gây vết thương tại cổ và vùng bụng. Thấy nạn nhân chạy xuống, Lương rút mìn định đánh sập nhà, nhưng do thao tác sai nên chính Lương mất mạng.
Theo người vợ, trước đây gia đình anh chị sinh sống tại quận Tây Hồ. Do có mối quan hệ quen biết, khoảng 3 năm trước, anh chị giao “sổ đỏ” nhà cửa cho Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1978, trú tại phường Xuân Diệu, quận Tây Hồ) để nhờ vay tiền ngân hàng. Do thiếu hiểu biết pháp luật, anh chị nghĩ rằng cần phải công chứng các giấy tờ mới có thể ra ngân hàng vay tiền, nên đã ký giấy ủy quyền “sổ đỏ” cho chị Lan.
Một thời gian sau đó, anh chị bỗng nhận được thông báo của ngân hàng về số tiền nợ và khoản lãi phải trả hằng tháng. Lúc đó hai vợ chồng mới tá hỏa khi biết Lan đã dùng “sổ đỏ” được ủy quyền, tự ý ra ngân hàng vay thêm tổng số tiền 3,8 tỉ đồng rồi tự ý tiêu xài.
Chị Phượng cho biết: “Khoảng tháng 3.2011, ngân hàng gửi thông báo cả tiền vay ngân hàng và lãi suất tính ra là 4,4 tỉ đồng. Lúc đó vợ chồng tôi mới ngã ngửa, “sổ đỏ” của mình nhưng người khác lại dùng để vay tiền mà mình chẳng hay biết”.
Ngôi nhà mang tên chính chủ vẫn là của anh chị, nhưng lại đang bị “cầm cố”, sống như ở trọ. Chị Phượng kể: “Cứ một thời gian, ngân hàng gửi giấy thông báo số tiền lãi hằng tháng về nhà là lại lo sốt vó. “Sổ đỏ” của mình, người ta không trả được thì ngân hàng cứ đè nhà mình mà đòi thôi…”.
Sau khi tự ý vay thêm tiền, Lan cũng có nói chuyện với vợ chồng chị Phượng, hứa sẽ trả đủ số tiền cả gốc lẫn lãi. Nhưng Lan hứa mãi vẫn không thực hiện được, gần 2 năm trời, hết lần này tới lần khác hứa sẽ “đến tận nhà gửi anh chị” mà chẳng thấy đâu. Vợ chồng anh Lương cũng đòi nhiều lần mà con nợ vẫn “im hơi lặng tiếng”, lại thêm ngân hàng giục giã, anh chị phải bán ngôi nhà ở Tây Hồ với giá rẻ để trả nợ ngân hàng, chuyển đến nơi khác.
Khoảng đầu năm 2012, vợ chồng anh chị mua nhà và về sinh sống tại phường Vĩnh Hưng. Ngôi nhà mới được mua với giá 2 tỉ, anh chị vẫn chưa trả đủ tiền, phải viết giấy nợ. Vậy là, anh chị bỗng dưng lâm vào tình thế vừa là chủ nợ, vừa là con nợ.
Theo người vợ, những dồn nén có lẽ bắt đầu từ những tin nhắn của con nợ. Khi chồng mình nhắn tin nói chuyện về số nợ, ban đầu Lan còn nhũn nhặn khất lần, nhưng càng về sau thì càng tỏ vẻ “thái độ”. Thậm chí có lần, con nợ còn nhắn tin cộc lốc: “Khi nào có thì trả”. Lần nhận được tin nhắn này, chồng chị khá bức xúc, đã nhắn lại cho con nợ rằng: “Cô khinh anh vậy à?”.
Nghịch cảnh ở chỗ anh chị là chủ nợ của người này, nhưng lại là con nợ của kẻ khác. Tiền cho vay chưa đòi được, anh chị lại khốn đốn vì chủ nợ của mình. Số tiền anh nợ chủ yếu là tiền mua nhà, chủ nợ cũng giục lên giục xuống, cực chẳng đã anh phải xin khất để có thời gian “đi đòi tiền người ta nợ mới có tiền gửi trả”.
Nhưng chủ nợ của anh Lương không “dễ tính” như vợ chồng anh, từng thuê một nhóm côn đồ đến nhà dọa nạt. Anh Lương gần như lâm vào đường cùng, không biết xoay xở ra sao khi cả con nợ và chủ nợ đều có dấu hiệu “trở mặt”.
Tuy nhiên theo chị Phượng, giọt nước tràn ly khiến chồng mình tìm đến cách giải quyết tiêu cực xuất phát từ sự việc cách đó khoảng một tuần. Khi đó, chị tìm đến nhà Lan để đòi nợ nhưng không gặp, bèn tìm đến nhà mẹ của con nợ ở phố Yên Phụ để nói chuyện.
Ngồi chưa ấm chỗ, mẹ của Lan bỗng chạy ra đóng cửa giữ chị lại rồi gọi công an. Một lát sau, có 2 công an phường đến và mời chị lên trụ sở để giải quyết. Không biết mẹ của con nợ trình báo gì mà hôm đó, chị phải ngồi giải trình đến 1h đêm mới xong.
Ở nhà, người chồng lo lắng tưởng vợ gặp chuyện gì nên mới bị công an giữ. Sau khi nghe chuyện, anh tỏ vẻ vô cùng bực tức. Có lẽ những ức chế và áp lực vì chuyện nợ nần phải chịu trong suốt khoảng thời gian qua, cộng thêm sự ứng xử quá đáng của con nợ đã khiến anh Lương không còn đủ bình tĩnh, để rồi hành động liều lĩnh và cạn nghĩ.
Người vợ cho biết trước đó chồng mình vốn là người biết điều, ít khi gây gổ với ai. Chị cũng không thể hiểu anh tìm đâu ra những thứ “vũ khí nóng” khủng khiếp như mìn và súng tự chế. Theo người vợ, hôm xảy ra vụ việc, trước khi đi, chồng mình vẫn không có vẻ gì bất thường. Góa phụ nghẹn ngào: “Anh ấy vẫn bình thường như mọi ngày, chỉ hơi ít nói. Ai ngờ anh ấy đang nung nấu kế hoạch chết người”.
Tổ trưởng tổ dân phố nơi gia đình đối tượng sinh sống nhận xét: “Anh Lương tuy mới chuyển tới địa bàn chưa lâu, nhưng có lối sống lành mạnh, hai vợ chồng cũng rất hòa đồng với bà con trong khu phố”.
Theo ông tổ trưởng, kết cục đau đớn của vụ án là bài học đắt giá cho những người thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì không hiểu thủ tục vay tiền nên mới sinh ra hàng loạt hệ lụy; rồi vì hoàn cảnh nhất thời mà có suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành động bột phát, thiếu kiềm chế. Nỗi mất mát và nỗi đau cho gia đình, người thân chưa biết đến khi nào mới nguôi ngoai!
Theo laodong