Chủ bãi rác Đa Phước kêu oan vì bị tố gây ô nhiễm khu Nam Sài Gòn
Chủ bãi rác Đa Phước hôm nay cho biết, không phủ nhận tình trạng mùi hôi tại khu vực phía Nam Sài Gòn do rác nhưng nếu đổ lỗi toàn bộ cho phía công ty thì ‘oan quá’.
Trả lời về tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại khu vực Nam Sài Gòn, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) cho rằng, đây là ‘chuyện cũ’ đến hẹn lại lên; phía công ty vẫn đang tuân thủ, làm đúng theo 10 giải pháp mà TP.HCM và các sở, ngành tham mưu, cố vấn.
Khu xử lý rác Đa Phước nhiều thời điểm được cho là gây ô nhiễm môi trường
“Chúng tôi không phủ nhận bãi rác gây ra mùi hôi trong quá trình tiếp nhận rác tươi vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, để cấu thành nguyên nhân dẫn đến mùi hôi hiện tại thì còn nhiều nguyên nhân sâu xa khác”- đại diện VWS nói và cho rằng nếu đổ toàn bộ cho bãi rác Đa Phước thì ‘oan quá’.
Hiện liên khu xử lý chất thải của thành phố có 3 đơn vị khác đang hoạt động, ngoài bãi rác Đa Phước còn Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đang xử lý bùn thải từ trạm xử lý nước thải Bình Hưng và bùn nạo vét cống, sông, kênh rạch; Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình đang xử lý bùn bể phốt; nghĩa trang Đa Phước.
Trên tinh thần cầu thị, phía VWS cũng học hỏi, tìm hiểu thêm các công nghệ đốt rác tiên tiến từ các nước để từng bước chuyển đổi công nghệ theo yêu cầu của TP. Ngoài ra, hiện chuyên gia, tư vấn của công ty đang tính toán lại giá cả cho công nghệ đốt sắp tới triển khai như thế nào ?
“Để đốt rác được thì có nhiều phân đoạn. Quan trọng nhất là khâu phân loại rác đầu nguồn nhưng hiện đang gặp khó và không thể một sớm một chiều làm được. Thêm nữa, việc bố trí thùng rác, xe thu gom, vận chuyển… cũng là một lộ trình rất dài.
Rác hiện tại cực kỳ khó đốt vì rất ẩm ướt. Chưa kể, trong quá trình vận chuyển, Công ty vệ sinh môi trường đô thị làm nước rỉ xuống đường gây ô nhiễm. Việc này là do phía vận chuyển gây ra nhưng người dân cứ đổ lỗi cho phía VWS” – vị đại diện chia sẻ.
Thông tin thêm, đại diện VWS cho biết trong tháng 8 này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với người dân các quận huyện giám sát toàn bộ liên khu. Phía VWS đang chờ kết luận của cơ quan chức năng và chưa thể đưa ra nhận định tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại khu Nam Sài Gòn.
Video đang HOT
Người dân sống tại khu Nam Sài Gòn kêu cứu vì mùi hôi nồng nặc tấn công khiến cuộc sống gia đình họ bị đảo lộn
Mới đây, trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, sở nhận được phản ánh ô nhiễm mùi hôi phát sinh từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Đây là khu xử lý chất thải của thành phố với 3 đơn vị đang hoạt động. Trong đó, riêng VWS đang chôn lấp chất thải ở độ cao trung bình 14m, trên một diện tích rất rộng, nên mùi hôi ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Sở này cũng làm việc với VWS trao đổi về 10 biện pháp mà đơn vị này đang triển khai, đề nghị họ tập trung khống chế mùi hôi. VWS tiếp thu và cam kết triển khai ngay.
Vị trí bãi rác Đa Phước
Khoảng 4 năm trở lại đây, cư dân sống tại khu vực phía nam bao gồm quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, trong đó có khu đô thị lớn nhất Việt Nam Phú Mỹ Hưng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm do mùi hôi nồng nặc.
Người dân tại đây cho rằng, núi rác khổng lồ ở Đa Phước chính là nơi phát tán mùi hôi và gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.
Tuấn Kiệt
Theo Vietnamnet
Người dân khu Nam Sài Gòn: "Ám ảnh" với mùi hôi thối
Theo UBND TPHCM, hoạt động của các nguồn phát thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TPHCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.600 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại thành phố.
Một góc bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: M.Q.A
Cần giải pháp
Mùi hôi thối này là nỗi ám ảnh và không còn quá xa lạ với các cư dân Nam Sài Gòn bởi nó đã hoành hành trước đây từ bãi rác Đa Phước (ở huyện Bình Chánh) do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành.
Ông Ngô Thành Đức - Phó Giám đốc Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM (MBS) cho biết: Sở TN&MT TPHCM đã có công văn chỉ đạo các quận, huyện nắm bắt tình hình và có hướng khắc phục. Sở đã quyết liệt chỉ đạo giám sát và yêu cầu chủ đầu tư bãi rác - VWS thực hiện triển khai 10 giải pháp những năm trước đây, và bổ sung một số giải pháp khắc phục để giảm mùi hôi, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. MBS được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc này.
Cụ thể, Sở TN&MT yêu cầu VWS phải tập trung thời điểm tiếp nhận chất thải sinh hoạt trong ngày, bố trí phương tiện tại các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo gió.
Khi gió lớn, mưa to phải ủi chất thải từ xe rác xuống khu chôn lấp thấp để giảm tác động thời tiết, đồng thời phải liên tục rửa xe vận chuyển rác trước khi ra khỏi bãi.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước phải tăng nhân lực, thiết bị để hạn chế khu mở bãi, thực hiện việc che phủ bằng liner nhanh hơn sau khi chất thải được ủi, đầm nén xong. Gia tăng lớp liner để che phủ rác hàng ngày.
Chủ đầu tư phải tăng cường sử dụng máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng, tăng công nhân kiểm tra, phun xịt thêm hóa chất thân thiện môi trường để khống chế mùi hôi. Hệ thống phun sương cần được lắp đặt trên cột bao quanh khuôn viên công trường nhằm hỗ trợ, ngăn chặn mùi phát tán từ bãi chôn lấp... Việc này sẽ được MBS giám sát và báo cáo về Sở TN&MT.
Theo Sở TN&MT, mỗi ngày thành phố thải ra 8.900 tấn rác. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận 5.000 tấn. Bãi này có thiết kế 24 triệu tấn, đã tiếp nhận 13 triệu tấn và núi rác đã cao 27 m.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nêu quan điểm: Không thể để kéo dài tình trạng ô nhiễm mùi hôi đối với dân cư. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Công nghệ xử lý rác thải chôn lấp như hiện nay đã lạc hậu. Thành phố cần cương quyết chuyển đổi mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác, thì mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm trên.
"Công nghệ chôn lấp rác hiện nay sẽ có nguy cơ phát tán các virus và cả khí ô nhiễm độc hại. Khi "đến hẹn" người dân ở khu vực này và các nơi lân cận lại phải chịu mùi hôi thối vào mùa gió Tây Nam", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa lo ngại.
Người lượm rác tại Đa Phước. Ảnh: Đông Anh
Chuyển đổi công nghệ xử lý rác
Một cư dân ở khu Nam Sài Gòn chia sẻ: Hiện chúng tôi chỉ được hưởng không khí trong lành vào những tháng nắng nóng, khoảng từ tháng 12 đến tháng 4. Những tháng còn lại mùi hôi thối từ Đa Phước sẽ tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu từ ngoài đường cho đến trong nhà. Dù có đóng cửa thì mùi thối nồng nặc vẫn tấn công liên tục. Đây là nỗi "ám ảnh" kinh khủng đối với cư dân chúng tôi.
Ông Ngô Xuân Đông - Trưởng Phòng GD&ĐT quận 7 cho biết, các trường học trên địa bàn đang trong thời gian nghỉ hè nên chưa ghi nhận phản ánh về tình hình ô nhiễm ở địa phương.
Theo ông Đông, trước đây tại các đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận 7 cũng có phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm tại Khu bãi rác Đa Phước, ảnh hưởng đến dân cư. Một số trường ở gần khu kênh rạch bị ô nhiễm, cũng có phản ánh bị ảnh hưởng mùi hôi của nước kênh. Khi nhận được thông tin, ngành Giáo dục phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương đến xử lý khơi thông dòng kênh và khử mùi.
"TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh, đáng sống, nhưng việc xử lý và phân loại rác lại quá lạc hậu so với thế giới. Thành phố cần phải chuyển đổi bằng công nghệ đốt rác, các chất thải sẽ chuyển thành điện và phân bón hữu cơ.
TP bằng mọi giá phải thay đổi công nghệ xử lý rác và cũng phải cương quyết xử lý về thời hạn với dự án của VWS. TP vẫn có quyền thay đổi về điều khoản hợp đồng vì dự án xử lý rác Đa Phước có thời hạn đến năm 2024... Phương pháp chôn lấp rác tốn rất nhiều đất, một phần là các chất rỉ từ rác rất nguy hiểm, khi đó đất ở khu vực này sẽ không dùng vào việc khác được; ngoài ra còn gây ô nhiễm không khí bốc mùi hôi thối...", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết.
Tuấn Thụy
Theo GD&TĐ
Hiệu quả tổ tự quản bảo vệ môi trường ở các làng nghề Phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường (BVMT), các địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình khu dân cư, làng nghề tự quản BVMT và đã góp phần nâng cao nhận thức, thói quen của người dân trong việc BVMT. Chế biến hải sản tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc)....