Chóp Dù (Yên Bái) nơi trở về với thiên nhiên
Ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có một hồ nước rất đẹp, thơ mộng và yên tĩnh.
Một địa điểm thú vị để mọi người có thể khám phá thiên nhiên hay nghỉ ngơi, vui chơi, câu cá và tận hưởng bầu không khí trong lành, cảnh nguyên sơ nhưng đầy chất lãng mạn mà thiên nhiên ban tặng – đó là Hồ Chóp Dù.
Tiếng lành đồn xa, có nhiều người dân trong vùng và du khách ở những nơi xa xôi đã tìm đến Chóp Dù để được khám phá, để được “uống trọn” khung cảnh thiên nhiên thơ mộng mang đậm nét hoang sơ. Nằm ngang lưng núi, hồ Chóp Dù rộng 16 ha, bao quanh hồ là cảnh quan sinh thái đa dạng với nhiều ngách xen lẫn với các khu rừng tự nhiên. Nước hồ ở đây trong xanh, phẳng lặng, soi bóng những vạt rừng.
Tuy chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số nhưng cảnh vật nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn nét tự nhiên vốn có, tạo cho du khách có cơ hội được hòa mình với không gian kỳ bí. Núi non, cây rừng xanh biếc như tan trong tiếng suối róc rách, nhịp mõ gặm cỏ lốc cốc của đàn trâu ẩn hiện lẫn trong tiếng đàn chim nhảy nhót líu lo trong bản hòa tấu. Đây đó, những nhành lá như ngẫu hứng đan dệt và vẽ thành một bức tranh thuỷ mặc giữa thiên nhiên hùng vĩ. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp lung linh, kỳ bí nhưng thật hữu tình và thân thiện với con người.
Đang sống ở thành phố Yên Bái, nhưng không biết vì say với cảnh sắc non nước hữu tình chốn này hay có máu mê làm kinh tế ở chốn rừng xanh mà người phụ nữ này đã tới đây tìm cho được mảnh đất để làm trang trại ngay sát với hồ Chóp Dù. Chị yêu cái không gian không ồn ào nơi đây, sự trong xanh, mát mẻ của hồ nước và ở đây chị được thả lòng mình vào với thiên nhiên vô tận.
Video đang HOT
Người phụ nữ này tin rằng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành khu nghỉ ngơi yên tĩnh, làm tiêu tan những mệt mỏi, bận bịu đời thường của du khách vào những ngày nghỉ cuối tuần. Không thể từ chối lời mời nhiệt tình cộng với những điều bí ẩn trong chốn ngàn xanh, chúng tôi xuống thuyền khám phá.
Lênh đênh vãn cảnh bằng thuyền trên hồ Chóp Dù, đắm mình trong nhịp chèo khỏa nước mà len lỏi khung cảnh thiên nhiên khoảng chừng 30 phút, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Chóp Dù mà còn được hòa mình cùng thiên nhiên hào phóng và thả hồn mình vào mênh mông của trời nước.
Cập vào đầu nguồn nước, xuống thuyền, du khách sẽ chậm rãi từng bước chân, vừa men theo dòng suối róc rách trong vắt vừa thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh non xanh, rừng biếc cùng những làn sương huyền ảo và những giọt nước li ti đọng trên lá cây rừng. Dừng lại một chút để ngắm những nhánh hoa rừng, những chiếc lá cây rừng – lạ và đẹp mắt!
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến với ngọn nguồn thác nước. Nhiều thác nước lớn nhỏ có các tên gọi khác nhau như: Đát cối, Đát thùng… 7 tầng nước nối liền nhau tạo nên một khung cảnh mê đắm lòng người, du khách như vừa được lạc vào chốn “bồng lai, tiên cảnh” có ở nơi trần gian.
Những khối nước ràn rạt trên mặt những khối đá lớn đổ xuống, tạo ra âm thanh vang động, tung bọt trắng xóa hòa cùng màu xanh của cây rừng tạo nên một bức tranh thiên nhiên mát rượi và trong lành. Cứ lên mỗi tầng đát người ta lại thêm một cảm nhận nữa về không gian bạt ngàn cây cỏ và cảm nhận được những kỳ tác mà tạo hóa đã ban tặng cho con người – hãy tận hưởng sự diệu kỳ của thiên nhiên!
Đến được nơi cao nhất, gương mặt ai dường như cũng vui vẻ và thanh thản sau một chặng đi dài để đến với Chóp Dù.
Cùng với nhiều câu chuyện linh thiêng về những cây đa cổ thụ và Ao Vua huyền bí, nơi đây còn gắn với những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Theo các cụ cao niên kể lại, vào thời Pháp thuộc, lực lượng vũ trang Yên Bái đã bắn rơi máy bay của địch khi bọn chúng nhảy dù xuống và đã bị quân ta bắt sống tại đỉnh núi và từ đó nơi đây có tên gọi là Chóp Dù.
Chóp Dù vẫn còn mang đậm nét nguyên sơ, chỉ thêm một chút, một chút thôi bàn tay và khối óc của con người thì chắc chắn, nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của huyện Trấn Yên. Một ngày không xa, Chóp Dù sẽ trở nên quen thuộc với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Hãy tự mình đến để khám phá và cảm nhận để tự hưởng trọn vẹn thiên nhiên thơ mộng nơi ngàn xanh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu Yên Bái
Nà Hẩu xinh đẹp, quyến rũ và trù phú trước ưu đãi của thiên nhiên nằm gọn giữa chốn thâm nghiêm của hàng ngàn hécta rừng nguyên sinh càng trở nên kiêu hùng và bí ẩn và có thể trở thành một trong những khu sinh thái tuyệt vời nhất của tỉnh Yên Bái.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, có tọa độ địa lý từ 21 051'35" đến 21 057'00" vĩ độ Bắc và từ 104 030'50" đến 104 036'55" kinh độ Đông với tổng diện tích quy hoạch 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 9.700 ha.
Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy. Độ cao trung bình từ 600 - 700m so với mặt biển. Nơi cao nhất 1.788m, nơi thấp nhất 200m. Nhiệt độ bình quân 23,2 0C, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Hàng năm thường xuất hiện gió mùa Đông - Bắc vào tháng 11 và 12 kèm theo sương muối. Những ngày ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng, thuận lợi cho các loài thực, động vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn.
Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như Chò nâu, Giổi, Trám...; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như Gội, De, Giẻ...; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, Dương sỉ, Cau rừng...; Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như Lát Hoa, Pơ mu... phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên.
Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Chủ yếu còn các loài thú như Chồn, Cầy hương, Lợn rừng, Rắn... và một số loài chim.
Bên cạnh đó, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H'Mông và Dao với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc như trang phục và nhà ở... vẫn được gìn giữ khá nguyên bản.
Hiện nay đã có đường từ trung tâm huyện Văn Yên đến trung tâm khu bảo tồn. Trên tuyến hành trình đến khu bảo tồn, du khách có thể dừng chân, thăm quan những rừng quế tại xã Đại Sơn. Cây quế Văn Yên có hàm lượng tinh dầu đứng thứ hai sau quế Trà My ở Quảng Nam. Trung bình mỗi năm diện tích quế ở Văn Yên lại trồng mới thêm hàng ngàn ha, nâng diện tích quế của toàn huyện lên trên 15.000 ha. Cây quế là nguồn thu nhập rất lớn trong kinh tế hộ gia đình của người Dao ở huyện Văn Yên nhưng chưa được khai thác đáng kể vào mục đích du lịch sinh thái gắn liền với các bản sắc văn hoá của dân tộc Dao.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng tại huyện Văn Yên anh hùng trong những năm tới.
Thác Mơ (Yên Bái) vẻ đẹp hùng vĩ của miền sơn cước Lên Mù Cang Chải, từ trên cao du khách sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3.000 mét. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương. Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng...