Chồng trốn nợ, vợ “một mình chống lại mafia”
Mấy ngày nay, tôi phải “một mình chống mafia” theo đúng nghĩa đen. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng vừa mở mắt ra là một đám giang hồ xăm mình vằn vện đập cửa nhà đòi nợ. Giấy nợ do chồng tôi ký, 200 triệu, lãi suất cắt cổ 0,5%/ngày. Cũng quen với mấy vụ này rồi, nên tôi đâm ra lỳ đòn, cứ khăng khăng: “Chuyện của chồng tôi, tôi không biết. Có gì các anh cứ kiếm ông ấy”. Bọn chúng dọa “xử đẹp”, tôi cũng tỉnh bơ: “Giờ tôi còn cái mạng nè, mấy anh muốn chém muốn giết thì tùy. Còn mấy anh muốn kiện thì đem giấy nợ lên công an”…
Trong khi đó, chồng tôi trốn biệt về quê mẹ dưới tận Trà Vinh. Ông tắt điện thoại, tôi muốn tìm phải gọi nhờ vào điện thoại của đứa em chồng. Ông trốn thì yên phận rồi, còn tôi ở lại vừa phải vất vả “chống mafia”, vừa phải lo chạy tiền ăn hàng ngày cho hai đứa con. Cảnh ông chông trốn nợ như thế này chẳng phải là lần đầu.
Hồi chưa lấy nhau, thấy ông máu mê cờ bạc, cá độ, tôi cũng hơi ngại. Nhưng rồi ông nói ngọt nói nhạt, nghe cũng xuôi tai, với lại tôi cũng thương ông nhiều, nên quyết định đám cưới, hy vọng ông sẽ sửa đổi. Có ai ngờ, tôi lại tự đưa đời mình vào ngõ cụt.
Ba mẹ tôi cho hai vợ chồng một cái nhà. Còn ba mẹ ông – vốn gia đình khá giả, có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng – cung cho hai vợ chồng một cửa hàng để có đường làm ăn. Thấy kinh tế ổn định, khi có bầu đứa con thứ nhất, tôi xin nghỉ việc luôn để toàn tâm toàn ý ở nhà chăm con và nội trợ, còn ông lo kiếm tiền. Thời gian đầu, ông cũng chí thú làm ăn. Nhưng chỉ được một hai năm, máu cờ bạc lại nổi lên…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hồi đầu, ông chỉ lén tôi trốn ra quán cà phê, đánh bài với đám bạn, ăn thua một ván chỉ vài ngàn. Tôi phát hiện cũng cằn nhằn ông vài tiếng, bụng thì nghĩ “Thôi kệ, ông chơi vui một chút chăc không sao, chỉ sợ bê trễ công việc”. Nhưng càng ngày, ông càng lậm sâu, một ván từ vài ngàn lên vài chục ngàn, rồi vài trăm ngàn. Càng đánh ông càng mê mẩn, càng máu ăn thua, có khi đánh bài cả đêm không về nhà. Có lần, ông còn ôm tiền gối đầu vật liệu của mấy nhà cung cấp, gần 300 triệu đồng, đi đánh bài thua sạch. Tôi phải chật vật vay mượn của hai bên gia đình để trả cho người ta đúng hẹn.
Video đang HOT
Sau lần ấy, ông ít đi đánh bài hơn trước. Tưởng ông hối lỗi, ai ngờ ông chuyển qua chơi môn mới là đá gà. Ông rước về cả chục con gà, rồi bỏ công chăm bẵm. Vài bữa, lại thấy ông xách gà đi đá một lần. Rồi cũng vài bữa lại thấy ông lủi thủi đi về, gà thì chết, tiền thì thua sạch. Lại có lần, ông đang đá gà thì bị công an băt đưa về phường, báo hại tôi phải đem giấy tờ lên xin cho ông về. Tôi khuyên lơn, ngăn cản ông không biết bao nhiêu lần, vợ chồng gây nhau suốt, nhưng ông chưa bao giờ nghe lời tôi. Thậm chí, mấy lần tôi cản ông xách gà đi đá, ông còn đánh tôi. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, ông thua riết, phải sang cửa hàng để trả nợ.
Mất cửa hàng, tiền bạc trong nhà cũng hết sạch, tôi phải đi xin việc, lương tháng von vẹn năm triệu đồng, giật gấu vá vai mà lo cho gia đình. Ông thì thất nghiệp, chẳng những không tỉnh ngộ mà còn lang thang tụ tập với đám bạn xấu. Rồi ông lại sinh thêm tật đề đóm, cá độ. Gần đây nhất, hai ngày sau trận bóng Việt Nam – Malaysia, tôi thấy ông lo lắng bất an suốt ngày. Đùng một cái, ông nhắn lại với tôi một câu: “Tôi đi trốn nợ” rồi dông tuốt về quê. Mãi đến khi giang hồ xách giấy nợ tới, tôi mới tá hỏa là ông bắt độ đá banh…
Giờ hễ ai tới đòi nợ, tôi tuyên bố thẳng là tôi và ông đã ly dị, chuyện ông sống hay chết không liên quan đến tôi… Cũng may, lúc ba mẹ tôi cho vợ chồng căn nhà chưa làm thủ tục sang tên, chứ nếu không, chắc cái nhà che nắng che mưa cũng không còn. Có lẽ tôi đanh phải ly dị ông thật, chứ vơi đà này hoài, làm sao tôi sống nổi!…
Theo PNO
Bị chồng trói bằng xích chó và bỏ đói giữa HN
Một người phụ nữ chia sẻ câu chuyện của mình khiến nhiều người ái ngại và thương cảm.
Chiều ngày 8/4/2014, triển lãm về những câu chuyện có thật về bạo lực gia đình với chủ đề "Nước mắt cười" do (CSAGA) đã khép lại. Phía sau của cuộc triển lãm là nỗi ám ảnh và xót xa về câu chuyện của nạn nhân
Chồng lấy xích chó trói vợ
Từ trước đến nay, bạo hành gia đình bằng những trận đòn roi người ta thường nghĩ chỉ có ở nông thôn, ở nơi dân trí còn thấp. Vậy mà ở ngay trung tâm của Hà Nội cũng có nhiều người phụ nữ đang âm thầm sống cùng bạo hành.
Một người phụ nữ trú tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình khiến nhiều người ái ngại và thương cảm cho chị.
Chị kể: "Tôi bị chồng đánh không biết bao nhiêu lần, tôi cũng chẳng nhớ rõ. Không vừa ý là đánh, chuyện bực ở ngoài xã hội về cũng nhè vợ ra đánh, có ai nói gì về chẳng cần biết đúng sai cũng đánh...Nhiều người bảo sống với người chồng như thế thì bỏ đi còn hơn. Tôi cũng rất buồn nhưng lần lữa vì thương con nhỏ và thương mẹ già thấy tôi đau lòng. Ngày tháng trôi qua, tâm trí tôi chai lỳ vì những trận đòn nhưng sức khỏe của tôi thì không chai lì được như vậy.
Câu chuyện và hiện vật của nạn nhân được trưng bày tại triển lãm
Cuối cùng, tôi muốn ly hôn với người chồng coi việc đánh vợ như một trò tiêu khiển. Nhưng anh đã đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Vì sợ mọi người biết nên anh đã xích tôi lên gác hai và bỏ đi. Sang ngày thứ ba tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ gọi hàng xóm cứu giúp. Họ đã gọi công an và giải thoát cho tôi".
Một câu chuyện khác của người phụ nữ đến từ Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội cũng khiến người nghe giật mình: "Từ khi chúng tôi lấy nhau cho đến nay đã 22 năm, chúng tôi có hai đứa con trai. Khi tôi sinh cháu thứ nhất được 1 tuổi thì cuộc sống của vợ chồng tôi bắt đầu rạn nứt. Chồng rất gia trưởng nên anh ấy cậy quyền mà chửi bới, đánh đập thậm tệ. Nếu như để kể hết và nói ra những trận đòn của chồng đánh tôi thì không thể đếm hết được. Tôi nhớ nhất có lần anh ấy đi làm về muộn, uống rượu say rồi đánh tôi trong lúc tôi đang cho lợn ăn. Anh ấy chửi bới, xông vào bóp cổ, dìm đầu tôi xuống máng lợn và dùng búa đập tôi..." chị gửi chiếc búa tới các tổ chức phi chính phủ làm hiện vật của bạo lực gia đình.
Con học cha đánh mẹ
Một người phụ nữ sống ở Cửa Lò, Nghệ An thì kể: Chị không chỉ đau vì bị chồng đánh, chồng hành hạ thể xác, tinh thần, tình dục, mà còn đau gấp vạn lần hơn khi đứa con thơ cũng học tính bố - đánh mẹ.
Câu chuyện của chị được ghi lại như sau "Đêm đêm, anh trở về nhà say khướt, nồng nặc hơi rượu. Nhìn thấy đồ vướng lối là anh đá, anh quát. Con khóc, anh chửi tôi đoảng, dốt. Tôi giải thích và nhận được ngay một cái tát . Tôi hiểu rằng, đừng bao giờ nói khi anh có rượu. Nhưng không sao hiểu được, cả những lần không có men, anh vẫn chửi đánh, ngày càng thậm tệ hơn. Tôi không biết phải làm gì ngoài việc im lặng.
Mỗi câu chuyện là một mảnh đời khác nhau về những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình
Có lần, trận mưa chuyển mùa khiến tôi đổ bệnh. Tôi ước được một bát cháo nóng do chồng nấu, con bê nhưng... tôi vẫn nằm một mình. Cố gượng dậy ra hiệu thuốc, khi về, anh hỏi, tôi trả lời thật "Em mệt nên đi mua mấy viên thuốc". Không ngờ anh nổi cơn thịnh nộ, túm tóc xoay tôi mấy vòng. Tôi chao đảo, không biết do ốm hay do cú đánh trời giáng của anh mà mặt mày xa xẩm. Tôi cảm thấy một vật gì đó đang liên tục quất vào người và lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi biết mình đang ở trong bệnh viện.
Phũ phàng thay, không biết từ lúc nào đứa con trai bé bỏng tôi chăm bẵm bấy lâu nay lại "ngấm" tính bố, nó quay sang quát và đánh mẹ nó chỉ vì mẹ phát hiện nó bán trộm rượu lấy tiền đánh điện tử. Cái đánh của con không mạnh bằng bố nó nhưng nó làm tôi xót lòng, đớn đau gấp nghìn lần. Tôi sẽ rời bỏ ngôi nhà này? Ý nghĩ ấy xuất hiện trong suy nghĩ nhiều lần nhưng tôi không đủ can đảm. Hơn khi nào hết, lúc này tôi đang cần sự giúp đỡ của xóm làng nhưng tôi sợ họ sẽ lên án loại đàn bà không khéo dạy con, chiều chồng".
Theo VNE
Thư gửi người anh yêu! Em à, anh không biết phải làm gì để có thể giữ em bên mình được nữa. Lúc nào anh cũng yêu em, mong hai đứa được hàn gắn, chưa bao giờ anh thấy lòng mình trống vắng và buồn bã thế này, một cảm giác cô đơn, lạnh lẽo đến thấu xương. Cứ ngỡ trải qua nhiều sóng gió, khó khăn để...