Chống suy giảm kinh tế, Trung Quốc xây dựng mới 12.000 km đường sắt cao tốc
Trung Quốc có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, với chiều dài tăng thêm đến năm 2025 bằng tổng độ dài của 5 nước có đường sắt cao tốc phát triển nhất thế giới sau Trung Quốc.
Trung Quốc dự kiến đưa tổng chiều dài đường sắt cao tốc tại nước này lên 50.000 km vào năm 2025. Ảnh: Xinhua
Đến trước năm 2025, Trung Quốc sẽ mở rộng mạng đường sắt cao tốc thêm 32%. Phần chiều dài tăng thêm này bằng tổng chiều dài đường sắt cao tốc của năm nước trong nhóm đi đầu ở vực này sau Trung Quốc. Động thái này cũng cho thấy Bắc Kinh một lần nữa lại dựa vào mở rộng đầu tư hạ tầng để ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng.
Theo bản kế hoạch 5 năm phát triển giao thông vận tải được Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 18/1, đến trước năm 2025, mạng lưới đường sắt cao tốc tại Trung Quốc sẽ đạt 50.0000 km chiều dài, với 12.000 km được xây mới so với thời điểm cuối năm 2021. Phần tăng thêm này vượt tổng chiều dài đường sắt cao tốc của năm nước đứng sau Trung Quốc là Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Đức và Phần Lan cộng lại (11.954 km) – theo dữ liệu của Liên minh đường sắt Quốc tế (IUR).
Tính tại thời điểm cuối năm 2021, Trung Quốc có 38.000 km đường sắt cao tốc, vượt 8.000 km so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra trong kế hoạch hồi năm 2017. Cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc, đã phê duyệt hai dự án đường sắt cao tốc mới, với chiều dài 826,8 km và tổng mức đầu tư 37,5 tỉ USD.
Kế hoạch hạ tầng quy mô lớn được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, nhưng chủ yếu nhờ mức tăng ấn tượng trong quý 1 (18,3%). Đến quý 4 vừa qua, mức tăng này giảm xuống chỉ còn 4%. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn quốc tế như Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến ước đạt 4,3%.
Giới phân tích nhận định suy yếu đầu tư cho hạ tầng và lĩnh vực bất động sản là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong nửa cuối năm 2021. Nhân tố chủ chốt để ổn định tăng trưởng trong năm 2022 vẫn là mở rộng tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu cho đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng.
Trung Quốc: Mục tiêu và tác động của các chính sách kiểm soát kinh tế
Chính phủ Trung Quốc dường như bắt đầu triển khai những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn để duy trì vai trò ổn định của nhà nước trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Học sinh tại trường trung học số 6 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Vào giữa tháng 6/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến một sự thay đổi chính sách, mà sau đó đã làm chao đảo các thị trường chứng khoán từ Thượng Hải đến New York. Phát biểu tại câu lạc bộ sau giờ học dành cho học sinh tiểu học ở thành phố Tây Ninh, ông Tập Cận Bình đã nhắc đến áp lực về thời gian và chi phí ngày càng tăng đối với học sinh và phụ huynh trong vấn đề học thêm. Ông hứa sẽ giảm bớt gánh nặng cho họ, và cho biết các sở giáo dục cần chấn chỉnh tình trạng này.
Mặc dù bình luận của ông Tập Cận Bình vào thời điểm đó gần như không được các nhà đầu tư toàn cầu chú ý, nhưng những biện pháp kiểm soát và hạn chế đối với các công ty dạy thêm sau đó đã trở thành minh chứng rõ nét nhất cho những ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc.
Video đang HOT
Đó là đảm bảo ổn định xã hội và an ninh quốc gia. Trước đó, giới chức Trung Quốc đưa ra quy định mới về đánh giá bảo mật dữ liệu trước khi công ty muốn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài, chỉ thị cho các công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn điều chỉnh lương cho nhân viên giao hàng, đồng thời đưa ra các biện pháp để hạn chế tình trạng leo thang giá nhà ở.
Để hỗ trợ những người chuyên làm việc thời vụ vật lộn với mức lương kém ổn định, các bậc phụ huynh đang "đau đầu" với giá nhà ở và học phí ngày càng tăng, và các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối phó với độc quyền trong lĩnh vực công nghệ, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách giải tỏa bớt những khó khăn mà tầng lớp trung lưu đang đối mặt. Những thách thức này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, nhưng cách Trung Quốc ban hành các chính sách ứng phó rất đáng chú ý.
Ưu tiên chính sách
Vài tuần sau chuyến thăm Tây Ninh của ông Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm trở thành "phi lợi nhuận". Ngành dạy thêm ở nước này được cho là đang quá chú trọng đến lợi nhuận, và đây là biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh nền giáo dục. Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào các công ty kiểu này.
Cuối tháng Bảy, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu các công ty dạy thêm các môn chính ngoài giờ không được thu lợi nhuận và theo đuổi các thương vụ IPO hoặc nhận vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 100 tỷ USD ở Trung Quốc. Trong khi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, với các quỹ lớn từ Temasek đến Warburg Pincus, phàn nàn về các quy định mới, thì nhiều phụ huynh Trung Quốc lại hoan nghênh biện pháp này.
Ở các thành phố lớn, hơn một nửa các hộ gia đình cho biết họ cảm thấy áp lực từ chi phí cho con cái học thêm. Liu Shu, một nhà quản lý 39 tuổi tại một công ty bảo hiểm ở Bắc Kinh, cho biết vợ chồng cô chi 200.000 đến 300.000 NDT (khoảng 31.000 đến 46.400 USD) mỗi năm cho các lớp học thêm của cậu con trai 9 tuổi. Số tiền này cao gấp hơn ba lần thu nhập khả dụng trung bình của cư dân ở thủ đô Trung Quốc. Vấn đề học thêm gây áp lực lên tâm lý của trẻ em, và tài chính của hộ gia đình. Điều đó cũng khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh nhiều con, và gián tiếp tạo ra yếu tố bất lợi đối với cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc.
Những biện pháp mạnh nhằm siết chặt lĩnh vực giáo dục tư nhân mới đây đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài "bất an" bởi họ lo sợ không biết lĩnh vực nào sẽ là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ về thời gian thực hiện, mức độ và phạm vi cũng như về thời gian thông báo chính sách mới. Điều này đã tiếp tục đẩy nhanh xu hướng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị thị trường của những lĩnh vực này đã bị "bốc hơi" khoảng 1.500 tỷ USD kể từ tháng Hai.
Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Trung Quốc một mặt giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực chiến lược như ngân hàng và dầu khí, một mặt vẫn cho phép các doanh nhân và nhà đầu tư tự do kinh doanh và áp dụng công nghệ mới, mở ra cơ hội tăng trưởng cho nền kinh tế.
Giờ đây, với tốc độ tăng trưởng chậm lại và căng thẳng với Mỹ gia tăng, Bắc Kinh đang hướng đến các mục tiêu khác, đó là sự thịnh vượng chung và an ninh quốc gia. Đây cũng được coi là lý do khiến Trung Quốc mạnh tay kiểm soát các ngành công nghiệp đang tạo ra nhiều bất bình nhất trong xã hội. Giới quan sát nhận định, ba ưu tiên chính sách hiện nay là giảm gánh nặng chi trả cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bất động sản.
Hiện tại, công nghệ vẫn đang là mục tiêu chính. Ngày 30/7, các nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập các công ty công nghệ lớn của nước này để thông báo về các yêu cầu liên quan đến vấn đề bảo mật dữ liệu, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty có cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài. Giới chức Trung Quốc cũng cáo buộc các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe đang kìm hãm cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Giai đoạn phát triển mới
Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc năm 2021 sẽ khởi đầu một "giai đoạn phát triển mới", với ba ưu tiên. Đầu tiên là an ninh quốc gia, bao gồm kiểm soát dữ liệu và khả năng tự chủ cao hơn trong công nghệ; thứ hai là sự thịnh vượng chung, với mục tiêu giảm bớt tình trạng bất bình đẳng đã tăng cao trong những thập kỷ gần đây; thứ ba là ổn định, có nghĩa là xoa dịu sự bất mãn trong tầng lớp trung lưu của Trung Quốc.
Nếu tầm nhìn này được triển khai, những đối tượng sẽ được hưởng lợi dự kiến là những người lao động trung lưu, phụ huynh và các công ty khởi nghiệp. Còn những người chịu thiệt hại bởi các biện pháp kiểm soát của chính phủ, ít nhất đến thời điểm này, là các tỷ phú sở hữu các công ty công nghệ và những nhà đầu tư vào các công ty đó trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó là các công ty bất động sản có đòn bẩy tài chính cao như tập đoàn China Evergrande Group, và các công ty đầu tư mạo hiểm nước ngoài hy vọng vào những công ty Trung Quốc sẽ IPO ở Mỹ.
Các nhà đầu tư quốc tế đều hiểu rằng muốn kiếm tiền ở Trung Quốc thì họ cần đưa ra những quyết định phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, giờ đây quy tắc này dường như ngày càng khó áp dụng bởi các công ty và nhà đầu tư đều đang gặp khó trong việc dự đoán những chính sách và quy định mới.
Biểu tượng của tập đoàn bán lẻ Alibaba tại Thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến động thái siết chặt dòng vốn tư bản trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, nhà nghiên cứu Feng Siyuan cho rằng các nhà đầu tư lẽ ra nên nhận ra các quy định về giáo dục rồi sẽ bị điều chỉnh, bởi Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây hơn hai năm đã nói rằng giáo dục không nên được thúc đẩy bằng lợi nhuận. Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng, ông Tập Cận Bình mong muốn nhận được sự ủng hộ của quần chúng bằng cách ổn định tình hình xã hội đất nước.
Anh Tang (22 tuổi), nhân viên giao hàng của dịch vụ chuyển phát Meituan, phàn nàn về việc không có bảo hiểm y tế. Anh cho biết "Khoảng cách giàu nghèo giữa mọi người trong xã hội này là quá lớn". Sau khi diễn ra một số cuộc đình công của các nhân viên giao hàng, chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu các công ty cải thiện chính sách bảo vệ người lao động. Giá trị vốn hóa của Meituan đã mất tới 63 tỷ USD vào tuần trước sau khi chỉ thị trên được đưa ra.
Tác động đối với tâm lý nhà đầu tư
Bắc Kinh đã báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới đối với các doanh nhân và nhà đầu tư bằng việc "đưa vào tầm ngắm" một trong những tỷ phú hàng đầu Trung Quốc, đó là Jack Ma - người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd. Ngày 3/11/2020, Bắc Kinh bất ngờ ngăn chặn công ty tài chính Ant Group (thuộc Alibaba), đây vốn là đợt IPO được đánh giá là lớn nhất thế giới, với giá trị huy động ước đạt 37 tỷ USD.
Tốc độ ban hành các quy định đối với công ty công nghệ bắt đầu tăng lên sau tháng 12/2020, sau khi ông Tập tuyên bố sẽ kiềm chế "việc mở rộng vốn một cách mất trật tự", Việc này báo hiệu rằng động thái thắt chặt quản lý Alibaba là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn mà Chính phủ Trung Quốc cho là cần thiết để duy trì "sự ổn định xã hội".
Ban đầu, các nhà đầu tư nghĩ rằng cụm từ này ám chỉ những nỗ lực chống độc quyền nhằm thu hẹp quyền lực của những "gã khổng lồ" công nghệ. Quan điểm này được củng cố sau khi cơ quan chống độc quyền Trung Quốc phạt Alibaba 18,2 tỷ NDT hồi tháng 4/2021. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy các biện pháp mạnh vẫn chưa dừng lại. Trong một số lĩnh vực, nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, không hề được "chào đón".
Vào đầu tháng 7/2021, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố bản dự thảo yêu cầu những công ty khai thác thông tin cá nhân của hơn 1 triệu khách hàng phải vượt qua kiểm tra an ninh mạng mới có thể niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Nền tảng gọi xe trực tuyến Didi Chuxing với gần 500 triệu khách hàng sử dụng mỗi năm liên tục chịu các cú sốc khi bị giới chức quản lý "sờ gáy".
Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO tại Mỹ vào ngày 29/6. Tuy nhiên, sau đó Bắc Kinh đã yêu cầu Didi ngừng đăng ký người dùng mới, đồng thời phải gỡ bỏ ứng dụng khỏi cửa hàng ứng dụng với lý do Didi bị cho là đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp bằng cách thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 40% trong 2 tuần kể từ ngày IPO.
Các động thái khác của Trung Quốc, mặc dù có phần khá mạnh tay, dựa trên logic của kinh tế học tiến bộ, với mục tiêu kiểm soát các công ty dựa vào độc quyền nhằm đè bẹp đối thủ cạnh tranh, ép buộc người lao động và lợi dụng khách hàng. Không chỉ ở Trung Quốc, các cơ quan quản lý ở Mỹ cũng đang có những động thái với hướng đi tương tự như Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng Bảy đã ký một sắc lệnh hành pháp báo hiệu sự khởi đầu của một loạt biện pháp chống độc quyền ở Mỹ.
Tuy nhiên, trái ngược với Mỹ và châu Âu, nơi mà các nhà đầu tư nói chung vẫn có thể bắt kịp với các quy định mới, hệ thống chính trị của Trung Quốc khiến việc dự đoán thời điểm ban hành các quyết sách trở nên khó khăn hơn.
Từ các quy định nhằm hạn chế các hành vi độc quyền trên không gian mạng, đến giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản và cải cách hoạt động dạy thêm, các quy định tiếp tục thay đổi nhanh chóng. Giới quan sát lưu ý, các biện pháp can thiệp mạnh tay của Chính phủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tâm lý nhà đầu tư tư nhân và điều này có thể đảo ngược quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua.
Mặt khác, các động thái mới nhất của Bắc Kinh có thể tạo thêm sức nặng cho những ý kiến ở Mỹ và châu Âu đang kêu gọi giảm bớt mối liên kết kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là "nạn nhân" thụ động của các chính sách "tách rời" kinh tế do Mỹ dẫn đầu.
Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ được coi là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy khả năng "tự cung tự cấp" - được minh chứng bằng kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025) nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, từ robot công nghiệp đến xe điện.
Những rào cản mới nhất mà Bắc Kinh đặt ra đối với các kế hoạch IPO ở nước ngoài và nguồn vốn nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng đánh dấu một động thái hướng tới sự "tách rời" có chọn lọc trong lĩnh vực tài chính. Trung Quốc muốn ưu tiên dòng vốn chảy vào nước này thông qua các thị trường chứng khoán ở Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải và Thâm Quyến, nơi giới chức nước này có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với những công ty được niêm yết.
Bắc Kinh dường như đang đánh cược rằng sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhiều cơ hội tăng trưởng vẫn sẽ thu hút dòng vốn đầu tư, bất chấp những biện pháp kiểm soát của nước này. Trên thực tế, đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Trung Quốc, thông qua các thị trường trái phiếu và cổ phiếu trong nước tiếp tục mở cửa cho dòng vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong một động thái được coi là nhằm trấn an nhà đầu tư, Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã họp với các giám đốc ngân hàng để truyền đi một thông điệp rằng các chính sách liên quan đến giáo dục tư nhân không nhằm gây tổn hại cho các công ty trong các lĩnh vực khác.
Giám đốc điều hành UOB Kay Hian (Hong Kong), Steven Leung, cho rằng lòng tin của nhà đầu tư hiện vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn và họ cần sự giải thích rõ ràng hơn từ phía các nhà chức trách về các chính sách mới được đưa ra. Diễn biến của thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong thời gian tới ra sao sẽ tùy thuộc vào mức độ kiểm soát mà nước này thực hiện và biến động thị trường sẽ vẫn gia tăng trong ngắn hạn./.
Tăng dân số để có nhân tài Từ vài năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách gia đình 2 con thành gia đình 3 con. Nhưng như vậy chưa đủ để ngăn chặn đà giảm dân số. Ảnh minh họa/INT Thông báo chung của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 20/7 làm rõ chi tiết các chính sách dân số mới,...