Chống người thi hành công vụ: Từ vi phạm thành tội phạm
Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ (CNTHCV) trên cả nước diễn biến phức tạp. Nhiều cán bộ công an, dân phòng, kiểm lâm bị tấn công; xảy ra nhiều nhất liên quan đến việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại TPHCM, tám tháng đầu năm 2011 xảy ra 38 vụ với mức độ ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm…
Tên côn đồ Quách Văn Bách tại tòa
Đang làm nhiệm vụ phòng chống đua xe trên tuyến đường Bạch Đằng, P15, Q.Bình Thạnh, lúc 3 giờ 20 ngày 27-3-2011, thiếu úy Dương Mạnh Hùng (Đội CSGT Hàng Xanh) và hạ sĩ Đỗ Thành Công (cảnh sát cơ động) phát hiện Trần Quốc Thanh (SN 1974, ngụ P21, Q.Bình Thạnh) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, rú ga, nẹt pô liên tục nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Không chấp hành hiệu lệnh, Thanh còn hung hãn lấy hai con dao nhọn giấu trong cốp xe ra tấn công. Thanh đã bị khống chế, bắt giao Công an Q.Bình Thạnh xử lý…
Lúc 17 giờ 10 ngày 4-12-2010, đang làm nhiệm vụ điều hòa giao thông tại ngã tư QL1A – Phan Văn Hớn, anh Trần Minh Nhi và Trần Quốc Thắng thuộc Đội CSGT An Sương phát hiện Trần Tấn Vũ (SN 1993, ngụ xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh) điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, nẹt pô. Vũ còn chạy sát xe cảnh sát, phun nước bọt vào người anh Thắng rồi rú ga, lạng lách, đánh võng để trêu chọc. Bị truy đuổi, Vũ chạy vào tiệm cơm lấy chồng ghế ra đập vào chân anh Thắng, lớn tiếng chửi bới và cởi áo khoe hình xăm trên cơ thể. Vũ đã bị CAQ12 bắt, đề nghị truy tố về tội CNTHCV.
Gây hậu quả nghiêm trọng là vụ CNTHCV xảy ra ngày 7-1-2011 tại UBND P.Tân Chánh Hiệp, Q12. Sau khi bị anh Hồ Hoàng Đông (SN 1978, dân quân P.Tân Chánh Hiệp) nhắc nhở, Quách Văn Bách (SN 1986, quê Hòa Bình) và hai người bạn là Thoa và Trường quay lại tìm anh Đông “tính sổ”. Thấy anh đang ngồi ở bãi giữ xe trước UBND phường, Trường dừng xe cho Bách đi bộ đến giả vờ hỏi thăm đường, rồi rút dao đâm vào ngực anh Đông, khiến anh bị thương tật vĩnh viễn 81%. Bách vừa bị TAND quận 12 tuyên phạt 15 năm tù…
Lúc 20 giờ ngày 28-8-2011, được quần chúng cấp báo về một số thanh niên ở trọ tại tổ 45, KP4, P.Thạnh Xuân cởi trần, xăm mình vằn vện, chuẩn bị mang hung khí ra đường đánh nhau, hai bảo vệ dân phố là Lê Thanh Tùng và Phan Văn Vàng đến phòng trọ mời đối tượng về trụ sở khu phố làm việc. Không những không chấp hành, Nguyễn Xuân Nguyên (SN 1993, ngụ thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) còn manh động xách mã tấu, được bạn là Ngô Xuân Hậu Vận hỗ trợ, dùng thanh sắt tấn công. Nguyên chém anh Vàng trúng tay và chém anh Trần Anh Đức (ngụ KP2, P.Thạnh Xuân) rách da trán, chảy máu. Vận còn dùng thanh sắt đập mạnh vào chân một người dân. CAQ12 đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyên về hành vi CNTHCV.
Mới đây, ngày 25-8-2011, khi bị Đoàn kiểm tra liên ngành chống dịch lở mồm long móng huyện Củ Chi bắt quả tang việc vận chuyển gia súc không có chứng từ kiểm dịch, Trần Văn Nguồi (SN 1977, ngụ ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức, Củ Chi) liền điều khiển xe đâm vào trụ điện nhằm cố ý gây nguy hiểm cho hai cán bộ đang giám sát. Cú va chạm làm đầu xe tải dập nát, một cán bộ bị thương tích. Chưa hết, tài xế còn ngang nhiên mở cửa thùng xe thả 21 con heo chạy xuống ruộng nhằm tẩu tán vật chứng.
Video đang HOT
Chống người thi hành công vụ thực chất là hành vi bạo hành ở mức độ nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc chống lại cơ quan công quyền, làm ảnh hưởng rất xấu đến ANTT và dư luận, nhất thiết phải áp dụng hình phạt nặng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục răn đe trong toàn xã hội về ý thức chấp hành pháp luật bằng những phiên tòa lưu động. Riêng đối với những người thực thi pháp luật cần có biện pháp đề phòng, đồng thời lưu ý tác phong ứng xử chuẩn mực, bản lĩnh vững vàng để sẵn sàng ứng phó khi gặp tình huống xấu.
Theo cATP
Khi "ông trùm" một thời ngồi nhặt rau và khóc
Khác với sự né tránh trước đây, tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) bây giờ, ông trùm làm mưa làm gió vùng biên Đông Bắc một thời đã không ngần ngại kể về cuộc đời mình với cơ man nỗi thăng trầm cũng như sự hối hận và quyết tâm hồi hướng.
"Xin đừng gọi tôi là ông trùm"
Nguyễn Tiến Phương đang "ẵm" bản án 20 năm, ở đội vệ sinh, thuộc Phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh, công việc hàng ngày là nhặt rau.
Nguyễn Tiến Phương tại Trại giam Ninh Khánh
Phương nói: "Trước hết tôi xin mọi người đừng gọi tôi là "ông trùm", bởi tôi xuất thân từ một gia đình nghèo, yêu lao động và kể cả khi tôi có trong tay tới hàng trăm tỷ đồng, tôi cũng vẫn nghĩ mình là một con người bình thường, hăng say lao động. Tôi sinh năm 1957 tại huyện Hải Ninh, Quảng Ninh trong một gia đình có bố là công nhân Xí nghiệp Sứ Quảng Yên, mẹ làm nội trợ. Nhà tôi có sáu chị em, tôi là thứ hai. Tôi theo học hết lớp 7 thì bỏ vì hoàn cảnh gia đình.
Năm 1977, tôi tham gia nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 356 và xuất ngũ đầu năm 1980. Vì thích phiêu lưu và ham làm giàu, tôi đã trốn đi nước ngoài, nhưng ước mộng đổi đời tan tành khi cuối năm 1982, tôi bị đuổi về Việt Nam, mất liên lạc với người vợ trẻ và đứa con gái mới tròn một tuổi ở cùng trại tị nạn. Khi đó tôi 25 tuổi, sống trong đau khổ, buồn chán. Tôi chỉ biết lao động làm vui.
Thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa trở lại, vấn đề giao thương giữa hai nước được mở rộng, mong ước làm giàu trong tôi đã có cơ hội thực hiện. Nắm được nhu cầu tiêu thụ hải sản ở phía Trung Quốc rất lớn, tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng việc nhận hải sản của các chủ hàng Việt Nam để đưa sang biên giới ăn hoa hồng. Nhiều tiếng đồn cho rằng tôi chụp giật, chèn bạn buôn, ép chủ hàng, họ có biết đâu ngày ngày từ tờ mờ sáng đến tận khuya, tôi không ăn trọn bát cơm nguội đã phải nhảy xe khách vào tận bến phà Bãi Cháy đón từng xe hàng đưa ra Móng Cái bán cho người Trung Quốc kiếm chút lời.
Trụ sở Công ty Quang Phát tại trung tâm TP. Móng Cái
Tuy ít học nhưng tôi tự thừa nhận là tôi có đầu óc kinh doanh, từ việc thu hút về mình các bạn hàng, tạo nguồn hàng bằng cách mở các trại nuôi hải sản ở nhiều nơi đến thành lập doanh nghiệp. Công ty Quang Phát của tôi gồm rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó chủ yếu là xuất khẩu và xây dựng. Đây chính là lúc mà tôi khẳng định vị trí cũng như tiềm lực kinh tế của mình không chỉ ở vùng biên Đông Bắc. Tôi tham gia "tranh tài" một cách chính thống trên thương trường và trúng những gói thầu trị giá tới vài chục tỷ đồng. Ngay cả đến lúc ấy, tôi cũng không bao giờ nghĩ mình là "ông trùm" như người ta gán cho và cuộc sống của tôi vẫn đơn giản với mỳ tôm để có nhiều thời gian đi làm".
"Tôi tự lên án mình"
Phương thổ lộ: "Giờ ở sau song sắt buồng giam, tôi càng hiểu, cuộc đời mỗi con người, theo quy luật, có lúc thăng, lúc trầm và với tôi không là ngoại lệ. Nhưng cái sự thăng, trầm của tôi xem ra khác với mọi người. Hiện, số phận của tôi đã được định đoạt với bản án 20 năm và công ty Quang Phát là toàn bộ công sức của mình đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ với vụ việc đau lòng bởi cứ nghĩ đến là bệnh tật giày vò tôi. Tôi giận mình lắm, giá như tôi không ngạo mạn khi đứng trước đồng tiền.
Phương và đồng bọn tại phiên toà sơ thẩm
Tuổi 60 đã đuổi gấp phía sau. Tôi không tin mình có thể sống được đến ngày mãn hạn trở về làm điều gì đó cho các con. Tôi nghe sức khoẻ của mình mỗi lúc một kém bởi tôi đã từng phải mổ tiền liệt tuyến, gan, phổi cũng có vấn đề từ lâu rồi. Thật ra cho đến giờ phút này, tôi không nghĩ gì cho bản thân mình bởi theo tôi, bản án 20 năm là sự trả nợ của một kẻ giang hồ. Đêm đêm tôi tự lên án mình và tự nhủ, nếu được nói với những người ở ngoài vòng pháp luật, tôi mong hãy lấy tôi làm gương để đừng sai phạm. Tôi hối hận và ngày đêm sám hối. Vì thế, kể cả những hôm rất mệt mỏi, tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc của một phạm nhân phụ bếp, cho dù xung quanh không ít bạn tù bĩu môi dè bỉu "ông trùm". Tôi không bận tâm về điều đó, bởi muốn tồn tại thì phải thích nghi.
Đêm đêm trong trại, khi hàng trăm bạn tù cùng buồng ngon giấc thì tôi thức và cảm nhận rất rõ những nỗi đau len lỏi đâu đó trong đời. Hơn 30 năm qua tôi cố gắng để đạt được ước mơ làm giàu, có chỗ đứng trong thương trường, điều ít ai có thể làm được thì tôi lại tự biến mình thành kẻ bị lên án, coi thường. Tại sao mình không từ bỏ những ý nghĩ cao ngạo, không hành động đúng để các con đỡ chịu tai tiếng, đau khổ vì mình".
Khi được hỏi về việc cô em dâu tên Phường mới bị bắt vì liên quan đến một đường dây chạy án cho Nguyễn Tiến Phương và chồng cô ta là Nguyễn Tiến Chung, Phương "Ninh Hột" bỗng đanh giọng và kìm nén sự bực tức: "Người nhà vào trại thăm tôi có nói cho tôi biết việc đó. Tôi rất bực cô Phường. Vì thiếu suy nghĩ, anh em tôi đã phải trả giá rồi. Tưởng người ở ngoài phải bình tĩnh hơn, động viên anh em tôi, đằng này cô ấy lại hành động như vậy.
Tôi khẳng định tôi không xúi giục cô ấy làm việc đó, nếu biết tôi đã ngăn chặn rồi. Bởi không phải bây giờ mà ngay từ khi bị bắt, tôi đã thấm thía cái giá phải trả và sự nghiêm minh của pháp luật. Đồng tiền quý thật, nhưng không phải sử dụng vào việc gì cũng có ích. Cô ấy làm gia đình tôi thêm đau khổ và tai tiếng, nhất là 5 đứa con trai của cô ấy và Nguyễn Tiến Chung em trai tôi. Các cháu sẽ sống ra sao khi cả bố mẹ cùng đi tù?".
Rồi Phương khóc và sụt sùi nói: "Tôi thương mẹ tôi lắm. Mẹ tôi là người mẹ tuyệt vời. Chỉ tiếc tôi đã không nghe lời mẹ khi mẹ định hướng cho tôi. Đến bây giờ chị em tôi vẫn giấu mẹ về việc này, nói tôi và Chung đi làm ăn xa. Mong ước lớn nhất của tôi lúc này không phải là sự sống của tôi mà là được trở về gặp mẹ một lần, nắm lấy bàn tay nhăn nheo của mẹ nói lời tạ lỗi". Phương đưa bàn tay giữ ngực chặn cơn ho dữ dội. Tôi hiểu, Phương nhận ra tuổi già đã đặt chiếc mặt nạ gớm ghiếc lên mình khi tóc Phương đã bạc gần hết, thân hình bắt đầu còng xuống, đôi bàn tay chậm chạp nhặt từng cọng rau...
Vụ án "ông trùm" vùng biên và hai phiên xử trái chiều? Liên quan đến vụ giết người tại bến Lục Chắn mà Phương "Ninh Hột" được xác định là chủ mưu, trong các ngày từ 23 đến 26/8/2010, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án từng gây bức xúc dư luận này. Kết thúc phiên xử, HĐXX đã tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Tiến Phương, Nguyễn Tiến Chung mức án cao nhất: Tử hình Các bị cáo khác có mặt tại phiên toà bị tuyên phạt mức án từ 18 tháng tù giam đến chung thân. Đến ngày 18/1/2011, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử lưu động ở Quảng Ninh vụ án Nguyễn Tiến Phương và đồng bọn bị truy tố về tội danh giết người. HĐXX cho rằng, lần xét xử này, do có sự tham gia của các nhân chứng đã làm rõ một số tình tiết quan trọng trong vụ án. Các tài liệu chưa đủ chứng cứ để khẳng định anh em Phương - Chung chủ mưu giết người. Sau gần một ngày xét xử, HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm nhẹ hình phạt dành cho ba bị cáo kháng án phiên sơ thẩm. Theo đó, Nguyễn Tiến Phương được giảm xuống 20 năm tù, Nguyễn Tiến Chung (em trai Phương) được giảm xuống tù chung thân. Vụ án tưởng như cơ bản được khép lại dư luận một lần nữa lại nóng lên khi ngày 24/4/2011, Phòng 5 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 Bộ Công an) xác lập chuyên án đấu tranh với băng nhóm gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật do Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1960, trú tại Đông Anh, Hà Nội) cầm đầu. Khi điều tra mở rộng, cơ quan CSĐT phát hiện vụ chạy án cho anh em Phương Ninh Hột. Năm 2009, Phạm Anh Tuấn nhận khoảng 500.000 USD của Đỗ Thị Phường (vợ của Chung "Ninh Hột") để chạy cho anh em Phương "Ninh Hột" và Chung "Ninh Hột" thoát khỏi án tử hình, tức là thời điểm chưa diễn ra phiên toà sơ thẩm. Thế nhưng, tháng 8/2010, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm vụ án, đã tuyên án tử hình đối với cả hai anh em Phương Ninh Hột. Không đạt được mục đích, Đỗ Thị Phường cùng một số đối tượng đến tìm Tuấn đòi tiền. Sau nhiều lần bị thúc giục, Tuấn mới trả cho Phường được hơn 200.000 USD. Vì thế, Phường đã nhờ băng nhóm đòi nợ thuê do Nghĩa cầm đầu đến gặp Tuấn đòi tiếp số tiền còn lại. Vụ việc vẫn đang được cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra làm rõ. Lê Nam
Theo Nguoiduatin
Những con nghiện "ngáo đá" Sau cơn lốc sử dụng ma túy mà dn chơi thng gọi là "đập, ngoài những him họa lu dài nh sự chết chóc, khả năng vô sinh thì "ngo - hiện tng rối loạn thần kiang ngày ngày diễn ra vi những cu chuyện ci ra nc mt. So vi cơn bão "trng (heroin) ở thập niên 1990 thì lần này cơn...