Chống đuối nước, mỗi trường được cấp một bể bơi
Nhằm rèn luyện thân thể và đặc biệt chống đuối nước cho trẻ em, UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư cho mỗi xã, phường một bể bơi.
Theo đó, ngay trong tháng 6 này, sẽ tiến hành lắp đặt đồng loạt các bể bơi di động đạt chuẩn châu Âu tại các trường tiểu học thuộc 21 xã, phường.
Theo ông Hoàng Hải Dương – Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều – dự kiến, ngày 20/5 tới, sẽ lắp đặt xong tại một số trường, mất thêm vài ngày để bơm đầy nước và đến 30/6 sẽ khánh thành bể thứ nhất.
Bể được lắp nổi, cao khoảng 1,5 m, trong đó mức nước sâu 1,2 m; dài 18 m và rộng 6,6 m, đủ cho một lớp từ 25-30 em tập bơi.
Theo ông Dương, hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục xuống từng trường để đo, chọn vị trí đặt bể. Nếu diện tích cho phép, sẽ lắp cùng theo chuẩn rộng nhất.
Kinh phí cho mỗi bể không có mái che là từ 120-130 triệu đồng, trong đó 50% là ngân sách, số còn lại xã hội hóa.
“Thường trực thị ủy đã thống nhất phấn đấu mỗi xã phải có một bể bơi lắp ghép theo tiêu chuẩn Châu Âu để phổ cập môn bơi lội trong trường học. Đông Triều mới có khoảng 15% trong tổng số trên 2,8 vạn học sinh biết bơi. Năm nào cũng có vài trường hợp đuối nước, nên không thể chậm trễ được nữa. Trước mắt, chúng tôi đưa môn bơi vào chương trình chống đuối nước, tới đây sẽ đưa thành một bộ môn trong giáo dục thể chất của nhà trường” – ông Dương cho biết.
Video đang HOT
Bể bơi mẫu được lắp đặt cho các trường tiểu học ở thị xã Đông Triều. Ảnh: Lao Động.
Sắp tới, UBND thị xã Đông Triều sẽ phối hợp Sở VHTT Quảng Ninh tổ chức các lớp tập huấn để cấp chứng chỉ bơi cho tất cả giáo viên thể dục và cán bộ đoàn tham gia chương trình chống đuối nước cho trẻ em.
Việc lắp đặt bể bơi di dộng tại các trường tiểu học đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bậc phụ huynh, nhất là trước tình trạng nguy cơ đuối nước trong trẻ em ngày một cao.
“Đây là chương trình rất nhân văn, bởi vì phục vụ trẻ em, vì sức khỏe, tính mạng của trẻ em. Chúng tôi cho rằng, nếu thu nhỏ hoặc không xây các công trình, trụ sở làm việc nghìn tỷ thì mỗi địa phương trong cả nước thừa sức lắp đặt cho mỗi trường một bể bơi như thế này” – ông Nguyễn Xuân Cường, trú tại thị trấn Mạo Khê- chia sẻ.
Theo Nguyễn Hùng/Lao Động
Truy tặng Huân chương dũng cảm cho nam sinh cứu người
Sáng 10/12, Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) tổ chức lễ truy tặng Huân chương dũng cảm của Chủ tịch nước và bằng khen của Bộ GD&ĐT cho em Nguyễn Anh Tuấn.
Đến dự buổi lễ truy tặng có bà Nguyễn Thị Kim, mẹ em Nguyễn Anh Tuấn.
Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã trao Huân chương và bằng khen cho người thân của em Tuấn.
Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An truy tặng Huân chương dũng cảm và Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT cho người thân của nam sinh Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Ngọc Khánh.
Ngày 24/7, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng đã truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Nguyễn Anh Tuấn. Đây là ghi nhận của các cấp ngành để tôn vinh hành động dũng cảm, hy sinh cứu người bị đuối nước của học sinh này.
Phát biểu tại bưởi lễ, ông Vinh đánh giá cao việc làm của nam sinh lớp 12 M. Hành động của Tuấn là tấm gương để tuổi trẻ cả nước và các em học sinh noi theo.
Khi nghe những lời phát biểu này, bà Kim rơi nước mắt vì xúc động. Người mẹ gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch nước, các cấp ngành đã quan tâm, động viên gia đình.
"Dù Tuấn ra đi là mất mát lớn, không thể nào bù đắp, nhưng được sự động viên của cấp trên, tôi phần nào mãn nguyện, tự hào về con của mình", bà Kim nghẹn ngào chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim, mẹ của Anh Tuấn được người thân dìu đến tham dự buổi lễ truy tặng. Ảnh: Ngọc Khánh.
Trước đó, trưa 19/7, Trần Văn Sơn (22 tuổi), Nguyễn Anh Tuấn (18 tuổi) và Nguyễn Hoàng Anh (10 tuổi) đều trú tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, cùng bà Kim ra bến đò Già nằm trên sông Lam mò hến.
Sơn, Tuấn và cháu Hoàng Anh rủ nhau vào lạch nước để bắt hến. Sơn và Hoàng Anh xuống trước nhưng sẩy chân rơi vào hố sâu. Thấy vậy, Tuấn nhảy xuống cứu được Hoàng Anh lên bờ. Khi bơi ra để cứu Sơn thì nam sinh kiệt sức, cả hai bị nước nhấn chìm.
Nghe tiếng kêu cứu, người dân ở gần đó chèo thuyền đến cứu nhưng không kịp. Khoảng 30 phút sau, họ phải dùng câu vương mới vớt được thi thể hai nạn nhân.
Theo nhận xét của nhà trường, Nguyễn Anh Tuấn là học sinh ngoan, cán bộ lớp gương mẫu, chăm học, luôn tích cực trong các hoạt động phong trào của Đoàn trường phát động. Gia đình Tuấn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 mẹ con sống với nhau.
Theo Zing
Nhiều mục tiêu chương trình phòng chống thương tích trẻ em chưa đạt Ngày 24/11, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo "Góp ý xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020". Đánh giá về việc thực hiện chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, ông Phạm Việt Cường, giám đốc Trung tâm phòng chống chấn thương...