Chống bệnh thành tích trong giáo dục: Cần thay đổi căn bản mọi mặt
Công việc đầu tiên phải bắt đầu từ việc đào tạo giáo viên, sử dụng giáo viên. Đã có một thời, chúng ta ưu tiên cho những người học sư phạm không phải đóng học phí, rồi chương trình thất bại bởi đa phần người học không chọn nghề đi dạy.
Chúng tôi ủng hộ báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn “Chống bệnh thành tích trong giáo dục”. Đọc các bài viết từ khi diễn đàn được mở đến nay, dù mỗi bài viết nhìn ở góc độ khác nhau thì tinh thần chung toát lên vẫn là mong muốn đóng góp những ý kiến tâm huyết để thay đổi một căn bệnh trầm kha của giáo dục: Bệnh thành tích. Tham gia diễn đàn lớn này, cá nhân tôi xin có vài ý kiến để các cơ quan có trách nhiệm tham khảo.
Ảnh minh họa
1. Thay đổi bắt đầu từ chính đội ngũ lãnh đạo
Tại sao chúng ta cứ nhất thiết Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phải là giáo sư hay phó giáo sư?
Nhìn lại lịch sử, thời phong kiến, việc học và trọng dụng bằng cấp, trí thức được đề cao, song cha ông ta đã thật sự đổi mới. Cụ Cao Xuân Dục chỉ đỗ cử nhân nhưng được triều đình bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ học (chức vụ gần như Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo hiện nay, nhưng quyền và nội dung quản lý lớn và rộng hơn nhiều). Hay nhiều nhân vật trụ cột của các triều đình phong kiến xưa cũng không phải tất cả đều đỗ tiến sĩ.
Chúng tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phải là một nhà văn hóa lớn của đất nước chứ không nhất thiết phải là giáo sư hay phó giáo sư. Nếu ai đó biện minh rằng vì Bộ trưởng là Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nên phải là giáo sư thì đó là ngụy biện. Bộ trưởng đâu nhất thiết phải quàng thêm công việc này.
Cũng vậy, khi lựa chọn các vị trí lãnh đạo của bộ, các vị trí lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc bộ cần lựa chọn được những người thật sự là các chuyên gia, các gương mặt văn hóa, phải là những người luôn luôn có những bài viết phản biện xuất sắc những bất cập của ngành giáo dục, chứ không phải chỉ chọn những người “gọi dạ, bảo vâng”.
Một nội dung nữa dẫn đến căn bệnh thành tích trầm trọng cần chúng ta phải thay đổi tận gốc là nhiều cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị có quá nhiều người có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ. Đã đến lúc cần hạ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của các cơ sở đào tạo hiện nay. Cần ban hành quy định đã làm lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan không thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy thì không được học thạc sĩ và tiến sĩ.
2. Thay đổi từ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ nhà giáo
Video đang HOT
Công việc đầu tiên phải bắt đầu từ việc đào tạo giáo viên, sử dụng giáo viên. Đã có một thời, chúng ta ưu tiên cho những người học sư phạm không phải đóng học phí, rồi chương trình thất bại bởi đa phần người học không chọn nghề đi dạy. Có người không chọn nghề đi dạy bởi muốn đi dạy cũng không có nơi nhận, có người không chọn đi dạy bởi lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp.
Bây giờ, nếu những ai làm việc trong ngành giáo dục thì đều biết rằng công việc trong ngành chẳng nhàn hạ gì. Ngoài đi dạy thì phải tham gia hết hoạt động này đến hoạt động khác: nào là đi học các lớp bồi dưỡng, rồi hội thao, kỷ niệm, liên hoan văn nghệ, thi giáo viên giỏi… Trong một hội thảo gần đây có đại biểu còn đề xuất giáo viên THPT phải có trình độ thạc sĩ. Chúng tôi cho rằng quy định như hiện nay là phù hợp, không cần giáo viên THPT hay cấp dưới phải có bằng thạc sĩ.
Cũng vậy, cần phải quy định và đào tạo để mỗi người sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm thì sau này chỉ việc tự cập nhật kiến thức, hành nghề (sẽ trình bày cụ thể ở phần 3) mà không nhất thiết phải học qua lớp bồi dưỡng nào nữa. Ở các trường đại học, cao đẳng cần phân biệt rõ những người làm nghề giảng dạy và những người làm hành chánh.
Đối với giảng viên, nhất là trưởng khoa, nhất thiết phải là một chuyên gia giỏi trên lĩnh vực đảm nhiệm, nhưng trưởng các phòng chuyên môn chỉ cần tốt nghiệp cử nhân là đủ, không nhất thiết trưởng phòng của các trường cao đẳng, đại học phải là thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí phó giáo sư, giáo sư.
Nghề giáo không cao quý hơn các nghề nghiệp khác trong xã hội, song nếu lương nhà giáo quá thấp thì sẽ không bao giờ tuyển được người giỏi vào ngành giáo dục và tâm huyết với nghề. Vậy nên, nhất thiết lương của ngành giáo dục phải được thiết kế cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Tiền đâu để làm việc này?
Nguồn lực của quốc gia không phải thiếu, nhất là đối với TPHCM. Với việc thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, phòng chống tham nhũng… chắc chắn không khó để có tiền nâng lương cho giáo viên. Nếu như nhà nước có xếp lương giáo viên ở thang bảng cao nhất, có lẽ xã hội cũng sẽ không phản ứng vì coi đó là việc nên làm.
3. Thay đổi từ phương pháp quản lý giáo dục
Như đã nói ở trên, ai cho rằng nghề giáo là nhàn hạ thì đã lầm, rất lầm. Nghề giáo bây giờ cũng trần ai lao khổ như các nghề khác vậy, chưa nói đôi lúc còn áp lực hơn. Là giáo viên nhưng đâu chỉ đi dạy mà mỗi năm tham gia không biết bao nhiêu hội nghị, kiểm tra, hội thao…
Để chống bệnh thành tích trong giáo dục thì hãy bỏ ngay các kỳ thi giảng viên, giáo viên giỏi. Cũng bài dạy ấy, cũng người dạy ấy hôm nay dạy hay, ngày mai dạy không hay là hết sức bình thường. Cả chương trình có bài dạy hay, bài không hay, vậy thì một tiết thao giảng giáo viên giỏi có ý nghĩa gì? Tại sao đã học sư phạm rồi còn phải đi bồi dưỡng chứng chỉ năng lực sư phạm?
Tại sao giáo viên phải bắt buộc có bằng tin học và ngoại ngữ mà ai ai cũng biết rằng nó tạo nên những áp lực rất lớn cho giáo viên. Nếu ai đó thật sự có nhu cầu họ sẽ tự học và không cần nhà nước phải bắt buộc, ngược lại, nếu bắt buộc thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để kiếm tấm bằng, chứng chỉ làm đẹp hồ sơ nên mới sinh ra ngày càng nhiều các trường kiểu “Đông Đô”.
Không những vậy, sự dối trá diễn ra ngay trong chính ngành giáo dục sẽ làm cho đội ngũ ngày càng tha hóa dẫn tới sự tha hóa của xã hội. Tại sao tuần nào tiết nấy quanh năm ngày tháng giáo viên phải tham gia các hội diễn văn nghệ chào mừng này nọ. Việc của giáo viên là đi dạy, là nghiên cứu, là nuôi dưỡng tình yêu để yêu thương học trò chứ không phải sinh ra để làm “con chim hót”.
Tại sao giáo viên phải đối mặt vô vàn các cuộc kiểm tra hàng năm, sát hạch? Trong khi chính những người đi kiểm tra, sát hạch có người lại thua xa họ về nhiều mặt. Tại sao môt cuộc thi tốt nghiệp THPT tỷ lệ đậu gần 100% thì sao không bỏ? Thi để làm gì? Quản lý giáo dục chưa thật sự tốt mà đã lấy kết quả THPT để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học nên đừng ngạc nhiên khi sinh ra những vụ việc tiêu cực như Sơn La, Hà Giang…
Cũng vậy, một lớp học mà tới gần 100% học sinh giỏi và xuất sắc thì chúng ta có cần xếp loại học sinh nữa hay không? Tại sao trường học lại có những đội cờ đỏ để làm gì khi các em vào đây là để đi học chứ đâu phải trường đào tạo làm mật thám… Theo chúng tôi, tất cả những điều bất cập nêu trên cần phải xem xét và thay đổi. Đã đến lúc chúng ta dứt khoát với những điều này được chưa?
4. Thay đổi từ chính mỗi nhà giáo
Thầy Phạm Biểu Tâm (dù thầy là Giáo sư, tôi vẫn muốn gọi ông bằng từ “thầy” cao quý), một nhà giáo nổi tiếng về tài năng và đức độ mà những người học y khoa khó mà không biết về ông đã đã nói với sinh viên của mình rằng: “Nghề y là một nghề đặc biệt, nếu chúng ta muốn nó cao quý thì nó sẽ cao quý. Nếu chúng ta muốn nó hạ tiện thì nó sẽ hạ tiện. Hạ tiện hay cao quý là sự lựa chọn của chúng ta chứ không phải của nghề nghiệp chúng ta”.
Lâu nay, thỉnh thoảng ta vẫn nghe thấy đâu đó những đánh giá từ những nhà lãnh đạo đáng kính rằng nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Khi nghe như vậy mỗi nhà giáo chân chính phải hiểu rằng đó là những phát biểu mang tính khích lệ, đừng tự mãn về nghề nghiệp để thấy rằng mình quan trọng.
Đã có nghề nghiệp cao quý nhất thì phải có nghề nghiệp cao quý nhì, đã có nhì phải có ba, và… phải có cuối cùng. Không có nghề nghiệp nào là không cao quý cả, bản thân chữ “nghề nghiệp” đã là cao quý, chỉ những người trong nghề ấy có cao quý hay không mà thôi.
Vậy nên, nghề giáo cũng giống như muôn nghìn nghề nghiệp khác của xã hội, cũng cao quý như các nghề nghiệp khác. Chỉ có điều, bởi đặc thù nghề nghiệp nên xã hội đòi hỏi những người làm nghề dạy học những chuẩn mực khắt khe hơn.
Vậy nên, những ai đã chọn nghề giáo cho cuộc đời thì phải cố gắng để giữ gìn liêm sỉ, tư cách của một nhà giáo. Xã hội có hàng vạn nghề, chả ai bắt anh phải chọn làm nghề giáo cả, nhưng đã chọn rồi thì phải ở trong những khuôn phép bắt buộc. Vậy thôi!…
Đây chỉ là ý kiến của cá nhân mong muốn góp ý với diễn đàn. Quan điểm của cá nhân có thể không đồng nhất với quan điểm về vấn đề này của cơ quan mà tác giả đang công tác. Và, bài viết cũng chỉ góp thêm vài ý kiến tham khảo mong được lắng nghe.
Trân trọng!
ĐH Quốc gia TP.HCM thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp hai ngành quản trị kinh doanh (DBA) và quản lý giáo dục (EdD) trong năm nay.
PGS.TS Vũ Phan Tú giới thiệu chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng tại hội thảo giới thiệu chương trình này hồi tháng 9-2018 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sau hơn 2 năm xây dựng đề án, dự kiến năm 2021, ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu thí điểm triển khai chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng cho ngành quản trị kinh doanh và quản lý giáo dục. Dựa trên kết quả thí điểm, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ nghiên cứu mở rộng cho các ngành khác.
Theo lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là những ngành đã được đào tạo phổ biến trên thế giới nên đại học này có thể tham khảo kinh nghiệm tại các trường đại học uy tín. Việc nghiên cứu đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển một loại chương trình đào tạo mới, đẩy mạnh công tác đào tạo sau đại học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng. Từ đó, ĐH Quốc gia TP.HCM có thêm điều kiện để phát huy thế mạnh đa ngành, thực hiện nhiệm vụ "gắn kết và phục vụ cộng đồng".
PGS.TS Vũ Phan Tú - trưởng ban sau đại học ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết trên thế giới đào tạo tiến sĩ theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng. Nhưng tại Việt Nam hiện chỉ có một loại chương trình đào tạo tiến sĩ và một loại bằng tiến sĩ.
"Đây là chương trình học tập và nghiên cứu bậc cao, vừa đáp ứng tiêu chuẩn của trường đại học để nhận bằng tiến sĩ, vừa đáp ứng những nhu cầu cụ thể của nghề nghiệp. Tuy nhiên, cả nước vẫn chưa có cơ sở giáo dục đại học nào đào tạo trình độ tiến sĩ định hướng ứng dụng.
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo sâu chuyên môn của các nhà quản lý và từ thực tiễn đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng của các nước, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nghiên cứu xây dựng chương trình này triển khai thí điểm. Hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đã hội nhập, xếp hạng cao trong khu vực và quốc tế, các chương trình tiến sĩ ứng dụng là phù hợp với thế giới và nhu cầu tại Việt Nam", ông Tú nhấn mạnh.
Theo đề án, các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng giúp phát triển năng lực người học để tạo ra những đóng góp quan trọng trong nghề nghiệp thông qua hoạt động nghiên cứu. Đối tượng của chương trình là những người làm việc thực tế, có kinh nghiệm chuyên môn. Người học sẽ áp dụng việc nghiên cứu của mình để giải quyết các vấn đề thực tế, có những đóng góp mới cho thực tiễn, tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Theo đó chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp gồm 35-45 tín chỉ các môn học, 45-55 tín chỉ luận án. Thời gian đào tạo là 3-5 năm (toàn thời gian) và 4-7 năm (bán thời gian).
Điều kiện tốt nghiệp: giống các chương trình đào tạo tiến sĩ nhưng phải có một dự án giải quyết vấn đề thực tế trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Nhiều trường tuyển sinh các ngành giáo viên 'kiểu mới' Nhiều trường sẽ tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Phụ huynh cùng thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH Đáng chú ý trong đó là các ngành đào tạo giáo viên tích hợp, ngành ghép hoặc các môn mới...