Chọn trường cho con: Không nên chạy theo danh quốc tế
Với mức chi phí học tập “khủng” lên tới cả tỉ đồng/năm cùng với hàng loạt quy định ràng buộc trong quá trình học tập, có nên chọn trường “quốc tế”, trường ngoài công lập có học phí cao cho con theo học hay không đang là vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Đáng nói, nhiều người cho rằng không xác định được việc con có nhận được chất lượng đào tạo xứng đáng với mức đóng góp hay không.
Chọn trường cho con không nên chỉ chạy theo danh “quốc tế”. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Nghỉ hay không nghỉ?
Tiếp tục cho con theo học trường quốc tế trong năm học 2020-2021 hay cho con chuyển trường là câu hỏi luôn đau đáu đối với chị Nguyễn Hồng Nhung (quận 2, TPHCM). Chị Nhung hiện có 2 con học lớp 6 và lớp 10 tại một cơ sở mang tên Trường Dân lập quốc tế V. Hằng ngày, bên cạnh thời gian làm việc, chăm sóc con cái, chị Nhung vẫn theo đuổi vụ “đòi lại” học phí trong thời gian con nghỉ dịch vì thấy đồng tiền bỏ ra không xứng với bát gạo.
“Sai lầm lớn nhất của tôi là đã cho con theo học trường quốc tế. 3 năm qua, mỗi năm tôi đầu tư học phí tới nửa tỉ đồng/năm/cháu nhưng hiệu quả thu lại không như mong muốn. Cách đối xử của nhà trường trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua lại càng làm cho tôi thất vọng. Nhà trường thông báo thu đủ học phí trong khi không thoả thuận và không lắng nghe ý kiến của phụ huynh” – chị Nhung chia sẻ.
Bà mẹ 2 con tâm sự thêm, vì gia đình có điều kiện nên ban đầu chọn trường đã không lường trước được vấn đề. “Bây giờ, con đã quen sống trong môi trường với bạn bè cùng hoàn cảnh dư dả, lại được nhà trường chiều chuộng, tôi sợ nếu chuyển ra trường ngoài thì con sẽ thiếu động lực và ý chí vượt khó, khó hoà nhập với điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, quy định Việt Nam lại không cho học sinh THPT được chuyển từ trường ngoài công lập về trường công lập. Mà chọn trường quốc tế khác cũng không biết chất lượng như thế nào?”.
Dễ dàng hơn vì con mới học tiểu học vẫn được chuyển, chị Nguyễn Vân đã vừa hoàn tất thủ tục chuyển trường quốc tế cho 2 con (lớp 5 và lớp 2) từ khu Sala (TPHCM) về trường công gần nhà. Ban đầu, các con sẽ vất vả để thích nghi nhưng không phải dậy sớm đi cả 10km đến trường và được nuông chiều bởi các giáo viên ngoài công lập.
Chắc chắn, không phải trường ngoài công lập với mức học phí cao nào cũng sẽ khiến phụ huynh thất vọng nhưng cần cân nhắc kỹ khi chọn trường cho con.
Tại Việt Nam, những trường tư có yếu tố nước ngoài thường được nhà trường quảng bá thêm với cái tên có gắn từ “quốc tế”. Học phí từ 300-800 triệu đồng/năm tùy cấp lớp và tùy trường, chưa kể vô số các khoản khác như tiền ăn, đưa đón, phí tuyển sinh, phí giữ chỗ, phí ghi danh… Thế nhưng, phụ huynh phải lường trước khó khăn như việc khó chuyển trường hay không dễ để thoả thuận các khoản thu. Học phí mỗi năm cũng sẽ tăng dưới 10% nhưng đều là những con số khiến nhiều người “chóng mặt”.
Video đang HOT
Ngoài ra, chất lượng cũng là một điều cần lưu ý bởi chương trình học sẽ rất khác với hệ công lập, phụ huynh khó kiểm soát, so sánh. Bên cạnh đó, không ít trường đã bị “bóc mẽ” là chương trình không có phép hay liên kết với trường học quốc tế “ma”. Cũng sau vụ tai nạn tại Trường Gateway (Hà Nội), thuật ngữ trường quốc tế được chú ý hơn và không ít cơ sở giáo dục đã âm thầm gỡ biển có tên “quốc tế”.
Quan trọng vẫn là sự rèn luyện của học sinh
Dù học ở loại trường nào thì vai trò, sự nỗ lực rèn luyện của chính học sinh và gia đình vẫn là yếu tố quyết định. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS… giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt. Thậm chí, danh sách thủ khoa đại học các năm với không ít em đều xuất thân từ trường “làng”, con nhà nghèo.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) – việc chọn lựa cho con học trường công lập và trường ngoài công lập tuỳ thuộc vào nhu cầu của gia đình, năng lực của học sinh. Tất cả những lựa chọn này cần được phụ huynh, học sinh cân nhắc kỹ lưỡng từ đầu để tránh hiện tượng phải thay đổi, “muốn tiến cũng khó mà lùi cũng không xong”.
“Phụ huynh phải là những người thông minh, tìm kỹ, hiểu kỹ xem những gì con mình sẽ học được có xứng đáng với mức tiền bỏ ra hay không. Không phải cứ có tiền là sẽ có dịch vụ tốt và vô trách nhiệm với việc học của con mình” – PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Chọn trường cho con: Người băn khoăn với khoản phụ thu học phí online tại trường Quốc tế, người lựa chọn môi trường Công lập để tích tuỹ cho tương lai
Môi trường học tập tác động không nhỏ đến quá trình phát triển và tiếp thu kiến thức của con trẻ. Cùng lắng nghe các bậc phụ huynh chia sẻ vấn đề rất đáng được lưu tâm này.
Trẻ em luôn là đối tượng được đặc biệt ưu tiên trong mọi hoàn cảnh của xã hội. Vì vậy, mọi điều kiện và sự chăm sóc tốt nhất đều được dành cho trẻ em. Các con là đối tượng chưa có khả năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm, sự cố. Vậy nên, việc lựa chọn môi trường học đường cho trẻ em luôn là điều khiến phụ huynh canh cánh.
Trong hệ thống giáo dục, các trường học quốc tế luôn là điểm sáng cho hướng giáo dục hiện đại và chất lượng chăm sóc học sinh. Bù lại, các phụ huynh phải bỏ ra số tiền không nhỏ nếu muốn con được học hành tại môi trường theo chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, có một nghịch lí rằng phụ huynh càng bỏ ra nhiều chi phí, mong muốn một môi trường giáo dục thật sự chất lượng về mọi mặt, thì những sự cố xuất phát từ ngôi trường đó khiến họ càng đắn đo, lo lắng.
Những ngày gần đây có nhiều vụ việc xảy ra, gây xôn xao cộng đồng khiến các bậc phụ huynh không thôi bàn tán, suy nghĩ. Học sinh vừa quay lại trường học sau thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 thì cũng nhiều câu chuyện lăn tăn về trường lớp xảy ra. Vấn đề thu học phí bất hợp lý của một số trường dân lập khiến phụ huynh phải lên tiếng. Trường công lập thì không thu tiền học sinh trong thời gian nghỉ dịch, nhưng sự việc học sinh phải đứng dưới cái nắng nóng cao điểm của 1 trường công lập cũng dấy lên nỗi lo ngại của các bậc cha mẹ: trường học có thực sự thân thiện hay chưa? Một lần nữa, vấn đề chọn môi trường nào cho con trẻ học tập để vừa tốt cho trẻ, vừa phù hợp điều kiện của cha mẹ lại khiến các bậc phụ huynh suy nghĩ.
Băn khoăn khi nhà trường phụ thu học phí online nhưng vẫn lựa chọn môi trường quốc tế cho con
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, các trường học tổ chức hình thức giảng dạy qua kênh online để duy trì việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trong khi hệ thống giáo dục công lập không thu thêm học phí cho việc này thì không ít trường quốc tế, dân lập vẫn thực hiện thu tiền của phụ huynh.
Chị Trần Luyến (43 tuổi, Q. Nam Từ Liêm) - phụ huynh có con trai đang theo học tại một trường THCS Dân lập trên địa bàn TP. Hà Nội cho hay: "Bản thân tôi quyết định cho con trai theo học tại trường dân lập vì có những lí do riêng. Lớp không quá đông, con được cô giáo quan tâm sát sao và chu đáo hơn. Hệ thống cơ sở vật chất tốt, chương trình giáo dục không có áp lực. Dĩ nhiên, tôi phải chi trả phần học phí cao hơn nhiều so với trường công lập. Thậm chí, những ngày lễ tết, khi các con được nghỉ thì tiền học phí cũng vẫn tính bình thường. Tôi cũng giống như nhiều phụ huynh khác tại trường đều biết đó là chuyện dễ hiểu ở trường học ngoài công lập".
Chị Luyến cho con học trường dân lập vì những lí do riêng
Đứng trước những mặt được và chưa được của việc cho con học tập tại môi trường trường học quốc tế, chị Luyến chia sẻ: "Con trai lớn của tôi đã học lớp 11, có thể phụ mẹ đưa đón em trai đi học mỗi ngày nên tôi không lo lắng chuyện đi lại của chúng. Chỉ có trong đợt dịch vừa rồi, khi nhà trường tổ chức dạy học online, tôi và nhiều phụ huynh vẫn đinh ninh rằng phần dạy học đó sẽ không thu thêm phí bởi các con không đến trường, học online không thể hiệu quả bằng thầy - trò đối thoại trực tiếp. Vậy nên, khi nhà trường có thông báo sẽ thu phí việc học online thì chúng tôi có đôi chút lăn tăn và nghĩ ngợi. Tuy nhiên, khoản đóng thêm đó không quá lớn nên chúng tôi vẫn vui vẻ thực hiện".
Con trai chị Luyến học tại trường dân lập từ Tiểu học, liên cấp lên THCS trong cùng hệ thống.
"Trường nào cũng có điều tốt và cả điểm hạn chế. Để quan tâm bọn trẻ, cả gia đình và thầy cô đều cần có trách nhiệm. Con học trường công lập sẽ tự lập hơn, nhưng cá nhân tôi vẫn muốn con được học ở môi trường cởi mở như hiện tại. Ở đó, tôi không cần lo lắng chuyện học thêm cho con. Con được thầy cô quan tâm để phát triển điểm mạnh của riêng con. Vì thế, tôi chọn tiếp tục cho con học tại đây và đang tính tới cho con học tiếp cấp THPT trong cùng hệ thống trường liên cấp" - chị Luyến giãi bày.
Cho rằng trường nào cũng có điểm tốt và điểm hạn chế, chị Luyến tiếp tục cho con theo học tại trường dân lập dù học phí cao.
Lựa chọn môi trường học tập "phổ thông" khi trẻ con nhỏ để tích lỹ tài chính cho kế hoạch học tập trong tương lai
Không phủ nhận những điểm tích cực mà môi trường học tập tại các trường quốc tế mang lại cho học sinh. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hoàng Trung (36 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) lại có quan điểm khác về việc đầu tư tài chính vào việc học tập của con cái.
Là cha của 2 cậu con trai, 1 bé đã học tiểu học và 1 bé nhỏ đang trong thời gian chuẩn bị bước vào lớp 1. Anh Trung nhận định rằng mình cũng có không ít kinh nghiệm trong việc lựa chọn môi trường học tập cho con trẻ sau không ít lần "lựa chọn chưa thích hợp".
Anh Trung cho rằng với lứa tuổi mẫu giáo và Tiểu học thì việc theo học tại các trường Quốc tế là không quá cần thiết.
"Với cậu lớn nhà mình vì là con đầu cháu sớm, lại không có quá nhiều kinh nghiệm nên thời điểm bạn nhỏ học mẫu giáo mình cũng sống chết phải cho vào học trường liên cấp bằng được. Nhưng cậu thứ 2 nhà mình thì cả vợ lẫn chồng đều quyết định cho học trường công lập theo đúng tuyến hộ khẩu".
Anh Trung cho rằng việc theo học mẫu giáo tại trường liên cấp và trường công lập không có quá nhiều khác biệt. Không thể phủ nhận cơ sở vật chất tại các trường quốc tế, liên cấp có chất lượng rất tốt, nhưng hiện nay tại các trường công lập, cơ sở hạ tầng cũng được chú trọng, đầu tư không kém.
Sau khi cho con trai cả theo học mẫu giáo tại 1 trường liên cấp, gia đình anh đã quyết định cho cậu em học tại môi trường công lập.
"Việc cân đối tài chính cũng là 1 trong những lý do vợ chồng mình quyết định cho cả 2 cậu con trai theo học tại các trường công lập. Mình nghĩ rằng với lứa tuổi mẫu giáo cho đến THCS việc đầu tư học tại các trường quốc tế không thực sự quá cần thiết, thay vì vậy gia đình mình hướng tới kế hoạch tích luỹ cho các con về lâu về dài.
Thay vì tại thời điểm này cho các bạn nhỏ theo học tại các trường Quốc tế thì mình muốn tích luỹ cho các bạn ý đến thời điểm học THPT, lúc đó các bạn ý có thể tự lựa chọn môi trường học tập mình mong muốn. Vợ chồng mình luôn sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng của các con thay vi áp đặt theo suy nghĩ của người lớn chúng mình".
Phụ huynh trường quốc tế oằn lưng 'gánh' đủ thứ phí cho con Ngoài học phí mỗi năm lên đến hàng trăm triệu, phụ huynh có con học ở các trường quốc tế, song ngữ tại TP.HCM còn phải gánh thêm nhiều thứ phụ phí khác. Ngày 24/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM có giấy mời chủ tịch HĐQT, chủ đầu tư, hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn 30 trường phổ thông...