Chọn sách khổ lắm!
Chọn sách theo mình hay theo định hướng? Đó là câu hỏi mà không ít giáo viên tự hỏi chính bản thân mình.
Có định hướng không? Câu trả lời là có, nhưng rất khéo léo, nhẹ nhàng, chả ai bắt bẻ được; một lời khen, một lời chê về một cuốn sách hay bộ sách nào đó, rất khách quan của lãnh đạo, đã có định hướng đến chọn sách rồi.
Tại sao giáo viên muốn chọn sách theo định hướng?
Một thành viên chọn sách tâm sự: “Để đánh giá đúng được một quyển sách của một nhà xuất bản, một nhóm tác giả nào đó đâu phải dễ.
Họ toàn là những nhà nghiên cứu, tiến sĩ biên soạn. Còn đội ngũ giáo viên của chúng ta thì sao?
Chúng ta có yêu cầu họ quá cao hay không khi bắt họ đánh giá ở nhiều góc độ, khi trình độ họ chỉ có là của một giáo viên đạt chuẩn.
Thời gian dành cho giáo viên nghiên cứu để đánh giá sách là bao lâu? Trong khoảng không gian như thế nào? Trong khi họ còn bao lo toan cho cuộc sống thường ngày, rồi còn phải lo bài dạy, lên lớp, v.v…
Thậm chí là giáo viên, lãnh đạo của các nhà trường còn phải chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan….
Khổ lắm Thầy ạ.”
Vì vậy việc chọn sách giao về cho trường học sẽ mang cảm tính nhiều hơn; giáo viên và hội đồng chọn sách sẽ chọn việc nhàn nhã, đó là chọn sách theo định hướng, gợi ý của lãnh đạo, của chuyên viên.
Video đang HOT
Chọn sách giáo khoa có theo định hướng không? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)
Chọn sách theo định hướng có lợi gì cho giáo viên?
Lợi trước tiên đó là không cần phải đọc sách, không cần tốn công nhọc tâm cho việc tìm ra bộ sách nào phù hợp hay không phù hợp.
Chọn sách theo định hướng hay gợi ý của lãnh đạo, giáo viên không phải chịu áp lực; không phải phản biện hay tranh luận nội dung nhận xét của bản thân.
Dù có định hướng nhưng quy trình chọn sách thể hiện trên văn bản hoàn toàn dân chủ, đố ai bắt bẻ được; có đầy đủ bản nhận xét đánh giá được ghi chép trong hồ sơ chuyên môn.
Có nên định hướng chọn sách?
Chính bất cập về trình độ của giáo viên, có địa phương giao cho mỗi giáo viên cốt cán chọn một đầu đầu sách, sau đó giáo viên cốt cán sẽ nhận xét đánh giá các đầu sách trong tọa đàm chọn sách giáo khoa. (Chính những giáo viên cốt cán này sẽ là thành phần chọn sách cấp Tỉnh trong năm học 2021-2022).
Trong tọa đàm, các giáo viên này sẽ định hướng … mà không phải định hướng.
Chọn sách định hướng kiểu này không phát huy được trí tuệ tập thể. Người ta có câu “Ba anh hàng da họp lại thành Gia Cát Lượng”, vì thế dù sao đi nữa cũng không nên định hướng chọn sách giáo khoa.
Muốn cả địa phương có chung bộ sách, càng không nên định hướng, chỉ nên chọn những đầu sách có nhiều trường chọn nhất mới đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
Thực tế, có những vấn đề sai sót của bộ sách giáo khoa cũ, chỉ đến nay mới phát hiện ra sai sót. Vì vậy chọn sách, là công việc khó, khổ của giáo viên hiện nay, dẫu vậy cũng không nên định hướng chọn sách cho giáo viên.
Chọn sách theo định hướng, thầy cô đã chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?
Lê Mai
Theo giaoduc.net
Chọn SGK lớp 1 tại TPHCM: Chủ động nghiên cứu kỹ
Hầu hết các trường tiểu học tại TPHCM đã được tiếp cận các đầu sách của 5 bộ SGK lớp 1. Trong thời gian này, các giáo viên cốt cán, ban giám hiệu nhà trường dành thời gian tập trung nghiên cứu, có bước chuẩn bị trước khi tiến hành các công đoạn tiếp theo hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 1 của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK tại các cơ sở GD phổ thông.
Việc lựa chọn SGK cần được tiến hành kĩ lưỡng, đúng quy trình. Ảnh minh họa
Nghiên cứu các đầu SGK
Liên quan đến công táclựa chọn SGK tại trường, cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp cho biết: Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đã chuyển các đầu sách của 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ thẩm định, công bố về trường cũng như các đường link online về các bộ sách. Ngay sau khi tiếp cận, nhà trường có từng bước chuẩn bị, triển khai cho các giáo viên cốt cán, giáo viên bộ môn nghiên cứu cũng như khuyến khích giáo viên toàn bộ trường nghiên cứu để có thể có những đóng góp ý kiến.
"Lựa chọn SGK là việc quan trọng nên chúng tôi yêu cầu các giáo viên cốt cán tập trung nghiên cứu kỹ, nghiêm túc và khách quan. Đồng thời có những ghi chép cẩn thận để chuẩn bị tốt nhất cho các bước thực hiện trong công tác chọn SGK trong thời gian tới", cô Kim Phượng nói.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 hay Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, cũng đã được tiếp cận các đầu sách của 5 bộ SGK và các giáo viên cốt cán, các khối trưởng, các giáo viên bộ môn đang tập trung đọc, nghiên cứu. Tại quận Bình Tân, theo chia sẻ của một số giáo viên cốt cán, dự kiến cuối tuần này nhà trường sẽ có buổi tập huấnliên quan đến công tác chọn SGK lớp 1.
Để chuẩn bị tốt trong công tác chọn SGK, phòng GD&ĐT các quận, huyện đã chuyển các đầu sách của 5 bộ SGK lớp 1 cũng như chuyển các đường link online về các bộ SGK lớp 1 đến tận các trường tiểu học. Tại quận Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận cho biết: Phòng đã chuyển các bộ SGK lớp 1 được Bộ thẩm định, công bố về các trường tiểu học để các trường chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ. Phòng cũng khuyến khích tất cả giáo viên các bộ môn có liên quan, giáo viên cốt cán cùng tham gia.
Tương tự, tại quận 12 ,ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận trao đổi: Trước Tết Nguyên đán, Phòng đã chuyển các đầu sách của 5 bộ SGK lớp 1, các đường link online về bộ sách cho các trường tiểu học để các trường chủ động triển khai cho các giáo viên cốt cán trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, đọc trước khi có những hướng dẫn, chỉ đạo tiếp theo của ngành liên quan đến công tác chọn SGK.
Theo ông Hùng, khi các giáo viên cốt cán nghiên cứu kỹ nội dung các đầu sách sẽ rất thuận lợi khi triển khai các công tác tiếp theo theo hướng dẫn chỉ đạo của ngành. Lựa chọn SGK là công việc vô cùng quan trọng, nên phải thực hiện cẩn thận, các công đoạn theo đúng quy trình, quy định trong hướng dẫn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Cân nhắc chọn SGK phù hợp
Liên quan đến việc lựa chọn SGK tại các cơ sở GD, chia sẻ tại Hội nghị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay: Tất cả SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt (32 đầu sách) đó đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hội đồng lựa chọn SGK phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh.
Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một bộ sách khác nhau, ông Hiếu khẳng định: Không kiểm tra kiến thức nội dung trong sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh. Ông Hiếu giải thích thêm, bài khảo sát lớp 3 thành phố đang thực hiện, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức của SGK mà học sinh phải học kiến thức đó và đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là như vậy chứ không phải chỉ học SGK này mà không làm được SGK khác. Điều kiện dạy học SGK là cụ thể để triển khai năng lực trong chương trình yêu cầu. Cho nên việc học sách nào giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Liên quan đến việc chọn SGK, một giáo viên tiểu học tại quận Gò Vấp bày tỏ: Bản thân đã đọc kỹ môn Toán của 4 bộ SGK, nhìn chung các đầu sách đều bảo đảm đúng theo khung chương trình mà Bộ công bố, yêu cầu về dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, có khác là về mặt hình ảnh, các ví dụ cụ thể... cho nên người được phân công chọn sách phải tập trung cao độ, vừa đọc, vừa ghi chép các ý ra sổ để nghiên cứu. Giáo viên này đồng thời đề xuất, nếu cần, có thể xem xét việc dạy thử một vài tiết dạy trước khi có những quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề chọn SGK.
32 đầu sách đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hội đồng lựa chọn SGK phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh. - Ông Nguyễn Văn Hiếu
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Nhiều địa phương đã chọn sách xong, sao còn đưa thêm 7 sách giáo khoa nữa? Sợ một trong những cuốn sách vừa bổ sung lọt vào "mắt xanh" hay được cấp trên bật "đèn xanh" thì bao công sức đọc, nghiên cứu, góp ý trước đó thành công cốc. Đến thời điểm cuối tháng 2 nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức xong việc bình chọn sách giáo khoa lớp 1. Những cuốn sách lớp 1...