Chọn sách giáo khoa lớp 1: Không gây áp lực lên giáo viên
Bộ GD&ĐT Ban hành thêm 7 danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 nữa được phê duyệt, nâng tổng số sách trong danh mục 9 môn học lên con số 45.
Tận dụng thời gian học sinh các địa phương đang nghỉ học vì phòng, chống dịch Covid-19, các giáo viên đã nghiên cứu sách để đóng góp ý kiến, bỏ phiếu chọn sách tại các hội đồng chọn cấp trường. Mặc dù số sách phải nghiên cứu khá nhiều, nhưng các địa phương đều đang có lộ trình chọn sách phù hợp, không gây áp lực lên giáo viên.
Số lượng đầu sách phải đánh giá khá nhiều
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định phê duyệt thêm 7 cuốn SGK lớp 1. Trong 7 cuốn SGK của 2 nhà xuất bản (NXB) được phê duyệt tại quyết định này, 6/7 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 cuốn của NXB ĐH Quốc gia TP HCM. Như vậy, hiện 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 có tổng số 45 cuốn SGK. Trong đó việc bổ sung thêm 3 cuốn môn Giáo dục thể chất giúp các nhà trường có thêm sự lựa chọn thay vì trước đó chỉ có 1 cuốn sách của môn học này, nghĩa là chỉ có một sự lựa chọn duy nhất.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành thông báo thẩm định SGK lớp 1 với thời gian tiếp nhận hồ sơ là từ ngày 25-2 đến ngày 10-3. Như vậy, Danh mục SGK lớp 1 có thể sẽ còn kéo dài hơn nữa thay vì dừng lại ở con số 45 cuốn.
Và cũng trong tháng 3 này, Thông tư số 01/2020/BGDĐT “Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông” sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đúng hướng dẫn của Thông tư, để chọn sách tại các trường, Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.
Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Thực tế là với 45 cuốn sách cho 9 môn học và hoạt động có nhiều mặt tác động. Đa dạng các cuốn SGK rõ ràng mở rộng thêm cơ hội lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với học sinh của mỗi trường. Đây là ưu điểm của việc xã hội hóa SGK với chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ sách. Tuy nhiên, để lựa chọn kỹ càng cần có thời gian nghiên cứu cụ thể bởi mỗi cuốn sách hướng đến đối tượng riêng, có cách thiết kế và giảng dạy riêng nên nếu việc ban hành quá muộn sẽ khiến các nhà trường lúng túng trong việc chọn cuốn nào, đồng thời giáo viên cũng phải đánh giá nhiều đầu sách.
Video đang HOT
Số lượng đầu sách mới tương đối nhiều, nhưng các địa phương đều khẳng định không gây áp lực lên giáo viên trong quá trình chọn sách. Ảnh: P.T
Đủ sách để giáo viên nghiên cứu, trao đổi
Theo đúng hướng dẫn, giáo viên phải nghiên cứu đủ các bộ sách để từ đó đánh giá ưu, nhược điểm của từng bộ sách, chọn sách phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ sở mình. Thời gian này, tranh thủ học sinh đang nghỉ học vì phòng, chống dịch Covid-19, các hội đồng chọn sách đã thực nghiện nghiên cứu và chọn sách. Các địa phương cũng cho biết không gây áp lực lên giáo viên trong quá trình đánh giá, chọn sách.
Ông Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Nghệ An là tỉnh rộng lớn với trong đó có 5 huyện miền núi cao cơ sở vật chất, điều kiện dạy học của giáo viên còn nhiều hạn chế. Việc chọn SGK vì vậy phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhưng không tạo ra khoảng cách vùng miền trong mục tiêu chung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. GĐ Sở GD&ĐT cũng cho rằng, không phải vì khó khăn đó mà tạo áp lực lên các nhà trường, giáo viên trong lựa chọn SGK. “Quan điểm lựa chọn sách là bám theo chương trình phổ thông 2018 và chuẩn năng lực phẩm chất ở đầu ra mỗi cấp học. SGK không phải là pháp lệnh như trước kia và không quyết định chất lượng dạy học. Nhưng bộ sách tốt sẽ hỗ trợ tốt cho giáo viên trong thiết kế bài giảng, hỗ trợ thầy trò trong dạy và học đáp ứng yêu cầu kỹ năng, kiến thức”, ông Thái Văn Thành nói.
Một số trường tiểu học ở TP HCM đã gần như hoàn tất công tác chọn SGK. Tận dụng khoảng thời gian trường học “đóng cửa” chống dịch, hội đồng các trường đã làm việc liên tục để đọc, đánh giá và chọn lựa cuốn sách phù hợp nhất với đặc thù của đơn vị mình. Các trường ở Hà Nội cũng đang tiến hành công tác chọn sách.
Theo lộ trình, từ tháng 3 đến tháng 5, các Sở GD&ĐT sẽ cùng với NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới. Song song đó, các trường cũng sẽ tiến hành tập huấn sử dụng SGK tại chính đơn vị mình. Tuy nhiên, việc vừa mới ban hành thêm 7 cuốn sách và thời gian tới có thể phê duyệt thêm sách đồng nghĩa với việc các giáo viên sẽ phải nghiên cứu, lựa chọn thêm trước khi đi đến phương án thống nhất chọn bộ sách/cuốn sách nào.
Để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các NXB có hình thức phù hợp cung cấp SGK đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn SGK theo quy định của pháp luật.
Phan Thủy
Theo PLXH
Thầy cô "2 trong 1" để kịp triển khai Chương trình mới
Theo kế hoạch, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới phải hoàn thành trước 1/5. Từ 1/5 đến 30/6, các nhà trường phải phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn, tập huấn để giáo viên nắm vững sách. Thời gian nghỉ khá dài vì dịch Covid-19 liệu có ảnh hưởng đến tiến độ này?
Giáo viên trao đổi về SGK mới.
Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên bị ảnh hưởng
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ tình hình thực tiễn của dịch bệnh để điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học; có thể từ 1 đến 2, thậm chí là 3 tuần nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại địa phương kéo dài, để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học trên tinh thần hướng tới lợi ích của người học. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để địa phương, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, bố trí việc dạy học bù, bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh trước khi đi học trở lại.
Việc học sinh nghỉ học, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giáo dục chung của nhà trường, cũng như ảnh hưởng đến việc các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, trong đó có việc lựa chọn sách giáo khoa và bồi dưỡng giáo viên.
"Theo kế hoạch, hoạt động bồi dưỡng với các nội dung trên sẽ tập trung vào dịp hè. Năm 2019, bồi dưỡng tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ cốt cán đã hoàn thành. Năm nay sẽ triển khai bồi dưỡng đại trà, có 3 mô đun quan trọng, đó là bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuy nhiên, với tình hình này, khung thời gian năm học sẽ phải điều chỉnh, thời gian kết thúc năm học phải lùi lại một khoảng để nhà trường xây dựng kế hoạch học bù, đáp ứng yêu cầu chương trình, nên chúng tôi phải tính toán lại việc này.
Đối với các nhà trường, cần tranh thủ thời gian cho học sinh nghỉ học triển khai tập huấn đại trà mô đun 1 (Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018) cho toàn thể giáo viên theo phương thức kết hợp giữa học qua mạng và sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã được Bộ GD&ĐT bồi dưỡng cấp Trung ương trong năm 2019" - PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Tập huấn và nghiên cứu SGK mới là việc mà các giáo viên cần tập trung trong thời gian học sinh nghỉ học.
Xây dựng kế hoạch hợp lý
Mặc dù học sinh tạm nghỉ học, nhưng các cán bộ, giáo viên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong thời gian qua, các thầy cô đã cơ bản hoàn thành việc vệ sinh trường lớp để đảm bảo môi trường an toàn, sẵn sàng đón học sinh trở lại. Khoảng thời gian còn lại, bên cạnh việc duy trì vệ sinh trường lớp, một số việc nhà trường cần quan tâm triển khai thực hiện để bù lại khoảng thời gian nghỉ hè bị ngắn lại.
Nhấn mạnh điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành gợi ý, trong thời gian học sinh tạm nghỉ vì dịch bệnh, các thầy cô trường tiểu học cần tập trung tổ chức sinh hoạt chuyên môn, họp tổ chuyên môn, làm một lúc 2 việc: Nghiên cứu tìm hiểu sách giáo khoa lớp 1, đồng thời cũng là nghiên cứu sâu hơn về chương trình, để tập huấn tại nhà trường của mình, chuẩn bị sẵn sàng triển khai chương trình mới.
"Thời gian này, các trường phải chuẩn bị việc lựa chọn sách giáo khoa cho tốt. Bản in và bản điện tử sách giáo khoa lớp 1 được các nhà xuất bản đưa lên mạng để mọi giáo viên, phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận. Thầy cô chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để thực hiện việc lựa chọn.
Cùng với đó, nghiên cứu sâu hơn về chương trình, để tập huấn tại nhà trường của mình, chuẩn bị sẵn sàng triển khai chương trình mới. Các tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD&ĐT đưa lên mạng, bao gồm tài liệu bản in dạng PDF, các video hướng dẫn của các báo cáo viên, các bài tương tác, các bài tập" - PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Chúng tôi sẽ tổ chức hoạt động bồi dưỡng phù hợp trong thời gian học sinh được nghỉ học, đến giai đoạn hè, khi học sinh vẫn còn phải học vì kéo dài thời gian năm học, thầy cô không quá vất vả. - PGS Nguyễn Xuân Thành
Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục thời đại
Bảo đảm thực chất, khách quan khi lựa chọn sách giáo khoa Thầy Nguyễn Văn Khôi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) cho biết, cá nhân không quá lo lắng về việc chọn sách giáo khoa. Giáo viên Trường tiểu học Dĩnh Trì nghiên cứu sách giáo khoa Nhà trường sẽ mua đủ cho mỗi GV dạy lớp 1 tất cả các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt....