Chọn qua online, tập huấn giáo viên trực tuyến
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy học mà còn khiến công tác chọn lựa sách giáo khoa mới của nhiều địa phương bị gián đoạn.
Để kịp ứng phó với tình hình mới, các trường học đã chuyển hướng thực hiện việc này bằng hình thức online, cũng như triển khai tập huấn trực tuyến cho giáo viên để có thể sử dụng được sách giáo khoa mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xem SGK mới và bàn bạc về chọn SGK trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: GDTĐ
Họp trực tuyến để lựa chọn sách giáo khoa
Những ngày này, giáo viên của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tất bật thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Thầy cô vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, giảng dạy cho học sinh bằng hình thức online, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới cho năm học 2020 – 2021.
Theo cô Đào Thị Thủy – Phó hiệu trưởng nhà trường, thời gian này giáo viên vất vả hơn rất nhiều và động viên nhau cùng cố gắng vì yếu tố khách quan do dịch bệnh đưa đến. Khi học sinh bắt đầu được nghỉ học, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã triển khai cho giáo bắt tay vào việc nghiên cứu các bộ SGK mới, để chọn được bộ sách tốt nhất cho học sinh của mình.
Tuy nhiên, sang tháng 3 và tháng 4.2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, giáo viên không thể tập trung đông ở trường, nên chưa thể tổ chức cho các thành viên trong hội đồng chọn sách (trong đó có cả phụ huynh) họp bàn để đưa ra ý kiến, bỏ phiếu “chốt” các SGK được chọn.
Cũng như Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, hiện gần 800 trường tiểu học ở Hà Nội vừa đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý học sinh, duy trì dạy và học qua nhiều hình thức, vừa phải đảm bảo tiến độ chọn SGK. Để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, hạn chế tụ tập đông người, các trường đã yêu cầu giáo viên nghiên cứu sách trên các bản điện tử. Các nhóm chuyên môn có thể họp trực tuyến để thảo luận.
Hơn 1 tháng nay, giáo viên khối lớp 1 các trường tiểu học ở Phú Thọ cũng bắt tay vào nghiên cứu, đánh giá về SGK mới. Để tạo điều kiện cho giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của tỉnh và điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục. Bình thường, giáo viên sẽ phải thảo luận trực tiếp với nhau để đánh giá các bộ sách, nhưng hiện nay khuyến khích giáo viên thảo luận bằng hình thức online.
Video đang HOT
Những ngày qua, các địa phương trên cả nước cũng lần lượt công bố các văn bản hướng dẫn tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa mới. Tiêu chí đã có, nhưng nhiều giáo viên cho biết, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, dù thay đổi bằng hình thức họp trực tuyến để lựa chọn sách, nhưng giáo viên, các trường vẫn lo không kịp hoàn thành công việc này.
Trong khi theo kế hoạch mà Bộ GDĐT đưa ra, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 phải hoàn thành trước 1.5. Từ 1.5 đến 30.6, các nhà trường phải phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn, tập huấn để giáo viên nắm vững sách. Như vậy sẽ chỉ còn tháng 4 để thực hiện chọn sách. Các cơ sở giáo dục cũng còn chưa đầy 1 tháng để vừa thành lập hội đồng để bỏ phiếu kín đánh giá từng bộ sách, vừa công khai những sách được chọn đến phụ huynh.
Đổi mới phương thức tập huấn giáo viên
Không chỉ giáo viên, các cơ sở giáo dục lo, mà hiện các đơn vị xuất bản, phát hành SGK mới cũng sốt ruột khi công việc bị gián đoạn vì dịch bệnh. Theo đại diện biên soạn bộ sách “Cánh diều”, những ngày qua, đơn vị phải dừng tổ chức các hội thảo giới thiệu sách giáo khoa mới ở các địa phương và tập huấn cho giáo viên sử dụng sách. Lý do là dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để kịp thích ứng, đơn vị đã chuyển qua tập huấn, giới thiệu sách bằng hình thức online.
Những ngày qua, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình chương trình giáo dục năm 2018, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 và các Tổng chủ biên, Chủ biên SGK các môn học, hoạt động giáo dục thuộc bộ sách “Cánh Diều” đã cần mẫn thực hiện các video giới thiệu sách, cũng như tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp trên mạng xã hội để giải đáp thắc mắc của giáo viên liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới. Các video hướng dẫn, tập huấn giáo viên tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa cũng được các tác giả đăng tải trên mạng để phục vụ như cầu tìm hiểu, nghiên cứu của giáo viên.
Tương tự, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên giảng dạy SGK được chọn. Trong thời điểm này, nhà xuất bản lựa chọn hình thức tập huấn trực tuyến qua mạng. Giáo viên có thể tương tác online hoặc offline với đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên, tác giả SGK là các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học, giảng viên, các biên tập viên có trình độ cao của đơn vị… để biết cách sử dụng sách giáo khoa, biến nó thành công cụ phục vụ hiệu quả cho quá trình giảng dạy.
Đưa nội dung tập huấn lên mạng để giáo viên truy cập miễn phí
Trước những lo lắng, băn khoăn của giáo viên, các địa phương về tiến độ tập huấn giáo viên và triển khai chọn sách giáo khoa mới lớp 1 cho năm học tới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ đưa nội dung tập huấn lên mạng để giáo viên truy cập miễn phí, nghiên cứu nội dung chương trình mới, nghiên cứu các bài học.
Việc tập huấn giáo viên có thể tổ chức cả theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Riêng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tập huấn giáo viên có thể tổ chức trực tuyến, kết hợp với cung cấp tài liệu cho giáo viên tham khảo.
Về việc chọn sách giáo khoa mới, hiện các bộ sách giáo khoa đều đã có chế bản điện tử trên mạng kèm theo tài liệu liên quan. Bộ GDĐT cũng yêu cầu các nhà trường tiếp cận, chuẩn bị cho việc chọn sách theo đúng quy trình, tiến độ.
ĐẶNG CHUNG
Chỉ có 2 tháng để lựa chọn sách giáo khoa mới
Hạn cuối đến ngày 31-3-2020, các trường phải lựa chọn xong sách giáo khoa để các nhà xuất bản in, phát hành và tập huấn cho giáo viên.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK), các trường sẽ có hai tháng để đọc, đánh giá và lựa chọn các bản SGK để sử dụng cho trường mình trong năm học 2020-2021.
Tháng 2-2020, các trường mới có bản mẫu SGK
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 32 cuốn SGK lớp 1 của tám môn học được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau đó, vào đầu tháng 12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến trước khi ban hành để triển khai SGK cho chương trình mới từ năm học 2020-2021. Các góp ý gửi về bộ đến hết ngày 30-1-2020. Như vậy, phải đến đầu tháng 2-2020, Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK.
Theo nội dung dự thảo thông tư, các trường phải công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng. Nhiều ý kiến lo ngại hiện tại các trường chưa được tiếp cận SGK thì làm sao có thể chọn lựa, thành lập hội đồng nghiên cứu lựa chọn sách.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho biết sau khi công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK vào đầu tháng 2-2020, các trường sẽ nhận được các bản mẫu SGK đã được bộ phê duyệt và tiến hành lựa chọn.
Các trường sẽ có hai tháng để lựa chọn SGK. Đến ngày 31-3, các trường phải công bố các SGK đã lựa chọn. Sau đó, nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 được lựa chọn sẽ tiến hành in, phát hành và phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.
"Bộ đã tính toán rất kỹ rồi, các mốc thời gian và các đầu việc phải hoàn thành trước khi năm học mới diễn ra, đảm bảo có SGK cho thầy cô và các em học sinh. Các NXB có nhà in trên khắp cả nước chứ không phải in một chỗ rồi chuyển. Hệ thống phát hành tỉnh nào cũng có" - ông Thành nhấn mạnh.
NXB Giáo dục giới thiệu các bản mẫu SGK. Ảnh: AH
Mỗi tổ bộ môn chỉ đọc 4-5 cuốn sách giáo khoa
Trước một số ý kiến lo lắng về việc các trường chỉ có hai tháng để đọc 32 cuốn SGK rồi lựa chọn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: "32 cuốn SGK là của tất cả môn học, chia ra mỗi tổ bộ môn chỉ có 4-5 cuốn rồi chọn".
Cũng theo ông Thành, mỗi cuốn sách có cách thức tổ chức riêng nhưng đều đảm bảo cấu trúc cơ bản là mở đầu, đọc hiểu, luyện tập... Điều các thầy cô cần quan tâm là ngữ liệu sách để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh bao gồm kênh chữ và kênh hình.
"Các thầy cô không phải nghiên cứu tất cả bài trong sách mà thông qua vài bài học minh họa, tổ bộ môn có thể phân tích được sự phù hợp với phương pháp dạy học, tổ chức dạy và học của địa phương và của trường" - ông Thành cho biết.
Chậm công bố SGK môn tiếng Anh
Lý giải về sự chậm công bố SGK tiếng Anh lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết trong chương trình lớp 1 có hai môn tự chọn là môn tiếng dân tộc và môn tiếng Anh.
Bộ đã công bố SGK những môn học bắt buộc, sau đó mới công bố môn tự chọn và những bản thảo SGK được thẩm định lại.
AN HIỀN
Theo PLO
Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào? Bao giờ thì tập huấn lại cho đội ngũ giáo viên còn lại để họ có thể tiếp cận với nội dung mà Bộ đã triển khai cho đội ngũ giáo viên cốt cán? Những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương về Chương trình...