Chọn ngành trước khi chọn trường
Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH CĐ 2019 mới đây, các chuyên gia nhận được nhiều câu hỏi của các phụ huynh và thí sinh; trong số đó, có nhiều thí sinh đạt điểm khá cao, có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, nhưng họ vẫn muốn được tư vấn về đào tạo nghề nghiệp.
Chăm chú nghiên cứu, tham khảo các ngành nghề của các trường. Ảnh: Sỹ Điền
Nhu cầu việc làm gia tăng
Theo TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, thời điểm này, bất kỳ thí sinh nào cũng có rất nhiều quyền lựa chọn ngành học, trường học cho mình. Tuy nhiên, để chọn được trường phù hợp, trước tiên các em nên chọn ngành nghề mà mình yêu thích nhất. Sau khi xác định được ngành, nghề yêu thích theo sở trường, năng lực của bản và theo nhu cầu của gia đình thì các em mới nên chọn trường.
Về chọn trường, TS Đồng Văn Ngọc “bật mí”, ngay tại Hà Nội và các vùng lân cận có rất nhiều trường chất lượng cao. Thí sinh có thể tìm kiếm bằng từ khóa “Trường nghề chất lượng cao” trên Google. Theo đó, các em sẽ thấy có 45 trường đào tạo chất lượng cao. Trong 45 trường này, có rất nhiều ngành nghề được Chính phủ, Nhà nước đầu tư. Nhiều trường cam kết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
TS Đồng Văn Ngọc (giữa): Thí sinh nên chọn nghề trước khi chọn trường. Ảnh: Sỹ Điền
“Tôi khuyên các em cố gắng mô tả năng lực bản thân để chọn ngành nghề trước, sau đó chọn trường. Trường Cao đẳng Cơ điện là một địa chỉ để tham khảo, các em có thể tham khảo các trường khác, để có sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với năng lực của bản thân” – TS Đồng Văn Ngọc nói.
Ông Phạm Xuân Thu tư vấn cho thí sinh về chọn nghề, chọn trường. Ảnh: Sỹ Điền
Video đang HOT
Qua theo dõi thực tế, ông Phạm Xuân Thu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học GD nghề nghiệp (Tổng cục GD nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, một vài năm gần đây, xu hướng thanh niên tham gia học tập ở các cơ sở GD nghề nghiệp tăng cao. Đầu vào cũng đa dạng, có những em sau khi tốt nghiệp THPT đã vào học luôn ở cơ sở GD nghề nghiệp. Cùng với đó, các trường nghề cũng thay đổi rất nhanh để theo kịp với thị trường sử dụng lao động.
“Hiện nay, nhu cầu về sử dụng lao động có năng lực, trình độ trung cấp và cao đẳng đang gia tăng nhiều. Chính vì nhu cầu đó nên khả năng tìm kiếm việc làm của các em sau khi tốt nghiệp rất cao và dễ dàng hơn. Thậm chí, nhiều sinh viên học năm học thứ 2 của trường nghề đã có cơ hội tham gia vào việc làm ở những ngành nghề mà mình yêu thích” – ông Phạm Xuân Thu cho hay.
“Bật mí” những ngành nghề “hot”
Niềm vui của những người cùng ý tưởng. Ảnh: Sỹ Điền
Trước những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh về việc lựa chọn ngành du lịch, tài chính, quản trị… ông Phạm Xuân Thu trao đổi, tất cả các ngành nghề đó đều có trong các cơ sở GD nghề nghiệp. Xu hướng đào tạo ở những cơ sở này là thích ứng theo thị trường lao động. Tức là bên sử dụng lao động yêu cầu các năng lực, kỹ năng gì thì nhà trường sẽ đáp ứng; đồng thời thay đổi phương thức đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động.
“Hàng năm, chúng tôi có công bố trên trang website khoảng 20 ngành nghề có thu nhập tốt và những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao. Xu hướng chung là, các cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo theo hướng liên ngành. Hiện nay, chúng tôi có nghiên cứu về phía sử dụng lao động, họ yêu cầu đào tạo liên ngành là chủ yếu. Chẳng hạn như: Học về du lịch nhưng sinh viên có thể được đào tạo thêm về quản trị… Với phương thức đào tạo này, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay” – ông Phạm Xuân Thu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Xuân Thu, các cơ sở GD nghề nghiệp đã có liên kết với các cơ sở GDĐH, các trường quốc tế, để sau khi đào tạo xong ở cơ sở GD nghề nghiệp, sinh viên có thể học liên thông với các bậc học cao hơn, hoặc được công nhận văn bằng ở các nước mà các cơ sở GD-ĐT đó có liên kết và công nhận văn bằng lẫn nhau. Từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Rất nhiều phụ huynh và thí sinh mong muốn được tư vấn về đào tạo nghề. Ảnh: Sỹ Điền
“Hiện nay, theo khảo sát nhóm nghề điều dưỡng có cơ hội việc làm rất tốt, cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, các nhóm về quản trị khách sạn, nhà hàng là những ngành có khả năng tìm kiếm việc làm tốt và thu nhập cao… Đặc biệt một số ngành như: Hàn, mỏ, khai khoáng… có nhu cầu công việc cao nhưng các doanh nghiệp hiện nay không tìm kiếm được nguồn nhân lực” – ông Phạm Xuân Thu bật mí.
“Bất kỳ trường nào cũng có những ngành nghề có thương hiệu và đó là điểm mạnh của họ. Tất nhiên, cũng có những ngành nghề chưa phải là điểm mạnh. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ để có lựa chọn tốt nhất cho mình. Các em nên chọn ngành nghề trước, sau đó mới chọn trường”. TS Đồng Văn Ngọc
Minh Phong
Theo GDTĐ
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: Hãy ủng hộ nếu con muốn học nghề
10 ngày thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với các thí sinh. Chọn trường, chọn ngành lúc này nếu sai một li là đi một dặm, sẽ là lãng phí thời gian và tiền bạc nếu quyết định sai.
Sinh viên Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: THANH HƯƠNG
Quyết định đúng sẽ chẳng dễ dàng gì có được nếu phụ huynh không đủ dũng cảm vượt qua nỗi ám ảnh "phải học ĐH để giống với con nhà người ta" để nhìn thẳng vào năng lực và đam mê của con em mình.
Tình trạng "xác sống giảng đường"
Học trường nào, ngành gì đối với phụ huynh còn gắn với sự kỳ vọng và cả những định hướng, tính toán về con đường tương lai của con em mình. Trong bối cảnh điểm trúng tuyển của các trường ĐH chủ yếu bằng điểm sàn (trừ các trường tốp đầu), thậm chí chỉ cần xét học bạ để nhập học nên đa số phụ huynh đều muốn con mình tốt nghiệp phổ thông xong sẽ học ĐH bất chấp sức học thực tế của các em chỉ ở mức trung bình.
Từ thực tế 10 năm công tác ở trường ĐH, tôi thấy những sinh viên dạng này khi bước chân vào giảng đường thì dần rơi vào tình trạng "xác sống giảng đường", vật vờ từ năm này sang năm khác vì càng học càng đuối.
Các em nợ môn, nợ chứng chỉ ngoại ngữ và thường xuyên rơi vào tình trạng bị cảnh báo kết quả học tập và cuối cùng là không thể tốt nghiệp dù thời gian học đã kéo dài hơn rất nhiều so với những sinh viên bình thường.
Có sinh viên đến lớp thường xuyên nhưng ngồi trong lớp mà tâm hồn cứ "đi du lịch" nơi khác, bài thi hết môn lại viết những lời lẽ chán nản, oán giận cuộc đời. Tôi đã từng choáng váng khi chấm một bài thi hết môn dài hơn ba trang giấy chỉ toàn những lời chửi bạn bè vô tình, chửi cuộc đời đen bạc, may mà không có câu nào chửi thầy cô.
Không bắt con cái gánh ước mơ cha mẹ
Năm nay, tôi có cậu em họ vừa tốt nghiệp. Trước ngày công bố điểm thi tốt nghiệp, em đã thuyết phục được mẹ dẫn ra Huế, đăng ký học trung cấp nấu ăn. Em kể với tôi: vì biết khả năng của mình tới đâu nên em đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào một trường ĐH tên tuổi để rớt cho "xứng đáng".
Em biết nếu em học ĐH, cha mẹ sẽ rất vui vì em sẽ giúp cha mẹ thực hiện ước mơ ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn mà họ đành dang dở. Dù vậy, em quyết định học trung cấp nấu ăn để sớm có việc làm mà em thích và quan trọng hơn là không phải lo lắng chuyện đi xin việc. Theo em, học nấu ăn chỉ sợ làm không giỏi chứ không sợ thất nghiệp.
Tôi nghe giọng kể đầy hào hứng của em mà thấy mừng. Mừng nhất là cha mẹ đã hiểu chuyện, không bắt em phải gánh ước mơ ĐH vì biết nó quá sức với em.
Phụ huynh nào cũng thương con và muốn hướng con đi con đường mà từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, phụ huynh cho là đúng nhất. 18 tuổi, các em học sinh vẫn chưa thể nào có đủ sự chín chắn và khôn ngoan để có thể chọn một hướng đi đúng nhất.
Dù vậy, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn ngành học, bậc học, hay công việc mà các em có đủ khả năng và sự yêu thích.
Quan trọng là phù hợp
Học nghề không hề kém "sang" hơn so với học ĐH nếu sau này trở thành thợ giỏi thay vì chỉ là ông cử nhân làng nhàng. Nếu để các em phải miễn cưỡng học ĐH thì sẽ có nguy cơ lãng phí tiền bạc và cả thời gian của chính các em.
Như TS Nguyễn Hồng Minh - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - đã trả lời trên báo Tuổi Trẻ: Học gì cũng tốt, nghề nào cũng hay. Điều quan trọng là việc học đó, nghề đó phải phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình của các em học sinh và nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo tuoitre
Thí sinh chỉ đạt 15 17 điểm thì nên nộp vào trường nào hay đi học nghề? Sau khi biết điểm thi, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, con mình thi quốc gia chỉ đạt mức dưới 18 điểm thì có nên nộp hồ sơ vào trường đại học nào đó hay đi học nghề để có cơ hội kiếm việc làm tốt hơn sau khi ra trường. Dưới 18 điểm thí sinh lăn tăn không biết nên học nghề...