Chọn ngành thi đại học, cao đẳng: Chuộng kinh tế, lơ là kỹ thuật
Mặc dù Bộ GD-ĐT cho biết trong năm 2013 và các năm tiếp theo sẽ điều chỉnh,giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, thế nhưng sự quan tâm của học sinh đối với khối ngành này vẫn chưa giảm.
Học sinh Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) trao đổi khi thực hiện phiếu trắc nghiệm ngành nghề trong buổi khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi 2013 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lo lắng nhưng vẫn thi
Hiện nay nhiều trường THPT tại TP.HCM đã bắt đầu công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tình hình chung cho thấy học sinh vẫn quan tâm đến khối ngành kinh tế.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Từ đầu năm 2013 tới nay, tôi đi tư vấn hướng nghiệp cho hơn 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM và Vĩnh Long. Thật tình mà nói, dù có đắn đo trong vấn đề việc làm, mức độ cạnh tranh khi ra trường, nhưng các em vẫn quan tâm nhiều tới khối ngành kinh tế”.
Thực tế, khi phóng viên Thanh Niên phỏng vấn học sinh về ngành nghề sẽ chọn thi trong kỳ tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm nay, hầu hết học sinh từ trường chuyên đến trường bình thường đều cho biết nhiều khả năng chọn các ngành thuộc khối kinh tế. Cẩm Hiền, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) nói: “Em chọn thi kế toán. Gia đình từ lâu đã hướng cho em thi ngành này. Em cũng lo lắng trước thông tin Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu và nhu cầu việc làm sau này nhưng em vẫn thi kế toán”.
Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), đa phần học sinh đặt câu hỏi về khối ngành kinh tế. Chỉ có một số ít đặt câu hỏi liên quan đến khối ngành sư phạm, nông lâm, kỹ thuật, công nghệ. Bà Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), cho biết: “Các năm trước, tỷ lệ học sinh của trường chọn thi giữa khối ngành kinh tế và các ngành khác vào khoảng 6:4. Năm nay, học sinh có quan tâm đến khối sư phạm, nhưng không nhiều. Phần đông vẫn quan tâm đến khối kinh tế. Còn khối ngành kỹ thuật trong nhiều năm nay hiếm có học sinh thi. Cùng lắm các em cũng chọn thi ngành công nghệ thông tin”.
Học sinh “chuyên nghiệp” hơn trong lựa chọn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, khối ngành nông lâm, kỹ thuật hiện nay rất hút nhân lực; đồng thời sau tốt nghiệp, người hoạt động lĩnh vực này sẽ có thu nhập cao, được nhiều doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, học sinh ít quan tâm. Ông Trần Anh Tuấn thông tin: “Nguyên nhân do các em nghĩ học nông lâm, kỹ thuật sẽ làm việc vất vả, khó khăn. Trong khi đó, thực tế hiện nay, công việc ở lĩnh vực này đều công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận: “Trong các buổi mà tôi tham gia tư vấn, dù không được quan tâm đặc biệt như khối ngành kinh tế, nhưng vẫn có học sinh đặt câu hỏi khối nông lâm, kỹ thuật… Đây cũng là tín hiệu vui so với nhiều năm trước”.
Cũng theo ông Tuấn, năm nay học sinh đặt câu hỏi hay và “chuyên nghiệp” hơn, biết chọn ngành xong mới chọn trường. Những năm trước học sinh thường chọn trường tốt, trường nổi tiếng, sau đó mới chọn ngành. Nhưng ông Tuấn cũng cho rằng học sinh vẫn còn lờ mờ về nội dung, chương trình học; ra trường làm ở đâu, nhu cầu nhân lực thế nào… Về cách chọn nghề, các em cũng chín chắn hơn, ít phụ thuộc vào phụ huynh hoặc chọn nghề theo xu hướng số đông.
Qua tìm hiểu thực tế ở các trường THPT và các buổi tư vấn tuyển sinh mà Báo Thanh Niên tổ chức, có thể nhận thấy học sinh rất quan tâm đến quy định mới về liên thông của Bộ GD-ĐT. Nhiều học sinh cho biết năm nay sẽ chọn thi ĐH, không thi CĐ vì phải chờ có 3 năm kinh nghiệm hoặc thi chung kỳ thi ĐH, CĐ vào năm sau để liên thông lên ĐH.
Minh Luân
Theo Thanh niên