Chọn ngành mới mở để tăng cơ hội trúng tuyển
ANTĐ – Mỗi kỳ tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng thường đưa ra những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đối với các ngành này, nhiều thí sinh còn e dè nhưng lại là những ngành có thể đem lại cơ hội trúng tuyển cao và có việc làm ngay sau khi ra trường với những thí sinh sớm xác định ngành nghề đúng sở trường và theo nhu cầu lao động.
Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển với những ngành đào tạo mới mở
Ngành học mới, nhu cầu cao
PGS-TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM cho rằng một trong những ngành học còn mới lạ nhưng có nhu cầu việc làm cao là ngành kỹ thuật hạt nhân, thuộc nhóm ngành vật lý. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 5 trường đào tạo ngành này. Tốt nghiệp ĐH, sinh viên sẽ được tuyển dụng để làm tại lĩnh vực phát triển điện hạt nhân, chẩn đoán y khoa, chữa trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, các bệnh viện… Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho biết, kỳ tuyển sinh 2016, trường này có mở thêm ngành Kinh doanh quốc tế và Công nghệ thông tin.
“Đây là 2 ngành mới trong tổng số 9 chuyên ngành tuyển sinh năm nay gồm Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Marketing, Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Thiết kế đồ họa, được Đại học FPT chính thức tuyển sinh từ năm 2016 do nhu cầu nhân lực trong xã hội của hai ngành này đang ngày càng tăng cao” – ông Trần Ngọc Tuấn khẳng định. Cũng theo ông Trần Ngọc Tuấn, thí sinh đăng ký vào những ngành học mới của các trường thì khả năng trúng tuyển có thể cao hơn vì nhiều thí sinh chưa để ý hoặc còn nghe ngóng, chờ đợi khi chưa có thông tin từ các thế hệ đào tạo trước nên chưa dám đăng ký.
Một trong những ngành nghề đang được nhiều thí sinh quan tâm do sự nổi trội trong công việc là tổ chức sự kiện. Phạm Thanh Xuân, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, em đặc biệt yêu thích lĩnh vực này nhưng lại băn khoăn không biết nên đăng ký theo học ngành nào trong các trường đại học.
Theo TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, những thí sinh có tính cách sôi nổi, năng động, sáng tạo sẽ rất phù hợp với ngành Quan hệ công chúng. Thí sinh có thể đăng ký ngành Quan hệ công chúng đang được đào tạo ở khá nhiều trường chuyên về môn xã hội. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể đăng ký học ngành Quan hệ quốc tế bởi ngành này cũng đảm bảo những kiến thức liên quan đến công việc này. Đây được xem là một ngành học thời thượng và cơ hội việc làm khá cao.
Tìm hiểu kỹ ngành truyền thống để học chuyên sâu
Chưa mở thêm ngành đào tạo mới, PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường đang tổ chức tuyển sinh đợt 1 theo phương thức xét học bạ THPT với thời hạn hết tháng 3-2016. PGS.TS Vũ Văn Hóa cho biết, những ngành truyền thống vẫn giữ được sức hút của trường này là Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tin học, Quản lý Nhà nước.
“Sở dĩ các ngành này vẫn chiếm được sự quan tâm của nhiều thí sinh bởi khi học năm thứ tư các em sẽ được học chuyên sâu, đảm bảo phù hợp với công việc cụ thể thay vì chỉ đào tạo chung chung” – PGS.TS Vũ Văn Hóa chia sẻ – “Thí sinh đang cân nhắc chọn lựa ngành nghề cần đọc kỹ thông tin tuyển sinh, bên cạnh đó nên mạnh dạn hỏi ý kiến tư vấn tại các bộ phận tuyển sinh của các trường để tìm hiểu kỹ các ngành đào tạo chuyên sâu thì mới có được lựa chọn tốt nhất cho kỳ tuyển sinh sắp tới”.
ThS hạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng khẳng định, Quản trị kinh doanh là ngành được nhắc đến nhiều trong thông tin đại chúng, cho thấy công tác quản trị kinh doanh trong các doanh nghiệp rất được quan tâm. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu đây là một ngành lớn và sẽ được tách thành các ngành hẹp như: Quản trị sản xuất, quản trị dự án, quản trị bán hàng, hoạt động xuất nhập khẩu… để sớm có định hướng ngay từ khi chọn ngành.
Một trong những ngành được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thống kê có nhu cầu nhân lực cao chính là ngành quản trị nhà hàng, khách sạn. Ths Hoàng Đức Bình, Trường ĐH Hoa Sen cho biết, thông thường, ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn được đào tạo chung do mức độ liên thông, hỗ trợ giữa 3 ngành này rất chặt chẽ. Trong xu thế hội nhập phát triển, cả hai ngành du lịch hay nhà hàng – khách sạn đều có cơ hội việc làm như nhau nhưng tính chất công việc khác nhau nên thí sinh cần chú ý lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân.
Theo ANTĐ