Chọn ngành học nên theo cá nhân hay phụ huynh?
Hôm nay (20.3), ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi lần thứ 23 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai.
Học sinh tham dự ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hôm nay – ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn , qua Facebook/Thanh Niên và qua kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên . Chương trình thu hút gần 10.000 học sinh các trường THPT tham dự.
Ngày hội khai mạc đã cung cấp tới thí sinh nhiều thông tin mới, hấp dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều băn khoăn về ngành nghề của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp trực tiếp.
Chọn nghề như… “sống thử”
HS Ánh Linh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Đồng Nai) thắc mắc thú vị: “Trong trường hợp mình chưa được hành nghề thì làm sao có thể nhận biết nghề có yêu mình hay không?”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng chọn ngành nghề theo đúng sở thích cá nhân của mình, không nên theo sở thích cá nhân của phụ huynh. Lời khuyên này được thạc sĩ Hà đưa ra từ thực tế kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm của ông. Ông nói: “Không ít thí sinh chọn ngành phần nhiều theo ý kiến phụ huynh, vô tình làm cho thí sinh mất phương hướng”.
Ví von việc chọn ngành nghề giống như việc sống thử, thạc sĩ Hà cho rằng việc chọn đúng nguyện vọng cá nhân đôi khi mới chỉ đạt 80-90%, phần còn lại mới là… “sống thử”. Lý giải rõ hơn sự ví von này, thạc sĩ Hà nói: “Có những em 2 năm rồi mới cảm thấy không phù hợp ngành nghề và kiên quyết chuyển trường vì cảm thấy mình không thể đi tiếp ngành y. Tất nhiên số này không nhiều, chỉ một vài trường hợp trong số 1.200-1.400 thí sinh trúng tuyển vào trường. Nhưng từ đó có thể thấy, việc học tập trước hết nên dựa trên sở thích nguyện vọng của mình”.
Chia sẻ thêm thông tin ngành y khoa, theo thạc sĩ Hà: “Việc học 6 năm tốt nghiệp bác sĩ cũng chỉ mới bước vào đời. Sau đó, sinh viên còn phải học thêm 2-3 năm chuyên khoa hoặc cao học mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Bằng bác sĩ sau 6 năm cũng chưa thể hành nghề được”.
Trong một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bổ sung thêm: “Lựa chọn ngành nghề là lựa cái phù hợp với mình không nên lựa cái mình thích. Theo thầy thì học sinh nên nghe lời khuyên của ba mẹ mình – những người từng va chạm và có tầm nhìn. Tất nhiên, phụ huynh chỉ nên đưa ra lời khuyên, không nên áp đặt với con em mình”.
Còn về việc chọn ngành nghề, tiến sĩ Bảo cho rằng, khi cuộc sống hiện tại thay đổi nhiều như hiện nay, rất khó biết trong tương lai nghề nghiệp sẽ thay đổi ra sao. Do vậy, việc chọn nghề không nên chạy theo thời thế mà hãy làm tốt nhất hiện tại, học thật tốt và trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết.
Có sự khác biệt giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp không?
Cũng đặt câu hỏi tại chương trình, học sinh Vũ Ngọc Bích Đoan (Trường THPT Nguyễn Trãi, Đồng Nai) băn khoăn việc nữ giới học ngành kỹ thuật có bị hạn chế so với nam giới hay không.
Theo tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ xu hướng lựa chọn ngành nghề theo giới tính hiện nay đã thay đổi nhiều. Sự phân bố giới tính trong các ngành nghề kỹ thuật hiện đã cân đối hơn. Trước đây, tỷ lệ nam giới tương đối vượt trội hơn so với nữ trong các ngành nghề kỹ thuật, nhưng hiện nay tỷ lệ này có lúc chỉ 4-6.
Đến từ một trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, thạc sĩ Trần Thị Huế Chi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bổ sung: “Thực tế nam giới học được gì thì nữ hoàn toàn học được khi có niềm đam mê yêu thích. Thực tế nữ giới có lợi thế rất lớn khi tham gia vào ngành nghề này, đặc biệt là ở khía cạnh kỹ năng mềm. Khi bạn có kỹ năng mềm đặc thù của nữ giới trong môi trường nam giới thì sẽ rất thành công”.
Báo Thanh Niên khai mạc Tư vấn mùa thi 2021 tại Đồng Nai
Sau thời gian tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20.3, chương trình khai mạc ngày hội Tư vấn mùa thi năm 2021 do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức sẽ diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai.
Học sinh tham dự chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi 2020 diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai - ĐÀO NGỌC THẠCH
Sở GD-ĐT Đồng Nai đã chính thức có công văn yêu cầu các trường THPT cử học sinh (HS) tham gia chương trình. Chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19, Báo Thanh Niên đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước khử khuẩn cho HS và các khách mời tham gia.
Ngày hội được thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT Đồng Nai cũng có thông báo gửi hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn, trong đó lưu ý các đơn vị khuyến cáo, nhắc nhở HS thực hiện đeo khẩu trang và sát khuẩn tay bằng dung dịch khử khuẩn khi tham dự chương trình.
Chương trình được truyền thông trực tuyến trên các kênh: thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên, TikTok Thanh Niên và báo in Thanh Niên.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Làm sao đạt điểm như thủ khoa?
Trong 23 năm qua, chương trình Tư vấn mùa thi luôn là cầu nối giúp HS không chỉ liên lạc, trao đổi, giải đáp thắc mắc với các trường mà còn là một kênh cung cấp thông tin mới về thi cử, định hướng cho HS chọn ngành, nghề. Nhưng đặc biệt trong năm 2021 này, chương trình có sự cải tiến mạnh mẽ về nội dung, hướng đến các nhu cầu thiết thực nhất của thí sinh trước mùa thi.
Điểm mới nhất là sự xuất hiện của các thủ khoa - những người đạt điểm cao nhất các kỳ thi tuyển vào ĐH năm 2019, 2020, gồm: Võ Lập Phúc (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020), Trần Ngọc Đoan (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM năm 2020), Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2019), Trần Đức Lương (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019).
Các thủ khoa này sẽ chia sẻ kinh nghiệm học tập, bí quyết ôn thi và cách làm bài đạt điểm cao ở các kỳ thi. Không chỉ kỳ thi tốt nghiệp THPT truyền thống, chương trình còn chia sẻ bí quyết đạt điểm cao ở một kỳ thi còn khá mới trong tuyển sinh hiện nay: kỳ thi đánh giá năng lực.
Chương trình Tư vấn mùa thi năm nay được sự tài trợ của Tập đoàn VinGroup, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Tại Đồng Nai, chương trình còn có sự đồng hành của Hệ thống giáo dục ABC Edu, Công ty tư vấn du học Osi Vietnam, Công ty CP đầu tư bất động sản Phú Gia Hưng; Trường TH, THCS, THPT Bùi Thị Xuân (Đồng Nai)...
Không chỉ đầu vào, chương trình còn có sự xuất hiện của các thủ khoa đầu ra. Chẳng hạn Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM năm 2020, chia sẻ với HS kinh nghiệm học tập...
Thông tin mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH
Chương trình được thiết kế với 2 mạch nội dung cụ thể. Trong buổi sáng từ 8 giờ 30 - 10 giờ, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn và đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), HS sẽ có những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển năm 2021. Đại diện nhiều trường ĐH cũng chia sẻ thông tin quan trọng về tuyển sinh các khối ngành: kinh tế, sư phạm, y dược...
Buổi chiều từ 14 - 16 giờ là phần nội dung chia sẻ của các thủ khoa và những lưu ý xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh sẽ trực tiếp đặt câu hỏi với chuyên gia nhiều trường ĐH tham dự chương trình.
Nối tiếp ngày hội khai mạc tại Đồng Nai, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 21.3. Ngoài ra, chương trình sẽ đến với thí sinh của nhiều địa phương khác trong những ngày kế tiếp. Những cải tiến mạnh mẽ về nội dung thông tin chương trình sẽ được triển khai xuyên suốt trong các chương trình năm nay.
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại gian hàng
Một trong những hình thức tiếp cận thí sinh hiệu quả nhất trong suốt nhiều năm diễn ra chương trình Tư vấn mùa thi là tư vấn tại gian hàng triển lãm.
Tại ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi, hơn 100 gian hàng triển lãm sẽ là nơi kết nối trực tiếp giữa trường ĐH, CĐ, các đơn vị đào tạo với HS. Để chuẩn bị cho việc tư vấn tại gian hàng, cán bộ, giảng viên của các trường đã sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của HS về ngành nghề, chương trình đào tạo, xu hướng tuyển dụng, cách chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích, nhu cầu nhân lực...
Ngoài ra, rất nhiều hoạt động hấp dẫn tại gian hàng mang phong cách, đặc thù riêng của từng trường như biểu diễn pha chế, viết thư pháp, vẽ hana, trải nghiệm du lịch khắp thế giới bằng thiết bị thực tế ảo, biểu diễn văn nghệ... Không những thế, thí sinh tham quan các gian hàng còn được tham gia các trò chơi liên quan đến ngành học, đố vui có thưởng, nhận nhiều quà tặng như ba lô, tập vở, gấu bông...
Mỹ Quyên
23 năm đồng hành và tiên phong
Báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên có trang tư vấn về các vấn đề của giáo dục. Trước nữa, khi còn là Tuần tin Thanh Niên , từ năm 1990, tờ báo đã có chương trình Tư vấn giáo dục.
Ngày 15.3.1998, chương trình có tên gọi Giới thiệu mùa thi - tiền thân của chương trình Tư vấn mùa thi, đã diễn ra tại Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa với sự phối hợp của Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT. Sau đó vài năm, chương trình đổi tên thành Tư vấn mùa thi, tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh Tây Nam bộ.
Từ đó đến nay, cái tên này của chương trình đã đi qua thời gian hơn 20 năm với nhiều đổi mới cả hình thức và nội dung. Báo Thanh Niên cũng là tờ báo đầu tiên tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp về tư vấn mùa thi trên internet trong những năm đầu tiên có internet ở Việt Nam và cả trên sóng đài phát thanh - truyền hình các địa phương trong cả nước.
Chọn đúng ngành học nhờ Tư vấn mùa thi Đối với nhiều bạn trẻ đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp ĐH, khi nhắc về chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên là lại bồi hồi, xúc động nhớ lại những hình ảnh thân thuộc. Sông Gia Phú - ẢNH: NVCC "Thầy đã giúp em tự tin hơn khi chọn ngành" Trần Đỗ Kim Ngân, cựu học sinh...