Chọn học nghề dự phòng, chàng trai 9X hái quả ngọt không ngờ
Lựa chọn học nghề như một phương án dự phòng nhưng Nguyễn Văn Long lại gặt hái được những thành công mà bản thân anh cũng không thể ngờ tới.
Năm 2020, Nguyễn Văn Long (SN 1991, Nghệ An) trở thành 1 trong 10 Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam. Trước đó, vào năm 2014, chàng sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đã đạt Huy chương Vàng nghề Tự động hóa công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp đến nay, anh đang làm việc tại một công ty Nhật Bản ở KCN Bắc Thăng Long.
Có thể nói thành công bằng “con đường trường nghề” của anh là một minh chứng thuyết phục cho thấy không phải cứ vào đại học mới có tương lai như tư duy lâu nay của nhiều người. Tuy nhiên trường nghề không phải là lựa chọn đầu tiên của Long…
Anh kể, cũng như nhiều học sinh THPT, Long mơ ước được đặt chân vào giảng đường đại học.
Đại sứ kỹ năng nghề Nguyễn Văn Long
Khi chưa đạt được nguyện vọng, anh chọn học Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội như một phương án “tạm”. Sau đó, anh tiếp tục ôn thi vào đại học.
“Tuy nhiên thời gian học tại trường nghề, tôi cảm thấy rất thích thú. Việc học không quá nặng, tôi tiếp thu tốt các kiến thức nhờ đó thường xuyên đạt kết quả tốt. Không chỉ vậy, tại trường, thay vì học quá nhiều lý thuyết chúng tôi được chú trọng thực hành”, anh Long chia sẻ.
Vì vậy, ban đầu chỉ là phương án dự bị nhưng cuối cùng anh lại quyết tâm gắn bó với trường nghề.
Năm 2014, khi là sinh viên năm thứ ba, anh tham gia kỳ thi tay nghề. Tại kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, anh và đồng đội đạt huy chương Vàng. Sau đó họ có 10 ngày sang Trung Quốc tập huấn để chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề ASEAN.
Long kể, tham gia cuộc thi, anh phải trang bị kỹ kiến thức về lập trình, lắp ráp cơ khí, điện, cách xử lý tình huống. Bên cạnh đó, Long cũng phải rèn luyện kỹ năng tiếng Anh để đọc đề thi, chia sẻ, nói chuyện với bạn bè Đông Nam Á.
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 là cơ hội để anh và đồng đội có thêm kiến thức tiếng Anh để thi tốt và được gặp gỡ, giao lưu với sinh viên đến từ các nước trong khối ASEAN. “Các giáo viên đều tận tình và nghiêm khắc. Nhờ được ôn luyện tốt, tôi rất tự tin bước vào kỳ thi mới”, anh chia sẻ.
Video đang HOT
Suốt 2 ngày thi khá căng thẳng tại Hà Nội, anh Long và đồng đội đã chinh phục ban giám khảo với bài thi làm nhanh và chính xác. Kết quả Việt Nam giành huy chương Vàng.
“Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là phần thi diễn ra khá áp lực khi có nhiều người đến xem. Mồ hôi chảy ướt ròng trên mặt khiến tôi phải cởi áo bảo hộ để lau. Dù vậy, tôi hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh để hoàn thành bài thi của mình”, Long nhớ lại.
Thể hiện được năng lực, “tay nghề vàng” của mình, ngay sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Long đã được một công ty của Nhật Bản nhận vào làm việc tại bộ phận kỹ thuật.
Long cho hay, công việc hiện tại của anh rất cần đến ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để trao đổi thông tin, đọc tài liệu. Vốn tiếng Anh tốt mới có thể nghiên cứu, dịch tài liệu, sử dụng tốt các máy móc thiết bị, kỹ thuật công nghệ tiến tiến.
Bên cạnh đó, làm việc với người Nhật, bản thân mình phải tự tìm hiểu nền văn hóa của họ, để giao tiếp, ứng xử cho phù hợp. Đó cũng chính là cách mình hội nhập trong môi trường làm việc hiện nay và cuộc sống nói chung.
Với thành tích đạt huy chương Vàng kỳ thi tay nghề ASEAN, Long nhận được bằng khen của TP Hà Nội.
Nhưng điều quan trọng hơn là lựa chọn của Long đã giúp thay đổi tư duy của các bạn trẻ. Anh kể, nếu như trước đây nhiều người dân ở quê của anh coi học nghề là một bước đi không khả quan bằng học đại học thì nay họ đã dũng cảm để con em mình lựa chọn.
Tiếp theo Long, em trai của anh là Nguyễn Văn Thiết (SN 1995, Nghệ An) cũng giành tấm Huy chương vàng Cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 11 tại Malaysia năm 2016.
Hiện tại, một người em họ của Long cũng đang chuẩn bị để tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia. Đặc biệt Long cũng là thành viên trong đội chịu trách nhiệm về kỹ thuật, hỗ trợ các em thế hệ sau tham gia kỳ thi tay nghề.
“Nhiều người thân và người trong làng đã gọi điện nhờ tôi tư vấn về việc lựa chọn ngành nào cho phù hợp với con cháu họ. Tôi định hướng cho các em rằng nếu học lực tốt hãy lựa chọn học đại học. Nếu lực học trung bình, các em nên chọn trường nghề có những ngành học mà xã hội đang cần. Chi phí học nghề rẻ hơn, tiết kiệm thời gian hơn và cơ hội có nghề cao hơn”, Long chia sẻ.
Hiện chàng trai xứ Nghệ đã lập gia đình, có con và cuộc sống khá ổn định. Nhìn lại chặng đường đã qua anh cho rằng: “Chọn việc học nghề vốn chỉ là một phương án dự phòng nhưng không ngờ con đường này lại mang cho tôi thành công. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ chọn học nghề ngay từ đầu”.
"Nếu được chọn lại, tôi sẽ học nghề ngay từ đầu"
"Nếu khi vào đại học, cảm thấy môi trường không phù hợp, các bạn nên thay đổi để tránh lãng phí thời gian, tiền của. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ đi học nghề ngay từ đầu", đại sứ kỹ năng nghề Nguyễn Văn Quân chia sẻ.
Năm 2015, nhận kết quả trúng tuyển vào khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, như bao tân sinh viên khác, Nguyễn Văn Quân (SN 1996, Hà Giang) vô cùng vui mừng.
Nhưng sau một kỳ học tại trường, qua lịch học phân bổ trong các năm tiếp theo, Quân cảm thấy so với mong muốn của anh, lượng lý thuyết nhiều, trong khi phần thực tế, thực hành lại hơi ít.
Nguyễn Văn Quân tại cuộc thi tay nghề thế giới
Chàng trai 9X quyết định gọi điện về cho bố mẹ xin phép được nghỉ học. Anh muốn về quê để có thời gian suy nghĩ lại về định hướng tương lai. Bố mẹ khuyên anh cố gắng tiếp tục học tập nhưng anh nói nếu không yêu thích, tốt nghiệp ĐH xong, anh rất khó xin việc.
"Nhiều phụ huynh nghe đến con đi học nghề là không thích do suy nghĩ chỉ có trượt đại học hay học kém mới đi học nghề. Nhưng tôi cho rằng để phát triển bản thân phải vững tay nghề. Gia đình mình không khá giả, không có nhiều mối quan hệ để dễ dàng xin việc thì mình phải có kỹ năng nghề vì vậy tôi xác định phải đi học nghề", Quân phân tích.
Để bố mẹ đồng ý anh đã phải thuyết phục, tác động rất nhiều. Quân tâm sự thêm, khi học cấp 3, anh chỉ suy nghĩ đơn giản, các bạn đỗ đại học mình cũng phải cố gắng vào giảng đường cho "bằng bạn bằng bè".
"Tôi thích học về điện, tự động hóa, hồi học Cấp 3 tôi cũng đạt giải sáng tạo trẻ cấp tỉnh với mô hình quét rác tự động. Sau nửa năm ở nhà suy nghĩ, năm sau, tôi quyết định nhập học trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội", anh kể lại.
Tháng 8/2016, Quân nhập học. Tại trường, xem lịch học trong 3 năm có khá nhiều thời gian thực hành anh rất hào hứng.
"70% thời gian học là thực hành. Học lý thuyết cũng ngay cạnh máy, sau lý thuyết, các sinh viên được sang thực hành ngay tại máy. Thiết bị được nhà trường nhập mới liên tục, các sinh viên có 1 buổi học tại trường, 1 buổi tự nghiên cứu... nên tôi rất hào hứng. Tôi nhận thấy đây là môi trường mình có thể phát triển được".
Sang năm học thứ 2, Quân học môn học PLC. Đây là môn học khá mới mẻ với anh. Nhờ đam mê và yêu thích, anh đạt kết quả cao trong môn học này. Sau đó, thầy giáo chọn anh vào đội tuyển của khoa Cơ điện tử với vai trò lập trình viên.
Anh chuyển sang luyện tập để đi thi tay nghề. Tại kỳ thi của thành phố Hà Nội, kết quả không như mong đợi của anh.
"Tất cả đều rất mới, tôi chưa có kinh nghiệm nên hiểu sai đề và lập trình có sai sót nên chỉ đạt giải Ba. Nhưng đây cũng là cơ hội để tôi rút kinh nghiệm. Vì vậy, sau 5 tháng ôn thi tiếp theo, tôi rất tự tin khi tham gia cuộc thi tay nghề quốc gia". Tại kỳ thi này, đội của anh (gòm 2 thành viên) đã đạt huy chương Bạc.
Suốt 3 ngày thi, các chuyên gia Hàn Quốc đã sang theo dõi. 6 thành viên của 3 đội tiếp tục phải trải qua một cuộc phỏng vấn với các chuyên gia này để chọn ra 1 đội duy nhất đi thi Tay nghề thế giới tại Nga.
Đội của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội của Quân được chọn. Quân kể lại khi anh đặt câu hỏi tại sao chọn khi chúng tôi chỉ đạt Huy chương Bạc, chuyên gia Hàn Quốc đã trả lời rằng: "Chúng tôi không đánh giá qua giải các bạn vừa thi. Chúng tôi đánh giá qua năng lực thực tế của các bạn. Bạn không nên suy nghĩ về giải vừa qua nữa mà hãy nghĩ về Huy chương vàng cuộc thi tay nghề thế giới".
Ngày 6/8/2018, Quân và đồng đội sang Hàn Quốc để đào tạo. Anh chia sẻ: "Ở Hàn Quốc, chúng tôi phải tuân thủ chế độ luyện tập rất khắc nghiệt. Theo quy định từ 6h sáng đến 7h tối, chúng tôi học. Sau đó, chúng tôi tự học đến khuya có hôm 2 - 3h sáng.
Thời gian đầu, tôi khá mệt mỏi, nhưng sau đó thấy mỗi ngày mình tự tạo ra một dây chuyền theo ý mình, được người khác đánh giá tốt, mình vui và có động lực hơn".
Quân có thể ngồi lập trình liên tục 4, 5 tiếng đồng hồ. Sau khi ăn, anh lại quay lại với chiếc máy tính.
Nhờ được rèn luyện bài bản, kỹ lưỡng Quân đi thi với sự tự tin cao. Tại kỳ thi tay nghề thế giới, tốc độ làm bài của Quân và đồng đội khá tốt nhưng kết quả vẫn chưa làm anh hài lòng.
Nguyễn Văn Quân (ngoài cùng, bên phải) trong lễ tuyên dương Người thợ trẻ giỏi
Quân và đồng đội nhận được chứng chỉ tay nghề xuất sắc sau 3 ngày thi liên tục ở Liên bang Nga.
Hiện Quân đang hỗ trợ thầy giáo hướng dẫn các em khóa sau chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề. Anh dự định sau khi tốt nghiệp có thể sẽ đầu quân cho một số công ty để học hỏi kinh nghiệm, sau đó có những kế hoạch riêng cho sự nghiệp của mình.
Với các bạn trẻ đang băn khoăn việc chọn nghề, Quân nhắn nhủ: "Các bạn nên nắm rõ năng lực và đam mê của mình, không nên đặt mục tiêu cao quá. Từ đó, các bạn chọn trường phù hợp với nguyện vọng của mình. Không vào được đại học, các bạn có thể học nghề, cơ hội việc làm không hề ít".
Anh cũng nói thêm: "Nếu khi vào đại học, cảm thấy môi trường không phù hợp, các bạn nên thay đổi, để tránh lãng phí thời gian và tiền của. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ đi học nghề ngay từ đầu".
Nữ sinh giỏi rẽ lối học nghề, năm 3 có việc lương cao Dù đã trúng tuyển một trường đại học tốp đầu, nhưng nữ sinh dân tộc Tày quyết định không học đại học để chọn cho mình hướng đi riêng. Ngọc Thị Hoàn - sinh viên năm 3 ngành Thiết kế đồ họa, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NVCC Sinh ra trong một gia đình thuộc hộ cận nghèo...