Choáng với các loại phí đóng học đầu năm
Cứ mỗi khi năm học mới đến, các bậc phụ huynh lại lo ngay ngáy vì các khoản phí đóng góp cho con vào trường học. Ngoài các khoản chính thu, phụ huynh còn méo mồm với các khoản phụ thu chóng mặt nữa.
Phụ thu gấp ba lần chính thu
Cầm tờ giấy báo nộp tiền học đầu năm cho đứa con học lớp 10, chị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi choáng váng khi số tiền đóng cho con lên đến vài triệu đồng. Chị Minh làm công nhân của Công ty môi trường đô thị, lương một tháng chưa đến 3 triệu đồng, chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp nên thu nhập cũng chẳng hơn chị là bao.
Năm nay, gia đình chị Minh có con trai lớn vào lớp 10 và con trai út vào học lớp 1. Cả hai con đều vào đầu cấp nên số tiền đóng góp rất lớn, chị Minh ngẫm trong đầu là bạc triệu cho mỗi con nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến số tiền đóng góp lên hàng chục triệu đồng như vậy.
Chị Minh cho biết, con trai lớn chị học trong trường nửa công lập, nửa dân lập nên mức học phí ở dạng trung bình là 450 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền học thêm các môn toán, vật lý, văn, lịch sử hàng tháng. Nếu chỉ tính riêng tiền học mỗi tháng chị Minh tính cậu cả cũng ẵm của nhà 1 triệu đồng.
Phiếu báo thu tiền của con trai lớn nhà chị Minh
Ngoài ra còn chưa kể đến các khoản phụ thu khác như: tiền học nghề, tiền ngoại khóa, tiền nước, tiền ghế, tiền điện, tiền vệ sinh môi trường, tiền bảo dưỡng cơ sở vật chất cho trường, tiền quỹ phụ huynh, quỹ lớp… chỉ tính riêng khoản thu này đợt đầu năm cũng đóng đến 2 triệu đồng.
Không chỉ các khoản phí đó, khoản đồng phục mùa hè, mùa đông mang tính thương hiệu của trường cũng khiến chị Minh phải xót lòng. Chị tính năm nào cũng vậy, đầu mỗi năm học chị lại phải đóng hàng triệu tiền đồng cho con. Còn đối với cậu con út nhà chị Minh thì kinh phí còn khủng hơn nhiều. Chị Minh tính nhẩm tiền đóng cho cu cậu trong tháng này ngót nghét cả chục triệu.
Chị Minh liệt kê hàng loạt các khoản đóng góp như sau: tiền học phí, tiền học võ, ngoại khóa, tiếng anh có giáo viên nước ngoài, đồng phục, nước uống, bảng viết, quỹ phụ huynh, các loại bảo hiểm, tiền xây dựng trường lớp… chị Minh nhận tờ giấy tạm thu lên đến hơn 3 triệu đồng. Trong đó khoản học phí tách riêng tùy vào điều kiện gia đình nộp từ 3 tháng hoặc theo học kỳ với số tiền 620 nghìn đồng/tháng.
Mướt mồ hôi trường điểm, trường ngoại
Chị Vũ Thị Quỳnh Mai (Minh Khai, Hà Nội) làm nghề bán hàng, quê chị Mai ở Nam Định nhưng vợ chồng lên Hà Nội thuê nhà để làm thêm và đưa cả con gái lên ở cùng bố mẹ. Năm nay con chị Mai vào lớp một. Vì không có hộ khẩu ở Hà Nội nên cháu nhỏ không thể vào trường công mà phải vào các trường dân lập, trường quốc tế tùy theo gia đình chọn.
Chồng chị vì thương con nên không muốn vì điều kiện nghèo khổ mà gửi con về quê học nên cho con ở lại Hà Nội học và chọn cho cháu trường trường dân lập. Anh tham khảo qua học phí của một vài trường nhưng cũng không khỏi “lo sợ” vì học phí “khủng” của các trường.
Video đang HOT
Chị Mai gửi con vào học tại một trường dân lập gần nhà. Tuy nhiên số tiền đóng góp cũng lên đến gần chục triệu. Trong các khoản đóng góp đó, chị Mai ngỡ ngàng vì khoản phí đóng cả tiền ghế ngồi cho cô giáo, tiền mua váy tập thể dục Aerobic cho học sinh nữ.
Có điều kiện hơn gia đình chị Mai nhưng chị Giang (Trung Yên, Hà Nội) cũng khỏi méo mặt khi nhìn khoản tiền đóng góp cho con trai học lớp 1 của chị. Con trai lớn nhà chị Giang vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội chị Giang nhận được một “bảng báo giá” số tiền trên bao gồm: học phí: 3 triệu/tháng đóng cả 3 tháng; bán trú: 1,2 triệu/tháng/ 3 tháng; ô tô đưa đón: 700 nghìn đồng/tháng đóng 3 tháng; cơ sở vật chất: 1 triệu đồng, bảo hiểm y tế là 210 nghìn đồng/năm, bảo hiểm học sinh 50 nghìn đồng; tổ chức hoạt động: 500 nghìn đồng. Tổng thu là 17,4 triệu đồng.
Phụ huynh sợ con mình bị trù ẻo nên đều “tự nguyện” nộp các khoản phụ phí
Trước đó chị có nghe giá ở trường này cao nhưng không nghĩ lại nhiều đến như vậy. Biết thế chỉ chọn một trường điểm cho con học cũng được. Còn hàng trăm khoản phí khác đóng rải rác hàng năm nữa.
Theo Điều 105, Luật Giáo dục năm 2005: Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác. Công văn số 5956/2010 của Bộ GD-ĐT quy định: Tất cả các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện công khai các khoản thu, chi theo quy định tại Thông tư số 09/2009 của Bộ GD-ĐT.
Đối với thu học phí, lệ phí tuyển sinh, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các quy định về mức thu, các đối tượng được miễn giảm, học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo đúng quy định của UBND tỉnh, thành phố.
Mặc dù, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không tăng học phí, nghiêm cấm hiện tượng lạm thu,… nhưng trên thực tế, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Các khoản thu này đều được hợp thức hóa bằng việc “tự nguyện” của phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh không khỏi xót xa.
“Không đóng cũng phải đóng, nếu mình không đóng con mình mất cửa chơi với bạn bè, có khi mất cả cửa học, ở đâu cũng như vậy cả nên đành chấp nhận việc lạm thu là đương nhiên” – chị Thúy Nga một phụ huynh trường tiểu học Tân Mai thật thà.
Theo BĐVN
"Hội phụ huynh không phải công cụ của trường"
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi cho rằng, việc thu tiền đầu năm học tại nhiều nhà trường có sự mập mờ, biến tấu dù là phụ huynh thu nhưng có thể nhà trường đứng đằng sau.
Ông Đào Trọng Thi nói:
Luật đã qui định rõ: Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, nhà trường không được thu bất kỳ khoản nào khác. Nhưng quy định đó chỉ đúng trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ giáo dục cơ bản, còn những nhu cầu khác mang tính dịch vụ thì không thực hiện được.
Ở đây cần phân biệt các khoản do nhà trường thu và các khoản khác do Ban phụ huynh đứng ra thu. Đó là những khoản phụ huynh tự thống nhất, hoặc có trao đổi với nhà trường thu để phục vụ các cháu học tập như nước uống, trông giữ xe... mà ta vẫn gọi là ngoài luồng. Nhưng chuyện này thường mập mờ, biến tấu trong các trường.
Đấy là do cách làm, các khoản phụ huynh thu nhưng lại có chuyện nhà trường đứng đằng sau, hoặc là nhà trường đứng ra thu hộ phụ huynh. Người ta thường nghĩ ở đây có sự chỉ đạo từ phía nhà trường.
Thu các khoản ngoài học phí, lệ phí để phục vụ học sinh tốt hơn, nhưng thường bị biến tấu (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Phụ huynh "đại gia" áp đặt, phụ huynh nghèo yếu thế
Những khoản thu như vậy thường gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Cách làm như tôi nói, rõ ràng có vi phạm, có phần lắt léo. Tôi nghĩ về mặt pháp luật, qui định rất minh bạch, rõ ràng, vấn đề là ngành giáo dục phải có hướng dẫn thực hiện như thế nào đó. Chính vì cách làm ở đây đôi khi có sự bàn bạc, thống nhất giữa Ban phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm nên dẫn đến mập mờ.
"Cần có một ban phụ huynh đúng nghĩa, hoạt động độc lập. Ban phụ huynh này phải do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định từ trước. Phụ huynh họp thì cô giáo chủ nhiệm không nên dự. Một ban phụ huynh do nhà trường chọn ra sẽ không ổn, phụ huynh "đại gia" thường sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, áp đặt phụ huynh khác" - GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
Theo tôi, những khoản mà phụ huynh đóng góp thì phải được sự thống nhất tự nguyện của đa số phụ huynh, tránh bị lợi dụng. Phụ huynh phải bàn bạc, thống nhất trên cơ sở tự nguyện. Nhưng thực tế, phụ huynh có điều kiện thường lấn át những phụ huynh khác.
Phụ huynh không có điều kiện thường yếu thế, không dám đấu tranh và họ rất sợ mất lòng nhà trường. Thành thử, một vài vị phụ huynh có điều kiện cứ làm theo ý của họ, đấy là chưa nói còn có sự "chỉ đạo" của ai đó nữa.
Để tránh bị biến tấu, lợi dụng, quy định hướng dẫn của nhà trường và các cơ quan quản lý phải cụ thể hơn. Vừa rồi Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường phải thu đúng nguyên tắc, không được ép buộc, áp đặt các khoản thu khác, nhưng đó chỉ là qui định. Nếu không có cơ chế cụ thể thì tình trạng lạm thu sẽ vẫn xảy ra.
Đầu năm học, Bộ, Sở đều có công văn nhắc nhở, nhưng tình trạng lạm thu tràn lan vẫn xảy ra. Có nên qui định những trường để xảy ra lạm thu, dù dưới hình thức nào cũng phải xử lý thật nghiêm, như có thể cách chức hiệu trưởng?
Ngành giáo dục không phải không biết những tiêu cực đằng sau việc này, thế thì phải cương quyết hơn, có hướng dẫn một cách rõ ràng, đồng thời phải xử lý nghiêm những trường có vi phạm. Không loại trừ có những bộ phận nào đó trong cơ quan quản lý vẫn muốn nương nhẹ, thông cảm với cơ sở vì đúng là nếu chỉ trông vào các nguồn thu theo qui định thì rất khó hoạt động. Nhưng còn có cái khó nữa, đó là khả năng kinh tế của các gia đình không đều nhau.
Ví dụ, gia đình có điều kiện thì muốn đóng góp cao, tạo điều kiện cho con em mình được hưởng điều kiện học tập tốt hơn như lắp điều hòa, quạt... nhưng khổ nỗi, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng. Chúng ta không thể chia con nhà giàu, con nhà nghèo ra được, vì như thế sẽ tạo ra ý thức không công bằng trong đầu óc con trẻ.
Chúng ta muốn đạt nhiều mục tiêu nhưng thực ra không thể đạt hết, phải tìm giải pháp dung hòa để tạo hiệu quả tốt nhất, nhưng ngành giáo dục cũng chưa nghĩ ra được phải làm thế nào.
Tôi rất thông cảm với các nhà trường. Nhưng nếu để đáp ứng đầy đủ điều kiện mà mọi thứ đổ dồn lên vai phụ huynh, đặc biệt những gia đình khó khăn thì điều này sẽ trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.
Cuộc sống rất đa dạng, nhưng với trách nhiệm là cơ quan quản lý cao nhất, Bộ GD&ĐT phải tạo ra một cơ chế để đạt được các mục tiêu ở mức độ hợp lý nhất. Đấy là bài toàn khó và không thể áp dụng chung, đô thị, nông thôn và từng điều kiện dân cư phải có cơ chế khác nhau.
GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Hội phụ huynh cần hoạt động độc lập
Lâu nay, việc thu những khoản ngoài luồng thường do ban phụ huynh thực hiện, nhưng như ông nói, không loại trừ khả năng có sự chỉ đạo nào đó?
Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có một ban phụ huynh đúng nghĩa, hoạt động độc lập. Ban phụ huynh này phải do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định từ trước. Phụ huynh họp thì cô giáo chủ nhiệm không nên dự.
Một ban phụ huynh do nhà trường chọn ra sẽ không ổn, phụ huynh "đại gia" thường sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, áp đặt phụ huynh khác. Vì vậy, trong các cuộc họp, người ta sẽ nghĩ Ban phụ huynh nói chính là nhà trường, là cô chủ nhiệm nói.
Hội phụ huynh cần có cơ chế thảo luận dân chủ, ra quyết định về những khoản đóng góp, có thể bỏ phiếu kín. Phụ huynh phải tự tạo ra cơ chế hoạt động, không phụ thuộc vào nhà trường. Hội phụ huynh đúng nghĩa không phải là công cụ thụ động của nhà trường. Họ phải đại diện cho đại bộ phận cha mẹ học sinh chứ không phải đại diện cho nhà trường hay ý muốn của một số vị phụ huynh nào đó.
Mọi khoản thu chi đều phải kiểm soát công khai, minh bạch. Tôi nghĩ, không có chuyện tham ô, tham nhũng gì ở đây, nhưng cũng không loại trừ có những phụ huynh lợi dung danh nghĩa để quan hệ với nhà trường vì mục đích riêng.
Cảm ơn ông.
Theo Dân Trí
Điểm sàn khối A, D: 13, khối B, C: 14 Cuối giờ sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm sàn của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, theo đó, điểm sàn từ 13-14 điểm đối với các trường ĐH, 10-11 đối với các trường CĐ. Thí sinh xem lại đáp án sau môn Toán khối A tại ĐH Ngoại thương Hà Nội. Đúng vào ngày đẹp (8/8), sau...