Choáng váng thư mời ông/bà “Khai sinh không cha” đến họp phụ huynh
Một học sinh lớp 7 một trường THCS ở quận 12, TPHCM nhận được giấy mời họp phụ huynh ghi mời Ông/bà: Khai sinh không cha. Gia đình em vừa bức xúc vừa lo lắng sự tổn thương đến con trẻ…
Sự việc được phụ huynh ở TPHCM phản ánh, thư mời họp phụ huynh kết thúc học kỳ I của một học sinh lớp 7 tại một trường THCS ở quận 12 cầm về được ghi là mời ông/bà “Khai sinh không cha” đến họp phụ huynh.
Bên dưới thư mời có chữ ký của cô giáo chủ nhiệm N.T.C., kèm với lưu ý, khi đi họp phụ huynh phải mang theo thư mời.
Em học sinh này là con mẹ đơn thân nhưng cách gửi thư mời như vậy của cô giáo làm gia đình phẫn nộ và đau lòng, gia đình em học sinh đã đến trường phản ánh với cô giáo chủ nhiệm. Ban đầu, cô chủ nhiệm không thừa nhận mà “đẩy lỗi” cho rằng do lớp phó xử lý việc in thư mời này chứ không phải cô.
Thư mời ông/bà “Khai sinh không cha” đến họp phụ huynh
Phía người nhà em học sinh càng bức xúc với việc đùn đẩy thiếu trách nhiệm của cô giáo. Sự việc đã được gia đình học sinh phản ánh lên nhà trường.
Thông tin riêng của Dân trí, hiệu trưởng đã vào cuộc xử lý, yêu cầu cô N.T.C. nhận trách nhiệm về sự việc này. Trong hồ sơ, khai sinh của em học sinh này đúng là được lưu như trên, cô giáo in ra ký gửi học sinh mà không chú ý đến từng hoàn cảnh là lỗi máy móc, tắc trách của cô giáo.
Video đang HOT
Được biết, hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đã đến nhà em học sinh xin lỗi, cô giáo cũng bị xử lý nội bộ.
Trao đổi về sự việc đau lòng này, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) bày tỏ có thể đây là lỗi vô tình, sơ suất, không cẩn thận của giáo viên. Tuy nhiên, hậu quả đối với em học sinh, với người mẹ, với người thân từ thư mời này là rất nặng nề.
Em học sinh sẽ rất tổn thương khi cầm tờ giấy mời này, nhất là khi em có sẵn những mặc cảm về thiệt thòi của mình.
Bà Phạm Thị Thúy cho hay, đối với sự việc này, chúng ta không nên bình luận, phán xét, bình phẩm cô giáo một cách quá mức. Chúng ta cũng cần nhìn thực tế và thông cảm là giáo viên rất nhiều việc, phải xử lý nhiều hồ sơ sổ sách nên khó để tránh những sai sót.
Hiện cô giáo đã xin lỗi học sinh. Các bên cần tránh làm lớn chuyện, tránh bàn tán ra vào ở cả trong nhà trường lẫn dư luận cũng là cách để tránh làm tổn thương thêm học sinh.
Tuy nhiên, sự việc cần được lên tiếng như là một bài học về văn hóa ứng xử cho tất cả mọi người, nhất là giáo viên. Khi gửi thư mời, liên lạc với phụ huynh hay trong các vấn đề tương tác với học sinh cần sự tế nhị, để tâm, quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt, để tránh sự cố, tổn thương không đáng có.
Theo bà Phạm Thị Thúy, học trò học từ giáo viên không chỉ học từ giáo viên bài giảng, kiến thức mà học nhiều nhất từ cách ứng xử của người thầy từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói. Cách ứng xử của giáo viên cần có tính giáo dục, văn hóa, người thầy cần phải đến với học trò, giáo dục các em bằng chính cái tâm, bằng tình yêu thương dành cho trò.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Nốt lặng trong buổi họp phụ huynh ngày cuối năm
Cô giáo chủ nhiệm tâm sự, rất nhiều bức thư của các con đều có chung tâm trạng: Sợ bị điểm kém, sợ bố mẹ ký bài và chửi mắng. Tôi rất muốn hỏi cô, có bức thư nào mà các con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc không?
Ảnh minh họa
Buổi họp phụ huynh tổng kết học kỳ I cho con trai tôi vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Tôi đến sớm trước 10 phút, kịp trò chuyện với một chị phụ huynh khác về tình hình học tập, điểm số của các con. Lớp 6, con trai tôi chỉ học cùng 3 bạn cũ lớp 5, lớp toàn bạn mới nên các phụ huynh đa số không quen biết nhau. Có chị kể, con trai chỉ đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm, điểm tổng kết các môn cao trừ môn Lý lẹt đẹt. Tôi kể chuyện con trai thi học kỳ có mấy môn điểm kém, nhất là môn Văn nên khá lo lắng cho con. Bởi môn Văn là môn học chủ chốt, là môn thi vào cấp 3 nên con cần cố gắng ngay từ lớp 6.
Buổi họp lúc 8 rưỡi sáng, vắng mặt 8 phụ huynh và kéo dài khoảng 2 tiếng. Cô giáo chủ nhiệm lướt nhanh về thành tích chung của nhà trường. Cô trao đổi với phụ huynh về những vấn đề nóng trong giáo dục dưới hình thức tuyên truyền về bạo lực học đường, quấy rối xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, cách cha mẹ chủ động hướng dẫn con phòng tránh, quan tâm tới những biểu hiện bất thường của con em mình.
Rồi cô giáo chủ nhiệm chia sẻ với phụ huynh toàn lớp một xấp thư dày, các con tâm sự về gia đình mình, cách bố mẹ đối xử với các em. Một em viết rất hài hước mà đượm buồn: "Ở nhà bố mẹ lúc nào cũng chiều em con, mua đồ mới cho em mà không mua cho con, luôn bắt con phải nhường em. Bố mẹ lúc nào cũng nói: Mày là anh mà không nhường nó à? Em thấy bố mẹ không công bằng, em rất buồn".
Một em viết: "Em bị điểm 7, bố mẹ em chửi mắng em rất nhiều. Bố đánh em rất đau, em đã xin lỗi bố nhưng bố vẫn đánh tiếp. Mẹ còn nói, không có đứa con dốt nát như em, em muốn đi đâu thì đi đừng ở nhà này. Em đau khổ, buồn bã và tuyệt vọng lắm. Khi bố mẹ đi làm, em cho quần áo sách vở vào ba lô và định bỏ nhà ra đi nhưng em không biết đi đâu. Mẹ em về thấy thế đã giữ em lại".
Một em viết: "Em sợ nhất là phải đưa bài kiểm tra cô chấm cho bố mẹ ký. Điểm thấp, bố mẹ mắng em rất nhiều, em buồn lắm".
Cô giáo đọc ba bức thư đầy nỗi niềm của các con, phụ huynh ở dưới ồ à lên ngạc nhiên, sửng sốt. Năm con học lớp 5, tôi được nghe cô đọc thư các con viết, lời lẽ hồn nhiên, ngô nghê. Chỉ sau 1 năm, nhận thức của các con lớn hơn hẳn, các con biết bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình thật sâu sắc. Chắc chắn cha mẹ của các em sẽ nhận ngay ra con mình trong lời tâm sự buồn bã ấy. Tôi thấy xót xa khi nhiều bậc cha mẹ coi trọng điểm số quá mức mà đánh chửi con đến mức con lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng. Sau buổi họp phụ huynh, liệu cha mẹ các em có thay đổi suy nghĩ, quan tâm tới các con theo chiều hướng tích cực để các con học hành dễ thở hơn, không coi điểm số thành tích là tất cả?
Cô giáo chủ nhiệm tâm sự, rất nhiều bức thư của các con đều có chung tâm trạng: Sợ bị điểm kém, sợ bố mẹ ký bài và chửi mắng. Tôi rất muốn hỏi cô, có bức thư nào mà các con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc không nhưng rốt cuộc tôi im lặng vì không muốn cô mất công tìm kiếm, khiến cuộc họp phụ huynh kéo dài...
Điều mơ ước lớn nhất mà các con gửi gắm trong những bức thư ngắn ngủi được cô giáo chia sẻ là gì? Tôi nghĩ, đứa trẻ nào cũng mong được cha mẹ thực sự yêu thương, không vì điểm số thành tích mà chửi mắng, đánh con, đòi hỏi con vượt quá năng lực con có. Có những đứa trẻ háo hức khoe đạt học sinh giỏi mà bố mẹ vẫn ước Giá mà con lọt tốp 10, tốp 5 của lớp. Có những đứa trẻ đứng đầu lớp thì cha mẹ vẫn ước con đạt giải cấp trường, cấp huyện...
Nhiều khi con có học ra sao vẫn chưa làm cha mẹ hài lòng ghi nhận. Lúc nào cha mẹ cũng nói: Học thế chưa ăn thua gì, phải cố gắng hơn nữa...
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Lịch nghỉ Tết của học sinh, sinh viên: Vì sao mỗi nơi có sự khác nhau? Thời điểm này, nhiều địa phương, trường học đã có lịch thông báo kế hoạch nghỉ Tết Dương lịch 2019 và Tết Âm lịch 2019. Tùy từng nơi, học sinh, sinh viên được nghỉ Tết khác nhau. Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội, dịp Tết Dương lịch 2019, ngày 29/12 (thứ Bảy), cấp học THCS, THPT, GDTX đi học bình thường....