Choáng váng, hoảng loạn khi phải “đổ vỏ” tiền tỷ cho ông chủ Nhật Cường
Tài xế của Công ty Nhật Cường nói mình đã “choáng váng, hoảng loạn” khi nghe tòa cấp sơ thẩm tuyên buộc khắc phục 10 tỷ đồng tiền buôn lậu, trong khi người hưởng lợi là ông chủ Bùi Quang Huy.
Đề nghị buộc Nhật Cường bồi thường 251 tỷ đồng
Chiều 29/11, sau một ngày xét xử, phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường ( Cty Nhật Cường) bước vào phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm xử lý đối với kháng cáo của các bị cáo cũng như kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội.
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm soát xét xử tại phiên phúc thẩm vụ án Công ty Nhật Cường (Ảnh: CTV).
Theo đại diện VKS, trong vụ án này, bị can Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Cty Nhật Cường – là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty. Huy thành lập Cty Nhật Cường tại Quảng Châu (Trung Quốc) để buôn lậu hàng công nghệ như điện thoại, máy tính bảng.
Trong giai đoạn 2014-2019, Bùi Quang Huy trực tiếp chỉ đạo cấp dưới giao dịch, mua bán trái phép trên 2.500 đơn hàng; tổng giá trị thanh toán là 2.927 tỷ đồng, thu lời bất chính 251 tỷ đồng (trong đó có 30 tỷ đồng tiền trốn thuế).
Các bị cáo khác trong vụ án này đều là người làm công ăn lương, không được ăn chia lợi ích. Do đó, theo VKS, tòa án cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phải liên đới bồi thường là không phù hợp, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo.
Ở vụ án này, bị can Bùi Quang Huy là chủ sở hữu công ty duy nhất nên VKS đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên Cty Nhật Cường phải chịu trách nhiệm bồi thường 221 tỷ đồng số tiền hưởng lợi bất chính từ hành vi buôn lậu.
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm (Ảnh: CTV).
Đối với kháng cáo xin miễn nộp gần 30 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc – Giám đốc tài chính Cty Nhật Cường và Nguyễn Thị Bích Hằng – Kế toán trưởng – do cáo buộc vi phạm quy định về kế toán, VKS cho rằng, hai bị cáo này chỉ làm công ăn lương, tất cả số tiền đều do Bùi Quang Huy quản lý, điều hành. Việc tòa sơ thẩm tuyên hai bị cáo liên đới bồi thường là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của hai bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Ảnh: CTV).
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội và kháng cáo về trách nhiệm dân sự của 11 bị cáo.
Video đang HOT
Cụ thể, VKS đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng đưa Cty Nhật Cường tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan; buộc Nhật Cường liên đới bồi thường 251 tỷ đồng, không buộc các bị cáo phải khắc phục số tiền này.
Về hình sự, VKS đánh giá hầu hết bị cáo thừa nhận hành vi nhưng không đưa ra được tình tiết mới. Do đó, đại diện VKS đề nghị giữ nguyên hình phạt sơ thẩm đối với 10 bị cáo; riêng bị cáo Nguyễn Bảo Trung được kiến nghị chấp nhận kháng cáo, giảm một năm tù giam với lý do bị cáo này đã nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Hoảng loạn trước khoản tiền tỷ phải “đổ vỏ” cho ông chủ
Trước đó, tại phần xét hỏi, các bị cáo trong vụ án đều trình bày, bản thân mình chỉ là nhân viên, chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của công ty, không được hưởng lợi, trong khi lại phải chịu trách nhiệm liên đới số tiền hàng tỷ đồng.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường (Ảnh: CTV).
Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Ngọc Ánh – Phó Tổng Giám đốc Cty Nhật Cường – trình bày, bị cáo giao chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ năm 2014. Đến tháng 7/2015, bị cáo mới giúp bị can Bùi Quang Huy giao dịch buôn bán và lúc đó mới biết Huy mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.
Trước tòa, bị cáo Ánh giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin miễn trách nhiệm dân sự. Theo bị cáo, mức án 13 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt là nặng. Số tiền hưởng lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu, ông chủ Nhật Cường là người hưởng lợi.
“Bị cáo chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Cty Nhật Cường, bị cáo không thể chịu trách nhiệm thay cho ông chủ Nhật Cường đã bỏ trốn!” – bị cáo Ánh trình bày.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Cty Nhật Cường) bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù về 2 tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Ngọc xin giảm nhẹ tội buôn lậu và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Cty Nhật Cường (Ảnh: CTV).
Bị cáo Ngọc cũng xin được miễn trách nhiệm dân sự vì cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Hoài Phương – nhân viên Cty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc – thừa nhận sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thức ra hành vi của mình đã giúp sức cho bị can Bùi Quang Huy buôn lậu. Tuy nhiên, bị cáo Phương mong tòa phúc thẩm xem xét vì bị cáo không được chia lợi nhuận, chỉ nhận mức lương 10 triệu đồng/tháng, không có khoản thu gì khác.
“Số tiền bồi thường 5 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm tuyên là quá lớn so với khả năng tài chính của bị cáo!” – bị cáo Phương trình bày.
Bị cáo Lê Hoài Phương (Ảnh: CTV).
Trước bục khai báo, bị cáo Ngô Đức Tùng – nhân viên lái xe tải của Cty Nhật Cường – cho biết, bị cáo chỉ làm công ăn lương, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên chỉ thực hiện công việc được giao. Bị cáo cho rằng mình đã chủ quan vì hàng hóa đều có đủ giấy tờ hải quan và nguyên tắc của công ty thì hoàn toàn không được mở hàng ra xem hay kiểm tra.
“Bị cáo được nhận 150.000-200.000 đồng/chuyến hàng. Bị cáo không được hưởng lợi đồng nào trong số tiền 10 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm đã tuyên bị cáo phải bồi thường. Với mức lương hàng tháng, bị cáo còn phải đóng tiền học cho 2 đứa con nhỏ” – bị cáo Tùng nói và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, tuyên bị cáo không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong khi đó, bị cáo Nông Văn Lư – lái xe của Cty Nhật Cường – trình bày, bị cáo đã “choáng váng, hoảng loạn” khi nghe tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải khắc phục 10 tỷ đồng tiền buôn lậu, trong khi người hưởng lợi là ông chủ Bùi Quang Huy.
Bị cáo Nông Văn Lư – lái xe của Cty Nhật Cường.
Bị cáo Lư khai, bản thân bị cáo chỉ là lái xe, làm công ăn lương, chuyên vận chuyển hàng và không được hưởng lợi “một đồng nào” từ tiền buôn lậu. Khi đưa hàng về kho, bị cáo Lư không được ai yêu cầu xuất trình hóa đơn. Chỉ khi nào lãnh đạo giao nhận hàng, bị cáo mới làm và cũng không được cầm hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Phiên xử sẽ được tiếp tục vào sáng mai, 30/11.
Truy tố cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung 'thao túng' đấu thầu
Các cơ quan tố tụng xác định bị can Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng quyền hạn Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lấn sân Giám đốc Sở KH-ĐT, chỉ đạo trái pháp luật để giúp cho doanh nghiệp "thân hữu" trúng thầu.
Bị can Nguyễn Đức Chung đang phải chịu trách nhiệm hình sự trong 3 vụ án. Ảnh NGỌC THẮNG
Ngày 22.9, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cùng nhiều lãnh đạo Sở KH-ĐT TP.Hà Nội và lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu tại Sở KH-ĐT Hà Nội.
Theo đó, bị can Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can còn lại trong vụ án, gồm: Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội; Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội; Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội; Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh; Lê Duy Tuấn, cán bộ kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh, cùng bị truy tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH-ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP.Hà Nội" năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh (gồm Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường - Nhật Cường và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh).
Trong quá trình tổ chức, thực hiện 2 gói thầu trên, Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc; Nguyễn Tiến Học, Phó giám đốc, Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng kinh doanh và Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội, đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, cụ thể như sau:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định luật Đấu thầu.
Đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), đồng thời đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu.
Các bị can Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường thống nhất với nhà thầu trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, tiêu chí trong quá trình thí điểm vào hồ sơ mời thầu sửa đổi; lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định nhằm tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia, trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016; sử dụng hồ sơ mời thầu gói thầu năm 2016 mà Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã trúng thầu và đang thực hiện hợp đồng để tiếp tục tổ chức đấu thầu, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tiếp tục trúng thầu gói thầu số hóa năm 2017.
Bỏ hạng mục công việc hiệu đính theo dự toán đơn giá đã được phê duyệt vào hồ sơ mời thầu và hợp đồng kinh tế nhưng khi thanh lý, quyết toán hợp đồng vẫn áp theo đơn giá đã được phê duyệt.
Các bị can Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn thuộc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã gian lận trong việc lập "khống" hợp đồng chứng minh khả năng, kinh nghiệm để hợp thức hóa hồ sơ năng lực tham gia dự thầu; thiết lập các công ty làm "quân xanh" khi tham gia đấu thầu; sau khi trúng thầu đã chuyển nhượng thầu trái phép.
Các cơ quan tố tụng xác định hành vi của Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
Đối với hành vi của Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường; Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm của luật Đấu thầu. Hành vi của các bị can làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỉ đồng.
"Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị can đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Tuy nhiên, xét hành vi của nhóm bị can thuộc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thì bị can Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án" cáo trạng nêu và cho biết bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo trái pháp luật
Theo cáo trạng, đối với các gói thầu số hóa năm 2016 tại Sở KH-ĐT Hà Nội, người có thẩm quyền là giám đốc sở nhưng bị can Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo đình chỉ dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, bị can Chung đã yêu cầu Sở KH- ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tại thời điểm thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Trên danh nghĩa là liên danh nhà thầu nhưng hầu hết phần việc gói thầu đều do Công ty Đông Kinh thực hiện, còn Công ty Nhật Cường đã nhanh chóng sang tay các gói thầu để hưởng lợi gần 20 tỉ đồng. Lời khai của nhiều bị can trong vụ án cho biết Công ty Nhật Cường có mối quan hệ thân thiết lâu năm với lãnh đạo thành phố. Do đó, dù biết bị can Chung chỉ đạo là trái pháp luật nhưng không ai dám ngăn cản.
Đáng chú ý, Công ty Minh Hoa (do vợ bị can Chung làm giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu. Như vậy, hành vi nêu trên của bị can Nguyễn Đức Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP.Hà Nội.
Đến nay, ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố, truy tố, xét xử trong 3 vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng.
Hé lộ danh sách lãnh đạo được Công ty Nhật Cường "biếu quà" Sau khi trúng gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Sở KH-ĐT Hà Nội trị giá gần 43 tỷ đồng, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã lên danh sách "biếu quà" cho nhiều lãnh đạo. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án...