Chớ xem thường thiếu máu não cục bộ tạm thời
Thiếu máu não cục bộ tạm thời (TMNCBTT) là rối loạn hoạt động ở não gây ra do gián đoạn cung cấp máu tạm thời ở não gây giảm chức năng ở não ngắn và đột ngột.
Tình trạng này xảy ra tuy chưa gây tổn thương não vĩnh viễn ngay lập tức, nhưng lại là yếu tố dự báo những cơn đột quỵ trong tương lai.
TMNCBTT xảy ra khi nào?
TMNCBTT xảy ra khi một mạch máu đưa máu lên não bị tắc nghẽn, khiến lưu lượng máu đến một khu vực cụ thể bị chậm hoặc dừng hẳn lại. Điều này thường xảy ra theo 3 cách: Một cục máu đông hình thành trong mạch máu não và làm tắc nghẽn mạch máu. Một cục máu đông hình thành ở những bộ phận khác trong cơ thể và di chuyển đến não bộ, gây tắc nghẽn mạch máu. Một động mạch lớn hoặc nhỏ vận chuyển máu lên não gần như bị tắc nghẽn theo thời gian, thường là do chứng xơ vữa động mạch. Điều này gây lưu lượng máu thấp, mà lưu lượng máu sụt giảm quá thấp có thể gây ra TMNCBTT, thậm chí đột quỵ. Do đó cần cảnh giác, kể cả sau khi những triệu chứng của TMNCBTT đã biến mất.
TMNCBTT xảy ra trong thời gian không quá 24 giờ, thường dưới 1 giờ, hay tái phát và là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não (đột quỵ). Khi các tế bào não bị thiếu máu tạm thời, khả năng truyền dẫn của tế bào não giảm sút nhanh chóng, dẫn đến các rối loạn. Tuy nhiên, do tính chất thiếu máu nhẹ và trong thời gian ngắn, các tế bào não chưa bị tổn thương vĩnh viễn và nếu được cung cấp máu trở lại thì chúng lại hoạt động bình thường.
Cơn TMNCBTT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên gặp nhiều hơn vẫn vào thời gian từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa và ít xảy ra vào khoảng từ 20-24 giờ. Vấn đề này có thể giải thích bằng sự thay đổi lưu lượng tuần hoàn não theo thời gian trong ngày. Yếu tố thời tiết có ảnh hưởng tới việc xuất hiện TMNCBTT như: thay đổi thời tiết một cách đột ngột, mùa đông gặp nhiều hơn mùa hè…
Video đang HOT
TMNCBTT có thể dẫn tới đột quỵ.
Những ai dễ bị cơn TMNCBTT?
Giống đột quỵ, cơn TMNCBTT thường xảy ra ở người bị tăng huyết áp, cholesterol máu cao, hút thuốc lá, đái tháo đường, hẹp động mạch cảnh, người có bệnh tim mạch như: suy tim, dị tật tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, béo phì… gia đình có người bị bệnh mạch máu não, bệnh mạch vành hoặc động mạch ngoại biên trước tuổi 60.
Lứa tuổi thường xảy ra thiếu máu não tạm thời là từ 55-64 tuổi, sau đó đến lứa tuổi 65-70, trên 70 và dưới 55 tuổi ít gặp hơn. Tỷ lệ TMNCBTT ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới khoảng 2 lần. TMNCBTT có thể xảy ra khi lao động gắng sức, nhất là ở những bệnh nhân có hội chứng bệnh lý “cướp máu dưới đòn”, nhưng cũng có thể xảy ra khi đang làm việc trí óc hoặc khi lao động nhẹ nhàng, khi đang nghỉ ngơi hoặc khi đang dạo phố…
Những dấu hiệu cảnh báo TMNCBTT
Triệu chứng của TMNCBTT giống như đột quỵ nhưng sau đó mất đi như thể liệt giả vờ. Các triệu chứng thường gặp là: Yếu một tay hoặc một chân hoặc cả tay và chân cùng bên làm người bệnh đi khó khăn; rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cóng một bên cơ thể; yếu một bên cơ mặt, miệng méo; nói khó khăn; nhìn khó; nhức đầu dữ dội; chóng mặt; mất ý thức.
Nếu gặp các triệu chứng trên, hãy ghi lại thời gian chính xác mà các triệu chứng xảy ra. Đây có thể là một thông tin vô cùng hữu ích cho công tác cấp cứu. Nếu bạn nghi ngờ các triệu chứng xảy đến với mình là do TMNCBTT, hãy đến bệnh viện ngay, đừng chờ đến khi các triệu chứng biến mất.
Các bác sĩ cần phải đánh giá, điều trị nguyên nhân gây ra TMNCBTT, sau đó lập một kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa những cơn đột quỵ trong tương lai. Khi điều trị, họ sẽ tập trung vào 2 vấn đề: Nguyên nhân gây ra triệu chứng và làm thế nào để ngăn ngừa các cơn đột quỵ trong tương lai.
Cách phòng ngừa TMNCBTT
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thực hành lối sống khỏe mạnh là cách thức tốt nhất để phòng ngừa cơn TMNCBTT. Không hút thuốc. Giữ cân nặng chuẩn. Có chế độ ăn uống lành mạnh như ăn nhạt, ăn nhiều rau, trái cây và cá, ăn ít mỡ động vật. Uống rượu bia chừng mực.
Sống lành mạnh, thể dục vừa sức mỗi 30 phút hằng ngày như đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe, bơi. Kiểm soát stress, vì stress là yếu tố có thể gây tăng huyết áp tạm thời (mối nguy của đột quỵ do xuất huyết) hoặc gây tăng huyết áp thực sự, ngoài ra có thể làm máu dễ đông (gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ). Kiểm soát tình trạng bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, chữa trị sau nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch, rung nhĩ.
Khi thấy có các dấu hiệu của TMNCBTT, người bệnh cần đi khám ngay để điều trị, phòng ngừa các cơn đột quỵ có thể xảy ra sau đó.
Vì sao phải dùng lovastatin vào buổi tối?
Tôi năm nay 57 tuổi. Đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn mỡ máu và kê đơn thuốc, trong đó có thuốc lovastatin. Bác sĩ dặn là uống thuốc vào buổi tối. Xin hỏi vì sao phải uống thuốc vào thời điểm này? Khi dùng cần lưu ý gì?
Trịnh Văn Bình (Nam Định)
Ảnh minh họa
Bác Bình thân mến! Thuốc lovastatin nhóm thuốc statin thường được các bác sĩ kê đơn để hạ mỡ máu. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng cholesterol do gan tạo nên. Việc làm hạ thấp cholesterol và triglycerides "xấu" và làm tăng cholesterol "tốt" giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giúp ngăn ngừa chứng đột quỵ và các cơn đau tim ở những người mắc bệnh này.
Lovastatin được uống 1 lần mỗi ngày trong bữa ăn tối (một số bệnh nhân có thể phải uống 2 lần mỗi ngày). Bởi thuốc này thuộc các statin có tác dụng ngắn 9, có thời gian bán thải là 6 giờ (đây là khoảng thời gian mà một nửa nồng độ thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể), nên uống vào buổi tối sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Vì lúc này cơ thể tổng hợp cholesterol nội sinh mạnh nhất và thuốc mang lại hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất. Nguyên nhân là do enzym gan - HMG - CoA - reductase - có vai trò trong tổng hợp cholesterol - hoạt động mạnh vào buổi tối, tức là việc sản xuất cholesterol từ gan trong lúc ngủ là lớn nhất.
Bác nên tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Trong lúc dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng lạ nào, bác nên báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc để tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Ngoài ra, bác nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp hạ thấp lượng cholesterol và chất béo "xấu" (như LDL, triglycerides) và làm tăng lượng cholesterol "tốt" (HDL cholesterol) trong máu. Bên cạnh đó, nên phối hợp với việc thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân và ngừng hút thuốc có thể giúp cho thuốc hoạt động hiệu quả hơn.
Chúc bác mau khỏe!
Tin vui cho người bị bệnh vảy nến Bệnh viện Da liễu TP.HCM mỗi năm khám và điều trị khoảng 50.000 lượt bệnh nhân vảy nến. Sáng 23-10, TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM, cho biết chương trình sinh hoạt chủ đề "Bệnh vảy nến: Kiểm soát sớm những tổn thương không chỉ ở làn da" sẽ được BV này tổ chức vào Chủ nhật...