Cho trò cơ hội
Sự việc học trò tát cô giáo trên bục giảng đã xảy ra từ năm 2020, nhưng gần đây mới được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ảnh minh họa
Đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, thời gian kỷ luật buộc thôi học đối với nam học sinh có hành vi nói trên từ ngày 26/5/2020 đến hết năm học 2019-2020. Đầu năm học 2020-2021, theo nguyện vọng của gia đình, học sinh đã quay trở lại học tại Trung tâm.
Hiện nay, học sinh này đang học lớp 8, hoàn thành các nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Trung tâm đã xác nhận đây là sự việc xảy ra từ năm học trước tại đơn vị và đã được giải quyết theo quy định, các thày cô giáo tại Trung tâm cũng đã động viên em tiếp tục học tập, rèn luyện tốt.
“Chúng tôi mong rằng sự việc sẽ nhanh chóng được khép lại, tạo cơ hội để học sinh sửa chữa khuyết điểm và tiếp tục phấn đấu”, Giám đốc Trung tâm đã chia sẻ vậy.
Video đang HOT
Trên thực tế, vấn nạn bạo lực học đường thời gian qua luôn là chủ đề nóng. Bạo lực học đường được nhìn nhận ở nhiều góc độ: từ phía giáo viên, học sinh và cả từ phía phụ huynh. Trong đó nguyên nhân bất ổn tâm lý của độ tuổi mới lớn cũng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hiếu Triển cho rằng, những đứa trẻ có hành động bột phát chưa hẳn là những đứa trẻ hư. Cuộc đời dạy học của ông từng dìu dắt biết bao thế hệ học trò, nhưng chính trò cá biệt được cảm hóa bởi giáo viên sẽ là những người có tình cảm sâu đậm nhất với thày cô giáo. Trong môi trường giáo dục phổ thông, tư vấn tâm lý học đường lâu nay vẫn bị bỏ trống.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông – giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng và có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn. Đó là những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp… Trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, kích động, tổn thương… thì gia đình, trường học chưa trở thành chỗ dựa về đời sống tâm lý, tinh thần.
Trên thực tế, nhiều học trò có thể đang phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua (cha mẹ ly dị, cha mẹ làm ăn phá sản…), các em trở nên buồn chán, cô độc. Rất có thể, bạn học sinh trong câu chuyện ở trên rơi vào tình trạng bất thường về tâm lý nên mới hành xử như vậy. Cần cảm thông và cho học trò một cơ hội để các cháu thay đổi, sửa chữa hành vi không đẹp ấy. Có những câu chuyện lan đi trên mạng xã hội cần được nhìn nhận, phân tích thấu đáo, đừng vội ném đá…
Xóa khoảng trống trong tư vấn tâm lý học đường
Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Phương Liệt.
Tuy nhiên, thực hiện công tác này ở các nhà trường còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, HS phải học luân phiên nhưng với nhận thức về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập phòng tham vấn tâm lý, đi vào hoạt động từ tháng 5/2018.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt cho biết: Phòng tư vấn đặt tại tầng 2, diện tích 25m2, bảo đảm tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận; được trang trí thân thiện, đẹp mắt, phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học.
Thường trực tại phòng tham vấn là giáo viên Tổng phụ trách. Nhà trường truyền thông, quảng bá về hoạt động của phòng tham vấn thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, khuyến khích giáo viên đưa học sinh đến phòng tham vấn để tư vấn, hỗ trợ tâm lý.
Tới nay, phòng tham vấn đã thực hiện tốt các mục tiêu: Giúp học sinh giảm bớt cảm xúc tiêu cực; tăng thêm hiểu biết về bản thân và hoàn cảnh của mình; giúp học sinh đưa ra các quyết định lành mạnh, hữu ích; hướng dẫn học sinh thực hiện các quyết định.
Ông Phạm Xuân Dưỡng - Trưởng phòng Chính trị và tư tưởng, Sở GD&ĐT Lai Châu trao đổi: Từ năm 2018, Sở GD&ĐT Lai Châu đã có văn bản yêu cầu mỗi trường phổ thông trên địa bàn thành lập một tổ tư vấn tâm lý. Các trường chủ động xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý cho học sinh.
Hiện, hầu hết các trường đều có tổ tư vấn tâm lý hoạt động thường xuyên từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần tại phòng y tế hoặc phòng đoàn đội nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường học do khó khăn về cơ sở vật chất đã tận dụng ngay phòng của hiệu trưởng hoặc phòng bảo vệ để tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh, khiến hiệu quả của công tác tư vấn không cao.
Ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng phòng Chính trị và Tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Vướng mắc lớn vẫn nằm ở đội ngũ. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý là kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, trong khi đó các tình huống tư vấn đôi khi rất phức tạp, chẳng hạn với trẻ tự kỷ, trầm cảm, không hợp tác, đòi hỏi phải có đội ngũ được đào tạo bài bản.
Do đó, ông Bé cho rằng, giải pháp đầu tiên phải sớm thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường, chú ý trường hợp đặc biệt. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công tác tư vấn, cũng như chế độ chính sách về vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên chủ nhiệm và người làm cộng tác viên.
Kỳ 3: Ép buộc và đe nẹt sẽ dẫn đến đổ gãy Theo các chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh (PH), thầy cô giáo cần hiểu trẻ để chia sẻ, tránh các hình thức ép buộc, đe nẹt, làm trẻ cảm thấy "bơ vơ" và dễ dẫn đến đổ gãy về tâm lý. Sự gần gũi bằng tình yêu thương và trách nhiệm của giáo viên sẽ tạo môi trường tốt giúp HS...