Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh: Cần chuẩn bị nguồn giáo viên
Theo giáo viên và phụ huynh, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là chủ trương thiết thực và kịp thời. Thực tế hiện nay, nhiều trẻ đã được phụ huynh chủ động cho tiếp cận với tiếng Anh từ sớm.
Nhà trường và phụ huynh ủng hộ việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Thiết thực và kịp thời
Thông tư 50/2020 của Bộ GD&ĐT, có hiệu lực từ ngày 31/3 cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh với thời lượng 35 tuần/năm. Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ.
Trước ngày Thông tư 50 có hiệu lực, ghi nhận tại các địa phương cho thấy nhà trường, phụ huynh chuẩn bị khá tích cực. Nhiều nơi đã có bước chuẩn bị từ trước nên khi triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh không bị bỡ ngỡ.
Theo bà Lê Thị Hường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), từ đầu năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục thành phố đã có hướng dẫn triển khai thực hiện dạy tiếng Anh trong các trường mầm non. Tuy nhiên việc dạy, học phải được sự đồng thuận từ phía phụ huynh học sinh thì nhà trường mới được thực hiện.
Video đang HOT
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2021, Sở GD&ĐT phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non trong học kỳ 2, năm học 2020 – 2021. Đồng thời, ngành giáo dục Đồng Tháp tiến hành tập huấn cán bộ, giáo viên cũng như lựa chọn chương trình tiếng Anh để triển khai tại các trường mầm non, mẫu giáo. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc triển khai trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT.
Ông Đoàn Văn Trí, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Việc triển khai chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh đối với giáo dục mầm non hiện có 6 trường tham gia với 15 lớp, 377 trẻ.
“Qua công tác triển khai, các giáo viên giảng dạy tiếng Anh tổ chức dự giờ, góp ý nên giáo viên có phương pháp tổ chức phù hợp với độ tuổi của trẻ, tạo được hứng thú cho trẻ, trẻ tích cực hoạt động. Các trường mầm non, mẫu giáo bố trí phòng học rộng rãi, thoáng mát và phân công giáo viên phụ trách lớp quản trẻ trong hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh. Giáo viên người Việt thuận lợi khi trao đổi, tiếp xúc qua các buổi dạy”, ông Trí cho biết.
Tại TP Cần Thơ, theo chia sẻ của cô Định Thị Lanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoạ Mi, quận Bình Thủy, sau khi thí điểm giảng dạy tiếng Anh trong trường mầm non, trẻ vừa học vừa chơi, không bị áp lực học tập. Các cháu hứng thú và tiếp nhận tiếng Anh một cách tự nhiên. Nhiều phụ huynh học sinh tại trường cũng bày tỏ một số lo lắng khi con đi học tại các trung tâm ngoại ngữ vì giáo viên không có nghiệp vụ mầm non, nên cũng có nhu cầu cho con được học tiếng Anh tại trường.
Nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh cho các trường mầm non đang gặp khó.
Gặp khó nguồn giáo viên
Tại TP Cần Thơ, ghi nhận tại các trường mầm non, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em làm quen với tiếng Anh, thế nhưng công tác triển khai lại gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu giáo viên. Việc huy động giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non không hề dễ. Vì giáo viên mầm non hiện nay chủ yếu học Cao đẳng sư phạm, không có chuyên môn tiếng Anh. Nếu tuyển người dạy tiếng Anh ngoài chuyên môn đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm. Trong khi các cấp học khác cũng đang thiếu giáo viên tiếng Anh.
Về giải pháp, theo bà Lê Thị Hường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), Ngành Giáo dục quận đang nghiên cứu phương án liên kết với các trung tâm Anh ngữ bên ngoài để đáp ứng. Tuy nhiên giải pháp này vẫn gặp khó vì giáo viên ở các trung tâm Anh ngữ sẽ không đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ sư phạm giảng dạy cấp học mầm non.
Tại Trường Mầm non Hoạ Mi, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50 cũng gặp khó vì thiếu giáo viên. Hầu hết giáo viên trường đều tốt nghiệp Sư phạm mầm non, không có chuyên môn tiếng Anh. “Riêng giáo viên tiếng Anh muốn giảng dạy trong trường mầm non phải có chứng chỉ sư phạm mầm non. Lúc đó giáo viên nắm bắt được tâm lý và phương pháp giảng dạy mầm non thì mới có hiệu quả”, cô Định Thị Lanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Địa bàn vùng sâu, vùng xa khi triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cũng gặp khó khăn đặc thù. Theo Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), khó khăn là số trẻ tham gia học không ổn định, phần nhiều cha mẹ trẻ chưa chú trọng chương trình học tiếng Anh cho trẻ mầm non, nên số trẻ tham gia chưa đầy đủ.
Đa phần các trường có nhiều điểm lẻ nên chưa vận động 100% cháu tham gia học tiếng Anh, chỉ vận động các cháu ở điểm chính.
Theo ông Đoàn Văn Trí, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): Sắp tới định hướng Phòng sẽ tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài hoặc giáo viên người Việt trên 50% số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện, được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Bộ GD-ĐT: Sẽ triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo?
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư Ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Ảnh minh họa
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Cấu trúc của Chương trình gồm quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ.
Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Theo đó, mục tiêu của chương trình sau khi hoàn thành, trẻ mầm non có thể nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; Nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc; Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi; Nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ có thể nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản; Nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản; Trả lời được, kể lại được một số tình tiết của truyện theo tranh; Nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
Đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; Tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; Có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh; Mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp./.
Giúp trẻ làm quen với tiếng Anh, Thông tư 50 đã đáp ứng thực tiễn cuộc sống Ngày 31/3/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực. Nhiều phụ huynh và các trường mầm non cho rằng Thông tư đã đáp ứng yêu cầu thực tế. Trẻ rất hào hứng khi được làm quen với tiếng Anh NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban giáo dục...