Cho học sinh nghỉ 4 kỳ 1 năm: Ý tưởng hay nhưng cần thận trọng
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đề xuất cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm là ý tưởng hay phù hợp với chương trình GDPT mới, nhưng cần đánh giá thận trọng.
Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/năm cho học sinh như ở nhiều quốc gia khác.
Theo ý kiến của ông Chung, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần.
Ông Chung cho rằng, việc này đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, bố trí lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.
Theo đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mỗi năm học sẽ có 4 kỳ nghỉ. (Ảnh minh họa)
Hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới?
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án nghỉ 4 kỳ trong năm. Thầy Bình cho rằng, hiện nay năm học được chia ra làm 2 kỳ, học sinh học liên tục trong 9 tháng rồi nghỉ 3 tháng hè, tạo ra áp lực trong việc học hành. Việc nghỉ dài ngày khiến học sinh cảm thấy khó khăn khi bắt lại nhịp học tập ở năm học mới. Hơn thế, nhiều học sinh cũng không được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng mà thường phải tham gia các lớp học hè, học thêm…
“Việc này phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới hiện nay, một năm học chia ra làm nhiều kỳ nghỉ khác nhau. Học một thời gian, học sinh được nghỉ, điều này không có nghĩa là học sinh nghỉ hẳn, mà các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống, thầy cô cũng có thời gian tập huấn. Như hiện nay, toàn bộ thời gian nghỉ dồn vào dịp hè, việc tập huấn giáo viên cũng không hiệu quả. Nếu chia ra làm 4 đợt nghỉ, thời gian tập huấn sẽ rải đều ra các thời điểm trong năm, tránh tình trạng no dồn đói góp”, thầy Bình nêu ý kiến.
Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cần thay đổi quan điểm, nghỉ không có nghĩa là học sinh không tham gia bất cứ hoạt động nào. Các trường, phụ huynh có thể tận dụng thời gian này để học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực hành những kỹ năng, kiến thức đã được học vào thực tế, hoặc giáo viên giao cho học sinh những dự án nhỏ để hoàn thành. Như vậy, học sinh vẫn được học, nhưng học một cách nhẹ nhàng, không áp lực, rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, học đi đôi với hành. Theo quan điểm của thầy Bình, điều này cũng rất phù hợp với mục tiêu và tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vừa giảm những áp lực học tập cho học sinh, vừa tăng cường thời gian thực hành, trải nghiệm trong cuộc sống.
Theo thầy Bình, nếu chia ra làm 4 kỳ nghỉ trong năm, việc thi cử của học sinh cũng không bị ảnh hưởng, bởi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá một năm, như vậy các trường, các địa phương có thể chủ động chọn lựa, sắp xếp tùy vào thực tế.
Đánh giá đây là ý tưởng hay, song thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, để hiện thực hóa, cần có những bước đi cụ thể, sự tính toán cẩn trọng. Bộ GD-ĐT cần đưa ra khung chương trình chung, các mốc thời gian quan trọng như thời điểm bắt đầu, kết thúc năm học…, còn việc phân bổ thời gian cụ thể tùy vào điều kiện của từng địa phương. Đơn cử như ở khu vực miền núi phía bắc, mùa đông khắc nghiệt hơn, thì có thể kéo dài thời gian nghỉ vào những tháng mùa đông hơn so với các địa phương khác.
Còn theo TS Vũ Thu Hương, (ĐH Sư phạm Hà Nội), người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, thực tế từ năm 1956, khi Việt Nam có nền giáo dục thống nhất, học sinh đã có 4 kỳ nghỉ trong năm. Thời gian nghỉ hè vẫn kéo dài 3 tháng, những kỳ nghỉ còn lại chỉ dài từ 1-2 ngày.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc chia ra nhiều kỳ nghỉ khác nhau trong năm với thời gian mỗi đợt nghỉ ngắn hơn sẽ giúp giảm tình trạng học thêm tràn lan.
“Vừa bắt đầu nghỉ hè, nhiều bố mẹ lo con nghỉ dài ngày, sốt ruột nên tìm đủ lớp học thêm để bắt con học nhiều hơn. Nghỉ hè, nhiều học sinh vẫn phải học miệt mài trong các lớp học thêm, các trung tâm ngoại ngữ, các lớp học kỹ năng. Thậm chí, bố mẹ cũng không có nhiều thời gian trò chuyện, giao lưu với con trong thời gian nghỉ hè, trẻ phải chạy hết từ lớp nọ sang lớp kia. Nếu nghỉ với thời gian ngắn hơn, bố mẹ sẽ không thể gửi con đến các lớp học thêm, buộc phải có sự quan tâm hơn đối với con”, cô Hương nêu ý kiến.
Chuyên gia giáo dục này cũng đồng quan điểm cho rằng việc phân chia nhiều kỳ nghỉ sẽ phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong năm học tới, giúp học sinh có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Video đang HOT
Về góc độ tâm lý, TS Vũ Thu Hương nhận định phương án này giúp giảm những áp lực, căng thẳng cho học sinh, thay vì học liền trong 9 tháng. “Tâm lý trẻ sẽ cảm thấy hào hứng với việc học hơn là bị dồn hết vào cùng một lúc. Các con sẽ nghĩ, chỉ cần cố học 1 chút nữa sẽ đến kỳ nghỉ, điều này cũng tạo ra những hứng thú và động lực học tập, khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn”.
Cần nghiên cứu phù hợp với thực tế
Song bên cạnh đó, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, nếu năm học có 4 kỳ nghỉ, cần có sự thống nhất và xây dựng lại chương trình giảng dạy cho phù hợp với thời gian năm học. Đối với giáo viên, việc thay đổi các kỳ nghỉ cũng dễ xảy ra sự mất ổn định, do đó cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng.
“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình thực hiện rõ ràng, không phải cứ thấy hay là làm”, TS Hương nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội hay nhưng cần nghiên cứu kỹ, đánh giá thực tiễn. Bởi thực tế, khí hậu của Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 miền. Miền Nam có khí hậu tương đối ôn hòa hơn, học sinh có thể đi học bất kỳ tháng nào trong năm, nhưng miền Trung và miền Bắc những tháng mùa hè thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhiều tháng nhiệt độ cao hơn 40 độ C, nếu phải đi học sẽ vất vả cho cả thầy cô giáo và học sinh./.
Theo VOV
Các kỳ nghỉ của học sinh thế giới
Trong năm học, học sinh Mỹ, Nhật Bản có ba kỳ nghỉ chính, học sinh Australia có bốn kỳ, riêng trẻ em Anh tới sáu kỳ nghỉ.
Hầu hết kỳ nghỉ của học sinh phụ thuộc vào các dịp lễ lớn theo từng quốc gia và theo mùa. Kỳ nghỉ xuân đã có mặt từ rất lâu trong lịch sử, sau này có thêm kỳ nghỉ thu hoặc các kỳ nghỉ học kỳ. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại thường ăn mừng sự xuất hiện mùa xuân.
Hầu hết nhà giáo dục cho rằng học sinh sẽ học tập hiệu quả hơn khi nghỉ ít nhất một tuần vào giữa các kỳ học để thư giãn. Các em chỉ có thể tận hưởng các kỳ nghỉ như vậy mỗi năm một lần nên sẽ biết trân trọng và dành nhiều thời gian hơn bên gia đình.
Mỹ
Khoảng 70% trường học Mỹ tuân theo lịch học truyền thống, bắt đầu năm học vào thứ hai đầu tiên của tháng 9 và kéo dài đến đầu hoặc giữa tháng 6 năm sau. Chương trình học chia thành 2 học kỳ, khoảng 160-180 ngày và thường có ba kỳ nghỉ chính, gồm: nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân.
Ở Mỹ, thời gian nghỉ hè giữa các vùng khác nhau. Trong khi hầu hết bang miền Bắc học sinh được nghỉ hè từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 thì ở các bang miền Nam, miền Tây nghỉ hè từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 8. Tuy nhiên, bất kể khu vực nào, kỳ nghỉ hè của học sinh phổ thông thường diễn ra trong 10-11 tuần.
Kỳ nghỉ đông của các trường truyền thống thường kéo dài 1-2 tuần, bắt đầu trước lễ Giáng sinh đến một tuần sau ngày đầu tiên của năm mới. Kỳ nghỉ xuân kéo dài một tuần, có thể là tuần trước hoặc tuần sau lễ Phục sinh, thường vào tháng 3 hoặc tháng 4. Một số bang có thể cho học sinh nghỉ thu, trong 1-2 tuần từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.
Một số trường học tại Mỹ áp dụng lịch học khác. Trong đó, năm học bắt đầu từ tháng 7, sau đó lần lượt nghỉ hai tuần vào tháng 10, kỳ nghỉ đông, kỳ nghỉ xuân và kết thúc năm học vào tháng 6 năm sau. Ngoài ra, nhiều trường tại Mỹ cho phép học sinh nghỉ lễ Tạ Ơn từ thứ tư đến thứ sáu của tuần lễ thứ 4 tháng 11 hoặc nghỉ tuần cuối cùng của tháng 11.
Học sinh Mỹ chơi bóng ở công viên. Ảnh: Shutterstock.
Anh
Năm học ở Anh thường kéo dài 190 ngày, chia làm ba học kỳ với ba kỳ nghỉ chính. Ngoài ra, các trường học thường cho nghỉ giữa các kỳ nên tổng cộng học sinh Anh có sáu kỳ nghỉ một năm. Các kỳ nghỉ tại Anh được quy định bởi chính quyền địa phương (hay còn gọi là Hội đồng địa phương). Hội đồng sẽ công bố kỳ nghỉ theo từng năm trên website.
Kỳ nghỉ dài nhất là nghỉ hè trong 5-7 tuần, thường bắt đầu vào cuối tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 9. Học sinh được nghỉ hai tuần vào dịp Giáng sinh (từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau) và lễ Phục sinh (tháng 3 hoặc tháng 4). Ngoài ra, trong mỗi kỳ học, học sinh sẽ được nghỉ 4-7 ngày lần lượt vào tháng 10, tháng 2 và tháng 5.
Pháp
Học sinh Pháp đi học 160 ngày một năm, từ tháng 8 đến tháng 6 năm sau. Chương trình học chia thành bốn học kỳ 7 tuần, giữa mỗi kỳ sẽ nghỉ 1-2 tuần.
Các trường học Pháp có 5 kỳ nghỉ chính trong một năm, gồm: kỳ nghỉ Lễ Các Thánh (giữa tháng 10 đến đầu tháng 11), nghỉ Giáng sinh (trước ngày Giáng sinh và một tuần sau ngày đầu tiên của năm mới), nghỉ đông (giữa tháng 2 đến đầu tháng 3), nghỉ xuân (giữa tháng 4 đến đầu tháng 5) và nghỉ hè (đầu tháng 7 đến đầu tháng 9). Trừ kỳ nghỉ hè khoảng 8 tuần, các kỳ nghỉ còn lại kéo dài 2 tuần.
Nga
Năm học mới ở Nga bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc vào cuối tháng 5 năm sau, được chia thành hai học kỳ, kéo dài trong 210 ngày.
Các trường học ở Nga có bốn kỳ nghỉ chính, tương ứng với bốn mùa trong năm. Kỳ nghỉ mùa thu kéo dài 10 ngày, kỳ nghỉ mùa đông kéo dài 11 ngày, kỳ nghỉ mùa xuân trong 9 ngày và ba tháng dành cho kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, học sinh lớp 1 có thêm 10 ngày nghỉ vào tháng 2.
Các trường học sẽ không có lịch nghỉ chung. Lịch nghỉ trường công lập do Bộ Giáo dục và Khoa học Nga quy định, trong khi các trường tư thục có thể tự sắp xếp lịch học.
Hầu hết người Nga theo Chính thống giáo nên đối với họ, Giáng sinh rơi vào ngày 7/1. Do vậy, các trường học ở Nga sẽ nghỉ đông từ ngày 29/12 đến đầu tháng 1.
Australia
Học sinh Australia đi học 200 ngày một năm, chương trình học chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm hai học kỳ. Cuối mỗi học kỳ, học sinh thường được nghỉ từ 14 ngày đến một tháng.
Thông thường, học kỳ 1 bắt đầu từ cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Học kỳ 2 bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Học kỳ 3 bắt đầu từ giữa tháng 7 và kết thúc giữa hoặc cuối tháng 9. Học kỳ 4 bắt đầu vào giữa tháng 10 và kết thúc vào giữa tháng 12.
Australia nằm ở nam bán cầu nên mùa hè trái ngược với các nước ở bắc bán cầu. Do vậy, kỳ nghỉ hè tại Australia kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Điều này đồng nghĩa kỳ nghỉ hè sẽ kết hợp với nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới (hay còn gọi là nghỉ đông ở các quốc gia nằm ở bắc bán cầu).
Nhật Bản
Đa số trường học Nhật Bản áp dụng ba học kỳ, dài 230 ngày một năm. Năm học mới bắt đầu vào đầu tháng 4, ngay sau kỳ nghỉ xuân và kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Trẻ em Nhật Bản có ba kỳ nghỉ. Kỳ nghỉ hè khoảng 40 ngày (5-6 tuần), thường từ 20/7 đến 31/8 và không mang ý nghĩa kết thúc năm học cũ như hầu hết quốc gia khác. Ngoài ra, còn có kỳ nghỉ đông (10 ngày, từ 26/12 đến 6/1) và kỳ nghỉ xuân (10 ngày, từ 25/3 đến 5/4) để phân tách ba kỳ học.
Trung Quốc
Năm học của Trung Quốc thường chia làm hai học kỳ với 220 ngày một năm. Học sinh nghỉ ba tuần đến một tháng vào dịp Tết Nguyên đán (tính theo lịch âm, thường rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch). Sau kỳ nghỉ Tết là học kỳ 2, thường kết thúc vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Thời gian nghỉ hè của Trung Quốc giống với các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, thường bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 8. Học sinh thường dành kỳ nghỉ hè ở lớp học thêm, lò luyện thi để chuẩn bị cho các kỳ tuyển sinh.
Ngoài ra, học sinh Trung Quốc được nghỉ 7 ngày nhân ngày quốc khánh (1/10), gọi là Tuần lễ vàng.
Hàn Quốc
Năm học ở Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 2 năm sau, được chia thành hai học kỳ (từ tháng 3 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau) với 220 ngày học một năm. Trong hai kỳ học, nhà trường sẽ sắp xếp kỳ nghỉ giữa kỳ dài hai tuần, nhưng lịch nghỉ chính xác do từng trường quyết định.
Kỳ nghỉ hè ở Hàn Quốc bắt đầu từ cuối tháng 7 đến giữa hoặc cuối tháng 8. Ngoài ra, còn hai kỳ nghỉ khác trong năm gồm: nghỉ Tết Nguyên đán 3 ngày, thường bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm mới trong lịch âm (rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch) và kỳ nghỉ Chuseok (lễ Tạ Ơn của người Hàn Quốc) dài 3 ngày, tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch (rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch).
Việt Nam
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khai giảng năm học sẽ vào ngày 5/9, thời gian kết thúc học kỳ I là 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Học sinh học 9 tháng, trong đó có 7-16 ngày nghỉ Tết và ba tháng nghỉ hè. Số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất 37; giáo dục thường xuyên ít nhất 32 tuần.
Trước việc 22 triệu học sinh cả nước lần đầu tiên phải nghỉ cả tháng để phòng dịch nCoV, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao các cơ quan xây dựng kế hoạch đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo chia năm học thành bốn kỳ học, tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần. Lý do việc thay đổi khung thời gian năm học giúp kích thích tiêu dùng, phân bố lại giao thông và kích cầu du lịch.
Tú Anh
Theo Edarabia, Expatica, Shoezone, Odyssey/VNE
Rút ngắn thời gian nghỉ hè, tăng thêm kỳ nghỉ: Liệu có khả thi? Một số nhà nghiên cứu, giáo viên cho rằng thay vì cho học sinh nghỉ 3 tháng hè như hiện nay, phương án học 2 kỳ với nhiều lần nghỉ trong năm có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, thay vì áp dụng ngay thì cần phải nghiên cứu kĩ. Nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ nghỉ....