Cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Chỉ là vui phút chốc!
“Điện thoại di động chỉ là một phương tiện bổ trợ cho việc học, do đó việc đưa vào sử dụng trong giờ học tôi e không phù hợp ngay cả trong nhà trường thông minh”.
Dư luận xẻ đôi ý kiến khi bàn về Điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, song tựu trung lại, có nhóm ủng hộ và có nhóm phản đối việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, phục vụ cho học tập với sự đồng ý của giáo viên.
Là nhà giáo, tôi có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, dự nhiều cuộc họp triển khai công việc, chỉ gồm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, thế nhưng đang nghe báo cáo thì không ít người dự họp sử dụng điện thoại di động.
Giám đốc của tôi có lúc nhắc nhở nghiêm khắc: “Đồng chí nào dùng điện thoại di động thì mời ra ngoài”. Chỉ được lúc đó, những cuộc họp sau vẫn “chứng nào tật ấy”, những đôi mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại di động. Tôi biết có trường chính trị, trong giờ học của học viên các lớp trung cấp, cao cấp lý luận (đối tượng đi học thuộc diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý), để học viên tập trung, nhà trường phải dùng thiết bị phá sóng điện thoại di động. Qua báo chí tôi biết, ở một Quốc hội nước ngoài, trong lúc họp có nghị sỹ dùng điện thoại di động xem ảnh… sex!
Người lớn lúc họp, học chưa có thói quen tốt sử dụng điện thoại di động, giờ yêu cầu đối với học sinh, liệu rằng có khả thi?
Thứ hai, tôi có người quen, anh hiện có con đang theo học một trường quốc tế tại Hà Nội. Anh cho tôi biết lớp con anh học, học sinh không được sử dụng điện thoại di động mà chỉ sử dụng máy tính cá nhân, cấu hình cao, để phục vụ hoạt động học tập cá nhân, nhóm.
Trong giờ học, chẳng cháu nào ngó ngàng tới điện thoại di động. Học phí trường này thuộc vào hàng “khủng” nhưng anh chị rất ưng ý. Anh nói với tôi sẽ cho cháu học tại đây cho đến khi tốt nghiệp THPT.
Thứ ba, học sinh phổ thông tại Nhật Bản, tôi biết có trường chỉ cho học sinh dùng điện thoại “cục gạch”, nhưng máy tính thì xịn! Giờ học, các em làm việc trên máy tính cùng thầy cô và các bạn. Kỷ luật học đường ở Nhật Bản nổi tiếng nghiêm khắc. Những trường tôi biết, họ không hề cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, dẫu là phục vụ cho học tập.
Video đang HOT
Thứ tư, học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, trước tiên, cần xem các em dùng vào mục đích gì? Dạy học đã lâu, tôi băn khoăn, với sách giáo khoa hiện hành, thiết bị hiện có trong phòng học (máy tính giáo viên, máy chiếu, tivi) và với thầy cô – chưa đủ hay sao mà còn cho học sinh sử dụng điện thoại di động? Không biết học sinh học được gì thêm khi các em đồng thời được phép “lướt smartphone”?
Kiểm soát học sinh dùng điện thoại trong giờ học có đúng mục đích hay không phải có thiết bị công nghệ và con người. Có như thế mới chặn được việc học sinh đang học nhưng do có điện thoại trên tay, các em vào Facebook, vào các chương trình giải trí.
Giáo viên sẽ kiểm soát như thế nào nếu lớp học có số học sinh từ 40 đến 50 em? Cấp THPT có khó quản lý nhưng dễ hơn nhiều so với sự hiếu động của học sinh THCS, tiểu học. Không khéo thầy cô “cháy giáo án” chỉ vì dừng lại nhắc, kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích. Tôi hình dung, có không ít thầy cô bó tay, và sẽ có thầy cô thôi thì… miễn là xong được bài dạy. Cách đây không lâu, dư luận từng dậy sóng với việc có giáo viên ở trường nọ (dạy trực tiếp, học sinh không dùng điện thoại di động) lặng lẽ ghi bảng suốt mấy tháng trời.
Một hiệu trưởng chia sẻ với báo Vietnamnet rằng “Cho học sinh dùng smartphone, chưa thấy em nào hư”, cũng là hiệu trưởng, tôi băn khoăn nhận định đó có chủ quan không?
Thứ năm, cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi các em cùng nhau làm chuyên đề, dự án học tập, lúc tham gia hoạt động dã ngoại, trải nghiệm. Trong giờ học, học sinh dùng điện thoại di động phụ thuộc vào việc các em học môn gì, bài học nào, mà việc dùng điện thoại di động giúp các em thêm nguồn tư liệu. Với mục đích đó, sẽ không nhiều tiết học chính khóa học sinh cần dùng điện thoại di động đâu!
Thứ sáu, nếu kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, các em dùng điện thoại hay máy tính tùy tình hình cụ thể, do yêu cầu của giáo viên, đáp ứng về cơ sở vật chất của trường, gia đình. Trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19, trường tôi có tổ chức dạy học, kiểm tra bằng phần mềm SHub Classroom, học sinh của trường có em làm bài trên điện thoại, có em làm bài trên máy tính.
Điện thoại di động chỉ là một phương tiện bổ trợ cho việc học, đưa vào trong giờ học tôi e không phù hợp ngay cả trong nhà trường thông minh. Tự học, năng động, hiểu, tư duy – với học sinh phổ thông cần dựa trên nền tảng của ước mơ, chuyên cần, hợp tác, hoạt động trải nghiệm. Dùng điện thoại di động trong giờ học, chỉ là vui phút chốc!
Học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Trông chờ tự giác?
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, khó biết được học sinh dùng điện thoại làm gì trong giờ học, giáo viên khó quản lý vì lớp đông.
Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh từ ngày /11 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý.
Ngay lập tức, nội dung này thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhiều người cho rằng đó là một sự tiến bộ nhưng cũng không ít người bày tỏ quan ngại, âu lo.
Quy định này ngay lập tức gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong trường học và dư luận. Nhiều người cho rằng đây là một sự tiến bộ và không ít trường học đã cho học sinh dùng từ lâu khi áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh và giáo viên lo ngại và không ủng hộ quy định mới này.
Chia sẻ với lo ngại của nhiều phụ huynh và giáo viên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và cũng là người gắn bó với bục giảng mấy chục năm cho biết, lo ngại này là có cơ sở bởi với một lớp học đông đúc, giáo viên không thể kiểm soát hết được từng học sinh đang dùng điện thoại di động vào việc học hay chơi điện tử, nhắn tín, thậm chí xem những nội dung không lành mạnh.
Chưa kể, với quy định này, ông Ninh băn khoăn Bộ GD-ĐT đã nghĩ tới những học sinh khó khăn, không đủ điều kiện mua smartphone, có chăng chỉ có chiếc điện thoại màn hình đen trắng không thể đáp ứng được việc tìm kiếm thông tin trên mạng để phục vụ cho nhu cầu học tập?
Dù việc cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học có điều kiện đi kèm song theo chuyên gia vẫn khó kiểm soát được. Ảnh minh họa
Ông nhắc lại thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường đã yêu cầu học sinh phải có máy tính để học online, thế nhưng có học sinh đã phải bật khóc vì nhà nghèo không có tiền mua máy tính.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh khẳng định, học online có nhiều cái lợi, giáo viên có thể giảng cho rất nhiều trường, nhiều lớp. Gia đình nào có máy tính kết nối mạng cho con học online thì rất tốt, nhưng đối với những trò nghèo, gia đình không thể mua được máy tính thì phải sử dụng phương pháp truyền dạy kiến thức thông thường.
"Làm gì cũng phải hợp lý và phải xuất phát từ quyền lợi của học sinh và phụ huynh. Người điều hành có nghĩa vụ đứng ra tổ chức, nhưng tổ chức như thế nào phải có điều kiện của nó, không phải đụng đâu làm đó, cuối cùng làm khó cho học sinh, phụ huynh, đồng thời tự nhiên khiến học sinh bị phân hóa", vị chuyên gia nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, dường như các nhà quản lý trong ngành giáo dục đang có chút nhầm lẫn khi cho rằng có thể trông cậy vào ý thức tự giác của học sinh.
"Lớp đông, giáo viên không quản lý được hết thì học sinh phải tự giác, phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình? Nhưng bản chất giáo dục phổ thông khác với giáo dục đại học.
Đã là phổ thông tức thì chương trình chuẩn phải giống nhau, thông dụng cho tất cả mọi người. Khi học hết phổ thông, kiến thức cơ bản của mọi học sinh là như nhau, chỉ có điều sự tiếp thu của mỗi em là có sự chênh lệch, vậy nên mới có người đỗ đại học, người không. Ở phổ thông, học sinh buộc phải theo một kỷ luật thống nhất mà không thể trông chờ các em tự ép mình vào kỷ luật.
Ở phổ thông là dạy và học, tức mang tính cưỡng chế do học sinh chưa đủ tư cách để làm chủ được bản thân trong vấn đề tiếp thu kiến thức. Trong khi đó, ở đại học, giảng viên chỉ là người giảng, còn sinh viên tự nghiên cứu là chính, họ nghe và tự tiếp thu, tự nghiệm, tự kiểm chứng và đúc kết ra, biến kiến thức của người khác thành kiến thức của mình.
Bởi sự khác biệt đó nên không thể trông chờ vào sự tự giác của học sinh phổ thông khi cho phép các em sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Nếu đã tin vào sự tự giác, tự chịu trách nhiệm về hành vi của học sinh thì sao không thử tự tin cho phép học sinh cầm điện thoại di động vào phòng thi đại học?", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh phân tích và đề nghị nên rút quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học do hại nhiều hơn lợi.
Làm rõ hơn về quy định mới mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Ông Thành nói thêm, việc Bộ GD-ĐT quyết định đưa ra quy định này là do bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác...
"Ở thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh.
Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.
Với những lớp học chưa có điều kiện về phòng máy tính và không nhất thiết phải vào phòng máy thì trong hoạt động học tập mà giáo viên giao cho học sinh sẽ có những bài học mà ở đó học sinh có thể truy cập vào mạng hoặc các nguồn học liệu mạng LAN của trường. Có nghĩa rằng khi đó, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những điều đó song phải thực hiện theo nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao cho", ông Thành cho hay.
Trước lo ngại của nhiều phụ huynh và một số chuyên gia về việc sử dụng điện thoại có thể gây mất tập trung trong giờ học, ông Thành cho rằng, trong một giờ học ở lớp thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập.
"Cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.
Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.
Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát", ông Thành nhấn mạnh.
Dùng điện thoại trong lớp học: Không cấm, nhưng không có nghĩa là được dùng thoải mái Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-11 tới đây. Điểm mới so với trước đây là Thông tư 32 không cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động trong...