Chợ “độc” gần nửa thế kỷ chỉ bán một mặt hàng vào lúc nửa đêm ở SG
Gần nửa thế kỷ qua, cứ đến giữa đêm phiên chợ ở giữa Sài Gòn lại nhộn nhịp hoạt động với hàng tấn hàng từ các tỉnh miền Tây đổ về và được tiểu thương phân loại đem bỏ mối khắp thành phố.
Gọi là chợ nhưng thực chất hàng hóa và cảnh buôn bán đều diễn ra trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ đường Hòa Hưng đến ngã ba ông Tạ, quận 3, TP.HCM). Khi cả phố phường đã chìm sâu vào giấc ngủ, chợ “độc” nhất một mặt hàng là cua lại hoạt động nhộn nhịp
Theo các tiểu thương, cua được xe tải chở từ các tỉnh miền Tây về đây. Chợ hoạt động lúc 2 giờ sáng và nhộn nhịp hơn là tầm gần 4 giờ. Người đến mua cũng thường là “mối quen”, cua chủ yếu bán sỉ
Đa số cua được vận chuyển từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp,… Mỗi đêm chợ tiếp nhận cả tấn cua đồng
“Tôi không biết chợ cua hình thành từ lúc nào nhưng từ những năm trước giải phóng mẹ tôi đã bán ở đây. Ban đầu chỉ có vài người bán nhưng càng về sau các món ăn từ cua đồng phát triển nên hình thành ngôi chợ và trở thành điểm bỏ mối cua khắp thành phố”, bà Mỹ người bán cua tại đây cho biết
Mỗi bao cua nặng 20 kg. Tùy theo nhu cầu của mỗi vựa mà mỗi đêm có thể lấy vài bao cua đến vài chục bao
Khi cua đồng được chở đến giao, các chủ tiểu thương nhanh chóng đổ cua ra thau để phân loại cua sống, cua yếu, cua chết
Video đang HOT
“ Xe tải chở đến giao cua, người ít thì trên chục bao người nhiều thì vài chục bao nên phải phân loại cua thật nhanh để kịp giao đến các đầu mối và phải trả mặt bằng, dọn dẹp vệ sinh trước khi trời sáng”, thanh niên lựa cua tại chợ cho biết
Sau khi phân loại, cua sống được cho vào túi lưới để đi giao cho khách. Nhiều đầu mối cũng tự tìm đến điểm bán cua đồng này để mua cua về bán lại ở các chợ. Một số cua sống được bỏ mối tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.
Những con cua yếu, gãy càng được lựa bỏ riêng rồi làm sạch tại chỗ để những người bán quán ăn nhỏ, quán bún riêu đến mua. Cua sống giá khoảng 40.000 đồng/kg, cua yếu sau khi qua sơ chế tầm 30.000 đồng/kg
Riêng những con cua chết hay phần mai, yếm và càng cua được bán cho những người chăn nuôi gia súc, gia cầm mua về xay nhuyễn làm thức ăn
Khoảng hơn 4 giờ sáng chợ cũng bớt nhộn nhịp trở lại, tiểu thương dọn dẹp hàng hóa, vệ sinh khu vực buôn bán. Cua từ đây được chuyển đi giao cho các mối khắp thành phố.
Theo Danviet
Giải mã bí ấn ngôi mộ cổ 130 năm giữa Sài Gòn
Ngôi mộ cổ bằng đá gần 130 tuổi của ông Thủ Đức - người lập chợ và được người dân suy tôn là tiền hiền, khai sinh vùng đất phía Đông Sài Gòn.
Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo đường số 10 (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), khu mộ đá của ông Tạ Dương Minh đã gần 130 năm tuổi.
Tạ Dương Minh là người có công khai sáng vùng đất Thủ Đức, tên hiệu của ông được đặt tên quận Thủ Đức ngày nay.
Theo nhiều tài liệu đã ghi chép, ông Tạ Dương Minh là một người minh hương lánh nạn sang Việt Nam đến khu vực này khai khẩn, lập ấp tại vùng Linh Chiểu xưa và lập ngôi chợ đầu tiên mang tên hiệu ông là chợ Thủ Đức. Hiện, ngôi chợ hơn 100 tuổi vẫn giữ được kiến trúc cổ, là nơi buôn bán có tiếng của thành phố.
Ngôi mộ có tổng diện tích xây dựng 108m2, gồm hai vòng tường bao xung quanh bình phong tiền, bình phong hậu và ngôi mộ ở giữa, được xây dựng bằng vật liệu đá ong và gạch, bên ngoài trát lớp hợp chất cổ. Gắn với vòng tường bao phía trong có hai trụ đá ong hình vuông cao 1,45m.
Phía ngoài của hai trụ là câu đối chữ Hán được viết lên lớp hợp chất cổ, hiện tại còn đọc được các chữ "Sinh tiền..." (lúc còn sống...), "Một hậu..." (khi đã mất).
Phần chân của nấm mộ được xây dựng hình chữ nhật, bằng gạch thẻ.
Tấm bia bằng đá xanh cao khắc 37 chữ Hán (chữ Nho), ghi nội dung: Nước Đại Nam. Mộ ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, là Tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông. Chết ngày 19 tháng 6. Hương chức thôn Linh Chiểu Đông lập bia mộ vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần (1890). Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh do hương chức thôn Linh Chiểu Đông cải táng
Nấm mộ có hình "ngưu miên" - tức trâu nằm ngủ (có người cho là voi phục).
Cửa mộ có hai trụ gắn vào tường bao. Trên đầu cột trụ có chạm búp sen.
Nhiều cây xanh, chậu hoa được người dân Thủ Đức đặt trong khuôn viên ngôi mộ cổ
Phần nền được lát đá ong.
Hoa văn trên tường bao quanh mộ.
Ngôi mộ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP vào năm 2007
Theo nhiều ghi chép, vùng đất Thủ Đức 200 năm trước tương ứng với huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai nay). Theo dòng lịch sử, nơi này được cắt ra, sát nhập vào tỉnh Gia Định. Năm 1868, lần đầu tiên cái tên Thủ Đức xuất hiện khi huyện Ngãi An tách ra, lập khu thanh tra Thủ Đức. Đến năm 1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 huyện là Hóc Môn, Thủ Đức (gồm cả quận 2 và quận 9 ngày nay), Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện cách nay ít nhất 150 năm.
Trải qua gần 130 năm với thời gian, ngôi mộ bị xuống cấp nhưng hiện nay được tu bổ, sơn sửa. Người dân trong vùng Thủ Đức vẫn đều đặn hương khói và cho biết chủ ngôi mộ không có hậu duệ đến thắp hương.
Theo Danviet
HN: Bất chấp rét đậm, hàng nghìn người đổ về Nhật Tân check-in cúc họa mi Dịp cuối tuần, hàng nghìn người đổ về vườn hoa Nhật Tân (Hà Nội) để chụp ảnh cùng cúc họa mi khiến con đường chính vào các vườn hoa tắc nghẽn. Chiều 25/11, theo ghi nhận của phóng viên, đường xuống bãi đá sông Hồng, phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) tắc nghẽn, ô tô - xe máy chen nhau di chuyển...