Cho con được quyền nói…
“Câm miệng! Còn cãi nữa thì đừng có trách!”. Con nhớ như in lời nói và vẻ mặt ba lúc đó. Tuy ba nói vậy nhưng bàn tay ba đã vung lên và để lại những vết hằn trên má con và trong lòng con. Nó làm cho con không thể kềm chế.
Và con đã mắc sai lầm khi thách thức: “Ba có đánh con, con cũng nói. Ba là một người ích kỷ. Ba chỉ nghĩ cho mình mà không bao giờ nghĩ đến cảm giác của con. Con ghét ba, con không cần ba nữa…”.
Khi hét lên như vậy và bỏ chạy ra khỏi nhà, con cảm thấy hả hê. Con hình dung lúc đó chắc là ba tức giận lắm. Mặc! Từ nay con không cần nghĩ đến cảm giác của ba cũng như ba chưa bao giờ nghĩ đến cảm giác của con. Chính ba đã dạy cho con điều đó. Và bây giờ, con muốn ba bị trừng phạt.
Thế nhưng, không có gì hơn tình thâm. Khi bình tâm lại, con bỗng thây ân hận. Con nhớ đến những lần con bệnh, ba thức suốt đêm canh chừng. Rồi ba cõng con ra công viên chơi, ba dẫn con vào quán kem cho con ăn thỏa thích trong lúc ba chỉ ngồi nhìn. Sau này con mới biết là lúc đó trong túi ba không có nhiều tiền… Khi con không hiểu bài, ba kiên trì ngồi giảng giải cho con. Ba gọt từng cái bút chì, bao từng quyển vở cho con… Cha và con là như thế nhưng sao khi con lớn lên thì những điều đó không còn? Ba thay đổi hay là do con bướng bỉnh, khó dạy? Con đi tới hay là ba đứng yên nên cha con mình ngày càng xa nhau?
Có khi nào ba mẹ tự hỏi: Vì sao chúng con luôn né tránh đối diện với ba mẹ? Không phải vì khoảng cách tuổi tác, không phải vì trình độ chênh lệch, không phải vì “thời tụi con khác, thời ba mẹ khác” như cách mà nhiều bạn bè của con vẫn nói.
Con nghĩ, thời nào thì cũng thế. Cái quan trọng là trong đầu ta suy nghĩ những gì!
Ba mẹ, nhất là ba chỉ thích áp đặt mà không thích nghe con giải bài. Đâu phải lúc nào người lớn cũng đúng? Con bị điểm kém không có nghĩa là con lười biếng. Con về trễ không hoàn toàn là vì con ham vui. Một sự việc có nhiều nguyên nhân, sao ba mẹ chỉ khăng khăng giải thích theo suy nghĩ chủ quan của mình?
Ba hỏi vì sao con không thích ăn cơm cùng ba mẹ? Có bữa cơm nào anh em con không bị ba cằn nhằn, nặng nhẹ đâu? Con thích những bữa cơm ở nhà bạn bè. Ở đó, chỉ có những câu chuyện vui, những tiếng cười, những sự quan tâm dù rất nhỏ cũng khiến các thành viên thấy ấm áp vô cùng. Ở đó không có những lời đả kích, châm chọc như trên bàn ăn nhà mình.
Video đang HOT
Con có thể nghe theo sự góp ý của ba về đầu tóc, quần áo, nói năng… nếu như những lời góp ý đó được nói ra khi cha con ta ngồi cùng nhau sau bữa cơm chiều hoặc trong ngày nghỉ cuối tuần. Bạn gái con đến chơi nhà, nếu không thích mẹ có thể góp ý với con sau khi bạn đã về chứ không cau có, gắt gỏng ngay khi bạn con vừa đến. Tại sao khi nói chuyện với mọi người, ba mẹ không khen chúng con nhưng những cha mẹ khác mà chỉ “tố” chúng con là những đứa trẻ “sinh ra và lớn lên trong sung sướng nên chỉ biết hưởng thụ”? Con biết ba mẹ vất vả vì chúng con nhưng điều đó sẽ mất đi ý nghĩa nếu ngày nào chúng con cũng phải nghe điệp khúc than phiền, kể lể như vậy.
18 tuổi, con đã biết rung động trước một mái tóc dài, một đôi mắt đen, một mùi hương rất lạ từ cô bạn ngồi bên. Con đã biết bâng khuâng thương nhớ, đã muốn hẹn hò… Con muốn tranh luận khi những điều ba nói không giống với suy nghĩ của con. Thế nhưng với ba, tất cả những thứ ấy là “không được phép” bởi trong suy nghĩ của ba mẹ, chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ lên 3!
Và vì là những đứa trẻ lên 3 nên chúng con không có quyền chọn lựa, không được học đúng với sở trường, năng khiếu và niềm đam mê của mình. Tương lai là của con, xin hãy cho con được quyền quyết định. Xin hãy cho con được làm những điều mà con thấy vui vẻ, hạnh phúc. Bill Gates hay Steve Jobs trên thế giới này chỉ có vài người thôi ba mẹ à. Xin đừng so sánh con với họ. Xin đừng kỳ vọng con trở thành người nọ, người kia. Những người cha, người mẹ của Bill Gates hay Steve Jobs chắc cũng không bao giờ nghĩ rằng con mình lớn lên sẽ thành những vĩ nhân như thế. Hãy để con được là con. Sinh ra như thế và lớn lên như thế. Tất nhiên là con sẽ không làm điều gì sai trái.
Con không đau vì bị ba đánh đòn mà con đau vì cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy hình tượng ba mẹ trong con đã không còn nguyên vẹn…
Ba hay than phiền: “Tụi nhỏ bây giờ thật khó hiểu”. Sự thật không phải vậy đâu ba.
Hãy nghe con nói một lần: Ba mẹ hãy cúi lại gần làm bạn với chúng con chứ đừng từ trên nhìn xuống như những quan tòa. Chỉ có như vậy, ba mẹ mới thấy, không có gì khó hiểu đối với những đứa trẻ mười tám, đôi mươi…
Theo VNE
Không có rượu, người tôi như nghìn con kiến đốt
Tôi không ham muốn chuyện gần gũi vợ chồng như trước. Bữa cơm tôi cũng không ăn được nhiều. Và cứ đến chiều thì tay chân như có trăm nghìn con kiến đốt.
"Đó, anh ôm nó ngủ đi, từ nay khỏi vợ con gì hết!". Vợ tôi ném chai rượu lên giường. Suýt chút nữa chai rượu đã lăn trúng bức hình cưới đặt ngay cạnh chiếc gối cưới của hai vợ chồng. Tôi luýnh quýnh chụp lấy chai rượu nhưng nó cũng đã kịp đổ ra ướt cả tấm nệm. Và quan trọng hơn là sau đó hình như tôi... tỉnh rượu!
Ảnh minh họa
Tôi nhìn chai rượu chỉ còn khoảng một phần ba, lòng bâng khuâng tự hỏi: Từ khi biết nhậu đến giờ, mình đã nốc vào bụng bao nhiêu cái thứ nước cay nồng này? Ban đầu chỉ là lâu lâu bạn bè, anh em tụ tập uống cho vui; dần dần cuối tuần trước khi bắt đầu ngày nghỉ, anh em lại lai ra vài xị; sau đó nữa thì không chờ đến cuối tuần mà lúc nào thấy "nhơ nhớ" bạn bè thì lại rủ nhau ra quán ốc luộc gần cơ quan nhâm nhi ba sợi... Chỉ có điều là cái thứ nước cay nồng ấy có sức cuốn hút rất dữ. Nó cứ làm cho thời gian gặp gỡ giữa anh em, bạn bè chí cốt của tôi ngày càng dày đặc đơn. Có khi ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng lai rai...
Thu Hồng, vợ tôi là người dễ tính. Ban đầu nàng cũng khuyến khích tôi vui vẻ với bạn bè cho "đầu óc mở mang". Thế nhưng được chừng 1 năm thì nàng nhắc chừng: "Sao nhậu hoài vậy anh?". Lúc đó là thời điểm chúng tôi nhậu mỗi tuần chừng 2-3 lần. Sau đó khi tôi ngập ngừng báo cáo: "Em cho anh thêm ít tiền vì lúc này giao tế nhiều quá, bao nhiêu đó không đủ, tháng nào anh cũng phải mượn thêm bạn bè" thì vợ tôi xụ mặt. Tuy vậy, mỗi tháng nàng cũng cho tôi thêm 1 triệu để phụ vào phần "giao tế phí" giờ đã chiếm gần 50% tiền lương của tôi.
Tưởng như vậy là xong, nào ngờ mấy tháng sau, tôi kiểm điểm lại vẫn thấy thiếu. Đơn giản là vì bây giờ anh em không chịu ngồi ở quá nhậu lề đường mà đòi vô quán trong nhà. Chi phí mồi màng, em út từ đó cũng tăng lên. Thoạt đầu tôi không dám xin vợ nên tiếp tục vay mượn mấy chị em trong cơ quan và dặn họ tuyệt đối không được cho vợ tôi biết. Nhưng cái miệng của mấy bà thì làm sao mà giữ kín được chuyện gì kia chứ? Vậy là vợ tôi biết được chuyện tôi vay mượn, nợ nần. Nàng mang tiền đến trả, sau đó cấm vận tôi 1 tháng.
Thú thật là khi đó tôi cũng suy nghĩ và hạ quyết tâm nhiều lắm. Tôi nói với vợ: "Anh hứa từ nay sẽ bớt nhậu, sẽ về sớm phụ em cơm nước, dọn dẹp...". Vợ tôi tươi cười. Tối đó nàng xóa cấm vận. Tuy vậy, sáng hôm sau, trong lúc vợ chồng ăn sáng, nàng nhìn tôi chăm chú: "Sao lúc này... nó mềm xèo vậy anh?". Tôi chưa hiểu ngay ý vợ nên trố mắt: "Cái gì mềm xèo hả em?". Vợ tôi chậm rãi: "Thì cái... thằng nhỏ của anh đó. Tối qua nó trật vuột mãi mà có mần ăn được gì đâu?".
À, tôi nhớ rồi, tối qua lúc gần vợ, tôi cầm cự chỉ khoảng 3 phút là đã giương cờ trắng. Nhưng lúc đó tôi nghĩ do bị nhịn đói lâu ngày nên mới như vậy. Ở lần thứ hai, tôi cũng muốn làm cho vợ vui nhưng đúng là lực bất tòng tâm, mãi mà vẫn không chiếm lĩnh được trận địa khiến vợ tôi nản lòng: "Thôi, ngủ đi anh, em mệt rồi". Lúc đó tôi cũng nghĩ, chắc là tại mình buồn ngủ nên mới lơ mơ như vậy. Thôi kệ, ngủ lấy sức, mai làm bù.
Nhưng tôi đã lầm. Mọi chuyện không giống như tôi nghĩ. Thằng nhỏ đúng là có trục trặc. Tôi để ý thấy bây giờ khi gần sáng nó không hùng dũng như trước. Tôi cũng không ham muốn chuyện gần gũi vợ chồng như trước. Bữa cơm tôi cũng không ăn được nhiều. Và cứ đến chiều thì tay chân như có trăm nghìn con kiến đốt. Dù đã dặn lòng và hạ đủ mọi thứ quyết tâm nhưng rồi tôi vẫn không thể nào cưỡng lại được ham muốn đi tìm bạn bè. Đúng là chỉ có bạn bè mới làm cho tôi vui thật sự.
Thế nhưng dần dần bạn bè cũng thưa thớt. Thằng nào cũng viện lý do này nọ để từ chối. Tôi bực bội nghĩ có lẽ mấy tay đó sợ vợ không dám nhậu nữa. Nếu thế thì ta nhậu một mình, vừa đỡ tốn tiền, vừa tự do tự tại. Tưởng là vậy nhưng không phải vậy. Rượu ngon phải có bạn hiền, ai đó nói rất chính xác. Uống rượu mà không có bạn nó lãng như cái đìa! Thôi thì bạn "cao cấp" không có, mình chơi với bạn "bình dân". Xe ôm, xích lô, thợ hồ... cũng biết nhậu chứ đâu riêng gì trí thức có ăn, có học?
Cho đến một ngày, vợ tôi dằn mạnh tờ đơn ly dị trước mặt: "Anh ký đi, tôi không muốn sống chung với con sâu rượu". Sau lần đó, tôi nghe lời vợ, quyết tâm qua Bệnh viện Điều dưỡng để trị liệu. Thú thật là dù có mê rượu cách mấy, tôi vẫn thấy vợ là quan trọng, là cần thiết. Vì vậy, tôi chọn vợ chứ không chọn rượu.
Phải mất hơn 6 tháng, tôi mới cắt được cơn ghiền, mới không còn bị kiến bò mỗi khi chiều về. Tôi nói với Thu Hồng: "Cám ơn bà xã vĩ đại đã cứu vớt đời anh". Vợ tôi sung sướng: "Thấy anh khỏe mạnh là em hạnh phúc lắm rồi. Cám ơn anh đã biết thương vợ con mà từ bỏ thói hư, tật xấu".
Chuyện này xảy ra trước Tết chừng 1 tháng. Tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, bạn bè ai cũng khen tôi là người có ý chí, đáng để mấy con sâu rượu khác học tập. Thế nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", đến Tết, tôi về quê thì chứng nào tật ấy. Đúng là "gần mực thì đen". Mà cũng tại mấy thằng bạn chăn trâu hồi nhỏ. Nếu tụi nó mời mà mình từ chối thì sẽ bị bảo là khinh người, giàu bỏ bạn; còn nếu nhận lời thì bị lôi đi từ sáng đến nửa đêm.
Vợ tôi hết năn nỉ, lại cằn nhằn. Mà tôi biết tính vợ tôi vui vẻ, hiền hậu nên những câu cằn nhằn của nàng cũng giống như người ta hát. Tôi nghĩ vậy nên lời vợ vô tai này, ra tai kia. Tôi đâu ngờ lần này nàng quyết liệt như vậy. Sau khi ném cả chai rượu lên giường, nàng cuốn quần áo, dắt con ra khách sạn ở. Nàng cũng không quên để lại cho tôi lá đơn ly hôn.
Lần này thì tôi chết chắc rồi. Vợ tôi nói cơ hội cuối cùng của tôi đã qua. Lần này nàng nhất quyết ly dị. Tôi nghĩ, có khi vợ tôi làm thật vì xưa nay có bao giờ nàng giận mà cuốn quần áo bỏ đi như vậy đâu? Có lẽ nàng đã chán tôi thật rồi. Cũng có khi nàng có ai đó bên ngoài nên mới quyết liệt đòi bỏ chồng như vậy.
Nhưng tôi hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra. Tôi yêu thương vợ tôi vô cùng vì không có người phụ nữ nào từng yêu thương, chiều chuộng, vất vả vì tôi như nàng. Không lẽ từ nay điều đó sẽ không còn nữa? Tôi sẽ phải sống một mình, không có ai nấu cơm, giặt quần áo, không ai pha cho ly nước chanh khi đi nắng về; không ai bầu bạn chuyện trò khi tối lửa tắt đèn...
Không, điều đó thật là khủng khiếp. Bà xã ơi, anh không muốn như vậy. Em về với anh đi. Có ai biết vợ tôi ở đâu không?
Theo VNE
Những điều nỗi tiếc nuối thầm kín của đàn ông có vợ Đàn ông có vợ đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ bị thay đổi đến 180 độ. Nhớ lại thuở còn độc thân, họ không ngừng tiếc nuối, vấn vương. Có người phụ nữ lắng nghe mọi điều mình nói Nếu khi yêu nhau, bất cứ điều gì chàng nói, các nàng đều như nuốt từng lời thì có một thực tế...