“Chợ” chứng chỉ ngoại ngữ: Lạc vào ma trận của trường thi
Tại điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (số 3, Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội), người đăng ký thi thông qua Đại học quốc tế Bắc Hà, thi đề của Cao đẳng Y dược Hà Nội nhưng lại nhận bằng của Trung tâm ngoại ngữ – tin học Oxford University…
Kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra tại Học viện Thanh thiếu niên với rất nhiều bất thường.
Trong vai thí sinh dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, nhóm PV tiếp tục được kết nối với một người đàn ông, tự nhận là cán bộ trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Vị cán bộ cho biết giá để thi chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B do trường này cấp là 900 nghìn đồng và khẳng định chắc nịch sẽ “bao đỗ”.
“Chỉ cần có mặt đi thi là đảm bảo đỗ nhé. Bạn cứ chuyển tiền và gửi ảnh 2 mặt chứng minh nhân dân đây, mình sẽ gửi bên trường lên danh sách và xử lý cho bạn đỗ luôn” – người này cho hay.
Nhưng địa điểm thi lại không phải nằm tại Đại học Quốc tế Bắc Hà mà tại phòng 108 nhà B – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Một chứng chỉ liên quan nhiều đơn vị.
Tới ngày thi, có mặt tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, hàng trăm người tập trung chờ đợi. Do chỉ có 1 phòng thi duy nhất nên có người đợi hàng giờ đồng hồ mới tới lượt.
Một nữ giáo viên mầm non ở Ba Vì cho biết: “Vừa hôm qua có anh người quen giới thiệu, nay đến hỏi lịch thi thì cán bộ ở đây bảo bây giờ thi luôn, đóng 1,5 triệu đồng nếu thi cả Tiếng Anh và tin học. Mà em cũng có biết gì Tiếng Anh đâu nhưng người ta bảo cứ vào thi, sẽ được hỗ trợ”.
Bên trong phòng thi, cán bộ coi thi thoải mái dùng điện thoại, làm ngơ cho thí sinh mặc sức trao đổi, quay cóp. Đề thi ghi rõ 120 phút, nhưng thực tế mọi quy trình từ gọi vào phòng, phát đề và làm bài chỉ diễn ra trong khoảng chưa đầy 1 giờ đồng hồ là đã hoàn tất. Các thí sinh kết thúc phần thi đều thừa nhận được “thả cửa” cho chép bài nên mới nhanh chóng như vậy.
Thậm chí có những người vào khoanh bừa phần trắc nghiệm và bỏ không làm phần tự luận nhưng vẫn hết sức ung dung. “Có biết tí ngoại ngữ nào đâu, đây cơ quan bảo phải bổ sung hồ sơ thì mới đi thi cái này thôi” – một thí sinh cho biết.
Thêm một điều lạ lùng, đề thi chứng chỉ Tiếng Anh ở đây lại ghi rõ là của Trung tâm đào tạo liên tục thuộc Cao đẳng Y Dược Hà Nội.
Trong khi đó, phía ngoài phòng quản lý đào tạo, hàng chục con người chờ đợi lấy chứng chỉ. Dù họ mới chỉ thi ngày hôm trước nhưng hôm sau đã được hẹn tới lấy. Hầu hết cũng đều thừa nhận không có kiến thức ngoại ngữ, buổi thi hôm trước đã được giám thị “thả cửa” quay cóp.
Sốt ruột vì hạn nộp hồ sơ công chức sắp hết mà chứng chỉ chưa thấy đâu, đã có lời qua tiếng lại xảy ra giữa thí sinh và những cán bộ đào tạo ở đây.
“Các anh chị cứ bình tĩnh, chứng chỉ mới đang được chuyển từ Ngã Tư Sở về đây, sẽ có nhanh thôi” – một cán bộ tổ chức thi chứng chỉ cho biết.
Đăng ký thi tại Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà nhưng lại nhận bằng của Trung tâm Oxford.
Chỉ một lúc sau, “lô” chứng chỉ đã về tới nơi. Vị cán bộ nhanh nhẹn lấy ra vài tấm, giao cho mấy người xe ôm Grab đã chờ sẵn ở đó đem đi. Những thí sinh đến tận nơi, chờ đợi suốt cả giờ đồng hồ thì lại không thể lấy ngay. Họ được phòng quản lý đào tạo thông báo rằng: “Chúng tôi chỉ trả chứng chỉ cho “đối tác” (“cò” chứng chỉ – PV), các bạn đăng ký thi với ai thì liên hệ với người đó mà lấy”…
Chưa dừng lại, một số thí sinh lại được hẹn tới một địa chỉ khác để lấy chứng chỉ, đó là Trường Trung cấp Đa ngành Hà Nội (số 40 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), để lấy chứng chỉ.
Lúc này, nhiều người mới giật mình khi đóng tiền để thi lấy chứng chỉ do Đại học Quốc tế Bắc Hà cấp nhưng khi trên tay lại là chứng chỉ của Trung tâm ngoại ngữ tin học Oxford University.
Liệu có hay không sự “liên danh” giữa các trường để “đẻ” ra tấm chứng chỉ lạ lùng này? Chúng tôi sẽ liên hệ với các đơn vị liên quan để thông tin tới bạn đọc.
Theo Lao động
Bộ GD&ĐT công bố các đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học
Theo đó, cả nước có 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chủ yếu là các trường đại học và Sở GD&ĐT các tỉnh.
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy ở một trường đại học tại TPHCM
Ngày 21/5, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, với chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam chỉ có 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ, chủ yếu là các trường đại học.
Với chứng chỉ, ứng dụng công nghệ thông tin, cả nước có 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp bằng bao gồm các Viện, trường đại học và các Sở GD&ĐT.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng công bố mẫu các chứng chỉ để học viên tìm hiểu, tránh bị giả mạo...
Danh sách cụ thể như sau:
NGUYỄN DŨNG
Theo Tiền phong
HS yếu tiếng Anh đỗ chứng chỉ quốc tế: 'Bằng thật nhưng...' Theo ông Linh, chứng chỉ quốc tế mà nhiều học sinh có là chứng chỉ thật được một trung tâm có giấy phép đầy đủ tổ chức thi và cấp bằng. Xung quanh xôn xao về việc lộ đường dây học 3 ngày lấy chứng chỉ quốc tế, ngày 18/5, trao đổi với báo Đất Việt, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc...