Chính trường Mỹ “sôi sục” tính kế trừng phạt Nga
Nhiều nhà lập pháp Mỹ muốn thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa nhằm vào Nga.
Các nhà lập pháp và cựu ngoại giao Mỹ ngày 6/9 đã thúc giục Quốc hội đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp không làm tổn hại đến Hoa Kỳ hoặc các đồng minh châu Âu.
“Không có câu hỏi gì nữa về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá cho hành động của mình, và Hoa Kỳ có khả năng áp đặt cái giá thực sự nhằm vào Moscow,” Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ Mike Crapo cho biết tại một phiên điều trần.
“Chúng tôi hướng tới những thay đổi thực sự và ngay lập tức trong hành xử của Nga”, thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong ủy ban này, Sherrod Brown cho biết. “Chúng tôi chưa nhìn thấy điều đó.”
Sau thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin tại Helsinki, quan hệ Nga – Mỹ vẫn chưa có tín hiệu cải thiện. (Nguồn: getty)
Trong phiên điều trần ngày 6/9, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cũng kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lớn hơn đối với Nga. “Tôi thúc giục các ông làm nhiều hơn nữa.”
Hoa Kỳ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong những năm gần đây với các cáo buộc: can dự vào tình hình Ukraine và Syria, can thiệp trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, và giúp Triều Tiên tránh khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Các chính trị gia cao cấp này nói rằng các lệnh trừng phạt hiện tại đã có tác động nhưng chưa làm tê liệt được Nga.
“Nga có thể không phát triển mạnh, nhưng họ vẫn đang tồn tại”, theo Rachel Ziemba, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nói. “Những nỗ lực để áp đặt cú sốc kinh tế đáng kể có thể đòi hỏi các biện pháp ngày càng mạnh hơn”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker đã yêu cầu các đề xuất cụ thể về các biện pháp trừng phạt có thể mạnh hơn nữa đối với Moscow nhưng không tạo ra những hậu quả tiêu cực không lường trước.
“Chúng ta nên lần theo những người thân cận của ông Putin,” cựu điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về các biện pháp trừng phạt Daniel Fried nói. “[Giới tinh hoa chính trị] Nga để tiền của họ ở Miami, New York và London. Chúng ta không nên để họ làm điều đó. Chúng ta nên vạch trần điều này.”
Một đề nghị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện rằng sẽ áp đặt trừng phạt vào lợi ích kinh doanh của Nga nếu Moscow bị phát hiện là can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ cũng đã được tán thành tại buổi điều trần này.
Theo toquoc
Tổng thống Putin: Đã đến lúc bàn nghiêm túc quan hệ Nga-Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chiều ngày 16/7 có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại thủ đô của Phần Lan. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, đã đến lúc thảo luận nghiêm túc về quan hệ Nga-Mỹ.
"Khởi đầu tốt đẹp"
Ngay khi hai nhà lãnh đạo ngồi xuống bàn làm việc kết hợp ăn trưa, Tổng thống Trump nói rằng, cuộc họp riêng của ông với ông Putin là "một khởi đầu rất tốt đẹp". Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm về các vấn đề mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận.
"Tôi nghĩ đó là một khởi đầu tốt đẹp. Rất, rất tốt đẹp cho tất cả mọi người", Guardian dẫn lời Tổng thống Trump.
Helsinki nóng kỷ lục
Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ diễn ra đúng ngày nóng kỷ lục ở Helsinki. Nhiệt độ hôm nay tại Helsinki là 30 độ C, nóng nhất kể từ năm 2010. Thông thường, nhiệt độ trung bình ở Helsinki giữa tháng 7 chỉ khoảng 20 độ C.
Bữa trưa kết hợp làm việc
(Ảnh: AP)
Sau cuộc họp riêng kéo dài, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tiếp tục họp mở rộng với sự tham gia của các trợ lý, kết hợp với ăn trưa.
Video đang HOT
Phái đoàn Mỹ ngoài Tổng thống Trump còn có các trợ lý gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman, cố vấn tổng thống Fiona Hill.
Phái đoàn Nga, ngoài Tổng thống Putin còn có 6 trợ lý trong đó có người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Cuộc họp kéo dài hơn 90 phút
Hơn 90 phút kể từ khi hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ vào phòng họp kín, các phóng viên tiếp tục chờ bên ngoài. Cuộc họp theo dự kiến ban đầu chỉ kéo dài 90 phút, song thực tế cho thấy có thể kéo dài 2 giờ đồng hồ.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến 16h25, hai nhà lãnh đạo vẫn chưa rời phòng họp. Cuộc họp đã bước sang giờ thứ 3 khi hai nhà lãnh đạo thậm chí chưa dùng bữa trưa.
Năm ngoái, cuộc họp song phương của ông Trump và ông Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cũng kéo dài hơn so với dự kiến. Cuối cùng, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump được cho là đã bước vào phòng họp để "nhắc khéo".
Đã đến lúc thảo luận nghiêm túc
Tổng thống Putin nói: "Đã đến lúc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề quan hệ song phương cũng như hàng loạt vấn đề quốc tế cấp bách".
Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm nay đã tiết lộ trên Twitter về những nội dung mà Tổng thống Nga muốn thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các vấn đề này gồm "phương cách bình thường hóa quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tình hình ở Ukraine, Syria, bán đảo Triều Tiên và chống chủ nghĩa khủng bố".
Tuy nhiên, không vấn đề nào trên đây được đề cập đến khi ông Trump nói về những chủ đề muốn thảo luận.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ họp song song
Theo CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng đang tiến hành các cuộc đàm riêng tại Helsinki, song song với cuộc hội đàm của nguyên thủ hai nước, các nguồn tin từ cả hai nước cho biết.
Cuộc hội đàm hôm nay là cuộc gặp đầu tiên như vậy kể từ khi ông Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 4/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: EPA)
Lý do ông Trump muốn gặp riêng ông Putin
CNN dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ nhận định 3 lý do khiến Nhà Trắng đề nghị phía Nga tổ chức cuộc họp riêng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin.
Thứ nhất, ông Trump muốn có thời gian riêng để có những đánh giá sâu hơn về ông Putin, tạo dựng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Thứ hai, ông Trump từng rất phẫn nộ khi nội dung cuộc họp của ông với các nguyên thủ nước ngoài bị rò rỉ trước đó, và ông không muốn điều này lặp lại. Thứ ba, ông không muốn bị các trợ lý làm gián đoạn cuộc trò chuyện với ông Putin.
Bắt đầu họp kín
Sau cuộc gặp gỡ ngắn với truyền thông, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã lui vào phòng họp kín, nơi chỉ có hai nhà lãnh đạo với 2 phiên dịch viên.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã bắt tay nhau trước ống kính truyền thông tại Dinh Tổng thống Phần Lan. Màn bắt tay kéo dài khoảng 3 giây, tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều lộ vẻ căng thẳng. Sau đó, ông Trump và Putin đã có những trao đổi ban đầu.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước ống kính truyền thông. (Ảnh: Reuters)
Màn bắt tay của hai nhà lãnh đạo kéo dài khoảng 3 giây. (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ báo chí trước khi vào phòng họp kín. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump đã chúc mừng Tổng thống Putin về việc Nga tổ chức thành công của World Cup 2018. "Tôi muốn chúc mừng ngài về một mùa World Cup thực sự thành công, một trong những mùa thành công nhất từ trước đến nay", Tổng thống Trump nói.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng, họ sẽ có rất nhiều vấn đề cần bàn trong cuộc họp từ thương mại đến quân đội, đến tên lửa, đến hạt nhân và cả vấn đề Trung Quốc. "Quan hệ giữa Mỹ và Nga không được suôn sẻ. Xây dựng quan hệ tốt đẹp với Nga là một điều tốt, không hề tệ", ông Trump nói và cho biết thêm ông hy vọng họ có thể thỏa thuận về kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
"Tôi thực sự nghĩ là thế giới muốn thấy chúng ta hòa hợp. Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân", ông Trump nói
Tổng thống Trump đến muộn nửa giờ
Đoàn xe chở Tổng thống Putin tiến về Dinh tổng thống Phần Lan. (Ảnh: RT)
Đoàn xe chở Tổng thống Trump được nhìn thấy đã tiến vào Dinh Tổng thống Phần Lan lúc 1h57 chiều nay theo giờ địa phương, chậm gần nửa giờ so với thời gian hội nghị thượng đỉnh dự kiến bắt đầu.
Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ tham dự cuộc họp
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Putin. Ngoài ra, phái đoàn Mỹ còn có Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Tổng thống Putin đến muộn
Đoàn xe chở Tổng thống Putin tiến vào dinh Tổng thống Phần Lan. (Ảnh: Twitter)
Tổng thống Putin đã có mặt tại Dinh Tổng thống Phần Lan. (Ảnh: RT)
Chiều nay 16/7, Tổng thống Putin đã đáp máy bay xuống Helsinki muộn khoảng 10 phút so với kế hoạch hai nhà lãnh đạo gặp gỡ, chào hỏi tại Dinh Tổng thống Phần Lan.
Trong khi đó, theo BBC, Tổng thống Trump sẽ không rời khách sạn cho tới khi ông Putin đến điểm hẹn gặp.
Chuyên cơ của Tổng thống Putin đáp xuống sân bay ở Helsinki chiều 16/7. (Ảnh: Twitter)
Tổng thống Putin bước xuống chuyên cơ trước khi lên đoàn xe chờ sẵn ở sân bay Helsinki. (Ảnh: Twitter)
Siêu xe Cortege lần đầu phục vụ Tổng thống Putin trong chuyến công du nước ngoài. Đoàn xe chờ sẵn ở sân bay Helsinki đón Tổng thống Putin. (Ảnh: Twitter)
Cuộc hội đàm dự kiến kéo dài tiếng rưỡi
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra lúc 13h20 hôm nay 16/7 giờ địa phương (17h20 giờ Việt Nam) tại Phủ tổng thống Phần Lan ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, cuộc họp dự kiến kéo dài 1 tiếng rưỡi và sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc họp báo chung về kết quả thượng đỉnh. Cuộc họp đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới.
Tổng thống Trump hôm qua đã đáp chuyên cơ xuống Helsinki sau chuyến thăm Anh, sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga.
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đã đáp chuyên cơ đến Helsinki cuối giờ chiều 15/7. (Ảnh: Reuters)
An ninh thắt chặt
Phần Lan đã thắt chặt an ninh để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ. Hàng nghìn cảnh sát, lính tuần duyên và nhân viên cứu hộ đang trong kỳ nghỉ hè đã được yêu cầu đi làm trở lại để đảm bảo an ninh cho hội nghị.
Giới chức Phần Lan ngày 15/7 cũng đã khôi phục kiểm soát biên giới đối với du khách khối Schengen vốn được tự do đi lại qua biên giới của 26 nước châu Âu.
Những toan tính của các bên
Tổng thống Trump có thể bàn chuyện rút lực lượng quân sự khỏi Syria. (Ảnh: Getty)
Giới tình báo Mỹ đã đưa ra bản đánh giá về các đề nghị mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh hôm nay với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một hội nghị được dự đoán sẽ không dễ dàng với người đứng đầu Nhà Trắng.
Hãng tin CNBC dẫn nguồn thạo tin cho biết, bản đánh giá tình báo nói rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ đề nghị chính quyền Tổng thống Trump đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng ở Ukraine, rút quân khỏi miền đông Syria và tiếp tục đàm phán với Triều Tiên.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, mục tiêu đầu tiên của ông chủ Điện Kremlin là cải thiện quan hệ Nga -Mỹ, tạo cho Tổng thống Trump cảm giác ông là lãnh đạo phương Tây duy nhất có nỗ lực và đạt thành quả trong việc cải thiện quan hệ với Moscow. Ngoài ra, qua hội nghị, Tổng thống Putin có thể tìm cách dập tắt những cáo buộc cho rằng Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn trước cuộc họp, Tổng thống Trump cho biết, ông chắc chắn sẽ đề cập đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và không loại trừ khả năng đề nghị dẫn độ 12 công dân Nga bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc liên quan.
Ông Trump có thể nhượng bộ nhiều?
Một trong những điều khiến giới chức Mỹ và các đồng minh lo ngại khi ông Trump quyết định tiến hành hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga đó là ông có thể sẽ đưa ra quá nhiều nhượng bộ.
Kenneth Adelman, cựu thành viên đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô, cho rằng Tổng thống Trump có thể cũng sẽ đưa ra nhiều nhượng bộ như khi họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng trước.
Cụ thể, ông Trump có thể sẽ tuyên bố rút lực lượng quân sự của Mỹ tại Syria như mong muốn của Nga. Các đồng minh châu Âu trong khi đó lo ngại rằng Tổng thống Trump sẵn sàng làm rạn nứt liên minh quân sự giữa Mỹ và châu Âu. Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ công nhận Crimea thuộc Nga.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Ông Donald Trump rộng cửa đón các nước nhỏ NATO mua vũ khí Mỹ Tổng thống Donald Trump sẵn sàng giúp các nước nhỏ trong NATO mua vũ khí của Mỹ trong khi thúc đẩy các nước trong khối chi nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. Reuters đưa tin, hôm 12.7 ông Donald Trump cho biết, trong các cuộc gặp tại Brussels, một số quốc gia ít giàu có...