Chính trị gia Ấn Độ dùng AI dịch bài phát biểu của mình ra nhiều thứ tiếng để kêu gọi phiếu bầu
Lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Ấn Độ, có một chính trị gia sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những đoạn video bài phát biểu “không có thật” nhưng không phải vì bất kỳ mục đích tiêu cực nào.
Trong thời điểm các nền tảng mạng xã hội đang có những bước đi quyết liệt nhằm loại bỏ video deepfake và các thông tin sai lệch về cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại Mỹ, thì đã có một chính trị gia Ấn Độ sử dụng các kĩ thuật trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đoạn video bài phát biểu “không có thật” của ông. Nhưng đừng hiểu nhầm! Dường như đây chỉ là những bản dịch từ một bài phát biểu gốc của vị chính trị gia này mà thôi.
Theo trang tin Vice tường thuật và được The Verge dẫn lại, trong phiên bản gốc của đoạn video được sử dụng trong chiến dịch tranh cử, chính trị gia Manoj Tiwari nói bằng tiếng Anh; trong khi ở đoạn video “mới”, ông này lại “nói” tiếng Haryanvi (một ngôn ngữ địa phương được sử dụng bởi những người Hindi sống ở miền Tây Ấn Độ).
Công ty truyền thông chính trị The Ideaz Factory trả lời trang tin Vice rằng họ đang cộng tác với Đảng Bharatiya Janata của Tiwari để tạo ra các “chiến dịch tranh cử lành mạnh” tuy nhiên lại sử dụng chính công nghệ được dùng để tạo ra các đoạn video. Không chỉ đơn thuần là dịch thuật nội dung phát biểu của vị chính trị gia, AI này còn có khả năng mô phỏng lại giọng dịch theo giọng đọc của Tiwari và thậm chí chỉnh sửa cử động miệng của ông đúng theo ngôn ngữ Haryanvi.
“Chúng tôi sử dụng thuật toán deepfake ‘nhép môi’ và huấn luyện chúng bằng dữ liệu từ các đoạn video phát biểu gốc của Manoj Tiwari, nhằm khớp âm thanh giọng đọc với cử động khẩu hình của vị chính trị gia,” Sagar Vishnoi đến từ công ty The Ideaz Factory cho biết. Vishnoi cũng cho rằng cách làm này giúp các ứng viên tranh cử tiếp cận được với những cử tri mà họ không thể trực tiếp trao đổi cùng (mặc dù ở Ấn Độ sử dụng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Hindi, song một số bang của nước này lại sử dụng ngôn ngữ riêng và có đến hàng trăm phương ngữ khác nhau).
Đoạn video “giả” này đã tiếp cận được tới khoảng 15 triệu người ở Ấn Độ, theo thông tin từ Vice.
Mặc dù trước đó công nghệ deepfake được sử dụng để tạo ra những video người lớn giả có hình ảnh của những người không hề tham gia quay clip và không có sự chấp thuận từ họ, song một đoạn video deepfake nổi tiếng được tạo ra năm 2018 có hình ảnh của Tổng thống Mỹ Obama đã làm dấy lên những lo ngại về việc những đoạn video sai lệch hoặc gây hiểu lầm có thể được sử dụng và gây tác hại trong lĩnh vực chính trị. Tháng 5 năm ngoái, nhiều video giả mạo đã được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội trong đó có hình ảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu những nội dung mà bà không hề nói.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, bang California đã thông qua một dự luật, theo đó việc chia sẻ video deepfake của các chính trị gia trong vòng 60 ngày trước ngày bầu cử là bất hợp pháp. Và vào tháng 1, Ủy ban Đạo đức Hạ viện Hoa Kỳ đã thông báo cho các thành viên rằng việc đăng tải video deepfake trên phương tiện truyền thông xã hội được coi là vi phạm các quy tắc của Uỷ ban này.
Các công ty truyền thông xã hội cũng đã công bố các kế hoạch nhằm chống lại sự lây lan của các video deepfake trên nền tảng của họ. Trong đó, lệnh cấm các “nội dung đa phương tiện lừa đảo” trên Twitter sẽ có hiệu lực từ tháng ba tới. Facebook đã có động thái cấm một số video deepfake vào tháng trước, trong khi Reddit đã cập nhật chính sách của công ty trong đó cấm tất cả các hành vi mạo danh trên nền tảng này, bao gồm các video deepfake.
Việc các đoạn video giả mạo đã được chỉnh sửa có thể gây ảnh hưởng như thế nào (và khi nào) đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đều đã nằm trong dự đoán của tất cả mọi người. Tuy nhiên theo một chuyên gia, ngay cả việc các đoạn video của Tiwari được tạo ra không có mục đích xấu, nhưng dường như mọi thứ đang bắt đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của vị chính trị gia này.
Theo VN Review
AirVisual: 'Hà Nội không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới'
Theo AirVisual, việc Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm chỉ là tạm thời. Trong bảng xếp hạng năm 2018, Hà Nội đứng thứ 209.
Thông tin Hà Nội vào top 1 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới của AirVisual khiến người dân tỏ ra hoang mang. Trước sự việc này, AirVisual đã có bài đăng trên website, khẳng định thông tin đó sai sự thật.
Theo AirVisual, việc Hà Nội xuất hiện ở top một chỉ là tức thời trong vài ngày. "Bất cứ lúc nào một thành phố cũng có thể đứng ở vị trí này như London hay San Francisco vào năm ngoái. Chúng tôi cung cấp riêng một bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm riêng biệt, hợp tác với Greenpeace", AirVisual thông báo trên trang chính thức.
Trên website của mình AirVisual thừa nhận Hà Nội không phải thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. "Chúng tôi nhận thấy nhiều người Việt lo ngại khi Hà Nội đứng top 1 trong bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm theo thời gian thực của chúng tôi. Chúng tôi muốn mọi người nhận thức rằng điều này không có nghĩa Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới", AirVisual viết.
Theo AirVisual việc cung cấp danh sách thành phố ô nhiễm giúp mọi người thay đổi. Trang này lấy ví dụ Bắc Kinh, Trung Quốc đã có nhiều chính sách môi trường mạnh mẽ hơn với các chỉ số này.
Theo bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm nhất thế giới do AirVisual và Greenpeace thống kê năm 2018, Hà Nội chỉ đứng vị trí thứ 209. Đa phần các thành phố ô nhiễm thuộc Trung Quốc và Ấn Độ. Bảng khảo sát này lấy từ kết quả trung bình của từng tháng trong cả năm.
Bên cạnh đó, AirVisual khẳng định kết quả đo đạc của họ được lấy minh bạch từ Cổng thông tin giám sát môi trường Hà Nội và đại sứ quán Mỹ.
Tổ chức AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Nền tảng này cung cấp thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố ở 80 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, công cụ này còn được trang bị thêm tính năng dự đoán chất lượng không khí trong tương lai nhờ tận dụng máy học và trí tuệ nhân tạo.
Hà Nội đứng vị trí 209 thành phố ô nhiễm với AQI trung bình ở mức 48,9 năm 2018.
Hiện, ứng dụng AirVisual đang sử dụng thang đo chất lượng không khí (AQI) của Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số này nằm trong khoảng từ 0 đến 500. Trong đó các giá trị chỉ số cao cho thấy mức độ ô nhiễm không khí nhiều và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
AQI được tính theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới. Trung Quốc và Mỹ có hai hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, chỉ số của Mỹ trở thành tiêu chuẩn chung của thế giới. Số liệu từ AirVisual cho phép người dùng tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide.
Theo Zing
Đền bù nhân viên bị sa thải theo kiểu Samsung: Nhận miễn phí Galaxy S10 Plus, đồng hồ thông minh cùng tiền mặt Ngoài khoản bồi thường theo quy định, những nhân viên đã làm việc lâu năm ở nhà máy còn được nhận một phần quà tri ân cực kỳ có giá trị từ Samsung Mãn nhãn với ảnh render dự đoán thiết kế tuyệt đẹp của Samsung Galaxy S11Vì sao chế độ chụp đêm Night Mode không được Apple tích hợp cho iPhone đời...