Chính thức bỏ cộng điểm nghề tuyển sinh vào lớp 10
Năm 2018, dù bỏ cộng điểm khuyến khích nhưng Bộ GD-ĐT vẫn cho áp dụng ‘đặc cách’ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì năm học này, việc bỏ cộng điểm khuyến khích sẽ không còn ngoại lệ.
Một tiết học nghề của học sinh THCS tại TP.HCM – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vì sao năm 2019 không được cộng điểm ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết từ năm 2019, việc cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 với học sinh (HS) có chứng chỉ nghề THCS chính thức được bãi bỏ.
Theo ông Thành, tháng 3.2018, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18.4.2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, thông tư mới đã bỏ đi khoản 3 điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: “Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT không giao cho các sở GD-ĐT quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm cả điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD-ĐT tổ chức.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019, các sở GD-ĐT đã thực hiện quy định không cộng điểm khuyến khích cho các thí sinh đoạt giải trong các kỳ, cuộc thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, thi viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay, giải toán bằng tiếng Anh, giải toán trên internet, thi văn nghệ, thể thao… các cấp.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho phép vẫn áp dụng “nốt” năm học 2017 – 2018 chế độ cộng điểm khuyến khích đối với HS có chứng chỉ nghề phổ thông (loại giỏi cộng 1,5 điểm; loại khá cộng 1 điểm và trung bình cộng 0,5 điểm). Giải thích về việc cho phép bảo lưu kết quả và cộng điểm khuyến khích riêng với chứng chỉ học nghề THCS, Bộ GD-ĐT cho rằng do thời điểm công bố thông tư có phần hơi muộn so với tiến độ của năm học nhiều địa phương đã và đang thi nghề, nên để tránh gây tâm lý lo lắng và đảm bảo công bằng cho HS, phụ huynh, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc thời điểm áp dụng điều khoản của thông tư này nhằm không gây ra những xáo trộn lớn.
Video đang HOT
Những đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10
Kỳ tuyển sinh năm 2018 cũng là năm cuối cùng Bộ cho phép bảo lưu giải thưởng của một số cuộc thi cấp quốc gia trước năm học 2017 – 2018 để tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019.
Cụ thể, năm 2018 vẫn tuyển thẳng những HS đoạt giải các cuộc thi, bao gồm: thi giải toán qua internet – Violympic, thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE), thi viết thư quốc tế, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, HS đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn nghệ và thể dục thể thao do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức.
Theo Thông tư 05 của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 3.2018 thì tất cả những giải thưởng HS đạt được trong những cuộc thi sẽ không còn được bảo lưu để tuyển thẳng vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020.
Như vậy, đối chiếu theo quy định hiện hành thì năm học 2019 – 2020 vẫn giữ nguyên chế độ tuyển thẳng THPT cho các HS thuộc đối tượng như sau: HS trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường phổ thông dân tộc nội trú, HS là người dân tộc rất ít người, HS khuyết tật.
Ngoài ra, vẫn tuyển thẳng với HS đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT; các cuộc thi do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức như: kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, được tổ chức 4 năm/lần); cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” do Bộ Thông tin – Truyền thông chủ trì.
Theo thanhnien
Băn khoăn bỏ điểm cộng thi vào lớp 10
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh Trung học phổ thông (THPT), trong đó đưa ra quy định sẽ bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Đặc biệt, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng điểm khuyến khích. Có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này.
Trước những thay đổi đột ngột trong Quy chế tuyển sinh, nhiều học sinh tỏ ra băn khoăn.
Học sinh bất ngờ, phụ huynh lo lắng
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GDĐT mới công bố, việc cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 sẽ bị bãi bỏ. Trong khi đó, ngay từ đầu năm học 2017-2018, các em học sinh lớp 9 vẫn nỗ lực, chăm chỉ đi học để tham gia kỳ thi nghề phổ thông, hay học sinh giỏi hay các cuộc thi học sinh giỏi, đặt nhiều niềm tin với số điểm được cộng thêm 0,5 đến 1,5 điểm.
Chị Hằng Nga - phụ huynh học sinh đang có con học lớp 9 : Trên thực tế, trong tuyển sinh giữa các trường cùng top, điểm chuẩn nguyện vọng 1 chỉ chênh nhau 0,5 điểm. Nên với thí sinh, việc được cộng thêm 0,5 điểm cũng mang tính chất quyết định đỗ hay trượt. Lâu nay các bậc phụ huynh hy vọng nhiều vào số điểm này. Vì thế, việc Bộ GDĐT bất ngờ thông tin có thể sẽ bỏ quy định cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10 vào thời điểm này khiến chúng tôi rất băn khoăn và nhiều học sinh tỏ ra hoang mang. Chị Minh Hà (có con học lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) không phản đối việc thay đổi, song theo chị nếu thay đổi gì cũng phải có kế hoạch, lộ trình và phải thông báo ngay từ đầu năm học để học sinh định hướng, sắp xếp thời gian học tập cho phù hợp.
Con trai chị - Sỹ Minh - học sinh một trường THCS ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Thời gian qua, em và các bạn đã rất cố gắng để đi học nghề, mong có thêm điểm cộng vì thế em mong Bộ GDĐT chưa nên áp dụng quy định bỏ cộng điểm khuyến khích ngay năm nay. Cần có thông tin trước ít nhất một năm để nhà trường và học sinh cùng có sự sắp xếp, chuẩn bị.
Giáo viên cũng băn khoăn
Mục đích ban đầu của học nghề ở phổ thông là để phân luồng và hướng nghiệp nhưng hầu hết giáo viên cho rằng, trên thực tế, học sinh tham gia học nghề chỉ để cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10.
về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nên quy định bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh. Bởi việc học nghề của cấp THCS lâu nay đã bị biến tướng không còn là mục đích định hướng nghề cho học sinh như ban đầu nữa, mà chạy theo thành tích. Song ông ông cũng cho rằng việc bỏ cũng cần có lộ trình phù hợp. Ngoài ra, không còn điểm cộng thi nghề, các em sẽ nỗ lực trong học tập hơn, từ đó chất lượng kỳ thi và chất lượng đầu vào của học sinh lớp 10 cũng sẽ tốt hơn.
Cùng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng việc dạy nghề cho học sinh ở bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho học sinh trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, bỏ điểm cộng thi nghề cũng góp phần phân luồng ngay từ bậc THCS được tốt hơn. Ví dụ một em học sinh có điểm cộng nghề nên vẫn lên lớp 10, nhưng kết quả học tập không cao. Cuối cùng sau 3 năm học THPT, em đó vẫn phải đi học ở một trường nghề. Như vậy là rất lãng phí.
Hiên nay, theo chương trình giáo dục trung học thì nghề phổ thông hiện vẫn là môn học bắt buộc học sinh phải hoàn thành để xét tốt nghiệp THCS, THPT. Bộ GD-ĐT quy định chương trình học nghề THCS là 70 tiết, THPT là 105 tiết với 11 nghề khác nhau. Vì vậy, nhiều giáo viên lại có một băn khoăn mới nếu bỏ điểm cộng, liệu học sinh có học nghề không và nếu triển khai ngay sẽ gây thiệt thòi cho không ít học sinh.
Khắc phục tình trạng phụ thuộc điểm ưu tiên
Lý giải về việc bỏ quy định này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định này là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng các cuộc thi dành cho học sinh ở địa phương, gây áp lực cho học sinh, không nhận được sự đồng tình của xã hội. Trước đó, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các địa phương về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho học sinh. Vì vậy, việc thay đổi quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh THPT sẽ là một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương tinh giảm các cuộc thi của Bộ.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng , việc không giao cho các Sở GDĐT tiếp tục quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích, bao gồm cả việc thi nghề phổ thông nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp trung học phổ thông. Việc này cũng đồng thời khắc phục hiện tượng làm "đẹp hồ sơ", khiến nhiều học sinh chạy theo điểm cộng tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề không thực chất.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo Quy chế hiện hành tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-4-2006. Việc các địa phương sử dụng kết quả thi nghề phổ thông được cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp THCS chỉ là một biện pháp nhằm khuyến khích học sinh học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở.
Đối với những học sinh học nghề vì mục đích để hiểu biết, có kỹ năng ban đầu về một số nghề phổ biến trong xã hội, phát huy năng lực cá nhân, lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì các em vẫn có động lực học nghề tốt. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, nhà trường và học sinh thấy được ý nghĩa của việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường.
Chủ trương sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quy chế tuyển sinh vào Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, trong đó có việc bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong Quy chế tuyển sinh đã được dự thảo và đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ (www.moet.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận từ trung tuần tháng 12-2017. Theo quy định, dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ đến hết ngày 18-2-2018. Hết thời hạn đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện dự thảo Thông tư trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành chính thức...
Theo Daidoanket.vn
Quảng Bình: Quy chế "tréo ngoe", hàng trăm học sinh bơ vơ! Do số lượng thí sinh lớn nên việc tuyển sinh vào lớp 10 tại Quảng Bình năm nay khá căng thẳng. Bên cạnh đó, điều "tréo ngoe" thay, thí sinh chỉ được nộp duy nhất một bộ hồ sơ nên đã xảy ra tình trạng học sinh khi không đậu trường ứng tuyển đã không kịp rút hồ sơ để nộp vào trường...