Chính sách tiền tệ thời… Covid-19: Kịp thời, thận trọng và không tràn lan
Ngành ngân hàng đang hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh một cách kịp thời, nhưng thận trọng, không hỗ trợ tràn lan. Điều này sẽ hạn chế tối đa những mặt trái mà các chính sách hỗ trợ, “giải cứu” thường gây ra.
Ngân hàng là ngành sớm nhất ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Ảnh: Dũng Minh
Hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách
Đầu tuần này, Ngân hàng BIDV đã tung ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Công cuộc tham gia hỗ trợ khách hàng trong đại dịch Covid-19 đã lan rộng, thu hút hàng chục ngân hàng thương mại tham gia. Ngân hàng cũng là ngành sớm nhất ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng.
Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu triển khai giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất – kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp trên vừa thiết thực, vừa đúng đối tượng. Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn hay lãi suất, mà chính là thị trường.
“Theo tôi, hỗ trợ lãi suất hay tín dụng hiện nay không có ý nghĩa, vì doanh nghiệp không có nhu cầu vay. Chính sách tiền tệ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cho phép cơ cấu lại nợ là rất đúng địa chỉ, không nên đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ trên phạm vi rộng, nếu không sẽ xảy ra ‘quá đà’, khó kiểm soát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, khuyến nghị.
Trên thực tế, 2 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống sụt giảm, tiền gửi ngân hàng tăng lên, NHNN đã phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về, tránh lạm phát.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, không thể trông chờ chính sách tiền tệ sẽ kích thích tăng trưởng trở lại. Thực tế, dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, nhưng cầu tín dụng rất thấp.
Video đang HOT
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, hiện nay, tổng cầu của thế giới và Việt Nam đều giảm sút. Người dân giảm chi tiêu không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch. Vì vậy, mục đích giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích chi tiêu khó mang lại hiệu quả, mà có thể khiến lạm phát bùng phát.
Tương tự, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cũng nhận định, dịch bệnh hiện nay không đơn giản chỉ là chuyện mà chính sách tài khoá hay tiền tệ có thể giải quyết được, bởi nền kinh tế Việt Nam không phải đang thiếu tiền, vấn đề là người dân và doanh nghiệp đều co cụm do lo ngại dịch bệnh.
Trao đổi về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Chúng ta không nôn nóng thắt chặt chính sách tiền tệ để xử lý vấn đề lạm phát, nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là thận trọng, nhưng phải phù hợp để không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay, mà còn tăng trưởng bền vững hơn”.
Ổn định vĩ mô là tối thượng
Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tán thành quan điểm, chính sách tiền tệ không cần nóng vội điều chỉnh về lãi suất hay tín dụng, mà chỉ cần hỗ trợ đúng địa chỉ, không hỗ trợ tràn lan làm méo mó thị trường. Mục tiêu tối thượng của chính sách tiền tệ hiện tại phải là tạo ổn định vĩ mô, cũng là tạo tiền đề, nền tảng để phối hợp với các giải pháp khác.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhất trí quan điểm cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. “Nếu vội vàng điều chỉnh mạnh bất kỳ chính sách nào thời điểm này, có thể phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra”, ông Thành nói.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi chưa đủ dữ liệu đánh giá thiệt hại, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ là chưa thật cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN cần phải có những dự báo, tính toán mức giảm GDP để có phương án điều hành phù hợp với thực tế, như tín dụng thế nào, lãi suất ra sao…
Trước mắt, điều cần tập trung làm ngay là sớm có thêm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác phải phối hợp nhịp nhàng để giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Với ngành ngân hàng, dịch bệnh cũng là một trong những cơ hội để các ngân hàng kiểm tra lại sức khỏe của mình, chuyển đổi cơ cấu hoạt động và đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Hà Tâm
Theo baodautu.vn
Giá vàng giảm nhẹ nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Phiên sáng nay 28/2, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1,642 USD/ounce, tương đương 46,11 triệu đồng/lượng. Theo nhận định của các chuyên gia, giá vàng đang giảm nhẹ, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do vàng vẫn là nơi chú ẩn an toàn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại thị trường trong nước, thời điểm 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội niêm yết giao dịch ở mức: 46,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,62 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng SJC của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức: 46,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,45 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng giữ nguyên giá ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Trong khi đó, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đã quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 46,00 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,60 triệu/lượng (bán ra), giá vàng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức: 45,58 triệu/lượng (mua vào) - 46,33 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.
Tại thị trường thế giới, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 1,642 USD/ounce, tương đương 46,11 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ, tuy nhiên Goldman Sachs Group Inc vừa nâng dự báo giá vàng lên 1.800 USD/ounce khi dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới nơi trú ẩn an toàn.
Con số 1.800 USD/ounce cao hơn 200 USD/ounce so với dự báo được đưa ra trước đó với nhận định: "Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý II, thị trường có thể chứng kiến giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce chỉ trong 3 tháng tới".
Chuyên gia phân tích Daniel Hynes của ANZ cho rằng, nhu cầu đối với vàng đã tăng cao trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ có hành động nếu dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, đặc biệt là bên ngoài Trung Quốc.
Theo CNBC, giới chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục lao dốc sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên không rõ nguồn gốc ở Bắc California.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,29% trong bối cảnh tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng toàn cầu từ dịch bệnh Covid-19.
Hầu hết các nhà theo dõi thị trường hiện mong đợi các chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng trong tương lai của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhằm kích thích nền kinh tế của họ và giúp tránh các tác động kinh tế tiêu cực của sự bùng phát Covid-19.
Theo tapchitaichinh.vn
Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng "Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng" - khẳng định điều này này tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "Cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét...