Chinh phục IELTS nhờ gắn với đam mê làm đẹp
Không có thời gian lại hay mất tập trung, Vũ Mai Anh, 22 tuổi, chinh phục IELTS bằng cách gắn tiếng Anh với lĩnh vực làm đẹp yêu thích.
Mai Anh, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương, đạt 8.0 IELTS, trong đó Reading 9.0, Speaking 8.5 và Listening 8.0, trong lần thi trên máy hôm 3/3.
Thi khối D nhưng từ sau khi đỗ đại học, nữ sinh không có thời gian ôn luyện tiếng Anh nghiêm túc. Ngoài việc học, Mai Anh bận rộn với công việc của chuyên gia trang điểm. Năm ngoái sau lần thi để chuẩn bị xin thực tập giữa khóa và nhận kết quả “thảm bại”, Anh quyết định thử sức lần nữa.
Tuy nhiên, vì vừa đi làm, vừa đi học ở trường, Mai Anh không thể học theo kiểu truyền thống. Nữ sinh cũng dễ mất tập trung nên dù thử làm test liên tục, nhưng điểm giậm chân tại chỗ. Cuối cùng cô tìm đến những phương pháp học sáng tạo và gần gũi hơn, đan xen việc học tiếng Anh vào các hoạt động hàng ngày như xem YouTube giải trí hay đọc sách liên quan đến lĩnh vực làm đẹp yêu thích.
Mai Anh tâm đắc khi tìm được ra phương pháp học tiếng Anh hiệu quả với bản thân. Ảnh: NVCC.
Mai Anh đam mê làm đẹp, thời trang và những gì liên quan đến phụ nữ. Giai đoạn đầu, việc học của nữ sinh sẽ lấy những chủ đề này làm gốc để nuôi dưỡng tình yêu ngoại ngữ, sau đó chuyển sang các chủ đề khác. “Chỉ khi bạn gắn được tiếng Anh vào một đam mê hoặc một chủ đề gây hứng thú thì động lực học của bạn mới không chết yểu”, Mai Anh chia sẻ.
Listening
Mai Anh yếu ở phần Listening, không phải vì không nghe được mà vì khả năng tập trung kém, dễ mất bình tĩnh, nếu nhỡ một câu là cả đoạn tiếp theo sẽ cuống và làm sai hết. Việc luyện đề nhiều chỉ khiến cô thêm ám ảnh, nhất là khi trình độ còn đang ở mức Intermediate (trung cấp).
Giai đoạn đầu, Mai Anh chọn nghe những nguồn thuộc chuyên môn của mình. Cô theo dõi các kênh về makeup (trang điểm), beauty (làm đẹp), fashion (thời trang), lifestyle (phong cách sống)… Khi nghe, cô nâng dần độ khó lên bằng cách nghe các kiểu giọng hoặc tăng tốc độ lên từ từ.
Khi đã quen với các từ vựng của chủ đề đó, Mai Anh bắt đầu nghe đa dạng kênh, trong đó có TED. Về lịch sử, cô nghe Oversimplified, tâm lý học có The School of Life…
Với Mai Anh, phương pháp nghe chép chính tả không nhiều tác dụng do quỹ thời gian hạn hẹp hoặc khả năng nghe chưa tốt. Thay vào đó, cô tích hợp Shadowing, nghe đến đâu nhắc lại đến đó. So với việc viết ra một câu hoàn chỉnh, việc nhắc lại câu đó chỉ tốn 1/3 thời gian.
Ngoài ra, nữ sinh khoa Quản trị Kinh doanh cải thiện kỹ năng nghe bằng cách xem phim chọn lọc. Do nghe chưa tốt, cộng thêm rào cản tâm lý, Mai Anh thấy rất khó xem phim không phụ đề. Cô ưu tiên xem phim tài liệu vì có nhiều điểm tương đồng với bài thi IELTS, từ ngữ chỉn chu, không từ lóng, tốc độ vừa phải và giọng đọc rõ ràng.
Mỗi ngày, Mai Anh có khoảng một tiếng rảnh nên tận dụng tối đa để nghe thụ động. Cô cắm tai nghe lúc đánh răng, chăm sóc da, trên đường đi làm hoặc đến trường, đặc biệt trước khi đi ngủ.
Reading
Video đang HOT
Công thức đạt điểm tối đa Reading của Mai Anh là 10% tốc độ và 90% hiểu sâu. Theo nữ sinh Ngoại thương, muốn có tốc độ thì phải đọc nhiều, muốn hiểu sâu thì phải đọc kỹ. Cô thích dùng Instagram, phần vì nhớ thông tin theo dạng hình ảnh tốt hơn, phần vì công việc gắn liền với mạng xã hội này. Cô tạo riêng một tài khoản, theo dõi các hãng tin lớn hoặc tổ chức quốc tế. Việc này giúp cô vừa giải trí nhưng vẫn có thể nạp kiến thức. Câu chữ dùng làm chú thích trên mạng xã hội cô đọng và súc tích, giúp cô học được nhiều từ vựng và cấu trúc câu hay.
Mai Anh gợi ý một số cuốn bestseller (bán chạy) nên đọc như 21 Lessons for The 21st Century. Theo cô, đọc và nghiền ngẫm riêng cuốn này thôi cũng đủ giúp độ tự tin khi thi đọc, nói và viết.
Để tối ưu hóa việc đọc, sau mỗi chương, đặc biệt là những chương tâm đắc, bạn có thể dừng lại vài phút để sắp xếp lại ý chính, sau đó tóm tắt bằng sơ đồ tư duy hoặc viết vài câu ra giấy. Nếu chăm hơn, bạn có thể tự thuyết trình qua những ý đó. “Đây chính là bước ngoặt trong việc học Reading của tôi. Cách này không chỉ buộc tôi phải thực sự hiểu văn bản mà còn giúp xây dựng kho ý tưởng cho phần viết và nói”, Mai Anh nói.
Writing
Đây là kỹ năng Mai Anh chủ quan nhất, hôm đi thi là lần đầu tiên cô viết một bài hoàn chỉnh trên máy. Cô chưa kịp viết xong kết bài task 2, máy đã tự động báo kết thúc. Bài học cô nhận ra là phải luyện viết dưới áp lực thời gian.
Speaking
Mai Anh có cơ hội trò chuyện với hai thầy từng làm IELTS examiner (người chấm thi IELTS) nên biết rất khó để đạt điểm Speaking cao với một cái đầu rỗng. Không có kiến thức xã hội để phát triển ý mà chỉ nhồi nhét mẫu câu hay idioms (thành ngữ) thì thí sinh chỉ dừng 6.0, cùng lắm là 7.0.
So với lần thi đầu, Mai Anh đã tăng 1.5 điểm nói chỉ nhờ áp dụng những cách sau:
- Đọc và nghe nhiều giúp cải thiện tư duy trình bày.
- Việc luyện Shadowing từ lúc nghe giúp luyện phát âm, ngữ điệu…
- Nói chậm lại và hạ giọng xuống.
- Luyện nói nhuần nhuyễn ở các thì quá khứ, hiện tại hoàn thành và tương lai.
- Hít thở sâu, kiểm soát tâm lý.
Kết quả ở lần thi thứ 2 khiến Mai Anh hài lòng nhưng vẫn hơi tiếc ở kỹ năng Writing do kiểm soát thời gian chưa tốt.
“Điều tôi tâm đắc nhất là đã tìm ra phương pháp biến nỗi sợ thành đam mê. Đừng coi ngoại ngữ là một đích đến, hãy xem nó như một công cụ để khám phá tri thức của nhân loại”, Mai Anh nói.
Hành trình chinh phục bằng tiến sĩ ở Nhật của cô gái Việt
Vì sức khỏe yếu, khó khăn tài chính, Uyên Nhi từng phải gác lại việc học ở Nhật Bản, trở về Việt Nam trong sự bất an và sợ hãi.
Ngày nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Vật lý (ĐH Sokendai, Nhật Bản), Quách Mỹ Uyên Nhi nhớ lại quãng đường khó khăn mà mình đã đi qua.
Tài chính gia đình khó khăn, không có nhiều sự hỗ trợ về kinh tế, có lúc phải về nước, bỏ dở việc học, nhưng bằng quyết tâm, cô vẫn cố gắng đi hết hành trình để hoàn thành mục tiêu của mình.
Luôn nỗ lực
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý tiên tiến, ĐH Sư phạm Huế, Uyên Nhi (sinh năm 1988) ấp ủ dự định đi du học. Cô thuyết phục cha mẹ để được ra Hà Nội ôn luyện tiếng Anh.
Không có gia đình hỗ trợ, lại vừa ra trường, Nhi gặp không ít khó khăn. Cô phải làm thêm rất nhiều công việc để có tiền trang trải sinh hoạt phí.
"Với tôi, mọi thứ xảy ra trong những ngày chân ướt chân ráo lên Hà Nội đều quá mới lạ và bỡ ngỡ. Do không có bạn bè, đôi lúc, tôi cảm thấy rất cô đơn và tủi thân. Để thuê được phòng trọ giá rẻ, nhiều tuần liền, từ sáng sớm tới đêm muộn, tôi đi gõ cửa, hỏi thăm từng nhà. Hay những tháng bị chậm tiền lương, 3-4 ngày liền, tôi ăn cơm với nước mắm, trong túi còn chưa đến 10 nghìn đồng".
Từ nhỏ, Uyên Nhi đã luôn cố gắng, nỗ lực giành học bổng để hỗ trợ gia đình.
Thời điểm đó, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, Nhi luôn kiên định với mục tiêu đi du học. Không có tiền theo các khóa luyện thi tiếng Anh bài bản, cô tham dự các buổi học miễn phí của đại sứ quán Mỹ, làm quen với các bạn sinh viên, lập các hội nhóm online để ôn thi TOEFL và GRE. Ngoài ra, cô tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành của mình.
May mắn trong một lần tham gia trại hè, Nhi được gặp gỡ và nói chuyện với một vị giáo sư người Nhật. Ấn tượng với sự thông minh của cô gái Việt Nam, người này đã mời và tài trợ miễn phí cho Nhi đến tham quan ĐH Sokendai, một trong những ngôi trường nghiên cứu về Vật lý nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc.
"Lúc nhận được email, tôi không tin đó là sự thật. Khi nói với gia đình, họ vẫn nửa tin nửa ngờ, xen lẫn lo lắng vì không biết lấy đâu ra 20 triệu cho con gái mua vé máy bay".
Thế rồi, Nhi cũng đến được Nhật Bản. Sau 2 tuần tìm hiểu và tham quan ngôi trường nổi tiếng, Nhi quyết tâm phải quay trở lại đây.
Năm 2013, cô gái Thừa Thiên - Huế đỗ chương trình học thạc sĩ kết hợp tiến sĩ tại ngôi trường ao ước.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ, sau 8 tháng học thạc sĩ, cô vinh dự được chọn đi báo cáo trong một hội nghị quốc tế ở Pháp. Tại đây, bài báo cáo của nữ du học sinh Việt Nam được các giáo sư đầu ngành đánh giá cao. Bên cạnh đó, tại trường học, trong các cuộc thi sinh viên, cô đều đoạt giải nhất.
Mọi khó khăn đến khi học bổng của cô dần cạn.
"Vì những thủ tục chồng chéo, rắc rối ở Nhật, suốt một thời gian dài, tôi không nhận được học bổng. Do áp lực tiền bạc, công việc, tôi bị bệnh nặng. Không có tiền trả học phí, cũng không thể chữa bệnh ở xứ người. Thời điểm đó, tôi quyết định bảo lưu chương trình học, tạm thời về Việt Nam".
Trong lúc khó khăn nhất, Nhi đã tự mình cố gắng, quyết tâm thay đổi để chứng tỏ bản thân.
Kiên định, không từ bỏ mục tiêu
Chuyến về nước tràn đầy sự bất an và sợ hãi khiến Nhi cảm giác mình là kẻ thua cuộc. Từ nhỏ, cô luôn là niềm hy vọng, tự hào của cha mẹ. Vì thế, cô không thể về nhà trong hoàn cảnh bệnh tật, nợ nần, không có sự nghiệp.
"Lúc đó, tôi đã định thần lại và tự nhủ 'thay đổi hay là chết'. Ở Việt Nam, tôi phải xoay xở với căn bệnh, kiếm tiền đủ để trang trải cuộc sống khi quay lại Nhật. Đồng thời, tôi muốn chứng tỏ cho giáo sư hướng dẫn là mình vẫn có năng lực để hoàn thành chương trình tiến sĩ".
Sau hơn một năm nỗ lực làm việc, Nhi tích cóp được một khoản tiền và tìm được cách xin học bổng, quay trở lại Nhật Bản.
"Ở trường, tất cả nghiên cứu sinh chỉ làm duy nhất một việc, đó là nghiên cứu. Còn riêng tôi, thời gian cuối của chương trình tiến sĩ, tôi phải làm thêm nhiều công việc một lúc".
Sau 7 năm học tập ở Nhật Bản. Uyên Nhi đã lấy được bằng tiến sĩ.
Ngày bảo vệ xong luận án, Nhi vỡ òa trong hạnh phúc khi được giáo sư hướng dẫn thông báo rằng "Chúc mừng tiến sĩ Quách, em đã nỗ lực rất nhiều. Em thật xứng đáng".
Những tưởng mọi khó khăn đã qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, Nhi vô cùng lo lắng, sợ bị kẹt lại, không thể về nước.
"Tôi nộp đơn lên đại sứ quán, chờ đợi trong sự lo lắng, thấp thỏm. Cuối cùng, tôi cũng may mắn được trở về nước. Khi chia tay, các giáo sư đều chúc mừng và nhắn gửi những lời động viên. Ai cũng tâm sự thật rằng không ngờ tôi có thể quay trở lại, tiếp tục đi hết chặng đường. Họ rất tự hào về tôi".
Quá trình 7 năm sống, học và làm việc tại Nhật đã giúp Uyên Nhi từ cô du học sinh nhút nhát trở thành người phụ nữ trưởng thành độc lập, mạnh mẽ. Giờ đây, khi về nước, cô đã có kế hoạch phát triển công việc của mình.
"Năm đó bắt đầu đi du học, người nhỏ xíu, nhát người. Hiện tại tôi vẫn nhỏ xíu, nhưng đã dũng cảm, tự tin hơn. Xin cảm ơn chính mình vì đã không từ bỏ, luôn suy nghĩ tích cực và cố gắng hết mình", Uyên Nhi tâm sự.
'Ăn chậm no lâu' - Quy tắc giúp nam sinh BTEC FPT đạt 8.0 IELTS Phạm Tấn Thành, sinh viên năm cuối Cao đẳng Anh quốc BTEC FPT, luyện IELTS bằng cách học tiếng Anh chậm rãi, tựa như quy tắc ăn uống hàng ngày. Tấn Thành chia sẻ: "Mình học tiếng Anh vì biết tầm quan trọng của tiếng Anh lớn như thế nào, dần dần tiếng Anh trở thành đam mê của mình luôn". Tấn Thành...