Chính phủ Úc sẽ hỗ trợ 7 tỷ đồng để cựu du học sinh Việt đóng góp cho quê hương
Ngày 18/12 tại Hà Nội, Đại sứ Australia – Ngài Craig Chittick đã chào đón hơn 60 cựu sinh viên Học bổng Chính phủ Australia mới về nước. Những kiến thức và kĩ năng học được tại Australia sẽ giúp họ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Đại sứ Australia – Ngài Craig Chittick phát biểu khai mạc chương trình.
Tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam đã công bố kết quả Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Australia trong vòng 2 năm. Theo đó, Chính phủ Úc sẽ dành ra gần 420.000 AUD (hơn 7 tỷ VND) cho các cựu sinh viên, giúp họ áp dụng những kiến thức, kỹ năng tích lũy trong quá trình học tại Australia để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả hơn, đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Những cựu sinh viên này đã theo học các khoá Thạc sĩ trong nhiều lĩnh vực như Tư pháp và Tội phạm học, Kinh tế học phát triển, Thương mại quốc tế, Quản trị và Chính sách công, Nông nghiệp và Phân tích tài chính tại nhiều trường đại học khác nhau ở Australia. Những trải nghiệm trong quá trình học tập và sinh sống ở Australia đã giúp họ có những thay đổi tích cực trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Thạc sĩ Phạm Thị Chung chia sẻ.
Chị Phạm Thị Chung, Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Nguồn nhân lực và Quan hệ doanh nghiệp, đã chia sẻ tại buổi lễ: “Việc học tại Australia đã giúp tôi hoàn thiện bản thân. Tôi đam mê việc được tiếp xúc với những khái niệm mới, những cách làm việc mới, khiến tôi biết rõ và sử dụng thế mạnh của mình tốt hơn. Ngoài phát triển chuyên môn, tôi cũng đã có được những tình bạn và mối quan hệ đáng quý cho công việc và cuộc sống của mình tại Việt Nam”.
Thông qua Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cựu sinh viên vận dụng những kiến thức và kỹ năng chuyên môn vào nghiên cứu, đào tạo và cải thiện hệ thống và quy trình tại nơi làm việc; đồng thời tăng cường kết nối giữa hai quốc gia.
36 dự án được nhận hỗ trợ từ Quỹ trong năm 2018 sẽ do 79 cựu sinh viên thực hiện. Các dự án này nhằm giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, người khuyết tật, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản trị nhà nước và phát triển kinh tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu, sức khoẻ, an ninh khu vực và quyền con người.
Video đang HOT
Các cựu sinh viên học bổng Chính phủ Úc xem số liệu về Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia.
Anh Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Bộ phận Doanh nghiệp xã hội, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, đã chia sẻ: “Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia đã giúp chúng tôi phát triển thành công quy trình sử dụng các chất thải trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, hình thành một phương thức sản xuất mới bền vững hơn.
Sau 12 tháng hoạt động, chúng tôi đã tạo lập được việc làm cho gần 40 người khuyết tật và giúp họ đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương”.
Bên cạnh những hỗ trợ nói trên, Australia hiện đang tăng cường và phát triển mạng lưới gồm gần 70.000 cựu sinh viên tại Việt Nam thông qua nhiều hoạt động xã hội và chuyên môn như xây dựng các nhóm chuyên môn, tổ chức các hoạt động kết nối, hội thảo và nghiên cứu chuyên đề.
Đại sứ Craig Chittick chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu du học sinh Việt tại Úc vừa về nước.
“Chúng tôi rất tự hào khi được hỗ trợ cựu sinh theo đuổi đam mê và áp dụng những kiến thức, kĩ năng đã học được từ nền giáo dục hàng đầu thế giới của Australia để đóng góp cho cộng đồng. Tôi khuyến khích tất cả các cựu sinh viên chủ động tham gia Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia để có cơ hội góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển toàn diện của Việt Nam”, Đại sứ Craig Chittick nhấn mạnh.
Lệ Thu
Theo Dân trí
ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM: Cựu sinh viên lo lắng giá trị bằng tốt nghiệp do nguyên hiệu trưởng ký
Sau khi Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT có văn bản không công nhận bằng cấp của ông Trần Quang Nam, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT), nhiều cựu sinh viên của trường hoang mang về giá trị tấm bằng cử nhân do ông Nam đã ký và cấp có còn giá trị?
Người học lo lắng giá trị bằng tốt nghiệp được nguyên hiệu trưởng ký
Mới đây, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã có công văn gửi Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM để thông tin việc công nhận văn bằng tiến sĩ của ông Trần Quang Nam. Đơn vị này cho biết qua kiểm tra, bằng cấp của ông Nam chưa đủ điều kiện để được công nhận theo luật định.
Lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM năm trước
Văn bản cũng cho biết, theo thông tin Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cung cấp, ông Nam chỉ sang Thụy Sĩ 2,5 tháng trong chương trình đào tạo tiến sĩ 3 năm của Trường Kinh doanh Lausanne.
Trong khi đó, đối với văn bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của ông Trần Quang Nam, Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết ông Nam học theo chương trình hợp tác đào tạo từ xa giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Southern California University for Professional Studies (Mỹ) khóa 2000 - 2002. Văn bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh do Southern California University for Professional Studies cấp cho ông Nam trong thời gian trường chưa được kiểm định nên văn bằng chưa đủ cơ sở để công nhận.
Trước những thông tin này, nhiều cựu sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM bày tỏ lo lắng.
Đ.T.T, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, băn khoăn bằng tốt nghiệp của mình do ông Trần Quang Nam ký vào vào năm 2017 có bị ảnh hưởng không. "
Trần K., một cựu sinh viên khác cũng thắc mắc bằng tốt nghiệp của mình và các bạn cùng khóa có được cấp lại không. "Nếu chỗ làm phát hiện bằng tốt nghiệp của mình do người chưa đủ chuẩn bằng cấp ký thì không biết phải nói làm sao? Chỉ mong nhà trường có hướng giải quyết", K. chia sẻ.
Được biết, trong khoảng 2 năm đương chức hiệu trưởng, ông Nam đã ký tên lên hàng ngàn bằng cấp tốt nghiệp của sinh viên. Mới đây nhất, các sinh viên tốt nghiệp đợt 1 năm 2018 cũng do ông ký bằng. Trong khi đó, các sinh viên tốt nghiệp đợt 2 năm 2018 vẫn đang chờ đến tháng 1/2019.
Nhà trường cũng lúng túng
Trước những lo lắng của cựu sinh viên, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM cho biết hiện trường chưa thể trả lời được. "Chúng tôi đã hỏi chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM về vấn đề này", ông Tuyên nói.
Bên cạnh đó, hiện tại hàng trăm sinh viên của trường này tốt nghiệp đợt 2 năm 2018 nhưng vẫn chưa được cấp bằng, nguyên do được cho là xuất phát từ vụ lùm xùm bằng cấp của ông Trần Quang Nam khi còn đường nhiệm. Theo ông Tuyên, trường hiện đã đề xuất TS Trần Thanh Nhàn, phó hiệu trưởng là người ký bằng cho sinh viên nhưng đang trong giai đoạn chờ UBND TPHCM phê duyệt.
"Chúng tôi biết sinh viên "sốt ruột" chứ vì cả quá trình học tập chỉ chờ nhận bằng tốt nghiệp nên đã tích cực làm việc với UBND TPHCM để có hướng giải quyết sớm nhất", ông Tuyên chia sẻ.
Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM
Cũng liên quan vụ việc này, trước đó hàng trăm sinh viên trong diện nhận bằng của trường này hết sức bức xúc vì lễ tốt nghiệp, trao bằng quá chậm trễ. Cụ thể, sinh viên cho biết mình tốt nghiệp từ tháng 7/2018 nhưng chờ đợi mãi vẫn không được nhận bằng. Nếu tính đến thời điểm trường dự kiến làm lễ tốt nghiệp là ngày 17 - 18/1/2019, các sinh viên này phải chờ đến 6 tháng.
Lãnh đạo Trường ĐH HUFLIT đã có thông báo tổ chức lễ tốt nghiệp đến tất cả sinh viên được xét công nhận tốt nghiệp đợt 2 năm 2018. Thông báo này dành cho sinh viên của 4 khoa trong trường. Thời gian dự kiến diễn ra lễ tốt nghiệp là ngày 17 - 18/1/2019. Tuy nhiên, thông báo này cũng kèm theo nội dung "Nhà trường sẽ có thông báo chính thức sau khi có quyết định của UBND TPHCM".
Vào đầu tháng 11/2018 ông Huỳnh Thế Cuộc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM đã ký nghị quyết miễn nhiệm hiệu trưởng nhiệm kỳ năm 2015-2020 đối với ông Trần Quang Nam. Việc này được đưa ra vì cán bộ, giảng viên, chuyên viên và sinh viên của trường ĐH này đặt nghi ngờ về bằng cấp của ông Trần Quang Nam đồng thời đề nghị ông phải nhanh chóng minh bạch mọi thông tin liên quan các bằng cấp của mình.
Phía ngược lại, sau khi bị HĐQT miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng, ngày 7/11, ông Trần Quang Nam cũng có đơn khiếu nại gửi đến UBND TPHCM. Trong đó, có nội dung ông Nam cho biết mình không đề nghị bổ nhiệm hai phó hiệu trưởng tại trường hiện nay, trong khi theo quy định phó hiệu trưởng phải do hiệu trưởng đề nghị; HĐQT hiện nay có 8 người, không đảm bảo quy định phải có số lượng thành viên là số lẻ (ít nhất 7 thành viên); phó Chủ tịch HĐQT nhiều lần chiếm dụng con dấu cản trở hoạt động điều hành của hiệu trưởng...
Lê Phương
Theo Dân trí
Hỗ trợ học sinh tăng động giảm chú ý bằng những bài học được cấu trúc mạch lạc Theo ThS. Nguyễn Thị Hoa - Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học sư phạm Hà Nội, học sinh tăng động giảm chú ý học tốt nhất với những bài học được cấu trúc, đó là việc nói cho học sinh biết các em sẽ học gì trong bài học hôm nay và kết nối kiến thức và kĩ năng của bài...