Chính phủ thống nhất về bằng cấp của giáo viên các cấp học
Chính phủ thống nhất có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những điều đáng chú ý mà dự thảo đưa ra là về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo Điều 72 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định: “Giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.
Chính phủ thống nhất có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT (ảnh minh họa)
Theo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm. Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Video đang HOT
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời, ủng hộ việc quy định tại Điều 119 dự thảo Luật đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn giáo viên và đảm bảo sự ổn định, an tâm công tác của các giáo viên hiện nay chưa đạt chuẩn.
Song song với việc nâng chuẩn thì đề nghị cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với phát triển năng lực nghề gắn với thực tiễn từng cấp học, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chính sách đãi ngộ cho giáo viên
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn rằng, các cơ sở giáo dục mầm non rất đa dạng, không phải mọi đối tượng, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần người lao động có trình độ cao đẳng, đối tượng tham gia là người mẹ, người có nhu cầu làm việc ở môi trường giáo dục mầm non với nhiều hình thức (làm thêm, tạm thời, gắn bó lâu dài).
Trước những ý kiến của nhân dân, Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo Luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.
Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ. Quy định này, nhằm thể chế hoá Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/QH, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020./.
Theo vov
Chính phủ đồng ý miễn học phí THCS theo lộ trình
Mới đây, Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề, trong đó Chính phủ đồng ý việc miễn học phí THCS theo lộ trình.
Về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.
Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Chính phủ đồng ý quan điểm sẽ miễn học phí THCS theo lộ trình. (Ảnh: T.F)
"Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
Trước đó khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12-3-2018, nội dung "miễn học phí cho học sinh THCS" bị đưa ra khỏi dự luật. Hai Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì ngân sách Nhà nước còn khó khăn.
Tuy nhiên, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 đã nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT, cụ thể như: "Thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI".
Hiện Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS (từ lớp 6 đến 9). Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí. Đáng lưu ý là TP HCM là địa phương đầu tiên chủ trương giảm học phí THCS và chính thức có quy định giảm học phí bậc học này từ tháng 1-2019.
T.Fan
Theo phapluatxahoi
Ở nước ngoài, giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nào? Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng nghề giáo bởi họ là người dạy dỗ học sinh, sinh viên thành những công dân gương mẫu, cống hiến tài năng cho sự phát triển của đất nước sau này. Vì vậy, mỗi nước có những quy định riêng đối với giáo viên. Giáo viên là một nghề nghiệp quan trọng trong xã hội...