Chính phủ đồng ý miễn học phí THCS theo lộ trình
Mới đây, Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề, trong đó Chính phủ đồng ý việc miễn học phí THCS theo lộ trình.
Về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.
Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Video đang HOT
Chính phủ đồng ý quan điểm sẽ miễn học phí THCS theo lộ trình. (Ảnh: T.F)
“Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
Trước đó khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12-3-2018, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” bị đưa ra khỏi dự luật. Hai Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì ngân sách Nhà nước còn khó khăn.
Tuy nhiên, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 đã nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT, cụ thể như: “Thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI”.
Hiện Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS (từ lớp 6 đến 9). Tuy nhiên, hiện mới có học sinh tiểu học được miễn học phí. Đáng lưu ý là TP HCM là địa phương đầu tiên chủ trương giảm học phí THCS và chính thức có quy định giảm học phí bậc học này từ tháng 1-2019.
T.Fan
Theo phapluatxahoi
Nên có chỉnh sửa thêm quy định về học phí trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Góp ý về quy định học phí trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam đồng ý có chỉnh sửa thêm.
Ảnh minh họa/internet
Khi sửa cần lưu ý: Thứ nhất, Điều 97 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở trường công lập không phải đóng học phí. Việc quy định cứng "trẻ em 5 tuổi" có thể gây phiền hà khi có trẻ là đối tượng trên nhưng không khớp tuổi quy định.
Thứ hai, Điều 97 dự thảo quy định "trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục" và giao cho HĐND cấp tỉnh tự định đoạt.
Thế nhưng ở khoản 2 quy định việc trên chỉ thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Hiệp hội, quy định trên chỉ có thể áp dụng cho đối tượng ưu tiên. Do đó nếu có quy định thì chỉ nên đưa vào chính sách khuyến khích xã hội hóa ở địa bàn khó khăn.
Thứ ba, đề nghị nhấn mạnh cơ chế tính học phí bằng cách có một khoản ở Điều 97, viết rõ học phí là bù đắp chi phí dịch vụ đào tạo. Hiệp hội đề xuất, chỉnh sửa đoạn cuối Điều 97 thành Khoản 5 về Nguyên tắc xây dựng mức thu học phí ở các trường dân lập, tư thục với nội dung:
"Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí dịch vụ đào tạo và có tích lũy hợp lý.
Thực hiện công khai chi phí đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, từng năm học theo quy định".
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Chính phủ nêu quan điểm về Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm như nâng chuẩn giáo viên, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), quy định nhiều bộ...