Chính phủ ban hành 9 giải pháp đổi mới giáo dục
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành chương trình, hành động của Chính phủ gồm chín giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó khuyến khích nhiều tổ chức cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Chín giải pháp của Chính phủ nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Giải pháp đầu tiên là tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động trong đổi mới giáo dục, chú trọng biểu dương gương người tốt, việc tốt; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo với các hình thức đào tạo; phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; phân loại các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Chương trình giáo dục phổ thông sẽ tinh giản, hiện đại, phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Theo đó, chương trình mới chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ảnh: HH.
Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc; xây dựng ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh tham khảo.
Video đang HOT
Việc rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ được siết chặt, sao cho đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực của từng ngành, địa phương.
Chính phủ thống nhất đổi mới thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng, tiến tới một kỳ thi chung – lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Vấn đề phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành cũng được chú trọng. Giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non sẽ được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Chính sách tiền lương sẽ có thay đổi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mức lương nhà giáo được hưởng nằm trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; phụ cấp thâm niêntính cho thời gian trực tiếp giảng dạy; cơ chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên trẻ.
Một giải pháp cũng được chú trọng là đ ẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Theo đó, các cơ sở giáo dục sẽ được ưu đãi về đất đai, vốn, cơ sở vật chất để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập.
Chính phủ xác định, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm của các mô hình giáo dục tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình và chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế.
Chương trình cũng xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam và cử chuyên gia, giảng viên của Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy…
Theo VNE
Dạy tích hợp sẽ quá tải hơn?
Dạy tích hợp là một trong những giải pháp được Bộ GDĐT đưa ra trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm giảm tải số môn học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại dạy tích hợp sẽ làm chương trình giáo dục càng quá tải hơn.
Giảm về lượngTheo kỳ vọng của đề án, sau năm 2015 dạy học theo phương án tích hợp và phân hoá sẽ giảm một nửa số môn học so với hiện tại. Theo đó, bậc tiểu học giảm từ 11 môn và 3 hoạt động xuống còn 3 - 6 môn; bậc THCS giảm từ 13 môn 4 hoạt động xuống còn 8 môn 4 hoạt động; bậc THPT giảm từ 13 môn 5 hoạt động xuống còn 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Chương trình tích hợp sẽ giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không phải học cùng lúc quá 8 môn". Cũng theo ông Hiển, khi dạy tích hợp giáo viên sẽ tổ chức hướng dẫn để học sinh biết huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết nhiệm vụ học tập. Thông qua đó, sự hình thành kiến thức, kỹ năng mới sẽ được phát huy, đồng thời năng lực giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn sẽ tự đến với học sinh.
Tiết học tích hợp 2 môn hoá - sinh theo chủ đề "Phân bón hoá học" tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội)
Kiến thức vẫn thế
Tại buổi học bằng phương pháp tích hợp 2 môn hoá - sinh với chủ đề "Phân bón hoá học", học sinh lớp 9B khối THCS thuộc Trường Thực nghiệm (Hà Nội) đã được chia làm 4 nhóm với 4 nội dung xoay quanh chủ đề các loại phân bón hoá học. Học sinh tự tìm hiểu và thuyết trình về kali, lân, đạm... bằng hình ảnh trình chiếu, các sơ đồ, bảng biểu... phân tích thành phần hoá học, cơ chế tác động lên cây trồng, đồng thời hiệu quả khi sử dụng phân đạm và cách sử dụng khi bón cho từng loại cây trồng. Sau khi trình bày, giáo viên cho học sinh trong lớp tự đánh giá và rút ra kiến thức tổng hợp của môn học, trải nghiệm thực tế bằng video clip nói về tác động của phân bón hoá học lên cây lúa ở vùng ĐBSCL...
Ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, giảm số môn không đồng nghĩa với giảm tải vì thực chất tích hợp là kết hợp kiến thức để học sinh tốn ít thời gian hơn nhưng được nhiều thông tin hơn, như vậy thực ra là... tăng tải.
Giáo viên giảng dạy tiết học cho biết: "Chỉ trong 1 tiết học nhưng học sinh đã được trang bị kiến thức của cả 2 môn hoá và sinh học, kiến thức rất thực tế, ít hàn lâm nên học sinh nhanh hiểu bài". Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho biết, để có được một tiết học tích hợp như thế cả thầy và trò đã phải "làm việc" cật lực. Giáo viên đòi hỏi phải am hiểu sâu kiến thức 2 môn, học sinh phải chuẩn bị bài rất cầu kỳ.
Nói về phương pháp dạy tích hợp, cô Đỗ Thị Hà- giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh (Nghệ An) cũng cho rằng: Hiện giáo viên nói đến dạy tích hợp còn rất e ngại, bởi tích hợp đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy 2 - 3 môn trong 1, lượng kiến thức vẫn thế nhưng làm thế nào để cắt, giảm mà vẫn phải đủ, không thừa, không thiếu. Đối với những giáo viên đã quen với việc giảng dạy truyền thụ đơn thuần nhiều năm nay để thay đổi họ là điều không hề dễ.
TS Hồ Văn Hoành - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam thì cho rằng: "Để dạy tích hợp đòi hỏi phải thay đổi tư duy và năng lực giáo viên là điều đầu tiên, giáo viên ngoài việc phải "đa di năng" về kiến thức phải biết cách truyền thụ theo phương pháp mới để học sinh không bị quá tải bởi lượng kiến thức khổng lồ được tích hợp. Tiếp đó là thay đổi chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với từng môn học để có thể hỗ trợ được giáo viên trong việc giảng dạy".
Theo TNO
Phát triển tiềm năng mỗi cá nhân Theo đại diện ban soạn thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ GD-ĐT, nét mới trong tư tưởng của đề án là nhấn mạnh vào việc giáo dục, đào tạo từng cá nhân. Dự kiến ngân sách cho giáo dục tăng đáng kể. Mục tiêu của đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện...