Chính phủ Anh phát hành NFT
Chính phủ Vương quốc Anh dường như đang muốn dẫn đầu thế giới tiền điện tử khi công bố kế hoạch phát hành mã thông báo không thể thay thế (NFT) vào hôm 4.4.
Theo CNBC, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak đã yêu cầu Royal Mint, công ty thuộc sở hữu của chính phủ, chịu trách nhiệm tạo và phát hành NFT “vào mùa hè”. Tại một sự kiện công nghệ tài chính (fintech) ở London, ông John Glen, Bộ trưởng phụ trách Kinh tế Ngân khố của Vương quốc Anh, cho biết “sẽ sớm có thêm thông tin chi tiết” về việc này.
NFT là tài sản kỹ thuật số đại diện cho quyền sở hữu một vật phẩm ảo như tác phẩm nghệ thuật hoặc hình đại diện trò chơi điện tử bằng cách sử dụng blockchain. NFT đã thu hút được nhiều sự chú ý trong năm qua nhờ sự tham gia của những người nổi tiếng và các tập đoàn lớn.
Cũng trong sự kiện fintech, ông Glen đã đề cập đến một số bước mà chính phủ Anh sẽ thực hiện để giám sát chặt chẽ hơn tài sản kỹ thuật số, bao gồm: tham khảo ý kiến về “chế độ hàng đầu thế giới” để điều chỉnh giao dịch bằng các loại tiền điện tử bao gồm cả Bitcoin, yêu cầu Ủy ban pháp luật xem xét tình trạng pháp lý của các cộng đồng blockchain, kiểm tra việc xử lý thuế đối với khoản vay tài chính phi tập trung (DeFi), đưa stablecoin vào trong các quy định hiện có về thanh toán điện tử, thành lập nhóm tương tác tiền điện tử do cơ quan quản lý của chính phủ dẫn dắt, và khám phá ứng dụng của công nghệ blockchain trong việc phát hành công cụ nợ.
Ngoài ra, chính phủ Anh cũng đang “mở rộng” tầm nhìn để xem xét các khía cạnh khác của tiền điện tử, bao gồm Web3.0, xu hướng đang ngày càng phổ biến về một phiên bản internet phi tập trung hơn được xây dựng trên công nghệ blockchain.
Video đang HOT
Chính phủ Anh có kế hoạch sẽ phát hành NFT vào mùa hè này
“Không ai biết chắc chắn Web3.0 sẽ trông như thế nào. Nhưng có mọi cơ hội để blockchain trở thành một phần không thể thiếu đối với sự phát triển. Chúng tôi muốn Vương quốc Anh luôn dẫn đầu và tìm kiếm những cơ hội kinh tế lớn nhất”, ông Glen nói.
Tuy nhiên, ông Mauricio Magaldi, Giám đốc chiến lược toàn cầu về tiền điện tử tại công ty tư vấn fintech 11:FS, lại có quan điểm hoài nghi về các kế hoạch NFT của chính phủ. Trong một bình luận qua email, ông cho rằng quyết định phát hành NFT của chính phủ “dường như không gì hơn một chiêu trò PR chiến lược”.
Tín hiệu lộn xộn
Những người trong ngành mới đây đã lên tiếng kêu gọi làm rõ quan điểm của chính phủ Anh đối với tiền điện tử, đặc biệt khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới bắt đầu xem xét kỹ hơn thị trường trị giá 2.000 tỉ USD. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp, thúc giục sự phối hợp của toàn chính phủ về việc điều chỉnh tiền điện tử. Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã bỏ phiếu chống lại những biện pháp có thể gây rủi ro cho tương lai của hoạt động khai thác tiền điện tử. Tuy nhiên, họ cũng thông qua quy tắc mới nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền điện tử ẩn danh.
Trong khi đó, tại Anh, các cơ quan quản lý nước này đã không ít lần có thái độ gay gắt đối với tài sản kỹ thuật số. Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) của Anh đã “xa lánh” phần lớn các công ty tiền điện tử nộp đơn đăng ký với cơ quan giám sát, với lý do lo ngại quá nhiều về “dấu hiệu tội phạm tài chính”. Một số công ty, bao gồm Blockchain.com, B2C2 và Wirex, đã buộc phải ngừng hoạt động tiền điện tử của họ ở Anh và chuyển ra nước ngoài, sau khi không được chấp nhận hồ sơ đăng ký cuối cùng.
Lệnh cấm đào coin của Trung Quốc là 'món quà nghìn tỷ' với Mỹ
Các nhà lập pháp Trung Quốc đã cấm khai thác tiền điện tử vào tháng 5 năm 2021 trước những lo ngại về môi trường đã dẫn đến cuộc di cư của hàng loạt "thợ đào" qua Mỹ.
Các nghiên cứu cho biết vào tháng 8 năm 2021, khoảng 35% hashrate (tỷ lệ băm) khai thác toàn cầu diễn ra ở Mỹ trong khi một năm trước đây, tỷ lệ hashrate chỉ là 4%. Điều này cho thấy lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc là một "món quà nghìn tỷ USD" đối với Mỹ.
Quan điểm trên được phản ánh bởi Michael Saylor, Giám đốc điều hành của MicroStrategy, một công ty phân tích phần mềm đã tích lũy Bitcoin với số lượng lớn kể từ năm ngoái. Ông cho rằng Trung Quốc đang cắt giảm khối tài sản tạo ra 10 tỷ USD hàng năm và nó có khả năng tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các bang như Texas và Miami chào đón ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử, hứa hẹn một công nghiệp khai thác đầy triển vọng.
Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử đang gặp khó khăn trước những cáo buộc làm ảnh hưởng tới môi trường. Trước tình hình đó, nhiều nỗ lực khai thác đã áp dụng phương pháp bù đắp carbon như trồng cây. Tuy nhiên, cách khắc phục tốt nhất đó là tập trung vào việc tạo ra một thị trường cho các tổ chức khai thác đã thành lập để mua nguồn năng lượng sạch.
Đây là điều mà Hội đồng khai thác Bitcoin (BMC) được thành lập gần đây đang cố gắng thực hiện. Đó là một tập đoàn gồm nhiều công ty khai thác khác nhau, bao gồm những công ty lớn như MicroStrategy, đang giúp các công ty hướng tới các nguồn năng lượng xanh.
BMC đã phát hành một báo cáo cho thấy việc sử dụng năng lượng bền vững trong khai thác Bitcoin đã tăng từ 37% lên 59% vào năm 2021. Báo cáo không tính đến bất kỳ hoạt động bù đắp carbon nào, có nghĩa chỉ tính riêng hoạt động sử dụng năng lượng xanh
Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc đã tạo ra doanh thu đáng kể cho Mỹ và tạo ra việc làm ở một số bang. Và với việc ngành công nghiệp chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, xanh, không carbon cũng là cơ sở khiến cho lệnh cấm cũng có thể trở nên lỗi thời.
"Tôi chắc chắn rằng người dân Trung Quốc sẽ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc cấm một trong những đổi mới lớn nhất trong lịch sử tài chính, kinh tế và kế toán", Darin Feinstein, nhà đồng sáng lập công ty khai thác Core Scientific nhận định.
Lối thoát cho hoạt động 'đào' tiền điện tử Trong lúc nhiều quốc gia đang đau đầu vì những bài toán xung quanh năng lượng - môi trường và tiền điện tử, một công ty ở Mỹ đã nghĩ ra giải pháp xanh cho bài toán này. Tiền điện tử và những cân nhắc vì môi trường Lượng điện khổng lồ cần thiết để khai thác tiền điện tử mã hóa vốn...