Chính cha mẹ phải đổi thay!
Đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định: Dạy kỹ năng sống cho trẻ không chưa đủ, mà chính cha mẹ của trẻ cũng cần được tư vấn để thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ. Ông đã có cuộc trao đổi với GD&TĐ về vấn đề này.
Trẻ mầm non học kỹ năng bơi thuyền
- Xin ông cho biết nhận định của mình về thực trạng dạy kỹ năng sống hiện nay?
- Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp : Hiện nay các cơ sở đào tạo kỹ năng sống cho trẻ mọc lên ngày càng tràn lan với chất lượng khó kiểm soát. Lý do là vì có những cơ sở chỉ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch đầu tư với lĩnh vực kinh doanh là giáo dục, rồi tự thiết kế các khóa học, tự xây dựng chương trình rồi cứ thế hoạt động mà không thông qua Sở Giáo dục Đào tạo thẩm định, không thông qua bất cứ cơ quan chuyên môn nào trong khi nội dung có đảm bảo tính khoa học và phù hợp hay không là rất quan trọng
Đến nay, chưa có trường, khoa nào dạy chuyên ngành về kỹ năng sống. Người dạy kỹ năng sống cần phải có chuyên môn về tâm lý, giáo dục, xã hội nhưng thực tế có nhiều người học chuyên ngành khác, không liên quan gì nhưng cũng đi dạy kỹ năng sống. Có thể vì kỹ năng sống không phải là chuyên ngành quá chuyên sâu nên có phần bị coi nhẹ về quản lý và đào tạo, xin cấp phép, xin dạy cũng dễ hơn những môn văn hóa khác.
- Sự quản lý lỏng lẻo đó đã dẫn đến những hậu quả như thế nào, thưa ông?
- Có một tệ nạn đang diễn ra là có những trung tâm kỹ năng sống mở ra để dạy cho những trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… một cách sai lệch để trục lợi. Trường hợp trung tâm Tâm Việt mà báo chí nói đến vừa qua, theo tôi không phải là duy nhất. Vẫn còn không ít những trung tâm kiểu như vậy, họ đánh vào tâm lý của những phụ huynh có con tự kỷ, con chậm phát triển… mà gần như không có ai quản lý những trung tâm đó.
Có nhiều nơi dạy kỹ năng sống bê nguyên xi chương trình dạy của nước ngoài vào Việt Nam mà không cần tìm hiểu xem nó có phù hợp với thể trạng, tâm lý của trẻ em Việt Nam hay không trong khi có một nguồn kỹ năng sống mà hiện tại đang bị bỏ qua, bị lãng quên, đó chính là các trò chơi dân gian Việt Nam. Bất cứ trò chơi dân gian nào cũng đều có ứng dụng kỹ năng sống, ví dụ trò “Bịt mắt bắt dê” dạy trẻ khả năng phản ứng, phản xạ, khả năng định hướng về không gian; trò chơi Ô ăn quan dạy trẻ khả năng tính toán…
Hầu hết các trò chơi dân gian đều phục vụ kỹ năng sống, người ta chỉ cần bám vào đó để dạy trẻ thôi là cũng được rồi chứ không cần phải tìm đến cái gì xa xôi. Mình cứ đi tìm cái gì thật xa, thật khó, thật hiện đại, công nghệ mà bỏ đi cái nền tảng đã tồn tại hàng nghìn năm là rất đáng tiếc.
Video đang HOT
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp
Tại phụ huynh thấy con mình suốt ngày tivi, điện thoại, ipad, bị lệ thuộc quá vào các thiết bị công nghệ, điện tử mà thấy kỹ năng sống là cần thiết. Nếu so sánh giữa các thiết bị điện tử và kỹ năng sống thì rõ ràng họ thấy học kỹ năng sống tốt hơn cho dù nó phù hợp hay không phù hợp với con mình. Nhưng họ quên mất rằng, ngày xưa chính họ là trẻ con được chơi các trò chơi dân gian, được phát triển rất tốt các kỹ năng mà không nghĩ đến hoặc không tìm được nơi dạy cho con mình các trò chơi đó.
Trong hoàn cảnh và điều kiện hiện tại, với sự lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại, tivi, các bậc cha mẹ buộc phải tìm đến những nơi tổ chức kỹ năng sống cho con mình, cho dù nhiều tiền hay ít tiền, dạy như thế nào cũng phải chấp nhận. Thực tế, học kỹ năng sống cũng là con đường để đứa trẻ hòa nhập, giao tiếp với xã hội. Tuy nhiên các trung tâm đó hoạt động như thế nào, dạy như thế nào thì đang mất kiểm soát. Việt Nam không có một hiệp hội nào đứng ra giám sát nên các trung tâm muốn làm, muốn hoạt động như thế nào cũng được, miễn là không vi phạm quá đáng về đạo đức như trường hợp Trung tâm Tâm Việt.
- Ông luôn nhắc đến vai trò của phụ huynh trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Vậy gia đình quan trọng như thế nào để trẻ phát huy được kỹ năng của mình, thưa ông?
- Nhiều khi kỹ năng không quan trọng mà không gian để đứa trẻ tách khỏi những thói quen, lệ thuộc hàng ngày để phát triển mới quan trọng. Về cơ bản, kỹ năng sống là rất tốt nhưng việc một đứa trẻ ứng dụng những kỹ năng sống đã được học đó như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào gia đình, cha mẹ có tạo điều kiện để đứa trẻ phát triển kỹ năng đó hay không. Ví dụ như trẻ học xong kỹ năng về tư duy phản biện, kỹ năng về ra quyết định nhưng khi về nhà, bố mẹ vẫn chỉ đạo, vẫn ra lệnh phải làm việc này việc kia, không cho đứa trẻ tranh luận thì kỹ năng được học không có tác dụng gì cả, thậm chí có thể làm cho đứa trẻ ức chế, khó chịu hơn.
Chính vì thế, khi dạy đứa trẻ kỹ năng sống thì đồng thời chính người lớn, cha mẹ cũng phải được tư vấn về kỹ năng sống. Một đứa trẻ được học cách phản biện, cách ra quyết định thì khi về nhà, bố mẹ có cho con cùng tham gia bàn luận không hay vẫn theo thói quen “con phải ăn cái này”, “con phải làm việc kia”, “con phải đi chỗ đó”… Đấy là người lớn ra quyết định cho nó chứ đứa trẻ không có quyền ra quyết định nữa. Cứ như vậy, trẻ bị thui chột những gì đã được học và chỉ có thể trở thành “gà công nghiệp” mà thôi.
Tuy nhiên, việc tư vấn cho người lớn hiểu về kỹ năng sống, tạo môi trường cho trẻ ứng dụng, phát huy những kỹ năng được học không hề dễ dàng. Bởi tư duy thói quen, tâm lý, văn hóa Khổng giáo với thứ bậc “trên bảo dưới nghe” đã tồn tại hàng nghìn đời ăn sâu vào suy nghĩ của những người làm cha mẹ. Nếu tư duy gia đình không thay đổi thì đừng trông mong đứa trẻ sẽ thể hiện bản thân.
- Xin cảm ơn ông
Đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định: Dạy kỹ năng sống cho trẻ không chưa đủ, mà chính cha mẹ của trẻ cũng cần được tư vấn để thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ. Ông đã có cuộc trao đổi với GD&TĐ về vấn đề này.
Bạch Dương (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Trẻ tự kỷ sẽ thiệt thòi nếu theo học hòa nhập
Số lượng trẻ tự kỷ theo học tại các trường tiểu học tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nhiều bậc phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận.
Điều này khiến cho trẻ chịu nhiều thiệt thòi và càng khó phát triển bình thường vì không được can thiệp đúng cách.
Trẻ tự kỷ ở Trường chuyên biệt Khai Trí - HUỲNH NGỌC ĐIỀN
Trẻ tự kỷ tăng đột biến
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch HĐQT Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí và Trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, cho biết: "Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 trẻ tự kỷ đăng ký học tại các cơ sở của Khai Trí. Các cơ quan chức năng như giáo dục, y tế... chưa có nơi nào thống kê số lượng trẻ tự kỷ là bao nhiêu, nhưng thực tế cho thấy ở những bệnh viện nhi đồng, trung tâm tâm thần và tâm thần nhi đang quá tải người đến khám về tự kỷ và chậm phát triển".
Còn tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trên thế giới, trẻ tự kỷ gần đây tăng đột biến và VN cũng không ngoại lệ. Ông Điệp thông tin: "Cách đây 20 năm, 10.000 trẻ mới có 5 - 6 trẻ tự kỷ. Năm 2014, Tổ chức Tầm soát và phòng dịch bệnh của Mỹ khảo sát tỷ lệ là 1/120 và hiện tại là 1/50".
Không chấp nhận, phụ huynh gửi con học hòa nhập
Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: "Hiện trường có hơn 20 trẻ có các biểu hiện của tự kỷ như tăng động, không giao tiếp với ai, thích thì học, không thích thì thôi, đang học tự động bỏ ra ngoài đi chơi, không kiểm soát được hành vi... Đa số phụ huynhkhông muốn thừa nhận vì ngại những người xung quanh có cái nhìn phân biệt. Cha mẹ biết con mình chậm và khác với trẻ bình thường, có buồn nhưng không chấp nhận. Trường đề xuất phụ huynh đưa trẻ đi kiểm tra để biết con mình có bị tự kỷ hay không, mức độ đến đâu..., thậm chí năn nỉ, nhưng nhiều trường hợp không đi".
Một giáo viên của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thông tin tại trường này, trẻ tự kỷ tăng lên rất nhiều trong mấy năm qua. Nhưng phần lớn phụ huynh biết nhưng e ngại, không muốn bạn bè, bà con biết mình có con tự kỷ, nên cứ tiếp tục để con học tại trường mà không đưa đi khám cũng như không tìm phương pháp can thiệp.
Theo tiến sĩ Điệp, để chấp nhận có con bất thường là rất khó khăn. Phụ huynh cần được tư vấn về tâm lý để dũng cảm đón nhận vì phải chấp nhận thì mới hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giúp con phát triển tốt hơn. "Tuổi vàng để can thiệp tự kỷ là dưới 4 tuổi. Sự phát triển của tế bào thần kinh sau 4 tuổi giảm đi, nên càng can thiệp sớm, cơ hội hòa nhập càng cao", tiến sĩ Điệp nhìn nhận.
Thiếu giáo viên có chuyên môn
Ông Đỗ Minh Hoàng, nguyên Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận giáo viên ở các trường tiểu học lại không có chuyên môn, không được dạy về các kỹ năng, phương pháp dạy trẻ tự kỷ ở trường sư phạm. Vì thế, trẻ bị nhẹ thì còn xử lý được, trẻ có những biểu hiện nặng thì rất khó và tội cho cả cô lẫn trò.
Còn theo ông Trần Tâm, lớp quá đông, giáo viên không thể bỏ mặc các học sinh còn lại để chỉ quan tâm tới 1 - 2 trẻ khác biệt. "Trường cố gắng xếp các em đặc biệt vào lớp của các giáo viên có kinh nghiệm. Nhưng thực ra là các giáo viên chỉ có kinh nghiệm chứ không có chuyên môn dạy trẻ tự kỷ. Giáo viên phải được đào tạo bài bản mới có phương pháp để dạy những học trò này".
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, ở các nước công nghiệp cao, số trẻ tự kỷ nhiều, chính sách chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ rất rõ ràng. Ví dụ ở Canada và Mỹ, mỗi trẻ tự kỷ được hỗ trợ giáo dục 25.000 - 30.000 USD/năm.
Bác sĩ Mẫm chia sẻ: "Họ có chủ trương cho trẻ tự kỷ vào trường học bình thường, đi kèm là một hoặc hai thầy hoặc cô chuyên biệt, tốt nghiệp ngành tâm lý hoặc giáo dục đặc biệt, có quy định học chung và riêng theo thời khóa biểu mỗi ngày. Nhưng ở VN không được như vậy, do giáo viên chuyên biệt thiếu trầm trọng; trẻ tự kỷ học chung, không được thầy cô giáo chuyên biệt quan tâm, sẽ bị cô lập với các bạn học sinh bình thường".
Ít sinh viên theo học
Ông Võ Đình Vũ, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương TP.HCM, thông tin: số lượng thí sinh đăng ký ngành giáo dục đặc biệt thường ít hơn các ngành khác. "Mỗi năm trường chỉ đào tạo 20 - 30 em nên không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các em học xong có khi cũng đi dạy ở bên ngoài được trả 200.000 - 300.000 đồng/giờ nên ít em muốn nộp hồ sơ vào các trường tiểu học để dạy", ông Vũ cho hay.
Theo Thanh niên
Video: Một ngày đặc biệt ở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ Theo chị Nguyễn Thị Huyền, gánh trên vai trọng trách giáo dục làm phát triển một con người đặc biệt (trẻ tự kỷ) mới thấy, mọi sự rất vất vả và gian truân. Video: Một ngày ở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ Trung tâm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đặc biệt Hừng Đông (tại Hà Nội) đang chăm sóc nuôi...