“Chính các con là người thầy kỳ lạ”
Một ngày tháng Mười năm 2019, tôi may mắn được dự một bữa tiệc sinh nhật khá lạ lùng.
Đó là một bữa tiệc sinh nhật kép của một trung tâm chuyên đào tạo Kỹ năng sống, 18 năm thành lập trung tâm Tâm Việt, và 5 năm chuyên sâu thực hành giáo dục đặc biệt, kiêm nghiên cứu phương pháp phát triển trẻ tự kỷ.
Bữa tiệc sinh nhật diễn ra vào chiều muộn bên bờ sông Đuống thanh bình. Con sông lặng lẽ bao quanh khu trung tâm, như không hề chảy, chỉ thỉnh thoảng xao động vì một con phà chở than, gỗ, nguyên liệu xây dựng chạy qua. Nhưng trung tâm giáo dục bên bờ sông thì sôi động bởi tiếng nhạc, tiếng trẻ reo cười, tiếng người lớn chào hỏi hân hoan, những bó hoa, chai rượu mừng, đặc biệt là nụ cười của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo trong trung tâm khi ngắm nhìn đám trẻ tự kỷ trong đồng phục màu cam tập trung ăn tối, và chuẩn bị biểu diễn trong đêm sinh nhật.
Quan sát các em nhỏ tự kỷ đang tuổi thiếu niên, hoặc thanh niên, chừng 50 em, trong trung tâm này, tôi nhận thấy các em rất khác, bên các em luôn có thầy, hoặc cô hỗ trợ, các em có những phản ứng quá lên, có thể lặng lẽ quá, tinh nghịch quá, hoặc vui thái quá, đặc biệt là cách các em biểu hiện tình cảm, ôm hôn nồng nhiệt, vượt qua mọi e ngại thông thường. Bởi các em không phải là những người thường, các em hồn nhiên, tự do làm điều mình muốn bất kể quy tắc hay rào cản cảm xúc của xã hội dựng lên.
Các học trò tự kỷ tại Tâm Việt
Với quan điểm thông thường, thì trẻ tự kỷ được coi là bệnh nhân khó chữa, nhiều phần nguy hiểm và cần kiểm soát chặt chẽ hành vi 24/24h để tránh gây hại cho bản thân, và những người xung quanh. Tuy nhiên, trong 5 năm nay, khi Tâm Việt chính thức bắt tay vào lĩnh vực phát triển trẻ tự kỷ, thì họ đã đảo ngược hoàn toàn cách nhìn trẻ tự kỷ.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập trung tâm Tâm Việt, nêu một triết lý khá đơn giản lâu đời của người Việt “có tài thường có tật”, do đó, mỗi trẻ tự kỷ là một tài năng, điều cốt lõi là làm sao phát hiện ra tài năng ở mỗi em để phát triển tài năng đó đóng góp cho cộng đồng.
TS Phan Quốc Việt và 1 học trò tự kỷ
Lý luận đó của vị Tiến sĩ ngành Toán-Lý thoạt nghe có vẻ hoang đường. Tuy nhiên, Sau 5 năm tập trung vào công việc giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, thì những thành quả thực tế đã minh chứng cho lý luận cũng như cái nhìn khác biệt của ông về trẻ tự kỷ.
Tại trung tâm này, các em không bị nhồi thuốc để kiềm chế hành vi quá mức đến thành gây hại, trái lại, các em được hoạt động hết sức mình, dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn và tình yêu thương vô hạn của các thầy cô. Trong khi đưa các em vào hoạt động, từng điểm mạnh của mỗi em được bộc lộ, và thầy cô dựa vào đó để tập trung phát triển năng lực đặc biệt ấy.
Video đang HOT
Đã có những trường hợp tài năng được bồi dưỡng, vun trồng và tỏa sáng từ trung tâm Tâm Việt, đó là kỷ lục gia Khôi Nguyên, Nguyễn Đình Khánh Hưng, tài năng nhí Triệu Khánh Su, diễn giả nhí vui nhộn Tony Nguyễn… Chính trong đêm sinh nhật trung tâm, các em đã cùng biểu diễn tài năng độc đáo của mình, khiến khán giả, là những phụ huynh, thầy cô, các nhà báo, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, doanh nhân… dự buổi tiệc vô cùng kinh ngạc và thán phục.
Những học trò tự kỷ tài năng biểu diễn mừng sinh nhật trung tâm
Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ, ông đã từng dạy kỹ năng sống cho nhiều khóa gồm các chính trị gia, doanh nhân, cán bộ giáo dục, giáo viên, sinh viên, học trò… trong hai thập niên qua, việc dạy cũng chính là việc tự đào tạo một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, khi tiếp cận môn giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ trong 5 năm qua, thì chính các con lại là người thầy hiệu quả nhất, kỳ lạ nhất đối với ông.
Coi các con là chủ nhân của giáo dục, mà mỗi con lại cần tiếp cận bằng một phương pháp riêng biệt, phù hợp nhất với năng lực của con, thì đó chính là một hành trình học hỏi không mệt mỏi, đồng thời là hành trình khám phá kỳ diệu năng lực đặc biệt mà tự nhiên trao riêng cho con. Mỗi người sinh ra trên thế gian này, đều hữu ích trong một việc nhất định. Càng khó khăn trong giáo dục, thì càng chứng tỏ một mỏ năng lực quý xứng đáng được đầu tư giáo dục sâu hơn, giá trị hơn. Giống như ngọc ẩn trong đá, phải trầy trật phá đá, phải vượt qua cảm giác bất lực và cảm giác buông xuôi, muốn đầu hàng hết lần này đến lần khác.
Thật bất ngờ, các con tự kỷ đã khiến ông tiến bộ nhanh nhất trong 5 năm qua. Ông thành thực biết ơn các con, bởi chính có các con, ông mới hiểu sâu sắc nhất bài học làm người, hiểu sâu sắc lòng người, hiểu sâu sắc về giáo dục, khoa học thần kinh, bản chất của lãnh đạo. Khi thực sự đêm ngày ở cùng các con, đánh vật với các con, ông đã tự thay đổi.
Những học trò tự kỷ tài năng biểu diễn mừng sinh nhật trung tâm
Như vậy với vị tiến sĩ này, cũng như trung tâm Tâm Việt, thì với mỗi chủ nhân của giáo dục, cần có cách tiếp cận giáo dục chính xác, riêng biệt để con được thay đổi số phận, thay đổi thế giới.
Ghi chép của KBH
Ảnh: Phạm Tiến Dũng
Theo petrotimes
Chuyện cô giáo tự xây dựng phần mềm
Với kinh nghiệm của một giáo viên có gần 20 năm dạy trẻ khó hòa nhập, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai) đã tự nghiên cứu và xây dựng nên phần mềm chuyên hỗ trợ trẻ tăng động, giảm tập trung, trẻ tự kỷ nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng
Trăn trở với việc giáo dục trẻ khó hòa nhập
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cho biết: Từ ngày còn là sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2), tôi đã làm gia sư dạy kèm cho một trẻ tự kỷ. Rồi như một cơ duyên, ra trường, tôi lại được nhận dạy một trẻ tự kỷ khác tại Hà Nội. Hằng ngày, nhiệm vụ của tôi chỉ là giữ cho em ngồi yên, luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học. Sau đó, tôi vào dạy ở Trường Tiểu học Vĩnh Hưng rồi biên chế tại Trường Tiểu học Tân Mai.
Cô Diệp đón nhận tình cảm của học sinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Trong quá trình dạy học, những học sinh tự kỷ luôn làm tôi thấy day dứt. Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy, hết giờ ở trường, tôi vẫn miệt mài đi dạy cho những em mắc chứng tự kỷ nặng. Đã không ít lần tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng rồi đam mê, lòng yêu trẻ lại thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng.
Càng ngày, cô Diệp càng nhận ra xung quanh có nhiều trẻ khó hòa nhập (bao gồm: Trẻ tự kỷ, trẻ phổ tự kỷ và trẻ tăng động giảm tập trung) chưa được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng các em ngày càng nặng thêm. Từ đó, cô Diệp quyết tâm phải tìm ra được phương pháp hiệu quả để giúp các em phát triển bình thường và hòa nhập với cuộc sống. Tất cả những phương pháp giáo dục trẻ khó hòa nhập như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động... cô Diệp đều đã thực hiện nhưng nhận thức của học sinh khó hòa nhập vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Nhận thấy có tới 90% học sinh khó hòa nhập mà cô dạy có niềm đam mê sâu sắc với máy tính nhưng trên mạng Internet hiện nay chỉ có các phần mềm học tập dành cho học sinh bình thường và học sinh giỏi xuất sắc, bằng kinh nghiệm của một giáo viên tiểu học gần 20 năm dạy trẻ tự kỷ, cô Diệp quyết định sẽ tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập.
Trước khi xây dựng phần mềm này, cô Diệp đã dành một thời gian dài tìm hiểu về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ khó hòa nhập. Cô tham gia Câu lạc bộ Hội Cha mẹ có con tự kỷ tại Hà Nội. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đến các trung tâm hỗ trợ Trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để giao tiếp, trò chuyện với các em. Cô cũng tham gia đầy đủ các khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam để có thêm kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt. Đến năm học 2018 - 2019, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu, cô Diệp đã tổng hợp kiến thức thu nhận được thành phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Theo cô Diệp, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập khác hẳn phần mềm cho học sinh bình thường rất nhiều. Bởi phần mềm dạy học sinh bình thường thiên về truyền tải kiến thức bằng chữ viết và tập trung vào hệ thống bài tập nâng cao. Còn đối với học sinh khó hòa nhập, phần mềm cần phải được chú trọng nhiều hơn về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để các em dễ tiếp thu hơn. "Khi sáng tạo phần mềm này, tôi đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của học sinh khó hòa nhập so với học sinh bình thường.
Các em khó hòa nhập ham thích dùng máy tính, ham thích được làm những bài toán dễ và khi được khen, dù chỉ là rất ít, các em cũng vô cùng sung sướng. Mỗi lời khen của cô, mỗi tiếng vỗ tay của các bạn khiến cho các em say mê hơn với việc học. Dần dần, những kiến thức mà các em học được sẽ là bước tiến nhỏ để các em tập trung hơn trong giờ học" - cô Diệp chia sẻ.
Đặc biệt, qua phần mềm, cô Diệp đã khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ cùng với mình để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phụ huynh giám sát con làm, sao lưu kết quả và tương tác được với giáo viên trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet học sinh vẫn có thể sử dụng được. Trải qua cả quá trình gian nan, giờ đây, những học sinh đặc biệt trong lớp cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp làm chủ nhiệm đã có rất nhiều tiến bộ. Trong mỗi hoạt động ngoại khóa, các em đã mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều.
"Phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy" - ông Nguyễn Ngọc Ân (Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) chia sẻ sau khi nghe cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp trình bày về phần mềm trước Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3
Dành tình thương cho trẻ khó hòa nhập
Dạy học chưa bao giờ là việc dễ dàng và việc dạy những trẻ khó hòa nhập lại càng thách thức hơn rất nhiều. Đã không ít lần, cô Diệp phải bật khóc vì bất lực khi cô dạy mãi cả năm trời, học sinh vẫn không biết cách làm một việc đơn giản nhất là nắm tay. Nhưng cô Diệp chưa bao giờ bỏ cuộc bởi cô luôn tâm niệm: "Tôi đến với trẻ khó hòa nhập không chỉ bằng tình thương mà còn như một niềm đam mê. Càng gắn bó với các em, tôi càng thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống". Theo cô Diệp, điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề bên cạnh kiến thức chuyên môn là tình yêu trẻ, yêu nghề. Khi có đủ những điều đó, thì khó đến mấy cũng sẽ vượt qua.
Trong những học sinh khó hòa nhập mà cô Diệp từng dạy, học sinh để lại cho cô nhiều ấn tượng nhất là em Trương Thăng. Thăng ít nói từ bé, âm điệu lại không rõ. Khi đến trường, lúc nào em cũng mơ màng, vô cảm, không học, không chơi và không tiếp xúc với bất cứ ai. Cô Diệp đã tìm mọi cách để trò chuyện với em và hướng dẫn em phát âm. Sau mỗi giờ học, cô lại cần mẫn qua nhà để dạy riêng cho em những kỹ năng cơ bản của một đứa trẻ bình thường. Ngày ngày, cô ở bên cạnh em, cùng em chơi, cùng em luyện tập. Lần đầu tiên được Thăng nắm tay, cô Diệp đã bật khóc vì vui mừng và xúc động. Từ đó, Thăng để cô nắm tay em bước dần ra thế giới bên ngoài và đưa em vào nề nếp học tập.
Cô Diệp cùng học sinh hỗ trợ các bạn mắc chứng tăng động vào giờ ra chơi.
Không phụ công cô, từ một học sinh tự kỷ nặng, Thăng đã thay đổi rõ rệt. Sau 5 năm Tiểu học, em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán, thậm chí cả những bài toán khó với phân số, số thập phân em đều làm thành thạo. Em cũng đã biết cách viết một bài văn để thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Trong bài văn đầu tiên, em viết: "Cô Diệp có đôi mắt rất to. Cái miệng hơi rộng. Cô hay cười để lộ hàm răng trắng bóng như kem Tràng Tiền". Những dòng chữ chân thật, ngây thơ ấy, đối với mẹ em và cô Diệp, giống như là những kì tích. Đến nay, Thăng đã là một thanh niên 18 tuổi. Em đã biết làm việc nhà giúp mẹ nhưng hằng ngày vẫn dành 45 phút để làm bài cô Diệp giao.
May mắn đối với cô Diệp là trong suốt nhiều năm dạy học cho trẻ khó hòa nhập, cô luôn được gia đình ủng hộ. "Tôi còn nhớ, cách đây 16 năm, con gái của tôi khi đó mới chỉ 4 tháng tuổi. Hàng ngày, ông bà trông con hộ tôi đến 9 giờ tối. Khi tôi trở về nhà, lúc nào ông bà cũng khen "bé ngoan" để tôi yên tâm làm việc. Phụ huynh của tôi còn nhiều lần ôm mẹ chồng tôi mà khóc: "Ông bà giúp đỡ gia đình con. Nếu cô Diệp không giúp, sẽ không ai giúp con được". Thực sự, tôi biết rằng, những việc tôi đã làm khiến cho bố mẹ tôi cũng phải cảm động và sẵn sàng làm tất cả việc nhà cho tôi say mê với con đường mà mình đã chọn" - cô Diệp bồi hồi chia sẻ.
Con gái Phùng Khánh Huyền của cô Diệp, ngày nào sau giờ tan học cũng cùng mẹ đến nhà các anh chị học sinh tự kỷ. Khi mẹ dạy các anh chị học, Huyền cũng ngồi riêng một góc tự học bài. Chứng kiến trọn vẹn tâm huyết của mẹ, Huyền có ý tưởng sẽ kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức chung tay vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam. Em cũng mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà báo để góp phần lan tỏa những việc làm tốt đẹp như việc mà mẹ em đang làm đến nhiều người hơn nữa.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Giáo dục đặc biệt: "Bật mí" của chuyên gia Theo các chuyên gia, GD hòa nhập đối với học sinh khuyết tật là một xu thế thời đại và được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. GD hòa nhập được tiến hành với các tiền đề mà theo đó nhà trường sẽ tốt hơn nếu thu nhận mọi trẻ em trong cộng đồng. GV sẽ tốt hơn...