Chiều đông nhớ bánh mỳ Nam Ngạn
Đã từng được ví như “thủ phủ bánh mỳ” nức tiếng xứ Thanh, nơi ấy giờ đây đã trở thành một thời dĩ vãng. Bánh mỳ Nam Ngạn giờ chỉ còn sót lại số ít những gia đình lưu giữ nghề của một thời hoàng kim ấy.
“Nam Ngạn à! Đó chính là “thủ phủ” bánh mỳ xứ Thanh. Bánh mỳ Nam Ngạn được nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh biết đến là làng làm bánh mỳ ngon nức tiếng. Bánh mỳ Nam Ngạn thơm ngon, nóng hổi, khiến nhiều người mỗi khi qua đây sẵn sàng mở ví cắp theo vài “ổ” về làm quà cho con. Dọc hai bên đường toàn là tiệm bán bánh mỳ. Đi học về qua đây là dạ dày lại nhộn nhạo”… Tôi quyết định ghé thăm Nam Ngạn từ câu chuyện tuổi ấu thơ của anh Hải.
Tiệm bánh mỳ Lý Chiến – một trong số ít những tiệm bánh mỳ còn sót lại ở Nam Ngạn.
Nằm ven triền đê sông Mã, làng bánh mỳ Nam Ngạn giờ đã khác. Cái con đường ngào ngạt hương thơm của những ổ bánh mỳ mà anh Hải kể giờ chỉ còn đọng lại ở một vài tiệm làm bánh. Tôi bắt đầu tác nghiệp ở tiệm bánh Lý Chiến (số 101, đường Trần Hưng Đạo).
Hôm ấy, một chiều đông lạnh giá. Tiệm bánh Lý Chiến vẫn mở cửa như thường lệ. 6 giờ tối, từng dòng người đang vội vã trở về nhà để lo bữa cơm chiều cũng là lúc tiệm bánh mỳ của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến (chủ tiệm Lý Chiến) đông người qua lại nhất.
Đầu giờ tối, nơi đây tấp nập khách đến mua bánh.
Video đang HOT
“Bánh mỳ nóng, bánh mỳ nóng đê” những tiếng mời chào không ngừng cất lên ở cửa tiệm, thoáng chốc, một tốp học sinh dừng chân “cắp” vài ổ bánh mỳ, nhóm công nhân vừa tan ca cũng đã kịp chuẩn bị 1 ổ bánh cho ca làm đêm.
“Tuy chỉ còn lại vài nhà giữ được nghề làm bánh nhưng tiếng tăm của bánh mỳ Nam Ngạn vẫn vang mãi đến giờ. Ở đây, chúng tôi làm bánh vào ban đêm và sáng sớm, còn ban ngày thì tập trung bán bánh đến tận khuya”, anh Chiến tâm sự.
Nói về bánh mỳ Nam Ngạn ngày ấy, anh Chiến kể: “Trước kia, mỗi khi chiều đến thì chắc không có thời gian để trò chuyện như này đâu. Dọc hai bên đường phải đến hàng chục nhà làm bánh mỳ. Ngày ấy làm gì có máy móc như bây giờ, bánh làm xong thường được nướng bằng lò đất thủ công, hơi bánh tỏa ra thơm lừng cả một con đường, nhưng vì làm thủ công nên vất vả lắm”.
Đã từng có truyền thống 3 đời làm bánh mỳ, trải qua những lúc thăng trầm của nghề, duy chỉ có một điều mà anh Chiến cũng như bao người làm bánh ở đây mong muốn đó chính là đưa bánh mỳ Nam Ngạn trở về một thời hoàng kim.
Anh Chiến cho hay, “Giờ có máy móc nên làm bánh rất tiện lại cho năng suất cao, mỗi ngày gia đình tôi làm trung bình khoảng 2 tạ bột mỳ. Bánh mỳ giờ cũng được cải tiến bởi mẫu mã, chất lượng. Gần như các trường học, nhà hàng đều tìm về Nam Ngạn để lấy bánh mỳ, đây là tín hiệu tốt để phát triển hơn nữa bánh mỳ Nam Ngạn”.
Nói rồi anh dẫn tôi tới xưởng làm bánh, những chiếc lò nướng thủ công nay đã được thay thế bằng các lò nướng bánh hiện đại, đảm bảo. Thế nhưng, hồn nghề, hay thậm chí là những người thợ dày dặn kinh nghiệm vẫn còn đó.
Hơn 10 năm làm bánh tại tiệm bánh Lý Chiến, chị Trương Thị Xuyến, chia sẻ: “Giờ làm bánh đỡ vất vả hơn so với ngày trước, đảo bột cũng bằng máy, nướng cũng bằng máy, chỉ có điều công thức lên men và hương bánh mỗi nhà mỗi khác, cũng chính vì thế mà bánh mỳ Nam Ngạn thơm ngon có tiếng đến tận bây giờ”.
Ngoài lưu giữ được làng nghề làm bánh mỳ, mỗi năm ở tiệm bánh của gia đình anh Chiến còn có rất nhiều “học viên” đến từ các huyện trong tỉnh đến đây xin học nghề. “Năm nào cũng vậy, mỗi năm có vài người từ các huyện như Bá Thước, Thường Xuân… đến đây xin học nghề. Vì muốn lưu giữ được hương thơm của nghề làm bánh Nam Ngạn nên chúng tôi chẳng ngần ngại truyền nghề cho các thế hệ sau. Chỉ mong rằng, tương lai sau này, hương thơm của bánh mỳ Nam Ngạn vẫn còn mãi”. Anh Chiến tâm sự.
21h đêm, ông chủ cửa tiệm bánh hạ rèm kết thúc một ngày làm việc. Chúng tôi rời con phố một thời hương bánh mà lòng chất chứa những bâng khuâng, đến bao giờ con phố kia mới trở về một thời hoàng kim ấy, một thời thứ đặc sản mà người ta rất đỗi quen thuộc với tên gọi “thủ phủ bánh mỳ xứ Thanh”.
Theo Thanhhoa
Cốm Mộc quà ngon đất bắc
Cốm là một trong những đặc sản của miền Bắc hay được chọn làm quà biếu mỗi khi có dịp và Mộc chính là sự mộc mạc, giản dị.
Tên quán là sự kết hợp từ những điều thật gần gũi , ấm áp như những món quà vặt đậm ký ức của mỗi người xa xứ.
Những ngày thời tiết giao mùa như thế này, lòng quay quắt nhớ nhiều thứ. Là nhớ những ngày lang thang phố phường Hà Nội, chẳng ai có thể cưỡng lại được hương vị thơm nức mũi của những chiếc bánh gối chiên vàng ruộm bên vỉa hè. Cắn một miếng bánh vỏ giòn rụm, mỏng vừa đủ, thấy miến dai dai, mộc nhĩ giòn giòn, cà rốt rau giá hăng hăng, nấm hương thơm bùi, trứng cút cùng thịt băm ngầy ngậy, thấm đẫm trong tô nước mắm chua cay mặn ngọt tròn vị, đa sắc màu của từng miếng đu đủ xanh, su hào, và cà rốt nhỏ xinh vuông vức. Hay chẳng nhớ nhung nào bằng nhớ hôm nào cùng bạn bè sà vào hàng nộm bò khô chua ngọt, dân dã mà say lòng như đu đủ xanh nạo sợi, rau thơm, lạc rang bùi, điểm từng thớ thịt bò khô nâu sậm cắt miếng, kêu thêm dăm ba các loại nội tạng như dạ dày, lá lách, sụn, gân quay giòn sần sật, bỏ vô tương ớt đỏ tê tê, đảo đều với nước trộn chua ngọt bí truyền.
Và như để chiều lòng người xa xứ, Cốm Mộc cho bạn cảm giác thật gần kiểu "với tay nắm là có nhau rồi" với những buổi trưa vội cùng đồng nghiệp, bạn ghé Cốm Mộc Express (Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM). Món ăn nhanh, đúng vị, tươm tất với giá cả hợp lý dành cho khu vực này. Thực đơn của quán hầu hết là những món đơn giản nhưng đậm vị cổ truyền của 36 phố cổ Hà Nội; món nóng hổi, vừa thổi, vừa xuýt xoa thứ quà vặt giản dị mà luôn được coi là đặc sản của những tín đồ ẩm thực đường phố xứ Hà thành.
Nếu có thời gian hơn, bạn nên đến nhà hàng Cốm Mộc (Q.2, TP.HCM). Quán với kiểu bài trí hiện đại, ấm cúng, mang đến cho thực khách cảm giác như được về nhà. Mà ở đó có món thịt kho tàu hột vịt của mẹ, sóng sánh nước sốt nâu đỏ đậm vị dừa tươi. Thịt ba rọi đủ nạc đủ mỡ, miếng to bằng cổ tay, kho thấm, béo ngậy và mềm tơi như tan trong cuống họng, lăn tăn rồi đượm với gắp cơm trắng nóng hổi, ăn kèm dăm ba quả trứng chín vàng, ngấm đẫm nước sốt thơm ngon tròn vị, có bữa cơm chiều nào lại khiến lòng chợt xuyến xao đến thế. Rồi quên sao được tô canh cua mồng tơi dân dã mà gói trọn cả một thời ấu thơ đầy hoài niệm. Nhớ sao những chiều đi chơi về cùng chúng bạn, sà vào húp trọn tô cơm trắng nóng hổi chan đầy nước canh thanh mát, ngọt bùi vị cua đồng béo ngậy ẩn trong từng tảng gạch bông xốp, ăn kèm rau mồng tơi xanh mướt, tơi mềm. Hương vị mẹ nấu ấy hằn sâu trong kí ức, cả cuộc đời này sẽ mãi chẳng thể quên.
Còn gì hạnh phúc hơn khi được lấp đầy chiếc bụng đói đang reo bởi tô miến ngan nóng hổi. Từng miếng ngan ngọt dai được rải đều trên những sợi miến trong, ăn kèm hành, mùi, rau răm thái nhỏ, dăm ba miếng măng khô vàng ruộm, chan cùng nước dùng thơm lừng đậm vị. Chỉ cần củ hành, miếng gừng nướng sơ, ninh kèm xương ngan với đầu, cổ, cánh, tinh túy của tô miến ngan đã nằm trọn trong nồi nước dùng ngọt nhưng vẫn thanh nhẹ vô cùng. Chiều chiều, bất giấc thèm những ổ bánh mì vàng ruộm giòn tan nóng hổi, kẹp cùng đôi quả trứng gà ta béo ngậy đánh tan cùng rau ngải cứu ngai ngái rán vàng, dậy mùi thơm phức, đậm đà chút tương ớt cay nồng, ăn kèm ít rau mùi và dưa leo thái miếng thanh mát. Chỉ cần cắn một miếng nhỏ thôi cũng đủ để vuốt ve vị giác của bất kỳ tín đồ ẩm thực nào.
Món ăn của Cốm Mộc mang tới cho thực khách sự thân thuộc, giản dị, mộc mạc. Từ đó biết đến cái tình, cái nghĩa, một sự gắn kết rất Hà Nội... Và điều đặc biệt nhất, như siêu mẫu Vương Thu Phương - chủ quán chia sẻ: mẹ Phương chính là "bếp trưởng" của Cốm Mộc, tận tay chọn những nguyên liệu, gia vị và tư vấn tất tần tật về những món ăn và cách tạo nên một món ăn chuẩn vị bắc. Và điều làm nên điều khác biệt của Cốm Mộc so với các quán ẩm thực đất bắc khác có lẽ là cảm nhận của mỗi người nếu đến đây bạn sẽ nhận ra cả một trời tuổi thơ đang ùa về với đầy đủ hương vị ấm áp gợi nhớ một miền kí ức.
Đến Cốm Mộc để trải nghiệm cảm giác như ở nhà với các món ăn chuẩn vị bắc
Theo Thanhnien
Về Cà Mau ăn cá thòi lòi Nhiều du khách rất có lý khi cho rằng về Cà Mau mà không biết đặc sản cá thòi lòi nướng muối ớt là thiệt thòi lớn, bởi món này không chỉ ngon, lạ miệng, mà còn bổ dưỡng và hiếm hoi ở nhiều địa phương. Cá thòi lòi nướng muối ớt Cá thòi lòi thường sống nơi các bãi bồi cạnh mé...