Chiều cao và vấn đề sức khỏe
Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người cao ráo không hẳn được tạo hóa ưu đãi như chúng ta vẫn tưởng.
Nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention phát hiện mối tương quan đáng ngạc nhiên giữa chiều cao với nguy cơ ung thư ở những phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Theo đó, người càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng lớn.
Ở chừng mực nào đó, người có chiều cao vượt trội đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn so với người có chiều cao trung bình – Ảnh: Shutterstock
Các chuyên gia đã phân tích tình trạng sức khỏe của hơn 20.900 phụ nữ tuổi từ 50 đến 79, tham gia vào cuộc nghiên cứu mang tên Sáng kiến sức khỏe phụ nữ (WHI), nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Các nhà nghiên cứu chia họ thành 5 nhóm, dựa trên chiều cao, bắt đầu từ những người thấp hơn 1 m 55, và kết nối chiều cao với dữ liệu về tỷ lệ mắc ung thư. Nhóm chuyên gia phát hiện với mỗi 10 cm tăng thêm về chiều cao, nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư khác nhau cũng đồng thời tăng 13%. Khi nhìn vào tổng thể, các nhà khoa học cho biết phụ nữ cao ráo đối mặt với nguy cơ cao hơn từ 13-17% phát ung thư ác tính, ung thư vú, buồng trứng, màng trong dạ con và ruột kết. Đồng thời, nguy cơ ung thư thận trực tràng, tuyến giáp và ung thư máu cũng cao hơn từ 23-29%. Tất cả các dạng ung thư đều cho thấy sự liên quan rõ ràng với chiều cao của đối tượng. Không có phụ nữ cao ráo nào cho thấy nguy cơ ung thư thấp hơn so với những người có chiều cao trung bình.
Ảnh minh họa
Trong khi mối liên hệ trên có vẻ hơi bất thường, các cuộc nghiên cứu trước đây cũng cho kết quả tương tự. Giới chuyên gia lý giải rằng có thể ở mức độ cơ bản nhất, người to cao hơn người khác sẽ sở hữu số lượng tế bào và mô nhiều hơn, từ đó xác suất tế bào phát triển bất thường và biến thành ác tính cũng tăng theo. Bên cạnh đó, một số quá trình thúc đẩy sự tăng trưởng cơ thể, đóng góp vào quá trình gia tăng chiều cao, cũng có thể tạo đà phát triển của các khối u. “Cuối cùng, ung thư là kết quả của các quá trình có liên quan đến quá trình phát triển chiều cao, do đó hoàn toàn hợp lý khi cho rằng các hormone hoặc những yếu tố tăng trưởng khác ảnh hưởng đến chiều cao cũng đồng thời tác động đến nguy cơ ung thư”, theo chuyên gia Geoffrey Kabat của Đại học Yeshiva tại New York (Mỹ).
Một số yếu tố chung thường thấy nhiều khả năng nằm ở gien di truyền, trong khi các yếu tố khác có thể liên quan đến môi trường sống và điều kiện dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời. Tất nhiên, chuyên gia Rohan và đồng sự khẳng định rằng cuộc nghiên cứu trên không nhằm xác định rằng cứ cao hơn người là có nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học cho hay họ phát hiện được sự tương quan, chứ không phải là mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Video đang HOT
Theo Thanhnien
10 nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao
Chậm dậy thì, chậm tăng trưởng trong tử cung, thiếu nội tiết tố tăng trưởng... là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ chậm phát triển chiều cao.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP HCM, khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 nêu ra một số nguyên nhân phổ biến:
Di truyền, lùn có tính gia đình
Con cái là sự phản ánh của bố mẹ. Bố mẹ thấp thường con cũng có chiều cao dưới trung bình và ngược lại. Chiều cao khi trưởng thành của trẻ có thể tính được từ chiều cao trung bình của cha mẹ.
Chậm tăng trưởng do thể tạng, còn gọi là chậm dậy thì
Trẻ chậm tăng trưởng vào giai đoạn trước dậy thì thường thấp hơn các bạn cùng lớp. Tuy nhiên trẻ sẽ đạt được chiều cao bình thường khi trẻ kết thúc giai đoạn dậy thì.
Chậm tăng trưởng trong tử cung
10% không bắt kịp chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con bạn sinh non, nhẹ cân và không đạt được chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Một số trẻ có thể cần phải điều trị để đạt được chiều cao bình thường.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ảnh: ottawagymnasticscentre
Suy dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Can thiệp về dinh dưỡng sẽ cải thiện chiều cao cho trẻ.
Bệnh mạn tính
Một số trẻ có bệnh lý suy gan, suy thận... có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất. Điều trị tốt bệnh lý nền có thể cải thiện sự tăng trưởng về thể chất cho trẻ.
Sang chấn về tâm lý
Trẻ bị ngược đãi, lạm dụng... có thể bị ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trẻ cần có một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh để đạt được sự tăng trưởng tốt.
Bất thường nhiễm sắc thể
Hội chứng Turner, gặp ở trẻ nữ có bất thường nhiễm sắc thể (45XO), đôi khi trẻ có hình dáng bên ngoài bình thường nhưng chậm tăng trưởng. Khi trẻ lớn hơn sẽ có các vấn đề về hệ sinh dục như vô kinh, không dậy thì...Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ cho trẻ.
Loạn sản sụn và xương
Trẻ thường có vẻ bề ngoài thất thường, chân ngắn, tay ngắn, cổ tay, cổ chân bè, hộp sọ bất thường...
Nguyên nhân nội tiết
- Thiếu nội tiết tố tăng trưởng: Khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích nội tiết tố tăng trưởng không đủ, dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
- Suy tuyến giáp: Khi cơ thể tiết không đủ nội tiết tố tuyến giáp, chậm tăng trưởng có thể xảy ra bởi vì những nội tiết tố này tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng và chuyển hóa.
- Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể gây chậm tăng trưởng như hội chứng cushing, tiếp xúc với hormon sinh dục nam ngoại sinh, tăng sinh thượng thận bẩm sinh, dậy thì sớm...
Tuy nhiên cũng có một số trẻ không xác định được nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao. Những trẻ như vậy gọi là lùn vô căn.
Theo bác sĩ Quỳnh, đa phần các trường hợp chậm tăng trưởng ở trẻ đều có thể khắc phục được. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên nhân sẽ góp phần cải thiện đáng kể chiều cao cho trẻ. Bố mẹ cần theo dõi và lưu giữ biểu đồ tăng trưởngcủa trẻ, nếu sự phát triển của trẻ không đảm bảo, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ kịp thời.
Lê Phương
Theo VNE
Chiều cao Thước đo đánh giá sự phát triển của trẻ Sự phát triển toàn diện của trẻ được hiểu là sự kết hợp hài hòa cả về thể chất và trí tuệ. Trong đó, về thể chất, cùng với cân nặng, chiều cao là yếu tố quan trọng và chuẩn chiều cao vì thế trở thành một thước đo hữu hiệu đánh giá sự phát triển của trẻ. 54% phụ huynh chưa hiểu...