Chiến tranh thương mại chưa là gì, lệnh cấm Huawei của Mỹ mới thực sự nguy hiểm cho toàn cầu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến công nghệ mạng 5G có thể kéo dài dai dẳng và để lại những hệ lụy nguy hiểm hơn cả việc áp đặt thuế quan trong chiến tranh thương mại.
Danh sách đen của Mỹ có thể coi là bước leo thang lớn nhất của chính quyền Trump kể từ khi xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây cũng là động thái của Washington nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ.
Nhưng đứng dưới góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm của ông Trump đối với Huawei và những tác động đối với sự phát triển của mạng 5G sẽ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả thuế quan đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn đã trở nên căng thẳng từ lâu nay lại thêm phần khốc liệt hơn khi Mỹ đã quyết định đánh vào những lĩnh vực trọng điểm của khác của Trung Quốc ngoài kinh tế, đó là công nghệ.
Sau khi đưa công ty này vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ cách đây gần 2 tuần, Mỹ đang có ý định sẽ đưa nhiều công ty khác của Trung Quốc vào tầm ngắm, trong đó có công ty chuyên sản xuất camera quan sát lớn nhất thế giới Hikvision.
Sở dĩ Huawei và ZTE đều trở thành mục tiêu đầu tiên của Mỹ bởi đây là những công ty đang nắm trong tay nhiều công nghệ quan trọng và có thể đe dọa vị thế của Mỹ trên thị trường công nghệ.
Do không có sự chuẩn bị kỹ, ZTE buộc phải chấp nhận chịu phạt gần 1 tỷ USD vì vi phạm thỏa thuận liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên. Công ty thậm chí còn phải thay đổi nhân sự ban lãnh đạo và chịu sự kiểm soát từ một giám sát viên chính phủ Mỹ chỉ để nhận được cái gật đầu đồng ý cho tiếp tục mua linh kiện từ các công ty Mỹ.
Nhưng đó là với ZTE, trường hợp của Huawei lại rất khác vì nó còn liên quan đến nhiều lợi ích khác của Mỹ. Nhà kinh tế Carl Tannenbaum đến từ hãng dịch vụ tài chính Northern Trust, Mỹ cho rằng, chính công nghệ 5G là nguyên nhân khiến Mỹ phải ra tay trước nhằm kìm chân đối thủ. Công nghệ mạng 5G đang được coi là tương lai của ngành công nghiệp nên tất cả các nước đều muốn dẫn đầu trong công nghệ này.
Tannenbaum cho rằng, 5G chính là chìa khóa để Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế. Do đó việc “bắt chết” Huawei trong lúc này cũng là cách để tước đoạt đi chìa khóa đó của Trung Quốc trước khi họ kịp có nó.
Video đang HOT
Chỉ mới tuần trước, cựu chiến lược gia Nhà Trắng, ông Steve Bannon có chia sẻ với tờ South China Morning Post về việc “đuổi” Huawei khỏi Mỹ và Châu Âu là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hơn gấp chục lần so với một thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc. Ông từng nhiều lần bày tỏ mối quan ngại liên quan đến sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên toàn cầu.
Cấm Huawei có thể làm chậm quá trình triển khai mạng 5G trên toàn cầu và để lại những hệ lụy khôn lường
Dữ liệu từ Jefferies Group cho biết, Huawei đang lấy nguồn cung linh kiện từ 22 nhà cung cấp tại Mỹ và điều này cho thấy, hãng công nghệ Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ của nước ngoài. Đó là lý do các chuyên gia lo ngại lệnh cấm có thể làm tê liệt chuỗi cung ứng, tạo sóng gió trên thị trường toàn cầu và làm chậm sự phát triển của công nghệ nói chung.
Về phần Huawei, sáng lập gia Nhậm Chính Phi khẳng định công nghệ mạng 5G của hãng sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm trên do Huawei đã có sự chuẩn bị từ trước. Thậm chí ông Nhậm còn nhấn mạnh về việc công nghệ của Huawei đã đi trước các đối thủ từ 2-3 năm.
Tất nhiên ông Nhậm cũng thẳng thắng thừa nhận, lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng một phần nào đó đến Huawei. Nhưng đây cũng là cơ hội để đánh giá năng lực và kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Sundeep Gantori thuộc hãng nghiên cứu UBS Research, Huawei là một trong những hãng công nghệ đi đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mạng 5G. Do vậy sẽ rất khó để các đối thủ có thể bắt kịp với hãng ngay lúc này. Chính bởi lẽ đó, nếu Huawei gặp khó khăn và phải tạm dừng triển khai mạng 5G, sự chậm trễ sẽ lan tỏa ra khắp ngành công nghiệp.
Nhà phân tích Yao đến từ công ty bảo hiểm AXA cho rằng, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục vận động các đồng minh của mình sớm tẩy chay công nghệ 5G của Huawei. Điều này rõ ràng đang gây áp lực lớn lên cả Huawei và các công ty Trung Quốc khác.
Nhưng nếu lệnh cấm kéo dài quá lâu, nó có thể là một đòn phản “damage” cực mạnh đối với nước Mỹ và cả thế giới vì công nghệ mạng 5G sẽ tiếp tục bị trì hoãn vì cho đến nay chưa có công ty nào đủ sức qua mặt Huawei về năng lực triển khai thiết bị viễn thông, đặc biệt là mạng 5G mới.
Hiện tại Huawei và Google đang tích cực bàn thảo để tìm cách giải quyết vấn đề sao cho ổn thỏa nhất giữa hai bên. Cách đây không lâu, tổng thống Trump cũng gợi mở về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm nếu tìm được lợi ích cho nước Mỹ trên bàn đàm phán với Trung Quốc.
Theo VN Review
Bloomberg: Mỹ diệt Huawei, chiến tranh lạnh công nghệ bùng nổ
Trên Bloomberg, nhà phân tích Tim Culpan nhận định với việc Google và các công ty Mỹ 'chia tay' Huawei, 'chiến tranh lạnh công nghệ' Mỹ - Trung đã thực sự bùng nổ.
Sau khi Google tuyên bố đình chỉ các hoạt động kinh doanh với Huawei (bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chính), đến lượt các nhà sản xuất chip như Qualcomm Inc., Xilinx Inc. and Broadcom Inc. thông báo ngừng cung cấp linh kiện cho công ty Trung Quốc.
Trên thực tế, trước đây kịch bản tương tự cũng từng xảy ra với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE Corp. Do vi phạm lệnh cấm vận Iran, ZTE bị cấm mua các sản phẩm Mỹ. Lệnh cấm vận của chính quyền Washington đẩy ZTE đến bờ vực của sự sụp đổ trước khi được dỡ bỏ khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại.
Bloomberg News cho biết một năm trước, Huawei đã lường trước nguy cơ bị Mỹ cấm vận và đã chuẩn bị kho linh kiện có thể dùng trong ít nhất 3 tháng. Điều đó cho thấy nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới hiểu rõ nguy cơ mà hãng này phải đối mặt lớn đến mức nào.
Huawei đối mặt với vô số khó khăn khi bị Mỹ cấm vận. Ảnh: Getty Images.
Hồi đầu tháng 5, hãng Counterpoint Research cho biết trong quý I/2019, doanh số điện thoại thông minh của Huawei lên tới 59,1 triệu máy, chiếm 17% thị phần toàn cầu, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Huawei vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.
Ngoài ra, Huawei cũng được đánh giá là nhà phát triển công nghệ 5G hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với chiếc "vòng kim cô Tôn Ngộ Không" mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump úp lên đầu, Huawei không còn cửa thực hiện tham vọng chiếm ngôi bá chủ làng di động toàn cầu, như nhận định của giới chuyên gia công nghệ và thương mại.
Vẫn còn một khả năng nhỏ là Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại và đạt được một thỏa thuận. Khi đó, "vòng kim cô" trên đầu Huawei sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhà phân tích Culpan cho rằng kể cả vậy, chính quyền Trung Quốc cũng sẽ xác định rằng nước này không thể dựa vào công nghệ Mỹ.
Ông dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ đổ tiền ồ ạt để Huawei và các công ty công nghệ nội địa khác phát triển hệ điều hành điện thoại di động riêng, thiết kế chip riêng, phát triển công nghệ bán dẫn... và áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ riêng.
Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ đổ tiền để Huawei phát triển hệ điều hành điện thoại riêng.
Nhà phân tích Culpan cho rằng khi đó, một "bức màn sắt (Iron Curtain) kỹ thuật số" sẽ hình thành, chia rẽ thế giới thành hai khu vực công nghệ hoàn toàn riêng biệt.
Tất nhiên Trung Quốc không dễ làm được điều này. Một phiên bản Trung Quốc của hệ điều hành Android sẽ không xứng "xách dép" cho hệ điều hành do Google phát triển. Chip viễn thông "Made in China" chắc chắn thua xa sản phẩm của Qualcomm và Xilinx về chất lượng.
"Nhưng chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận thất bại. Họ sẽ bơm tiền để đảm bảo ngành công nghiệp này thành công, và sẽ đốt rất nhiều tiền. Tiền không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng qua thời gian, ngân sách Trung Quốc sẽ chinh phục được các thách thức để đảm bảo sản phẩm nội địa dùng được, dù không so sánh được với công nghệ Mỹ", nhà phân tích Culpan dự báo.
"Vậy là chiến tranh lạnh công nghệ đã bùng nổ. Chiến thắng sẽ không thuộc về bên có lực lượng thiện chiến nhất, mà thuộc về bên có khả năng chịu đựng cơn đau thất bại trong thời gian dài", ông Culpan nhấn mạnh.
Theo Zing
Phụ thuộc quá nhiều vào đối tác Trung Quốc, Apple có thể đang tự hại chính mình Bất chấp chiến tranh thương mại đang căng thẳng, Apple vẫn cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào các nhà sản xuất và cung ứng Trung Quốc. Lần đầu tiên, số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc và Hồng Kông của Apple đang nhiều hơn cả các đối tác Mỹ và Nhật Bản. Sự gia tăng nhanh chóng của các hãng...